Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Có 40,3 triệu nô lệ hiện đại ngày nay

Có 40,3 triệu nô lệ hiện đại ngày nay

10 tháng Tám, 2018
Có 40,3 triệu nô lệ hiện đại ngày nay
Shutterstock

Tổ chức Walk Free Foundation đã phát hành "Global Slavery Index 2018." (Thống kê tình trạng Nô lệ Toàn cầu 2018)

Ngày nay khoảng 40,3 triệu người trên khắp thế giới đang sống và lao động như những nô lệ. Thống kê này được tiết lộ ngày 19 tháng Bảy vừa qua bởi Global Slavery Index 2018, được soạn và phát hành bởi Tổ chức Walk Free Foundation. Báo cáo tố giác sự thật rằng cứ một ngàn người dân trên hành tinh này thì có 5,4 người là “nô lệ hiện đại.”

Phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân phổ biến nhất của hình thức này: phụ nữ chiếm 71 phần trăm, hoặc gần ba phần tư, số người trong tình trạng nô lệ hiện đại. Chỉ có 29 phần trăm là nam giới. Ước tính rằng hơn phân nửa số người bị bắt làm nô lệ là tuổi vị thành niên.

Báo cáo tiếp tục cho biết trong số 40,3 triệu nô lệ này, 15,4 triệu là phụ nữ hoặc trẻ em bị ép buộc kết hôn. Gần 25 triệu người là nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức, trong một số trường hợp họ bị áp đặt bởi chính quyền quốc gia của họ.

Những quốc gia có tỷ lệ cao nhất … 

Những quốc gia có tỷ lệ cao nhất — nghĩa là những quốc gia với số người trong tình trạng nô lệ nhiều nhất — tất cả đều rơi vào Châu Phi và Châu Á. Ba địa danh đáng xấu hổ trong danh sách này là Bắc Triều Tiên, Eritrea, và Burundi. Tiếp theo là Cộng hòa Trung Phi, Afghanistan, Mauritania, Nam Sudan, Pakistan, Cambodia, và Iran.

Theo giải thích của các tác giả tập Global Slavery Index 2018 trong báo cáo dài hơn 200 trang này, tình hình trong hầu hết những quốc gia này là rất u ám — chủ yếu do những xung đột vũ trang, nhưng cũng vì thiếu an ninh và pháp quyền.

Ba quốc gia đứng đầu — Bắc Triều Tiên, Eritrea, và Burundi — cũng là ba nhà nước trong đó tình trạng nô lệ do chính Nhà nước áp đặt. Theo báo cáo của Walk Free, một trong số mười người công dân Bắc Triều Tiên — tức là 2,6 triệu người — đang ở trong tình trạng nô lệ. Đây là số phận của nhiều người Ki-tô hữu Bắc Triều tiên, họ bị cầm tù trong những kwan-li-so chung thân, bị cưỡng bức lao động bởi chính thể Pyonyang.

Về phần mình, tổng thống Isaias Afewerki của Eritrea, đã nắm quyền suốt 25 năm, có xung đột lâu với Ethiopia và đưa ra chính sách tuyển quân bắt buộc đối với công dân trong thời gian vô hạn, và theo Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International, đã góp phần vào việc tạo ra một “thế hệ người tị nạn.”

Về phần Burundi, quốc gia vẫn tiếp tục áp dụng chính sách cưỡng bức lao động, và phải nhớ rằng đây là quốc gia với “tỷ lệ trẻ em lao động cao nhất” trên thế giới, theo báo cáo của La Repubblica tháng Sáu 2014. Trong quốc gia Châu Phi đó, trong số 5 thiếu nhi thì có ít nhất 1 em là nạn nhân của một hình thức bóc lột nào đó, và những nô lệ nhỏ bé này thường “được trả công rất ít, hoặc không được trả một đồng nào.”

Nhiều trẻ em Burundian phải làm việc ngoài đồng; những em khác trong vùng đô thị trở thành những “đầy tớ trai” trong những gia đình giàu có, “tai họa trở nên trầm trọng hơn khi người lao động không được bảo vệ bằng bất kỳ một quyền nào; đến mức họ thường phải sống trong những điều kiện của người nô lệ thật sự,” một tờ báo Roma viết.

Trong số những quốc gia góp phần “rất ít” trong cuộc chiến chống lại tình trạng nô lệ, “dù họ có những nguồn tài nguyên và của cải dồi dào,” gồm một số quốc gia có mức GDP rất cao tính theo đầu người, chẳng hạn Kuwait, Qatar, Singapore, và Brunei.

… và tỷ lệ thấp nhất

Tuy nhiên, cũng có những quốc gia đã và đang chiến đấu suốt nhiều năm để chấm dứt hiện tượng này. Trong báo cáo Global Slavery Index, chỉ có một quốc gia đạt điểm A: Hà lan. Hà lan dẫn đầu trong danh sách 10 quốc gia hoạt động tích cực nhất trong cuộc chiến chống lại tai họa của nạn nô lệ này. Ngoài Hà lan, những quốc gia nằm trong danh sách 10 nước là Hoa kỳ, Anh, Thụy sĩ, Bỉ, Croatia, Tây Ban nha, Na uy, Bồ Đào nha, và cuối cùng là một quốc gia nhỏ Montenegro.

Theo báo cáo cho biết, dù những nguồn tài nguyên rất giới hạn, cam kết của những quốc gia như Georgia, Moldova, Senegal, Sierra Leone, và Mozambique rất đáng học hỏi, họ “trả lời khá mạnh mẽ.” Thật vậy, Mozambique là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, với GDP tính trên đầu người là $519 năm 2017 và Mức độ Phát triển Con người thấp (HDI: 0.418).

Từ Châu Âu và Trung Á đến Hoa kỳ

Theo Global Slavery Index, trong diện tích mênh mông gồm Châu Âu và Trung Á, tỷ lệ cao nhất của tình trạng nô lệ hiện đại được tìm thấy ở Turkmenistan, Belarus, và Macedonia. Nga, Thổ Nhĩ kỳ, và Ukraine có con số cao nhất các nạn nhân của tình trạng nô lệ hiện đại trong toàn khu vực.

Belarus cũng nằm trong số những quốc gia trong đó chính phủ áp đặt tình trạng lao động cưỡng bức. Trong quốc gia đó, vẫn còn một hệ thống được gọi là Subbotniks hoặc gọi là “Ngày Sa-bát của người cộng sản,” nó bắt buộc các nhân viên nhà nước phải làm việc các ngày thứ Bảy hoặc cuối tuần và để “đóng góp” cho nguồn thu của các dự án do chính phủ lựa chọn.

Cũng có “tình trạng nô lệ mới” ở Hoa kỳ. Theo báo cáo, có hơn 400.000 người lao động như nô lệ trong nước này, “một con số thống kê thật sự gây sửng sốt,” nó “cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề này trên toàn cầu,” ông Andrew Forrest, người sáng lập Tổ chức Walk Free Foundation giải thích trong một số báo phát hành.

Doanh nhân và là nhà từ thiện người Úc cho biết thêm, “Hoa kỳ là một trong những quốc gia tiến bộ nhất trên thế giới, nhưng vẫn có trên 400.000 nô lệ hiện đại làm việc trong những tình trạng bị cưỡng bức lao động.” Ông nhấn mạnh, “Điều này chỉ có thể xảy ra khi có sự nhẹ tay đối với tình trạng bóc lột.

“Bàn đạp” của tình trạng nô lệ hiện đại

Báo cáo của Walk Free Foundation cũng cũng đặt chú ý rất nhiều đến việc nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bởi tình trạng lao động cưỡng bức của các quốc gia G20; khối lượng nhập khẩu các loại hàng hóa này đã đạt đến một giá trị chung là $354 tỷ. Hậu quả gây ra, theo các tác giả của Global Slavery Index, những sự nhập khẩu này là “bàn đạp” cho tình trạng nô lệ hiện đại.

Những thiết bị điện tử, bao gồm máy vi tính để bàn, laptop, và điện thoại thông minh, góp phần lớn nhất trong số $354 tỷ này: chính xác là $200,1 tỷ. Một khu vực đáng chú ý khác là may mặc: các quốc gia G20 nhập khẩu các sản phẩm may mặc với trị giá là $127,7 tỷ. Đứng vị trí thứ ba, thứ tư, và thứ năm là đánh bắt cá ($12,9 tỷ), cocoa ($3,6 tỷ), và mía đường ($2,1 tỷ).

Nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nhà nhập khẩu đứng đầu toàn cầu đối với những sản phẩm có nguy cơ được sản xuất qua lao động cưỡng bức: Hoa kỳ nhập khẩu những sản phẩm có thể được sản xuất qua lao động cưỡng bức với tổng giá trị $144 tỷ mỗi năm, trong tổng số đó $122 tỷ dành riêng cho các sản phẩm điện tử và sản phẩm may mặc từ Trung quốc. Việt nam chiếm $11,2 tỷ, và Ấn độ $3,8 tỷ, là quốc gia lớn thứ hai và thứ ba xuất khẩu sang Hoa kỳ những sản phẩm có thể được sản xuất từ lao động cưỡng bức.

Tỷ lệ nhập khẩu những mặt hàng có thể được sản xuất bởi lao động cưỡng bức của Mỹ lớn gấp ba lần so với quốc gia đứng thứ hai nhập khẩu những mặt hàng này trong nhóm các quốc gia G20, Nhật ($47 tỷ). Vị trí thứ ba là Đức với $30 tỷ, sau đó là Anh với $18 tỷ và Pháp chiếm $16 tỷ. Canada đứng vị trí thứ sáu với $15 tỷ.

Hành động khẩn cấp

Ngoài ra, báo cáo cho biết rằng 12 quốc gia thành viên trong nhóm G20 không làm gì để giải quyết hoặc ngăn chặn tình trạng này, trong đó có Argentina, Mexico, và Nga. Quốc gia quê hương của ông Andrew Forrest cũng chưa có hành động gì đối với tình trạng này, nhưng Canberra đang xây dựng pháp chế mới được xem như tiên phong trong vấn đề này.

Rất cần có một hành động khẩn cấp cho vấn đề này. Những hình ảnh của một buổi bán đấu giá những người di cư Nigeria trong nước Libya, được CNN đăng tải công khai mùa thu năm trước, làm công luận thất kinh. Những video này cho thấy rằng vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, những chợ nô lệ vẫn còn tồn tại.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/8/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét