© Vatican Media
Toàn văn Hỏi-Đáp của Đức Thánh Cha Phanxico tại giáo xứ Thánh thể thuộc giáo phận Roma
‘Nhiều lần chỉ là lời nói. Nhưng yêu thương là phải cụ thể’
14 tháng Năm, 2018 02:28
Ngày 6 tháng Năm, 2018, Đức Thánh Cha thực hiện chuyến thăm mục vụ đến Giáo xứ Thánh Thể trong vùng Tor De ‘Schiavi, Roma. Cùng tháp tùng với ngài có Đức Hồng y Luis Tagle, Tổng Giám mục Manila và là Chủ tịch của Caritas Quốc tế. Tại đây Đức Thánh Cha khánh thành “Nhà của Niềm vui” cho người khuyết tật.
Dưới đây là bản dịch của ZENIT những lời của Đức Thánh Cha trong nhiều cuộc gặp gỡ trong suốt chuyến thăm đến giáo xứ.
* * *
Gặp gỡ Cộng đoàn Giáo xứ
Mauro:
Con chào mừng Đức Thánh Cha Phanxico. Cảm ơn cha đã đến đây với chúng con, tại giáo xứ Thánh Thể thuộc vùng lân cận của Tor de’ Schiavi. Cảm ơn cha. Con là Mauro, và cùng với một nhóm các gia trưởng hiền mẫu khác chúng con phục vụ nhà nguyện. Con đã kết hôn; con có ba đứa con và chúng con thuộc dạng được gọi là những gia đình không chính thống, nhưng ở đây những cánh cửa luôn mở ra cho chúng con; chúng con đã được đón nhận bằng tình thương yêu, quá nhiều đến mức hôm nay chúng con đã trở thành một phần trong ban phục vụ giáo xứ và từng người chúng con cam kết trong các hoạt động của giáo xứ. Ở đây chúng con cảm thấy như ở nhà; đây là nhà của chúng con. Câu hỏi con muốn hỏi cha là: làm sao chúng con có thể làm cho bậc cha mẹ, những người đem hoặc sẽ đem con cái của họ đến khuôn viên giáo xứ, hiểu được giá trị của các hoạt động, không để chúng cô đơn nhưng cùng đồng hành với chúng trên hành trình và cùng giáo dục chúng trên hành trình đức tin? Để làm sao tế bào chính — đó là gia đình — là nền tảng của đời sống người Ki-tô hữu, có thể trở nên vững chắc hơn? Vì ngày nay chúng con nghe nói rằng gia đình không còn hữu ích nữa … Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.
ĐTC Phanxico
Anh đã chạm đến nỗi đau: những đứa trẻ, những đứa trẻ lớn lên, gia đình, nhưng không có gia đình … Ở nhà, bố thì bận ngập đầu với công việc … Mẹ cũng bận, mẹ phải làm việc … Và những đứa con lớn lên phần nào đó cô đơn, có đúng như vậy không? Đôi khi có ông bà giúp rất nhiều. Ông bà giúp đỡ; họ là một gia tài. Nào một tràng vỗ tay hoan hô ông bà! Thế giới này đang ghi tên ông bà vào danh sách những người bị loại bỏ, vì đây nó là văn hóa loại trừ. Những gì không còn sinh lợi, những gì không còn hữu dụng, là bị loại bỏ. Ông bà già rồi, và thế là họ bị gạt ra. “Không, Không! Ông bà có lương hưu mà tôi thì đang cần” … À, thế là vì lợi lộc! Khi vấn đề này nằm giữa đôi bên thì ông bà vẫn còn hữu ích. Đừng bao giờ gạt bỏ ông bà!
Bây giờ quay lại vấn đề: khi những đứa trẻ lớn lên một mình, không phải vì ý định xấu của cha mẹ, nhưng vì họ phải làm việc, họ cần phải làm việc … Và chúng lớn lên mà không có chuyện trò được với cha mẹ. Và những giá trị lớn lao của cuộc sống – đức tin – chỉ được thông truyền “bằng ngôn ngữ riêng,” đó chính là ngôn ngữ của gia đình. Đúng vậy, chúng ta học được qua nhiều điều, đó là đức tin của người mẹ, người cha hay của ông bà dạy cho chúng ta, sự khôn ngoan của cuộc sống mà chúng ta học được khi còn nhỏ và đó là điều được trao đi từ trong gia đình, đó là những điều làm cho chúng ta mạnh mẽ, những điều đó bằng “ngôn ngữ riêng,” nếu chúng ta sống trong gia đình với ngôn ngữ riêng đó. Đúng là chúng ta học nhiều điều tại trường, những điều tốt đẹp, những giá trị, nhưng những điều căn bản phải được học “bằng ngôn ngữ riêng,” được thông truyền “bằng ngôn ngữ riêng.” Điều quan trọng là phải tìm ra được cách giúp cho cha mẹ để họ có thể nói chuyện với con cái của họ. Một người bố có lần nói với tôi: “Khi con ra khỏi nhà đi làm vào buổi sáng, con của con vẫn còn ngủ. Khi con về nhà vào buổi tối thì chúng đang ngon giấc rồi.” Và chỉ có ngày Chúa nhật là ông ta mới có thể nói chuyện được với chúng – vào ngày Chúa nhật; nhưng cái văn hóa bây giờ nó như vầy này: nó giống như làm nô lệ vậy, và công việc chiếm trọn cuộc sống. Vì vậy, điều quan trọng là ông bà phải đi vào với gia đình, để họ giúp cho các cha mẹ có sự hiện diện với con cái, để chúng không lớn lên trong cô đơn — không phải vì chúng sẽ làm, có thể như vậy, những điều xấu. Không, không, nhưng chúng lớn lên yếu ớt. Đó là vấn đề “thiếu vitamin”! Đó là vấn đề của vitamin mà gia đình cung cấp, để làm cho chúng lớn lên khỏe mạnh. Để hiểu được các bậc cha mẹ … tôi có thói quen này: khi tôi giải tội một người cha hay mẹ có con nhỏ – thậm chí có con lớn, nhưng đặc biệt là con nhỏ – tôi hỏi xem họ có chơi với con cái của họ không. Các giá trị cũng được thông truyền khi chơi đùa. “Thế con có thời gian nằm lăn dưới nền nhà và chơi đùa với con trai, với con gái của con không?” Điều này rất quan trọng, không thể đánh mất nó! “Nhưng con về nhà mệt lắm rồi … con chẳng biết nữa, nhưng con thích xem TV …” Nhưng hãy chơi đùa với con cái! “Chán lắm cha …” Đừng thế, phải học. Đây là một tiêu chuẩn vĩ đại! Một người cha và một người mẹ biết cách chơi với con cái: dành thời gian với con cái. Thật sự là mấy đứa trẻ cứ hỏi đi hỏi lại cùng một câu: tại sao? … tại sao? Khi chúng đang ở độ tuổi “tại sao”, chúng làm cho người ta đau cả đầu vì quá nhiều câu hỏi. Nhưng quan trọng là phải biết cách trả lời ra sao, có khả năng chơi đùa, có khả năng nói chuyện, có thể dành thời gian với con cái. Đây là “ngôn ngữ riêng” của sự yêu thương, nó sẽ thông truyền tất cả những giá trị và đức tin. Xin anh chị em hãy bám vào điều này. Gia đình là cốt lõi của tình yêu. Những gì không được học trong gia đình sẽ rất khó học được ở bên ngoài. Tôi không biết đã trả lời được câu hỏi của anh chưa.
Simona:
Con chào Đức Thánh Cha, con là Simona, con là trưởng nhóm phục vụ nhà nguyện và thành lập một nhóm giới trẻ của giáo xứ. Theo kinh nghiệm của con thì con gặp phải một số khó khăn khi dấn thân vào cộng đoàn giáo xứ, đặc biệt trong những năm vừa rồi, vì con chứng kiến những chuyện không tốt; con quan sát thấy rất nhiều sự rời rạc và con cũng nhận được rất ít sự chào đón. Thảo luận và nói chuyện với các bạn bè trong nhóm về vấn đề đó, chúng con nhận thấy còn quá thiếu sự thương yêu về phía cộng đoàn, phải đi tìm ở bên ngoài, tìm nơi những người bên ngoài Giáo hội, làm cho họ phải đi tìm một tình yêu thay thế ở nơi khác. Vì vậy chúng con tự hỏi: liệu Đức Thánh Cha có thật sự yêu thương chúng con không? Các Đức Giám mục, các linh mục, các giáo lý viên có thật sự yêu thương thiếu nhi không? Và nếu tình yêu này thật sự hiện hữu thì tại sao nó không thể đến được với tất cả mọi thiếu nhi và làm chúng phải xa rời, tức là không thể làm chúng lại gần được?
ĐTC Phanxico
Theo “tinh thần” của câu hỏi của con, câu trả lời của cha chắc sẽ là một tiếng đánh động cho các linh mục và các giám mục … Như vậy, con nói đến ba vấn đề không thể quên: những kinh nghiệm không tốt, sự rời rạc, và vấn đề đầu tiên tiên là nhỉ? … Những chứng tá xấu, sự rời rạc trong những chứng tá. Chứng tá tốt; kinh nghiệm tốt và không khí, không khí tốt và sự gắn kết chặt chẽ là những điều không khí gia đình đem lại. Và giáo xứ phải là một gia đình: không khí của một gia đình. Điều đó không hề dễ dàng. Một nhân đức mà tất cả các linh mục phải có, một thái độ các cha phải có – các linh mục, các giám mục, các giáo hoàng, tất cả – đó là sự gần gũi. “À, các nhà tâm lý có nói điều này!” Không, Chúa Cha đã nói điều này khi Người tỏ ý định rằng Con của Người sẽ ở gần với chúng ta. Đức Giê-su là Thiên Chúa gần gũi với chúng ta. Và chúng ta là những môn đệ của Chúa Giê-su phải đi theo con đường của sự gần gũi này. Không rao giảng Tin mừng chỉ bằng lời nói và bằng những tranh cãi. Không, không rao giảng Tin mừng theo cách này. Tin mừng phải được rao giảng bằng sự gần gũi, bằng những chứng tá, bằng sự gắn kết chặt chẽ. Và con phải yêu cầu điều này nơi các chủ chăn: nơi cha, nơi các đức giám mục, các linh mục — sự gắn kết, chứng tá. Đây là ngôn ngữ, là “ngôn ngữ riêng” qua đó đức tin được thông truyền. Một ngôn ngữ riêng được xây dựng bằng sự gắn kết, bằng những chứng tá, sẽ nảy mầm tốt trong những người khác. Lòng hiếu khách, như con nói, “Con cảm thấy không được chào đón. Lòng hiếu khách. Và lòng hiếu khách là một nụ cười tự nhiên, một nụ cười nói rằng “Mời vào, đây là nhà của bạn!” Cha không nói đến nụ cười giả tạo của nhiều người mà họ phải tạo ra trong công việc. Bạn phải cười, vì nếu bạn không cười bạn sẽ bị đuổi việc, và cuối cùng đó là nụ cười giả tạo. Không, phải là nụ cười chào đón: “Mời vào, tôi vui vì bạn đến đây.” Hãy tạo ra cảm giác rằng đây là nhà của bạn. Và luôn yêu cầu điều này nơi những Chủ chăn: sự gần gũi, vì Chúa Giê-su đã hạ mình xuống gần gũi với chúng ta. Những bài giảng vĩ đại của Chúa Giê-su không phải là những bài thuyết giảng. Đúng, những bài giảng này dạy chúng ta quá nhiều điều, nhưng bài giảng vĩ đại, rất vĩ đại đó là sự gần gũi. Đó là việc Ngài hạ mình xuống với chúng ta. Các nhà thần học gọi đây là sự gần gũi. Hay những nhà thần học hoa mỹ hơn thì gọi nó bằng một từ của tiếng Hy lạp: syncatabasi.” Rồi cha sẽ yêu cầu linh mục coi xứ dạy điều này – sự gần gũi, — Thiên Chúa, Người đã hạ mình xuống gần gũi với chúng ta. Và Thiên Chúa — điều này rất thú vị — khi Người vào trong sa mạc với dân Israel, đã hỏi câu này: “Hãy xem, ngươi có bao giờ thấy một dân tộc có một Đức Chúa quá gần gũi như Ta gần gũi với các ngươi không?” Chính Chúa nói rằng Người ở gần với chúng ta. Đây không chỉ là một nhân đức của các Mục tử, nó cũng là một nhân đức của mọi người Ki-tô hữu. Một người Ki-tô hữu phải luôn gần gũi với người khác, không phải theo cách gây bực mình, không phải những con người nhàm chán đó. Không, gần gũi, bằng sự tế nhị, bằng sự yêu thương, luôn luôn với tâm hồn rộng mở. Và nếu trong giáo xứ không có sự gần gũi này, thái độ gần gũi của các Mục tử và của giáo dân trong giáo xứ, người ta sẽ có cảm giác như con đã có: sự lạnh lùng, sự lạnh nhạt, đó là một giáo xứ lãnh đạm, một giáo xứ theo chức năng, nơi mọi việc đều trôi chảy ngoại trừ con tim. Đó là một giáo xứ “bị bệnh tim.” Giáo xứ đó bị bệnh tim, đó là sự gần gũi. Cha không biết đây có phải là câu trả lời chưa, dành cho các Mục tử, cho giáo dân và cho các nữ tu! Cảm ơn con.
Beatrice:
Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, con là Beatrice, con 15 tuổi và con có một câu hỏi. Thật buồn vì hai năm trước con đã mất cha của con và từ đó con trở nên rất gần gũi với Giáo hội và với giáo xứ này, trong đó con tìm được một nhóm bạn rất thú vị, họ đón nhận con như trong một gia đình, và là một sự an ủi tinh thần rất lớn. Tuy nhiên, con nhìn thấy rất nhiều bạn bè đồng trang lứa với con xa cách Giáo hội vì các bạn nghĩ rằng nó rất tẻ nhạt. Vì vậy con tự hỏi, con có thể làm gì, chúng ta có thể làm gì để làm cho các bạn thiếu niên hiểu rằng Giáo hội là một nơi của sự yêu thương, như con và tất cả các bạn ở đây hôm nay đều hiểu. Con cảm ơn Đức Thánh Cha.
ĐTC Phanxico
Nhiều khi những người bạn kia của con cũng đúng đấy, vì có một số Mục tử, một số nữ tu, một số giáo dân thật sự tẻ nhạt … và họ có khuôn mặt mà con không biết đó có phải là khuôn mặt của một Mục tử hay không, có phải khuôn mặt của một người hoạt động trong Giáo hội không hay là khuôn mặt của một người đưa đám. Con không biết – như một đám tang vậy!
Niềm vui của Tin mừng — Tin mừng luôn mang đến niềm vui. Và điều này không chỉ đúng với các Mục tử, nhưng cả với giáo dân, với tất cả. Thật, cha nói rằng cha đã thường tìm thấy trong các giáo xứ những giáo dân cay đắng với khuôn mặt “chua như giấm,” nhiều hơn các linh mục hay nữ tu. Vì thường khi một giáo dân không hòa mình tốt vào trong cộng đoàn, người đó bắt đầu với trò chơi sức mạnh này trong người, cuộc chiến trong nội tâm mà đôi khi con gặp thấy nơi những người, đúng là tốt, hoạt động tốt – cha không biết nữa, trong hội Công giáo Tiến hành, trong Caritas, trong nhiều tổ chức của giáo xứ –, nhưng họ luôn bực dọc, không thoải mái. Cha không biết lý do tại sao, có thể là có vấn đề về chức tước gì đó, cha không biết … Mục đích không phải lúc nào cũng trong sáng. Họ là người tốt nhưng không có sự tự do của niềm vui Tin mừng. Và chúng ta phải luôn đặt điều này trước mắt chúng ta. Tôi là một người tín hữu thật sự, điều này phải được thể hiện qua niềm vui, niềm vui đó là món quà của Chúa Giê-su, niềm vui của Chúa Giê-su Sống lại. Chúa Giê-su không sống lại để cho chúng ta khóc. Người sống lại để trao tặng cho chúng ta niềm vui và sự chắc chắn mà tất cả chúng ta đều mong chờ. Và điều này bị thiếu, đúng vậy, nó bị thiếu. Thiếu niềm vui của Tin mừng, không phải luôn luôn như vậy, nhưng nhiều lần.
Rồi con hỏi cha câu hỏi: “Con có thể làm gì để thuyết phục các bạn bè rằng Giáo hội không phải như vậy?” Chúc mừng con! Con không nói: “Con phải làm gì?” Vì nếu con đi và nói như vậy, các bạn sẽ không tin con đâu. Con phải làm, con phải làm mọi việc bằng niềm vui. Rồi các bạn sẽ nhìn thấy và nói: “Chắc nó điên, tại sao nó lại làm những việc như vậy?” Và rồi con nói: “Không, cứ đến mà xem. Đến mà xem.” Giáo hội không phát triển bằng chủ nghĩa chiêu dụ môn đồ nhưng bằng sự cuốn hút, sự cuốn hút của chứng tá. Chúng ta không phải là một đội bóng đá, một câu lạc bộ đang đi tìm cổ động viên. Không. Chúng ta là những môn đệ của Chúa Giê-su, những người đang cố gắng thực hiện những gì Tin mừng nói cho chúng ta biết. Và việc này luôn tạo ra sự tuôn chảy niềm vui. Và rồi các bạn nhìn thấy sự vui vẻ và hỏi: “Tại sao họ lại vui quá vậy?” Điều này đã xảy ra trong những thời gian đầu của Giáo hội. Ngay khi Giáo hội được khai sinh, sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, người ta nhìn vào Giáo hội và nói: “Nhìn kìa, họ quá hạnh phúc! Và họ yêu thương nhau quá chừng! Họ không “dìm” nhau “xuống,” — vì họ là những người đã cuốn hút người khác bằng niềm vui của mình. Không thể sống Tin mừng mà không có niềm vui: niềm vui là điều kiện để sống Tin mừng, con hiểu chứ? Và nếu một trong những người làm việc trong giáo xứ có thói quen làm bữa ăn sáng bằng món caffe latte “với giấm,” hãy làm cho người đó thay đổi thói quen, và làm một tách caffe latte, nó sẽ làm cho người đó sảng khoái!
Mattia:
Con chào (buổi tối) Đức Thánh Cha Phanxico. Con là Mattia và con 10 tuổi. Con muốn hỏi cha là không biết có thể cầu nguyện cho mẹ của con không, mẹ bị mổ vào ngày mai, và xin Đức Thánh Cha chúc lành cho gia đình con và tất cả các gia đình trong giáo xứ. Con cảm ơn Đức thánh Cha.
ĐTC Phanxico
Cảm ơn con! Con là Mattia. Mattia đã làm điều này: đó là một điều thanh thiếu niên luôn luôn phải làm: hãy cầu nguyện cho cha mẹ, cầu nguyện cho cha mẹ. Cha mẹ cầu nguyện cho chúng con, nhưng chúng con có cầu nguyện cho cha mẹ không? Hay chúng con chỉ cầu nguyện khi có hy vọng là cha mẹ sẽ tặng cho chúng con món quà? Không, không thể vì chuyện họ cho chúng con món quà này hay món quà kia. Không. Phải cầu nguyện cho cha mẹ. Hãy suy nghĩ nhé! Cha mẹ rất cần lời cầu nguyện của chúng con vì làm việc đó là chúng con giúp cho cha mẹ tiến bước. Và khi cha mẹ bị bệnh, như trường hợp của Mattia – mẹ của bạn phải có cuộc giải phẫu – phải cầu nguyện nhiều hơn nữa. Cha mẹ cầu nguyện cho chúng con, và chúng con phải cầu nguyện cho cha mẹ. Gia đình – chúng ta hãy bắt đầu từ gia đình – gia đình được xây dựng cũng bằng những lời cầu nguyện. Cầu nguyện làm cho gia đình phát triển, cầu nguyện cho nhau: cho tất cả, tất cả, tất cả. Và cha muốn hỏi tất cả thanh thiếu niên ở đây: chúng con có cầu nguyện cho cha mẹ không? Cha thấy là chúng con không muốn trả lời vì câu trả lời chắc sẽ không êm tai lắm … Nhưng chúng ta hãy bắt đầu từ bây giờ, từ hôm nay và từ nay trở đi mỗi ngày cầu nguyện cho cha mẹ. Không cần thiết là phải cầu nguyện dài dòng. Không, hãy nói: Lạy Chúa, xin bảo vệ cho mẹ, cha, ông, bà của con,” như vậy đấy, giống như chúng ta nói chuyện. Hãy cầu nguyện cho cha mẹ. Và khi cha mẹ gặp phải vấn đề gì, hãy cầu nguyện để vấn đề đó được giải quyết ổn thỏa – như vấn đề sức khỏe. Gia đình được xây dựng bằng sự cầu nguyện cho nhau. Và con cái phải cầu nguyện cho cha mẹ. Hãy cứ thực hiện như vậy. Cha sẽ cầu nguyện cho mẹ của con.
Cầu nguyện
Chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Mẹ. Mẹ là Mẹ luôn Tha thứ của chúng ta. Tất cả chúng ta đều cần được tha thứ điều gì đó. Xin Mẹ giúp chúng ta!
[Kính mừng Maria]
Phép lành
Cha nhìn thấy cái bảng đó. Nó rất đẹp. “Giáo xứ là ngôi nhà của niềm vui.” Chúng ta cùng nhau lặp lại nhé. Giáo xứ là … “Ngôi nhà của niềm vui.”
Đừng quên điều đó. Cảm ơn tất cả!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/5/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét