Đức Thánh Cha Phanxico: thuộc địa hóa về văn hóa dẫn đến bách hại
Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ thường ngày tại nhà nguyện Thánh Marta.
21/11/2017 13:11
(Vatican Radio) Sự thuộc địa hóa về văn hóa và hệ tư tưởng không khoan dung những khác biệt và bắt buộc mọi thứ phải trở nên đồng nhất, sẽ dẫn đến kết quả là sự bách hại đối với các tín hữu. Đó là những phản ánh của Đức Thánh Cha Phanxico trong bài giảng Lễ sáng tại nhà nguyện Thánh Marta, trọng tâm nói về sự tử đạo của E-la-da, được tường thuật trong sách Ma-ca-bê của Bài Đọc Một (Mc 6: 18-31).
Đức Thánh Cha phân tích rằng có ba hình thức bách hại chính: bách hại thuần túy vì tôn giáo; một hình thức bách hại “kết hợp” xuất phát từ động lực vừa tôn giáo vừa chính trị, chẳng hạn Cuộc Chiến Ba Mươi Năm hoặc Ngày Tàn sát Thánh Ba-tô-lô-mê-ô; và một hình thức bách hại văn hóa, khi một văn hóa mới xuất hiện muốn “biến tất cả mọi thứ trở nên mới và quét sạch mọi điều: văn hóa, lề luật và tôn giáo của một dân tộc.” Chính loại bách hại cuối cùng này đã dẫn đến sự tử đạo của E-la-da.
Trình thuật của cuộc bách hại này bắt đầu trong bài đọc của Phụng vụ hôm Thứ Hai. Một số người Do thái, nhìn thấy uy quyền và vẻ đẹp huy hoàng của Antiochus Ephiphanes (một hoàng đế Hy lạp của Đế quốc Seleucid Empire), muốn kết thân với ông ta. Họ muốn đổi mới và trở nên hiện đại, vì thế họ đến với hoàng đế và xin ông ta cho phép họ “du nhập những lối sống ngoại giáo vào các dân tộc khác” ở giữa dân tộc của họ. Đức Thánh Cha phân tích rằng không phải là các tư tưởng hay thần của các dân tộc đó, nhưng là những lối sống. Bằng cách này, dân tộc này du nhập vào một kiểu văn hóa mới, “lối sống mới” để quét sạch mọi thứ: “văn hóa, tôn giáo, lề luật” của họ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh, sự hiện đại hóa, cách đổi mới mọi thứ này là một kiểu thuộc địa hóa hệ về tư tưởng thật sự muốn áp đặt “lối sống duy nhất này” trên dân tộc Israel, theo đó mọi việc đều phải được thực hiện theo một lối nào đó, và không có tự do cho bất kỳ điều gì. Một số người chấp nhận nó vì họ thấy có vẻ tốt khi mọi người đều giống nhau; và vì thế các truyền thống bị gạt sang một bên, và người ta bắt đầu sống theo một lối sống khác.
Để bảo vệ cho “những truyền thống tốt đẹp” của dân tộc, một sức kháng cự nổi lên, giống như trường hợp của ông E-le-da, một người rất đáng kính và được tất cả người dân trọng vọng. Đức Thánh Cha nói, sách Mác-ca-bê kể câu chuyện của những vị tử đạo này, những người anh hùng. Sự bách hại bắt đầu tự sự thuộc địa hóa về văn hóa luôn luôn diễn tiến theo cùng một cách: phá hủy, cố gắng biến mọi người trở nên đồng nhất. Những hình thức bách hại như vậy không bao giờ khoan dung với những khác biệt.
Cụm từ chính được Đức Thánh Cha làm nổi bật lên, bắt đầu từ bài đọc hôm Thứ Hai là “mầm mống trụy lạc” – đó chính là Antiochus Epifanes: mầm mống đem du nhập lối sống mới của ngoại giáo và thế gian vào trong dân Chúa “bằng sức mạnh”:
“Và đây là lối đi của sự thuộc địa hóa về văn hóa và kết cục dẫn đến việc bách hại tín hữu. Và chúng ta không cần phải đi đâu xa để tìm một số ví dụ: chúng ta hãy nghĩ đến những cuộc diệt chủng của thế kỷ trước, đó là một điểm văn hóa mới: [Nó cố gắng biến] mọi thứ trở nên đồng nhất; [để] không còn chỗ đứng cho những sự khác biệt, không còn chỗ đứng cho những người khác, không còn chỗ cho Thiên Chúa. Nó là mầm mống của sự trụy lạc. Đứng trước sự thuộc địa hóa về văn hóa này, nổi lên từ tính đồi trụy của một gốc hệ tư tưởng, E-la-da đã trở thành [một nguồn cội đối chọi].
Quả thật, cái chết của E-la-da để lại những suy nghĩ cho giới trẻ, để lại cho họ một mẫu gương cao quý. “Ông đã hy sinh mạng sống; vì yêu Chúa và vì lề luật mà ông trở thành nguồn cội cho tương lai.” Vì thế, trước mầm mống trụy lạc sinh ra từ sự thuộc địa hóa về hệ tư tưởng và văn hóa này, “có một nguồn cội khác đã hy sinh mạng sống để cho mầm sống tương lai phát triển.”
Đức Thánh Cha Phanxico nói những gì du nhập từ vương quốc Antioch là một sự mới lạ. Nhưng không phải tất cả mọi sự mới lạ đều là xấu: hãy nghĩ đến Tin mừng của Chúa Giê-su, đó là sự mới lạ. Đức Thánh Cha nói, khi đối diện với những điều mới lạ, chúng ta phải có khả năng phân biệt:
“Cần phải có sự nhận thức rõ ràng về ‘những điều mới lạ’: điều mới lạ đó có phải từ Thiên Chúa đến hay không, có phải nó đến từ Thánh Thần hay không, nó có cội nguồn nơi Thiên Chúa hay không? Hay sự mới lạ này đến từ một mầm mống trụy lạc? Ví dụ, trước đây giết trẻ em bị xem là một tội; nhưng ngày nay nó không còn là vấn đề, đó là sự mới lạ của trụy lạc. Trong quá khứ, những khác biệt được phân định rất rõ, như Thiên Chúa đã ấn định, tạo vật được tôn trọng; nhưng ngày nay [người ta nói rằng] chúng ta đã trở nên hiện đại đại hơn … cách anh hành động … cách anh hiểu … mọi thứ không có gì khác biệt nhiều … nhưng mọi thứ đã bị trộn lẫn với nhau.”
Ngược lại, “những sự mới lạ” của Thiên Chúa không bao giờ là “một sự thỏa hiệp” nhưng phát triển và hướng về tương lai:
“Những sự thuộc địa hóa về hệ tư tưởng và văn hóa chỉ nhìn vào hiện tại; chúng phủ nhận quá khứ, và không hướng về tương lai. Chúng sống trong hiện tại, không phải sống với thời gian, và vì thế chúng không thể hứa hẹn cho chúng ta điều gì. Và với hành động biến tất cả mọi người trở nên đồng nhất và xóa bỏ tất cả mọi sự khác biệt, chúng cam kết, chúng tạo ra một sự xúc phạm vô cùng tồi tệ chống lại Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng. Mỗi khi một sự thuộc địa hóa về văn hóa và hệ tư tưởng nổi lên, nó gây ra tội chống lại Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng vì nó muốn thay đổi Tạo vật khác với những gì đã được Ngài tạo tác. Và để chống lại thái độ đã rất thường xảy ra trong quá khứ này, chỉ có một liều thuốc giải duy nhất: làm chứng tá; nghĩa là, sự tử đạo.
Quả thật, E-le-da đã làm chứng tá bằng việc hy sinh mạng sống, suy nghĩ về gia tài ông để lại qua tấm gương của ông: “Tôi đã sống như vậy. Vâng, tôi đã đối thoại với những người có suy nghĩ ngược lại, nhưng chứng tá của tôi là vậy, theo lề luật của Chúa.” E-le-da không nghĩ đến việc để lại tiền bạc hay bất cứ thứ gì tương tự như vậy, nhưng nghĩ đến tương lai, đến “gia tài của chứng tá của ông,” đến chứng tá sẽ trở thành “một lời hứa đầy hoa trái cho lớp người trẻ.” Vì thế, nó sẽ trở thành một nguồn cội trao tặng sự sống cho người khác. Và Đức Thánh Cha kết luận với hy vọng rằng tấm gương đó “sẽ giúp chúng ta trong những lúc bối rối khi đối diện sự thuộc địa hóa về văn hóa và tinh thần đang bày ra trước mặt chúng ta.”
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/11/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét