Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

PHỎNG VẤN: Linh mục Syria: ‘Tôi biết chiến tranh là gì, nỗi sợ chết, bản thân tôi đã có kinh nghiệm tất cả’

PHỎNG VẤN: Linh mục Syria: ‘Tôi biết chiến tranh là gì, nỗi sợ chết, bản thân tôi đã có kinh nghiệm tất cả’
Syria - ACN

PHỎNG VẤN: Linh mục Syria: ‘Tôi biết chiến tranh là gì, nỗi sợ chết, bản thân tôi đã có kinh nghiệm tất cả’

Cha Raimond Girgis, Dòng Phan Sinh, Bề trên Đền Thánh Phaolo ở Damascus (Đa-mát), đưa ra lời kêu gọi thông qua ZENIT ở Amman, Jordan

09 tháng Bảy, 2019 00:06

“Tôi biết chiến tranh là gì, sự hãi hùng, nỗi sợ chết, bản thân tôi đã có kinh nghiệm tất cả,” Cha Raimond Girgis nói, cha thuộc dòng Phan Sinh, Bề trên Đền Thánh Phaolo tại Damascus. Cha nói thêm: “Nhà thờ của tôi từng là mục tiêu của năm cuộc tấn công bằng pháo kích.”

Cuộc phỏng vấn này dành cho Phóng viên Vatican cấp cao của Zenit, Deborah Castellano Lubov, ở Jordan, “là một bằng chứng tuyệt vời cho thấy cộng đoàn Công giáo Syria đã trải qua tám năm nội chiến như thế nào, và nó vẫn chưa kết thúc. Số người Ki-tô ở Syria hiện nay không bằng một nửa số của năm 2011. Tuy nhiên, ngay giữa tàn phá kinh hoàng do cuộc xung đột, “nhiều người Hồi giáo nói với chúng tôi, ‘bây giờ chúng tôi mới hiểu người Ki-tô hữu cách bạn là ai, đức ái Ki-tô giáo là gì,” Cha Raimond nói tiếp.

Đền thờ vươn lên trên địa điểm ngày xưa, theo truyền thống, là nơi Sa-un thành Tarsus, sau rửa tội được gọi là Phaolo, thuộc nhóm Pha-ri-sêu và là công dân thành Roma, bị ngã ngựa và trở lại từ một kẻ bắt bớ những cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên của Palestine để trở thành một Tông đồ của Đức Ki-tô Phục sinh bên ngoài vùng Đất Thánh, đến Roma, nơi ngài bị chặt đầu.

Với Cha Raimond, có thể từ nước ngoài đến thăm Syria trong những lúc yên bình, để biết về thực tại của đất nước và đặc biệt là Giáo hội địa phương. Ngài kêu nài, “Chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ vật chất và tinh thần.”

Hội nghị Quốc tế “Truyền thông và vai trò của chúng trong việc bảo vệ sự thật,” phản ánh về sự đối thoại giữa các tôn giáo và con người ở Trung Đông, diễn ra tại thủ đô của Jordan, từ 18 đến 20 tháng Sáu, 2019. Cuộc họp được tổ chức bởi Hội đồng các Nghị phụ Công giáo Đông phương, Trung tâm các Môn học và Truyền thông Công giáo ở Jordan, cùng với sự hợp tác của Diễn đàn Đối thoại và Hợp tác giữa các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo và Học viện của Thế giới Ả-rập” và Văn phòng Du lịch của Jordan.

Phóng viên cấp cao của ZENIT, Deborah Lubov, có mặt tại Amman để trình bày tại hội nghị trong phiên họp về “Truyền thông và sự thật: mối quan hệ là gì?” Dưới đây là phỏng vấn riêng của Zenit được thực hiện ở Amman với nhà lãnh đạo tôn giáo Syria:


***

ZENIT: Thưa cha Raimond, tình hình của Giáo hội Công giáo tại Syria hiện nay như thế nào, sau nhiều năm chiến tranh?

Cha Raimond: Tôi cho rằng có những khía cạnh tốt và không tốt. Nếu chị muốn bắt đầu bằng những khía cạnh tốt, thì tôi nói rằng Giáo hội vẫn luôn luôn gần gũi với người Ki-tô hữu. À, ngày nay Giáo hội cũng gần gũi với người Hồi giáo hơn.

ZENIT: Chuyện đó diễn ra như thế nào?

Cha Raimond: Trong những năm chiến tranh, Giáo hội đã có thể cho thấy khuôn mặt bác ái của mình. Giáo hội đã thật sự làm chứng nhân với sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa dành cho người nghèo, tất cả mọi người nghèo, không phân biệt giữa người Ki-tô hữu hay Hồi giáo. Giáo hội Công giáo nhìn thấy nơi mỗi con người sự đau khổ từ những nỗi đau của chiến tranh. Tuy nhiên, tôi phải nói thêm rằng tất cả các Giáo hội Ki-tô giáo đều làm chứng nhân của đức ái, đặc biệt các Học viện Đời sống Tận hiến, cả nam và nữ, luôn luôn ở gần gũi với những người đau khổ.

ZENIT: Có phải điều này không xảy ra trước chiến tranh?

Cha Raimond: Ngay cả trước chiến tranh thì Giáo hội cũng đã thực hành đức ái, nhưng nó có một chút nào đó “bình thường” hơn, tôi muốn nói rằng nó “là việc bình thường.” Ngày nay có những sự phục vụ mà chính bản thân người Hồi giáo đòi hỏi theo sáng kiến của họ, cảm ơn chúng tôi bằng một nụ cười. Chính họ, là những người Hồi giáo, thường nói với chúng tôi “bây giờ chúng tôi mới hiểu người Ki-tô hữu cách bạn là ai, đức ái Ki-tô giáo là gì.” Và đây quả thật là một sự phát triển tích cực, chúng tôi ngày nay gần gũi hơn với tất cả mọi người Syria, không phân biệt ai, và đặc biệt là đối với trẻ em.

ZENIT: Và còn khía cạnh không tốt mà cha đã đề cập đến?

Cha Raimond: Khía cạnh xấu nhất của tình hình hiện tại chắc chắn là sự giảm bớt, nói về con số, sự hiện diện của người Ki-tô hữu trong nước.

ZENIT: Những con số hôm nay là như thế nào?

Cha Raimond: Trước khi chiến tranh nổ ra, có gần 2 triệu người Ki-tô hữu ở Syria, và ngày nay chỉ còn khoảng 900.000. Cuộc sống của các gia đình bây giờ bấp bênh hơn, đầy các vấn đề: người trẻ bỏ đi; người già còn lại cô đơn trong nhà, chẳng có ai giúp đỡ … Trên quan điểm về gia đình, hiện nay có rất nhiều khía cạnh không tốt. Chiến tranh luôn luôn sản sinh ra những điều xấu, chẳng bao giờ có điều tốt; chiến tranh chẳng bao giờ mang đến bình an. Hòa bình không bao giờ là kết quả của chiến tranh. Đối với người Ki-tô hữu chúng tôi, chín năm qua là một thời gian của sự buồn phiền, đau khổ, bắt bớ. Tuy nhiên, tạ ơn Chúa, những mạnh thường quân từ Châu Âu vẫn không thiếu, họ ở cạnh chúng tôi — người Ý, người Đức, người Pháp, họ cho chúng tôi sự trợ giúp về vật chất để xây nhà cửa, trường học, nhờ vào những đóng góp của nhiều con người tốt lành mong muốn có hòa bình. Cho dù trong tình trạng bất hạnh, nhưng điều này lại là một mặt tích cực. Ngày nay, người Châu Âu gần gũi với người Syria hơn.

ZENIT: Như vậy việc di cư làm giảm bớt các cộng đoàn của cha?

Cha Raimond: Tôi cho rằng nó là một vết thương mà quả thật chúng tôi cũng không biết cách chữa lành như thế nào.

ZENIT: Nếu vẫn còn một cách nào đó, thì hiện tượng này có thể được giảm bớt đi bằng cách nào?

Cha Raimond: Là Giáo hội, điều chúng tôi ngày nay có thể làm là động viên những người đã ra đi hãy trở về Syria. Tuy nhiên, rõ ràng là quyết định thuộc về các gia đình. Chúng tôi không thể thay thế vị trí của họ, nhưng chỉ có thể động viên họ ở lại đây làm việc để tái xây dựng Syria. Thật đáng buồn, có nhiều hoàn cảnh khiến người ta phải bỏ ra nước ngoài, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại. Quả thật, một số người đã nói với chúng tôi “nếu tôi bỏ đi sớm hơn, chứ không ở lại, thì chắc đã tốt hơn nhiều!” Và thật đau khi nghe một người nói như vậy!

ZENIT: Và còn những gì có thể thực hiện được?

Cha Raimond: Là Giáo hội, chắc chắn chúng tôi không thể thay thế vị trí của Nhà nước: tôi lặp lại, chúng tôi chỉ có thể động viên và ở lại đây, để mọi người hiểu được tầm quan trọng là đừng rời bỏ Syria bây giờ và để cung cấp sự hỗ trợ về vật chất theo khả năng chúng tôi. Đặc sủng của chúng tôi trong Dòng Phan sinh là sự gần gũi với mọi người, để bảo đảm cho họ những phương tiện để sống. Chúng tôi đang hướng ra toàn thế giới xin cứu trợ để trao cho họ cơ hội ở lại. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng là của họ.

ZENIT: Điều này cũng là thực trạng đối với người trẻ?

Cha Raimond: Chúng tôi có nhiều sinh viên đại học, sau khi xong các môn học, quyết định rời bỏ đất nước, và điều này thật chẳng tốt. Vì vậy, tôi phải nói lời cảm ơn với các bề trên của tôi, các giới chức hội thánh ở Syria, những vị cam kết giúp cho những người trẻ này hiểu được ý nghĩa của sự hiện diện của Ki-tô giáo, động viên họ, hỗ trợ một dự án việc làm nhỏ … 

ZENIT: Phần đầu cha có đề cập đến trẻ em … 

Cha Raimond: Trẻ em là tương lai của chúng tôi, nhưng sinh ra và lớn lên trong những năm chiến tranh này, nhiều bé đã hoảng sợ, đã có những báo cáo về những tổn thương tâm lý nghiêm trọng nơi các em … Vì vậy, chúng tôi đã khởi động một dự án hỗ trợ tâm lý cho các bé, mà trong suốt ba năm qua trẻ em Hồi giáo được hưởng lợi ích nhiều hơn Ki-tô giáo.

Ngoài ra, trong dòng của tôi chúng tôi tiếp nhận các bệnh nhân; chúng tôi chăm sóc miễn phí cho những bệnh nhân ung thư và tiểu đường. Chúng tôi đã mở một trường âm nhạc, để dạy thiếu nhi chơi một loại nhạc cụ … 

ZENIT: Nếu được, cha có thể cho biết cuộc sống của những giáo xứ Công giáo thuộc dòng Phan sinh ở Syria như thế nào?

Cha Raimond: Chúng tôi có bảy giáo xứ ở Syria, tất cả đều là Công giáo theo nghi lễ La-tinh ở Syria, ngoại trừ những người nước ngoài, có 8.000 gia đình. Chúng tôi có một Đại diện Tông tòa Dòng Phan sinh, Đức ông Abou Khazen ở Aleppo. Tại xứ Bab Touma ở Damascus chúng tôi có 400 thanh thiếu niên trong trung tâm giáo lý, 300 hướng đạo sinh, 23 ca viên, 50 bạn trẻ sinh viên đại học … Tôi mới cho chị biết ví dụ của một giáo xứ, để chị nhìn thấy được Giáo hội chú trọng đến hoạt động với giới trẻ như thế nào, vì họ là tương lai!

ZENIT: Chiến tranh vẫn còn gây ra nỗi sợ hãi?

Cha Raimond: Nếu chị đến Damascus, chị sẽ tìm thấy một thành phố an toàn, yên tĩnh. Tuy nhiên, quyết định thật sự chấm dứt chiến tranh vẫn chưa có.

ZENIT: Những triển vọng tương lai cho sự chung sống giữa người Ki-tô hữu và Hồi giáo là như thế nào?

Cha Raimond: Chúng tôi đã có những khó khăn khi sống với người Hồi giáo, và ngược lại, họ với chúng tôi. Trong tất cả 14 tỉnh của Syria người Ki-tô hữu và Hồi giáo sống chung với nhau, trong cùng một tòa nhà, trong cùng văn phòng, cùng trường học … Đối với chúng tôi, sự chung sống vẫn luôn là một điều bình thường, không có sự đối kháng. Đã có tin về cuộc nội chiến giữa người Ki-tô giáo và Hồi giáo, nhưng nó không phải là sự thật!

Tôi cho chị một ví dụ. Ở Aleppo, đa phần dân cư — 80% — là người Sunni. Khi thành phố bị chiến tranh ập đến, người Sunni lánh nạn trong vùng Latachia, là một tỉnh khác, đối diện với Địa Trung hải, nơi này ngược lại đa phần dân số — 70% — lại là người Alawi. Vậy thì làm sao lại có thể đồn tin về một cuộc chiến tranh tôn giáo khi người Sunni tìm chỗ lánh nạn ở chỗ người Alawit?

ZENIT: Tóm lại, cha có lời kêu gọi nào gửi đến những người đọc chúng ta?

Cha Raimond: Hãy đến Damascus, Aleppo, Latachia để hiểu rõ về Syria và trao cho chúng tôi sự can đảm. Là đại diện của Giám mục, tôi bảo đảm với chị là có thể đến Syria trong yên tĩnh. Chị sẽ tìm thấy người Hồi giáo, người Ki-tô giáo, người Sunni, người Alawi, các gia đình Druse sống cạnh bên nhau. Ngày nay, trong tất cả các tỉnh của Syria, ngoại trừ Idlib — một vùng vẫn nằm trong sự kiểm soát của các tay khủng bố –, người ta sống yên bình với nhau, bất kể là người Ki-tô giáo hay Hồi giáo, và những gì họ muốn cho cuộc sống đó là hòa bình, sự ổn định và việc làm.

[Phỏng vấn bằng tiếng Ý ở Amman, Jordan]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/7/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét