Đức Thánh Cha Phanxico: nếu anh em muốn lòng thương xót, hãy biết nhận mình là những tội nhân
Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ, 21 tháng Chín, 2017
21/09/2017 13:21
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha giảng trong Thánh Lễ thứ Năm – Lễ Thánh Mát-thêu Tông đồ Thánh sử – trong nhà nguyện Thánh Marta ở Vatican.
Trong phần giảng sau các Bài đọc trong ngày, trong đó có chính trình thuật của Thánh Mát-thêu miêu tả sự trở lại của ngài và tiếng gọi làm tông đồ, Đức Thánh Cha tập trung vào ba giai đoạn của trình thuật: lời gọi, tiệc mừng và những sự tai tiếng.
Chúa Giê-su vừa chữa lành một người bại liệt thì Người gặp Mát-thêu – một người thu thuế, tức là một nhân vật bị xã hội Do thái khinh miệt và bị coi là kẻ phản bội quê hương và dân tộc – đang ngồi tại bàn thu thuế.
Chúa Giê-su nhìn ông và nói, “Hãy theo tôi,” và Mát-thêu đứng dậy và đi theo Người
Tiếng gọi là bức họa nổi tiếng cảnh này của Caravaggio, Đức Thánh Cha Phanxico nói đến “cái nhìn thiếu cảm tình” của Mát-thêu với một mắt thì nhìn Đấng Cứu Thế còn mắt kia thì nhìn vào cái túi của mình: một cái nhìn thậm chí cảnh giác, nếu không nói là hoàn toàn mang tính gây hấn. Rồi, với cái nhìn đầy lòng thương xót của Chúa Giê-su chuyển tải tình yêu quá mạnh đến mức sức kháng cự của con người chỉ muốn đồng tiền “bị thất bại”: Mát-thêu đứng dậy và đi theo Người.
Đức Thánh Cha Phanxico nói “đó là cuộc chiến giữa lòng thương xót và tội.”
Tình yêu của Chúa Giê-su đã đi vào tâm hồn con người đó, Mát-thêu, vì ông “biết ông là một người có tội,” ông biết “ông không được mọi người yêu mến,” và thậm chí là bị khinh miệt. Đó chính là “ý thức về tội đã mở ra cánh cửa cho lòng thương xót của Chúa Giê-su.” Vì vậy “Mát-thêu để lại mọi thứ” và đi theo một hành trình mới với Chúa Giê-su.
Đây là cuộc gặp gỡ giữa một tội nhân và Chúa Giê-su:
“Đây là điều kiện đầu tiên của ơn cứu độ: cảm thấy mình đang trong sự nguy hiểm. Đây là điều kiện đầu tiên của sự chữa lành: cảm thấy bị bệnh. Cảm nhận mình có tội là điều kiện đầu tiên để nhận được cái nhìn của lòng thương xót. Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến cái nhìn của Chúa Giê-su, quá đẹp, quá tốt lành, quá thương xót. Và cả chúng ta cũng vậy, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cảm nhận được cái nhìn này trên chúng ta; đó là cái nhìn của tình yêu, cái nhìn của lòng thương xót, cái nhìn cứu thoát chúng ta. Đừng e ngại.”
Mát-thêu – cũng giống như Da-kêu – cảm nhận hạnh phúc, đã mời Chúa Giê-su về nhà dùng bữa. Giai đoạn thứ hai là “tiệc tùng” – một tiệc mừng. Mát-thêu mời bạn bè, “những người trong cùng một hội,” những người tội lỗi và người thu thuế.
Đức Thánh Cha nói rằng việc này nhắc lại lời của Chúa Giê-su trong chương XV của Tin mừng Lu-ca: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn một trăm người công chính không cần ăn năn hối cải.” Đây là sự vui mừng của sự gặp gỡ với người Cha, sự vui mừng của lòng thương xót. Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng Chúa Giê-su rất hoang phí lòng thương xót, lòng thương xót cho tất cả mọi người.
Rồi đến giai đoạn thứ ba: sự tai tiếng
Người Pha-ri-sêu nhìn thấy những người thu thuế và người tội lỗi ngồi đồng bàn với Chúa Giê-su, và hỏi các tông đồ của Ngài, “Làm sao mà Thầy của các anh lại ngồi ăn chung với mấy người thu thuế và kẻ tội lỗi thế kia?” Và từ đó Đức Thánh Cha Phanxico phân tích rằng, “Một vụ tai tiếng luôn bắt đầu bằng cách hỏi như vầy: ‘Làm sao mà…?” Ngài tiếp tục nói, “Khi anh chị em nghe thấy cách hỏi như vậy, nó bắt đầu có mùi rồi đấy,” và “sau đó là tai tiếng.” Về bản chất, họ bị sốc vì “sự ô uế không chịu thực hiện theo luật.” Họ biết “Giáo lý” rất giỏi, họ biết cách làm sao để đi “trên con đường của Vương quốc Thiên Chúa,” biết “rõ hơn ai hết mọi điều phải được thực thi theo cách nào,” nhưng “họ lại quên lệnh truyền đầu tiên, đó là yêu thương.” Rồi, “họ bị khóa chặt vào những hy tế,” có lẽ họ nghĩ rằng, “Nhưng chúng ta hãy dâng hy lễ lên Thiên Chúa, chúng ta hãy làm tất cả những gì chúng ta phải làm, và tất cả chúng ta được cứu độ.” Tóm lại, họ tin rằng ơn cứu độ đến từ chính bản thân họ, họ cảm thấy an toàn. Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Không phải. Thiên Chúa cứu độ chúng ta, giải thoát chúng ta đó là Chúa Giê-su Ki-tô.”
Cách hỏi ‘Làm sao mà …’ đó, câu hỏi chúng ta đã nghe rất nhiều lần từ những người Công giáo khi họ nhìn thấy những hành động của các mối phúc. Làm sao mà? Chúa Giê-su rất rõ ràng: ‘Hãy đi và học.’ Người sai họ đi để học, đúng không? ‘Hãy đi và học ý nghĩa của thương xót là gì. “Đó là những gì ta muốn, và không phải là hy lễ, vì ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng là kêu gọi người tội lỗi.” Nếu anh chị em muốn được Chúa Giê-su gọi, hãy biết nhận mình là một tội nhân.”
Nếu anh chị em muốn đón nhận lòng thương xót, hãy biết nhận mình là tội nhân
Vì thế, Đức Phanxico kêu gọi chúng ta biết nhận mình là tội nhân, không phải là “có tội” theo nghĩa trừu tượng nhưng “tội cụ thể.” Ngài nói, rất nhiều tội mà “tất cả chúng ta thường phạm.” Ngài tiếp tục, “Chúng ta hãy trông cậy vào cái nhìn thương xót đầy tình thương yêu đó của Chúa Giê-su.”
Tiếp tục nói về sự tai tiếng đó, ngài nói rằng có rất nhiều người:
“Có rất, rất nhiều người – luôn luôn, thậm chí ngay trong Giáo hội hôm nay. Họ nói, ‘Không, anh không được như vậy, vấn đề rất rõ ràng. Không, không – đó là những kẻ tội lỗi, chúng ta phải tránh xa họ ra.” Rất nhiều vị thánh cũng đã bị bắt bớ hoặc bị nghi ngờ. Chúng ta cứ nghĩ đến Thánh Joan of Arc, bị đưa lên giàn thiêu, vì người ta nghĩ rằng thánh nữ là một phù thủy, và kết án thánh nữ. Một vị thánh! Hãy nghĩ đến Thánh Teresa, bị nghi ngờ là theo dị giáo, nghĩ đến Chân phước [Antonio] Rosmini. ‘Ta muốn tình yêu chứ không cần hy tế.’ Và cánh cửa để đến gặp Chúa Giê-su là nhận ra đúng con người của mình, rằng chúng ta là những tội nhân. Và Ngài đến, và chúng ta gặp gỡ Chúa. Thật tuyệt vời biết bao được gặp gỡ Chúa Giê-su.”
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/09/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét