Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Huấn từ Kinh Truyền tin: Loan báo Nước Thiên Chúa

Huấn từ Kinh Truyền tin: Loan báo Nước Thiên Chúa

‘Việc loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giê-su tìm được nơi thích hợp nhất là trên đường, đặt sứ mạng Giáo hội dưới dấu hiệu ‘bước đi’

4 tháng Hai, 2018
Huấn từ Kinh Truyền tin: Loan báo Nước Thiên Chúa
Vatican Media Screenshot
THÀNH VATICAN, 4 THÁNG HAI, 2018 (Zenit.org). - Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tin mừng Chúa nhật này tiếp tục miêu tả một ngày của Chúa Giê-su tại Ca-pha-na-um, vào một ngày Sa-bát, ngày lễ trong tuần của người Do thái (x. Mc 1:21-39). Lần này tác giả Tin mừng Mác-cô làm nổi bật sự tương quan giữa hoạt động làm phép lạ của Chúa Giê-su và việc thức tỉnh đức tin nơi những người Ngài gặp gỡ. Quả thật, bằng việc chữa lành nhiều chứng bệnh khác nhau Ngài thực hiện nơi các bệnh nhân, Chúa Giê-su muốn khơi dậy câu trả lời đức tin của mọi người.

Ngày của Chúa Giê-su ở Ca-pha-na-um bắt đầu bằng việc chữa lành nhạc mẫu của Phê-rô và kết thúc với cảnh người dân cả thành chen chúc tập trung trước cửa nhà ngài đang ở, để mang đến cho Ngài tất cả mọi người bệnh. Đám đông, với những đau đớn về thể xác và đau khổ về tinh thần, theo một cách nói là tạo nên “môi trường cuộc sống” trong đó sứ mạng của Chúa Giê-su được thực hiện, đó là những lời rao giảng và hành động chữa lành và an ủi. Chúa Giê-su không mang ơn cứu độ đến trong một phòng thí nghiệm. Người không thực hiện việc rao giảng trong phòng thí nghiệm, xa rời dân chúng: Người ở giữa đám đông! Người ở giữa dân chúng! Chúng ta cứ nghĩ xem phần lớn cuộc đời công khai của Chúa Giê-su là ở trên đường, ở giữa mọi người, để rao giảng Tin mừng, để chữa lành những vết thương thể xác và tinh thần. Đó chính là một nhân loại hằn lên những nỗi đau, đó là đám đông mà Tin mừng rất nhiều lần nói đến. Đó là một nhân loại hằn lên những nỗi đau, cơ cực, và khó khăn: hành động quyền năng, giải phóng và đổi mới của Chúa Giê-su hướng trực tiếp đến nhân loại đáng thương này. Vì thế, ngày Sa-bát đó kết thúc vào lúc tối muôn giữa đám đông. Và Chúa Giê-su làm gì tiếp sau đó?

Trước bình minh của ngày hôm sau, Ngài một mình đi ra ngoài cổng thành và đến một nơi thanh tịnh cầu nguyện. Chúa Giê-su cầu nguyện. Từ đó Ngài đưa bản thân và sứ vụ của Ngài tránh khỏi sự hiếu thắng, nó làm hiểu sai ý nghĩa của các phép lạ và quyền năng thần lực của Ngài. Thật ra, những phép lạ là “những dấu chỉ,” để mời gọi câu trả lời của đức tin; những dấu chỉ luôn luôn được kèm theo bằng những lời nói làm sáng tỏ những hành động, đồng thời những dấu chỉ và lời rao giảng khơi lên đức tin và sự trở lại nhờ sức mạnh của ơn sủng của Đức Ki-tô.

Phần kết luận của trích đoạn Tin mừng hôm nay (cc. 35-39) cho thấy rằng việc loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giê-su tìm được nơi thích hợp nhất là trên đường. Với các môn đệ đang đi tìm Ngài để đưa Ngài vào lại trong thành – những môn đệ đang đi tìm xem Ngài đang cầu nguyện ở đâu và muốn đưa ngài trở lại thành –, Chúa Giê-su trả lời như thế nào?: “Chúng ta hãy đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (c. 38). Đây là con đường của Con Thiên Chúa và đây sẽ là con đường của các môn đệ của Người. Con đường, như là nơi loan báo Tin mừng, đặt sứ mạng Giáo hội dưới dấu hiệu “bước đi” trên con đường, dưới dấu hiệu của “sự di chuyển” và không bao giờ ở trong trạng thái tĩnh.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta biết mở lòng trước tiếng gọi của Thánh Thần, Đấng thúc đẩy Giáo hội sẵn sàng dựng lều giữa muôn dân để đem đến cho mọi người lời chữa lành của Chúa Giê-su, bác sĩ của các linh hồn và thể xác.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua ở Vigevano đã tuyên phong Chân phước thanh niên Teresio Olivelli, bị giết vì đức tin Ki-tô năm 1945 ở trại tập trung Hersbruck. Cậu đã làm chứng nhân cho Đức Ki-tô bằng tình yêu dành cho người yếu thế nhất và cùng chung phần vào hàng đông đảo những vị tử đạo của thế kỷ trước. Nguyện xin sự hy sinh anh dũng của cậu trở thành một hạt giống hy vọng và huynh đệ, đặc biệt cho giới trẻ.

Hôm nay Ngày Bảo vệ Sự sống ở Ý được tổ chức với chủ đề “Tin mừng của Sự sống, Niềm vui cho Thế giới.” Tôi hiệp thông trong Sứ điệp của các Giám mục Ý và bày tỏ sự đánh giá cao và sự động viên đối với nhiều thực tại giáo hội khác nhau, bằng nhiều cách đã thúc đẩy và hỗ trợ sự sống, đặc biệt là Phong trào Bảo vệ Sự sống mà có rất nhiều người đại diện có mặt ở đây hôm nay, cha xin chào. Và điều này làm cha lo lắng: không có nhiều cuộc chiến đấu bảo vệ sự sống trong một thế giới mà mỗi ngày thêm nhiều vũ khí được chế tạo, mỗi ngày có thêm nhiều luật chống lại sự sống được thông qua, mỗi ngày văn hóa loại bỏ này cứ tiến triển, loại bỏ những gì không còn hữu dụng, những gì gây phiền. Xin hãy cùng nhau cầu nguyện để dân tộc chúng ta ngày càng ý thức hơn trong việc bảo vệ sự sống trong thời gian phá hủy và loại trừ của nhân loại.

Cha xin bày tỏ tình liên đới với người dân Madagascar, mới đây bị trận bão lốc rất mạnh tấn công, để lại nhiều nạn nhân, những người phải di tản và những thiệt hại lớn. Xin Chúa ủi an và giữ vững tinh thần họ.

Và bây giờ là một công bố. Trước tình trạng kéo dài những xung đột thảm kịch ở nhiều nơi trên thế giới, cha mời gọi tất cả tín hữu hiệp thông trong một Ngày Cầu nguyện Đặc biệt và Ăn chay vì Hòa bình vào ngày 23 tháng Hai sắp tới, đó là ngày Thứ Sáu của tuần Thứ Nhất Mùa Chay. Chúng ta sẽ cầu nguyện đặc biệt cho nước Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Cũng như những lần như vầy, tôi mời gọi anh chị em không thuộc Công giáo và không phải Ki-tô giáo cùng hợp sức trong sáng kiến này theo cách nào họ thấy phù hợp nhất, nhưng cùng đồng tâm với nhau.

Cha Trên Trời của chúng ta luôn lắng nghe những đứa con của Người buồn phiền và đau khổ kêu khóc lên Người, Đấng chữa lành những tâm hồn tan vỡ và băng bó những vết thương của họ” (Tv 147:3). Tôi đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết để chúng ta cũng nghe thấy tiếng khóc này, và mỗi người chúng ta với lương tâm của mình trước mặt Thiên Chúa, hãy tự hỏi: “Tôi có thể làm gì cho hòa bình?” Chắc chắn chúng ta có thể cầu nguyện, và mỗi người hãy nói “không” thật quyết liệt với bạo lực tới mức xem như nó phải lệ thuộc vào bản thân mỗi người. Vì chiến thắng đạt được bằng bạo lực là chiến thắng giả tạo trong khi làm việc cho hòa bình tạo sự tốt lành cho mọi người!

Cha xin chào tất cả anh chị em, tín hữu của Roma và anh chị em hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Cha chào nhóm anh chị em của các giáo phận Cadiz và Ceuta, Tây Ban nha, các học sinh trường “Charles Peguy” ở Paris, các tín hữu của Sestri Levante, Empoli, Milan và Palermo, và đại diện của thành phố Agrigento, cha xin bày tỏ lòng biết ơn với họ vì sự cam kết hiếu khách và hội nhập cho người nhập cư. Cảm ơn vì những gì anh chị em làm. Xin gửi lời chào nồng hậu đến các tình nguyện viên và cộng tác viên của Hiệp hội “Fraterna Domus”, đã hoạt động suốt 50 năm ở Roma cho lòng hiếu khách và tình liên đới.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc bữa trưa ngon miệng và tạm biệt anh chị em!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican

JF


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2018]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét