Câu truyện của một linh mục Công giáo bí mật ở Trung quốc
Quốc kỳ Trung quốc. Credit: Philip Ja?genstedt via Flickr (CC BY 2.0) filter added.
Madrid, Tây Ban nha, 17 tháng 11, 2017 / 12:15 sáng (ACI Prensa). - Cha Giu-se của Giê-su là một linh mục Công giáo, trung thành với Giáo hội Công giáo. Đời sống của người Công giáo ở Trung quốc không dễ dàng. Những người trung thành với Roma bị chính quyền Trung quốc bắt bớ, chính quyền chỉ cho phép tự do thờ phụng đối với những người theo Giáo hội yêu nước do nhà nước điều khiển.
Cha Giu-se gần đây chia sẻ câu truyện về chương trình “những Bước chân của nhà Na-da-rét” của Hội EUK Mamie, được điều hành bởi tu hội các nữ tu Nhà của Mẹ Giới trẻ.
Cha quay lưng lại ống kính máy quay trong buổi phỏng vấn, và những chi tiết chính xác về cuộc sống của cha ở Trung quốc, cũng như địa điểm chính xác – hiện tại cha đang ở Châu Âu – được giấu kín vì những lý do an toàn.
Cha Giu-se miêu tả con đường trưởng thành trong một gia đình Công giáo ở Trung quốc. Cha là con thứ ba trong gia đình có năm người con, bất chấp chính sách một con tàn nhẫn do chính phủ Trung quốc áp đặt.
Cha nói, “Lúc này lúc kia khi công an vào thị trấn, cha mẹ của tôi phải đi trốn, tránh xa chúng tôi. Anh của tôi chăm sóc chúng tôi, chúng tôi cũng phải giấu những thứ chúng tôi có trong nhà, vì nếu chính quyền khám phá ra rằng gia đình có nhiều hơn một con, họ sẽ lấy đồ đạc của gia đình chúng tôi.”
Linh mục nói, “Vì có nhiều hơn một đứa con nên nhà cửa của một số cha mẹ Công giáo bị phá và họ bị lấy hết mọi thứ.”
“Đó là một sự thử thách về đức tin, vì khi còn bé anh không thể nào hiểu được tại sao là người Công giáo anh lại phải sống thiếu lương thực và bị tách rời khỏi cha mẹ.”
Tuy nhiên, cha vẫn bền chí trong đức tin. Anh trai của cha cũng là một linh mục Công giáo.
Niềm tin Công giáo được giữ vững qua “Giáo hội tại gia,” qua cách các gia đình đọc kinh Kinh Sáng hoặc Kinh Chiều một cách bí mật, và đặc biệt là Kinh Mân Côi.
“Kinh Mân Côi là điều ban cho chúng tôi sức mạnh suốt nhiều năm vì chúng tôi không có các bí tích hay linh mục; nhưng các tín hữu đọc ít nhất một tràng Mân Côi vào sáng sớm và một Tràng nữa vào ban đêm,” và cuối cùng họ đọc “một Kinh Đức Bà Fatima Đấng ban cho chúng tôi sức mạnh để sống như những Ki-tô hữu đúng nghĩa,” cha kể lại.
Năm 15 tuổi, Cha Giu-se cảm nhận rằng cha được ơn gọi lên hàng linh mục.
Cha nói “Tôi nghĩ rằng ở Trung quốc có rất nhiều người không biết Đức Ki-tô và Giáo hội Công giáo vì người Ki-tô hữu chỉ là một nhóm thiểu số. Vì thế tôi nghĩ khi học xong tôi sẽ vào chủng viện và trở thành một linh mục. Giây phút đó đã thay đổi cuộc đời tôi vì tôi nhìn thấy điều Chúa muốn cho tôi.”
Cha được khơi gợi cảm hứng để đưa ra quyết định bởi linh mục trong địa phương, một linh mục chịu trách nhiệm phục vụ 60 ngôi làng, người phải dâng Lễ trong năm ngôi làng lớn nhất, di chuyển từ làng này sang làng khác bằng xe đạp.
“Cha là một tấm gương trung thành với Đức Ki-tô và với Giáo hội vì cha không muốn trở thành một thành viên của giáo hội Trung quốc hợp pháp và vì thế cha đã phải ngồi tù một thời gian hoặc bị quản thúc,” Cha Giu-se kể.
Cha Giu-se nói, tuy nhiên, vị linh mục chấp nhận đau khổ đến với ngài, và cho biết thêm rằng ngoài 80 tuổi, linh mục đó vẫn phải thức dậy lúc 3.30 sáng để cầu nguyện và dâng Lễ.
“Đời sống gương mẫu của ngài là yếu tố quyết định cho tôi tìm được ơn gọi. Ngài là một linh mục của mọi người, bằng sự tận hiến gương mẫu.”
Trong suốt hơn 60 năm, người Công giáo ở Trung quốc phải đối mặt với những sự bắt bớ. Giáo hội được nhà nước công nhận, với tên gọi là “Hội Công giáo Yêu nước Trung hoa” trung thành với nhà nước Cộng sản Trung quốc, họ tuyên bố có quyền quyết định bổ nhiệm ai làm giám mục, một quyền mà Giáo hội Công giáo chỉ dành riêng cho Đức Giáo hoàng.
Những người Công giáo vẫn giữ sự trung thành với Roma, đặc biệt với quyền pháp lý được độc lập bổ nhiệm giám mục, tạo thành “Giáo hội bí mật,” với các giám mục, linh mục, và tín hữu riêng.
“Có … 30 giám mục trong Giáo hội bí mật không được nhà nước công nhận và vì thế các ngài không thể tự do thi hành thừa tác vụ của mình, Cha Giu-se nói. “Các ngài bị quản thúc tại gia và bị giám sát chặt chẽ, có người theo dõi những chuyến viếng thăm của các ngài, các ngài gặp ai và chủ đề nói chuyện về vấn đề gì. Việc phong chức linh mục được thực hiện trong bí mật và không ai biết gì về việc đó.”
Nếu thuộc về Hội Công giáo Yêu nước thì cuộc sống dễ dàng hơn – có Lễ công khai, theo lịch cố định, và quyền thờ phượng được tự do. Nhưng Cha Giu-se chọn trung thành với Roma cho dù gặp phải những khó khăn.
Cha nói, “Về căn bản đó không phải là giáo hội vì Hội Thánh là Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Giáo hội Yêu nước độc lập khỏi Roma và tôi không chấp nhận điều đó, vì đức tin của tôi.”
Cha Giu-se nói, thử thách thì rất nhiều, nhưng đời sống của người Ki-tô hữu bí mật ở Trung quốc là một chứng tá đức tin.
Cha xin thêm lời cầu nguyện cho người Ki-tô hữu Trung quốc giữ vững lòng trung thành, vì “chúng tôi được dạy rằng đức tin thì quý giá hơn sự sống, và sống đức tin thì chúng ta sẽ gặp gỡ với Đức Ki-tô. Chúng tôi phải làm chứng tá cho những người xung quanh để những người chưa biết đức tin có thể tìm thấy nó.”
Bài này được đăng lần đầu bởi hãng thông tấn ACI Prensa. Nó được dịch và biên tập lại bởi CNA.
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/11/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét