Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Tiếp kiến chung: Đức Thánh Cha kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ (Toàn văn)

Tiếp kiến chung: Đức Thánh Cha kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ (Toàn văn)

‘Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hành trình tái khám phá Thánh lễ.’

4 tháng Tư, 2018
Tiếp kiến chung: Đức Thánh Cha kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ (Toàn văn)
© Vatican Media
Đức Thánh Cha Phanxico kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ, tập trung phân tích về các nghi thức Kết Lễ, tại buổi Tiếp Kiến Chung ngày 4 tháng Tư, 2018, trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

* * *
Tiếp kiến chung: Đức Thánh Cha kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ (Toàn văn)
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chúc anh chị em Phục sinh Hạnh phúc!

Anh chị em thấy hôm nay có rất nhiều hoa: hoa nói lên niềm vui và sự hân hoan. Ở một số nơi, Phục sinh cũng được gọi là “Phục sinh nở hoa,” vì Đức Ki-tô Phục sinh làm nở hoa: Người là bông hoa mới; sự nên công chính của chúng ta nở hoa, tính thánh thiêng của Giáo hội nở hoa. Vì thế có rất nhiều hoa — nó là niềm vui của chúng ta. Chúng ta cử hành Lễ Phục sinh trong suốt tuần lễ, suốt một tuần. Vì vậy tất cả chúng ta một lần nữa hãy chúc nhau câu “Chúc Phục sinh Hạnh phúc.” Chúng ta hãy đồng thanh nhé: “Chúc Phục sinh Hạnh phúc,” — tất cả mọi người! [Họ đồng thanh: Chúc Phục sinh Hạnh phúc!] Cha cũng muốn tất cả anh chị em hãy nói câu Chúc Phục sinh Hạnh phúc với Đức Giáo hoàng Benedict thân yêu của chúng ta — vì ngài đã là Đức Giám Mục của Roma, ngài theo dõi chúng ta trên truyền hình. Tất cả chúng ta hãy đồng thanh Chúc Phục sinh Hạnh phúc đến Đức Giáo hoàng Benedict [Mọi người cùng nói: “Chúc Phục sinh Hạnh phúc!] và vỗ tay vang dậy.

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta kết thúc loạt bài nói về Thánh Lễ, quả thật, đó là một sự tưởng nhớ, không chỉ đơn thuần là ký ức, nhưng trong đó chúng ta sống lại Cuộc Khổ Nạn và Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su. Lần trước chúng ta nói về việc Rước Lễ và Lời nguyện sau Rước Lễ. Sau lời nguyện này, Thánh Lễ kết thúc bằng lời chúc lành của linh mục và mọi người ra về (x. Ordinamento Generale del Messale Romano, 90). Cũng như Thánh Lễ bắt đầu bằng Dấu Thánh Giá, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, thì lại một lần nữa Nhân Danh Chúa Ba Ngôi mà Thánh Lễ được đóng ấn, đó là sinh hoạt phụng vụ.

Tuy nhiên, chúng ta biết rõ rằng khi Thánh Lễ kết thúc thì sự cam kết làm chứng nhân Ki-tô hữu được mở ra. Người Ki-tô hữu không tham dự Thánh Lễ chỉ để thực hiện một bổn phận hàng tuần và rồi lãng quên. Không phải như vậy. Người Ki-tô hữu đi Lễ để thông phần vào Cuộc Khổ Nạn và Sự Phục Sinh của Chúa để rồi sau đó sống xứng đáng là người Ki-tô hữu hơn: sự cam kết làm chứng nhân Ki-tô được mở ra. Chúng ta rời khỏi nhà thờ để “ra về bình an,” để đem sự bình an của Chúa vào trong những hoạt động hàng ngày của chúng ta, trong gia đình, trong môi trường làm việc, giữa mọi công việc của trần gian, “làm vinh danh Chúa bằng đời sống của chúng ta.” Nhưng nếu chúng ta ra khỏi nhà thờ và tán chuyện với nhau: “Nhìn cái này này,” “Nhìn cái kia kìa …,” “Nói nhiều quá,” tức là Thánh Lễ chưa đi vào tâm hồn chúng ta. Tại sao? — vì chúng ta không thể sống chứng nhân Ki-tô. Mỗi lần tôi trở về sau Thánh Lễ, tôi phải trở nên tốt hơn như khi tôi đi vào, với sức sống nhiều hơn, với sức mạnh nhiều hơn, với khát khao lớn hơn nữa để làm chứng nhân Ki-tô. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su đi vào con người chúng ta, vào trong tâm hồn và trong thân xác của chúng ta, để chúng ta có thể “thể hiện Bí tích đã lãnh nhận trong cuộc sống” (Messale Romano, Lời nguyện Nhập lễ của Thứ Hai trong Tuần Bát nhật Phục sinh).

Tiếp kiến chung: Đức Thánh Cha kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ (Toàn văn)
Vì thế, từ việc cử hành ra đến cuộc sống, ý thức rằng Thánh Lễ đạt đến sự kiện toàn trong những quyết định cụ thể của mỗi người tham dự một cách riêng tư trong mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Chúng ta không được quên rằng chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể là để học cách trở thành những con người của Bí tích Thánh Thể. Điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là hãy để cho Đức Ki-tô hoạt động trong những công việc của chúng ta: để những tư tưởng của Người là tư tưởng của chúng ta, tình cảm của Người trở thành tình cảm của chúng ta, quyết định của Người trở thành quyết định của Chúng ta. Và đây là sự lên thánh: hành động như Đức Ki-tô đã hành động là sự lên thánh của người Ki-tô hữu. Thánh Phaolo diễn tả thật chính xác khi ngài nói về sự đồng hóa của ngài với Đức Ki-tô, và ngài nói như vầy: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:19-20). Đây là chứng nhân Ki-tô. Kinh nghiệm của Thánh Phaolo cũng soi sáng cho chúng ta: tới mức chúng ta phải triệt hạ thói tự cao tự đại của chúng ta, tức là chúng ta phải diệt trừ đi những gì nghịch lại với Tin mừng và chết cho tình yêu của Chúa Giê-su, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần tạo ra không gian rộng lớn hơn trong chúng ta. Người Ki-tô hữu là những người cho phép linh hồn của họ được mở rộng bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần sau khi lãnh nhận Mình và Máu Đức Ki-tô. Hãy cho phép linh hồn của chúng ta được mở rộng! Không phải là những linh hồn hẹp hòi và khóa chặt, nhỏ mọn và ích kỷ. Hoàn toàn không! Nhưng là những linh hồn lớn lao, những linh hồn vĩ đại, với những chân trời bao la … Hãy để cho linh hồn của anh chị em được mở rộng bằng sức mạnh của Thần Khí, sau khi lãnh nhận Mình và Máu Đức Ki-tô.

Sự hiện diện thật của Đức Ki-tô trong Mình Thánh được truyền phép không kết thúc cùng với Thánh Lễ (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1374), Thánh Thể được cất giữ trong Nhà Tạm để cho những bệnh nhân lãnh nhận và để thinh lặng tôn thờ Thiên Chúa trong Bí tích Cực Thánh; sự tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, bất kể theo cách riêng tư hay cộng đoàn, đều giúp chúng ta luôn ở trong Đức Ki-tô (x. Ibid., 1378-1380).

Vì thế, những hoa trái của Thánh Lễ là kết quả của sự trưởng thành trong đời sống hàng ngày. Chúng ta có thể nói như thế này, tạm lấy hình ảnh: Thánh Lễ cũng giống như hạt lúa, hạt lúa mì, nó mọc lên trong đời sống hàng ngày, nó phát triển và trưởng thành trong những công việc tốt lành, trong những hành động khiến chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su. Vì vậy, hoa trái của Thánh Lễ là kết quả của sự trưởng thành trong đời sống hàng ngày. Quả thật, củng cố sự kết hiệp của chúng ta với Đức Ki-tô, Thánh Thể liên tục cập nhật ơn sủng mà Thần Khí ban cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội và trong Bí tích Thêm sức để chứng tá Ki-tô hữu của chúng ta trở nên hữu hình (x. Ibid., 1391-1392).

Một lần nữa, qua cách khơi lên đức ái trong tâm hồn chúng ta, Thánh Thể hoạt động như thế nào? Thánh Thể chia cắt chúng ta khỏi tội. “Chúng ta càng chia sẻ sự sống của Đức Ki-tô và phát triển trong tình bạn hữu với Người, thì tội trọng càng khó chia cách chúng ta khỏi Người (Ibid., 1395). Việc thường xuyên đến với Bàn tiệc Thánh Thể canh tân, củng cố và đào sâu mối dây liên kết với cộng đoàn Ki-tô hữu mà chúng ta thuộc về, theo cách mà Thánh Thể xây dựng Giáo hội (x. Ibid., 1396), Thánh Thể hiệp nhất tất cả chúng ta.

Cuối cùng, tham dự Thánh Lễ cam kết chúng ta trong mối quan hệ với tha nhân, đặc biệt với những người nghèo, dạy cho chúng ta biết chuyển từ thân xác của Đức Ki-tô sang thân xác của anh em, trong đó Người chờ đợi để được chấp nhận, được phục vụ, được tôn vinh và được yêu thương bởi chúng ta (x. Ibid., 1397). Chứa đựng kho tàng của sự hiệp nhất với Đức Ki-tô trong những bình sành (x. 2 Cr 4:7) chúng ta luôn luôn phải trở lại với bàn thánh cho đến khi chúng ta được hưởng phúc trọn vẹn tiệc cưới của Con Chiên trên Thiên đàng (x. Kh 19:9).

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hành trình tái khám phá Thánh lễ, đó là điều Người ban cho chúng ta để cùng nhau thực hiện trọn vẹn, và chúng ta hãy cho phép bản thân được cuốn hút đến với sự gặp gỡ đích thực với Chúa Giê-su bằng niềm tin được canh tân, Người đã chết và sống lại cho chúng ta. Và ước mong cho đời sống của chúng ta luôn luôn “trổ hoa,” như Mùa Phục sinh, với những bông hoa của hy vọng, những bông hoa của đức tin và những bông hoa của việc làm tốt lành. Mong sao chúng ta luôn tìm được sức mạnh cho điều này trong Thánh Thể, trong sự kết hiệp với Chúa Giê-su.

Chúc anh chị em Phục sinh Hạnh phúc!

© Libreria Editrice Vatican


[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/4/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét