Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm hy vọng được đặt nền tảng trong Lời Người

TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm hy vọng được đặt nền tảng trong Lời Người

‘Thiên Chúa luôn vững lòng trong tình yêu của Người dành cho chúng ta, Người không mệt mỏi khi yêu thương chúng ta! Người rất vững lòng: Người luôn yêu thương chúng ta!’
22 tháng Ba, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm hy vọng được đặt nền tảng trong Lời Người
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9.30 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ Ý và khắp thế giới.
Trong bài giảng huấn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy niệm vào chủ đề: “Niềm Hy Vọng Được Đặt Nền Tảng Trong Lời Người” (x. Rm 15:1-2.4-5).
Sau phần tóm lược bài giáo huấn bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài mời gọi mọi người sống theo sắp xếp ngày 23 – 24 tháng Ba, “24 giờ cho Thiên Chúa,” để tái khám phá Bí tích Hòa giải.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài giáo huấn của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong mấy tuần qua, Thánh Tông đồ Phao-lô đã giúp chúng ta hiểu hơn về niềm hy vọng của người Ki-tô hữu. Và chúng ta nói rằng đó không phải là chủ nghĩa lạc quan, nó là một điều khác. Và Thánh Tông đồ giúp chúng ta hiểu được điều này. Hôm nay ngài cũng làm như vậy bằng cách tiếp cận nó bằng hai thái độ quan trọng cho trải nghiệm cuộc sống và đức tin của chúng ta: “vững lòng” “an ủi” (cc. 4.5). Các cụm từ này được nhắc đến hai lần trong trích đoạn của Thư gửi tín hữu Rô-ma mà chúng ta vừa nghe: đầu tiên nói về Kinh thánh và sau đó nói về chính Thiên Chúa. Vậy ý nghĩa sâu sắc nhất, chân thật nhất của chúng là gì? Và nó tỏa ánh sáng trên thực tại của hy vọng theo cách nào? Hai thái độ này: vững lòng và an ủi.
Chúng ta có thể miêu tả sự vững lòng như là sự bền gan: nó là khả năng chịu đựng, mang vác trên vai của một người, “hỗ trợ,” để giữ vững lòng trung thành, thậm chí cả khi gánh nặng dường như quá lớn, không thể mang, và chúng ta bị cám dỗ kết án một cách tiêu cực và loại bỏ mọi thứ và mọi người. Ngược lại, An ủi, là một ơn sủng có thể đón nhận và thể hiện trong mọi tình huống, ngay cả trong những lúc mang dấu ấn nặng nề của sự chán nản và đau khổ, sự hiện hữu ủi an và hành động của Thiên Chúa. Bây giờ Thánh Phao-lô nhắc chúng ta nhớ rằng đặc biệt Kinh Thánh, cụ thể là Tân Cựu Ước, truyền tải cho chúng ta sự vững lòng và an ủi (c. 4). Quả thật, ngay từ đầu, Lời Chúa dẫn đưa cái nhìn của chúng ta hướng về Chúa Giê-su, hiểu Ngài rõ hơn và được biến đổi trở nên giống Ngài, trở nên giống Ngài hơn bao giờ hết. Thứ hai, Lời Người tỏ lộ cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực sự là “Thiên Chúa của sự vững lòng và ủi an” (c. 5), Người luôn trung tín với tình yêu của Người cho chúng ta, tức là Người luôn vững lòng trong tình yêu của Người cho chúng ta, Người không mệt mỏi khi yêu thương chúng ta! Người rất vững lòng: Người luôn yêu thương chúng ta! Và Người chăm sóc chúng ta, băng bó những vết thương của chúng ta bằng sự chăm sóc của lòng nhân hậu và thương xót của Người, nghĩa là, Người an ủi chúng ta. Người cũng không mệt mỏi khi an ủi chúng ta.
Cũng trên cách nhìn này là lời khẳng định ban đầu của Thánh Tông đồ: “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (c.1). Cách nói “chúng ta những người có đức tin vững mạnh” có vẻ quá tự tin, nhưng, theo luận lý của Tin mừng, chúng ta biết rằng nó không phải như vậy, quả thật, nó còn trái ngược  lại, vì sức mạnh của chúng ta không đến từ chính bản thân mình, nhưng từ Thiên Chúa. Một người trải nghiệm trong cuộc sống tình yêu tín trung của Thiên Chúa và sự an ủi của Ngài phải có bổn phận gần gũi với những anh em yếu đuối hơn chúng ta và nâng đỡ sự yếu đuối của họ. Nếu chúng ta gần gũi với Thiên Chúa chúng ta sẽ có sức mạnh đó để gần gũi với những người yếu đuối nhất, những người thiếu thốn nhất và để an ủi họ và truyền cho họ sức mạnh. Đây là ý nghĩa của nó. Chúng ta có thể làm điều này không phải làm hài lòng bản thân nhưng là để cảm nhận bản thân chúng ta như là một “kênh” truyền tải những ân ban của Thiên Chúa; và từ đó thực sự trở nên một “người gieo mầm” hy vọng. Đây là điều Thiên Chúa yêu cầu nơi chúng ta, với sức mạnh và khả năng an ủi và là những người gieo mầm hy vọng như vậy. Và hôm nay rất cần thiết phải biết gieo mầm hy vọng, nhưng điều đó không dễ …
Kết quả của cách sống như vầy không tạo ra một cộng đoàn trong đó một số người là “nhóm A,” tức là những người mạnh mẽ, và những người khác thuộc “nhóm B”, là những người yếu đuối. Nhưng ngược lại, như Thánh Phao-lô nói, kết quả là “sống đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi” (c. 5). Lời Chúa nuôi dưỡng một niềm hy vọng được thể hiện cụ thể qua việc chia sẻ, qua sự phục vụ lẫn nhau. Vì ngay cả một người “vững mạnh” một lúc nào đó cũng cảm thấy mình yếu đuối và cần sự an ủi của người khác, và ngược lại, trong sự yếu đuối chúng ta vẫn có thể luôn có nụ cười hay một bàn tay đưa ra cho một người anh em đang gặp khó khăn. Và chính một cộng đoàn như vậy sẽ “đồng thanh hiệp ý mà tôn vinh Thiên Chúa” (c. 6). Tuy nhiên, tất cả mọi việc này chỉ có thể xảy ra nếu Đức Ki-tô và Lời Người được đặt vào trung tâm, vì Người là “sức mạnh. Ngài là người ban cho chúng ta sức mạnh, ban cho chúng ta sự kiên nhẫn, ban cho chúng ta niềm hy vọng, ban cho chúng ta sự ủi an. Ngài là một “người anh mạnh mẽ,” người chăm sóc cho mỗi người chúng ta: quả thật, tất cả chúng ta đang rất cần được vác trên vai của Người Mục Tử Nhân Lành và cảm nhận được bảo bọc bởi lòng nhân hậu và cái nhìn đầy quan tâm của Ngài.
Anh chị em thân mến, chúng ta chẳng bao giờ có thể tạ ơn Thiên Chúa cho đủ vì ơn sủng của Lời Người, được thể hiện trong Kinh Thánh. Chính trong đó mà Chúa Cha của Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta được tỏ lộ là “Thiên Chúa của sự vững lòng và an ủi.” Và chính ở đó chúng ta nhận ra rằng niềm hy vọng của chúng ta không được đặt nền móng trên những khả năng và sức mạnh của chúng ta, nhưng đặt trên sự hỗ trợ và sự trung tín của tình yêu của Người, nghĩa là, dựa trên sức mạnh và sự ủi an của Người. Xin cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Tiếng Ý
Anh chị em hành hương nói tiếng Ý thân mến, xin chào mừng anh chị em! Tôi xin chào các vị tham dự cuộc họp Migrantes (Người Di cư) dành cho những Nhà Quản lý và tôi khuyến khích họ tiếp tục cam kết của mình đón nhận và thể hiện tình hiếu khách cho những người phải di tản và người tị nạn, thăng tiến sự hội nhập cho họ, quan tâm đến quyền và trách nhiệm lẫn nhau của người đón nhận và người được đón nhận. Chúng ta không quên rằng vấn đề này hiện nay đối với người tị nạn và di cư là thảm kịch lớn nhất kề từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Cha xin chào các bạn trẻ bị Hội Chứng Down của Giáo phận Ascoli Piceno và nhóm công nhân của Bathing Syndicate của Ý, của nhóm Fruit Imprese và của Accenture Services.
Một lời chào đặc biệt xin gửi đến những bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Thứ Bảy tới chúng ta sẽ Mừng Trọng thể Lễ Truyền tin. Các bạn trẻ thân mến, hãy lắng nghe Thánh ý của Thiên Chúa như Mẹ Maria; anh chị em bệnh nhân thân yêu, đừng ngã lòng trong những thời khắc khó khăn, vì biết rằng Thiên Chúa không trao một thập giá vượt ngoài sức chịu đựng của con người; và chúng con, những đôi uyên ương mới, hãy xây dựng đời sống hôn nhân trên đá tảng vững chắc của Lời Chúa.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Tôi mời gọi tất cả các cộng đoàn sống đức tin với sự thống nhất ngày 23 và 24 tháng Ba, “24 giờ cho Thiên Chúa,” để tái khám phá Bí tích Hòa giải. Tôi hy vọng rằng năm nay thời khắc ơn sủng đặc biệt này của hành trình Mùa Chay được thực hiện trong nhiều nhà thờ để trải nghiệm sự gặp gỡ mừng vui của lòng thương xót của Chúa Cha, Người đón nhận và tha thứ tất cả.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/03/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét