Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

Tòa Thánh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ rừng

Tòa Thánh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ rừng
Wikimedia Commons

Tòa Thánh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ rừng

Phát biểu tại Phiên họp bàn về Kế hoạch Chiến lược của LHQ về rừng

10 tháng Nă, 2018 00:30
Ngày 8 tháng Năm, Phái bộ Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc có bài phát biểu trong Phiên họp thứ Mười Ba của Diễn đàn LHQ về rừng, bàn về việc Thi hành Kế hoạch Chiến lược của LHQ về Rừng.

Trong bài phát biểu, Đức ông Simon Kassas Chargé d’Affaires thuộc Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, Tòa Thánh lên tiếng ủng hộ Diễn đàn áp dụng một sự cải thiện toàn diện về chất lượng của đời sống con người và kêu gọi sự thúc đẩy việc quản lý tốt hơn những nguồn tài nguyên rừng của thế giới, vì chúng đang bị tàn phá và bị thay thế với một tốc độ đáng báo động, nó đang làm cạn kiệt toàn bộ môi trường sinh thái của rừng. Rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu và sự bóc lột rừng sẽ gây ra một cái giá phải trả rất cao cho con người, động vật, và môi trường. Tòa Thánh nói rằng những sáng kiến nhằm mục đích bảo tồn rừng cũng phải suy xét thật kỹ đến những cộng đồng người thổ dân đã sống ở đó hàng thế kỷ.



Dưới đây là bài phát biểu:

Thưa ông Chủ tịch,

Tòa Thánh rất hân hạnh được tham dự trong Phiên họp thứ Mười Ba của Diễn đàn Liên hợp quốc về Rừng để giải quyết việc áp dụng Chương trình Chiến lược của LHQ về rừng 2017-2030.

Rừng rất đáng để chúng ta phải chú ý, nghiên cứu, và bảo vệ. Vừa đóng một phần vô cùng quan trọng trong sự điều hòa khí hậu, rừng chứa đựng một gia tài không gì có thể thay thế đó là rất nhiều các chủng loài. Ngoài ra, một số thực vật mộc và vi sinh vật có khả năng tổng hợp vô vàn những hợp chất có tiềm năng rất lớn cho y học. Các loài thực vật khác có giá trị như là những nguồn thực phẩm hoặc như một phương tiện để cải thiện gien của những loài thực vật có thể ăn được.

Thật đáng buồn, mức độ rừng bị tàn phá hoặc thay đổi đang làm cạn kiệt hệ sinh thái của chúng quá nhanh đến mức nhiều chủng loài có thể không bao giờ được phân loại hoặc nghiên cứu. Nếu sự ám ảnh về lợi nhuận chịu một phần trách nhiệm của việc phá rừng và làm mất đi hệ sinh thái, thì điều đó cũng đúng đối với cuộc chiến tuyệt vọng chống lại tình trạng bần cùng đe dọa làm biến mất những nguồn tài nguyên này. Vì vậy, khi một số hình thức phát triển công nghiệp đã làm cho một số quốc gia phá hủy diện tích rừng của họ rất nhanh, thì khoản nợ nước ngoài đã làm cho một số quốc gia khác quản lý những nguồn tài nguyên rừng một cách thiếu khôn ngoan với hy vọng giảm bớt được khoản nợ đó. Tương tự như vậy, nỗ lực khai quang đất để làm nông trại hoặc làm đồng cỏ cho gia súc đôi khi trở thành một bằng chứng đáng buồn về cách theo đuổi những mục tiêu tốt và thậm chí rất cần thiết lại dẫn đến những hậu quả không mong chờ và gây hại. Giải pháp cho một vấn đề cấp thiết lại có thể gây ra một vấn đề nghiêm trọng tương tự khác.

Vì lý do đó, thật chẳng hữu ích khi phản ánh về những ưu tiên theo chủ đề và hoạt động của Chương trình Chiến lược về Rừng trên quan điểm sung túc của những xã hội phát triển cao với chất lượng cuộc sống vượt ra ngoài tầm với của đa phần dân số của thế giới. Như Đức Giáo hoàng Phanxico nhắc chúng ta rằng “một bước tiếp cận sinh thái thật sự phải luôn trở thành một bước tiếp cận xã hội; nó phải gồm có những câu hỏi về sự công bằng trong các cuộc tranh luận về môi trường, để vừa nghe được tiếng kêu của trái đất và nghe được tiếng kêu của người nghèo.”[1]

Thưa ông Chủ tịch,

Đức Giáo hoàng Phanxico đã thiết tha thúc giục cộng đồng quốc tế lắng nghe hai tiếng kêu này liên quan đến vùng Amazon. Trong chuyến thăm gần đây của ngài đến Puerto Maldonado, trong vùng Amazon thuộc Peru, ngài nhấn mạnh đến những vấn đề phát sinh từ “chủ nghĩa neo-extractivism (tạm dịch: bóc lột tài nguyên) và những sức ép về lợi ích kinh doanh lớn muốn nhúng tay vào dầu hỏa, khí đốt, gỗ, mỏ vàng, và những hình thức đơn canh công nông nghiệp. Ngài nói, “Mặt khác, đất đai của họ đang bị đe dọa bởi việc bóp méo cách chính sách nhằm ‘bảo tồn’ thiên nhiên nhưng lại không suy xét đến con người sống trong đó.” Ngài đặc biệt nói đến các phong trào “dưới chiêu bài bảo tồn rừng, dự trữ những diện tích lớn đất rừng và chuyển nhượng chúng, dẫn đến tình trạng đàn áp người dân bản địa; do đó người dân bản địa bị mất quyền sử dụng đất và những tài nguyên thiên nhiên của đất. Những vấn đề này bóp nghẹt cư dân bản địa và gây nên tình trạng di cư trong giới trẻ do thiếu những sự lựa chọn tại địa phương.” Đức Giáo hoàng Phanxico thúc giục rằng “chúng ta phải phá vỡ kiểu suy nghĩ cho rằng vùng Amazonia là một nguồn cung vô tận cho các quốc gia khác mà không quan tâm đến những cư dân sống ở đó.”[2]

Vì thế, việc bảo tồn rừng không thể thực hiện được nếu gây tổn hại cho những cộng đồng đã sống ở đó qua nhiều thế kỷ. Quả thật, những truyền thống và lối sống của họ hòa hợp với tự nhiên thường xuyên góp phần một cách tích cực vào những ích lợi chung từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những cộng đồng này phải trở thành những nhân vật chính của sự bảo tồn môi trường; đồng thời các quyền và giá trị của họ phải được tôn trọng. Các khu rừng chỉ có thể được quản lý một cách bền vững với “sự đóng góp liên tục và tích cực của người địa phương với văn hóa thích hợp của họ.”[3]

Thưa ông Chủ tịch,

Phái đoàn của tôi mạnh mẽ ủng hộ những nỗ lực của Diễn đàn này nhằm thực hiện sự phát triển toàn diện về chất lượng cuộc sống con người, đặc biệt đối với những người bị gạt ra bên lề, nó đòi phải có sự cân nhắc thật kỹ đến những môi trường sống của con người, trong đó có rừng. Việc thúc đẩy sự quản lý tốt hơn những tài nguyên rừng của chúng ta là một phần vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta và cho những người sống trong nó.

Cảm ơn ông Chủ tịch.

1. Đức Giáo hoàng Phanxico, tông huấn Laudato Si’, 49.

2. Đức Giáo hoàng Phanxico, gặp gỡ thổ dân vùng Amazonia, 19 tháng Một 2018.

3. Đức Giáo hoàng Phanxico, tông huấn Laudato Si’, 144.

Copyright © 2018 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/5/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét