Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

Tòa Thánh kêu gọi LHQ tập trung vào sự phát triển toàn diện

Tòa Thánh kêu gọi LHQ tập trung vào sự phát triển toàn diện
Laudato Si' / © PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO

Tòa Thánh kêu gọi LHQ tập trung vào sự phát triển toàn diện

Đức Tổng Giám mục Auza trích dẫn Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa)

29 tháng Mười, 2019 00:30

Ngày 15 tháng Mười, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, có bài phát biểu trước Ủy ban Thứ Hai của Phiên họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về Chương trình Hành động Mục 19, nói về “Sự Phát triển Toàn diện.” Bài phát biểu được đọc bởi Đức ông Fredrik Hansen.

Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Auza trích dẫn Tông huấn Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng, chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, trong đó Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi suy tư về tình trạng hiện tại của thế giới và suy xét về một thế giới mà chúng ta muốn để lại cho những thế hệ đến sau chúng ta. Để bảo vệ phẩm giá của mỗi con người và để thúc đẩy ích chung, ngài nói, chúng ta phải bảo đảm rằng những đòi hỏi về sự phát triển phải đi đôi với những đòi hỏi về nhân phẩm và những nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh không bị đối xử như những nguồn tài nguyên vô tận. Ngài nói, chúng ta không chỉ cân nhắc đến bản thân môi trường nhưng còn về ý nghĩa và những giá trị nhân loại của chúng ta,” chúng đòi hỏi việc thực thi sự phát triển bền vững theo con đường tổng thể và đạo đức, điều mà Đức Giáo hoàng Phanxico gọi là “sự hoán cải môi sinh.” Đức Tổng Giám mục Auza cũng nói về tầm quan trọng của tình đoàn kết liên thế hệ trong sự phát triển toàn diện và bảo đảm rằng những lời nói của chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ ngôi nhà chung được biến thành hành động.


Toàn văn phát biểu của Đức Tổng Giám mục Auza

Thưa ông Chủ tịch,

Chương trình Hành động cho sự Phát triển Bền vững 2030 chỉ ra rằng “tương lai của nhân loại và của hành tinh chúng ta nằm … trong bàn tay của thế hệ hôm nay là những người trao ngọn đuốc cho các thế hệ tương lai.” Chia sẻ cùng một ý tưởng đó, trong Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa): Chăm sóc Ngôi nhà chung của Chúng ta, Đức Giáo hoàng Phanxico làm nổi bật lên sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã cho thấy rõ rằng “chúng ta không thể nói về sự phát triển bền vững tách biệt khỏi tình đoàn kết liên thế hệ.”[1] Ngài thúc giục chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng “chúng ta muốn để lại cho những người đến sau chúng ta, cho con cái chúng ta đang lớn lên” một loại thế giới như thế nào?[2] Một câu hỏi như vậy không chỉ liên quan đến vấn đề môi trường nhưng là phương hướng chung, ý nghĩa, và những giá trị của con người chúng ta. Trả lời cho câu hỏi đó đòi hỏi một sự tiếp cận toàn diện và đạo đức, đặt nền tảng trong điều mà Đức Giáo hoàng Phanxico gọi là “sự hoán cải môi sinh.”[3] Thật vậy, sự chăm sóc đích thực cho hành tinh của chúng ta không thể giới hạn đơn thuần trong việc thay đổi những mô hình sản xuất và tiêu dùng của chúng ta. Trên tất cả, nó đòi hỏi sự chú ý đến những anh chị em của chúng ta là những người cùng chia sẻ ngôi nhà chung với chúng ta, cũng như những người sẽ đến sau chúng ta. Sự suy thoái môi trường chúng ta đang trải qua từng ngày liên quan đến sự suy sụp về con người, đạo đức và xã hội.

Thưa ông Chủ tịch,

Việc bảo vệ hành tinh và suy nghĩ về những thế hệ tương lai có sự liên kết sâu sắc với chủ đề của chúng ta hôm nay. Đón nhận lấy thách thức của sự phát triển toàn diện, bền vững đòi hỏi một sự chuyển đổi lớn trong các mô hình phát triển của chúng ta. Chúng ta không thể chọn bước tiếp cận theo phân khu hạn hẹp sự phát triển toàn diện nghiêng về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tiến bộ công nghệ. Điều chúng ta phải giữ ở hàng đầu và luôn ở vị trí trung tâm là phẩm giá vốn có của mỗi con người cũng như thúc đẩy ích chung. Điều này đòi hỏi phải vượt qua việc theo đuổi lợi nhuận tối đa bằng bất cứ giá nào, văn hóa thỏa mãn trong chốc lát, chủ nghĩa tiêu dùng vô độ, và xem thiên nhiên như một nguồn cung cấp vô tận cho những người có tiền. Sự phát triển toàn diện cũng đồng nghĩa với việc làm giảm bớt những khuynh hướng đó với những đòi hỏi nền tảng cấp bách về nhân phẩm và ích chung. Tình đoàn kết giữa các thế hệ không những vô cùng cần thiết để đạt được sự phát triển toàn diện, nhưng cũng là một câu hỏi căn bản về tính công bằng trong sự chân nhận rằng thế giới của chúng ta là “gia sản của toàn nhân loại và trách nhiệm của mọi người.”[4]

Trong ít năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều dấu hiệu đầy khích lệ trong cuộc chiến chống lại sự suy giảm môi trường và những hậu quả bất lợi của sự biến đổi khí hậu. Chương trình hành động cho sự Phát triển Bền vững 2030, Chương trình Khung Sendai về Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai, Hiệp ước Paris, và Katowice Climate Package cho thấy ý thức ngày càng lớn rằng việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta đòi hỏi nỗ lực có sự phối hợp, phù hợp với những nguyên tắc về sự công bằng và những trách nhiệm chung tuy có khác nhau, và những khả năng tương ứng.

Cho dù có sự tiến bộ trong việc thi hành những hiệp định và hiệp ước hiện nay,[5] nhưng nhiều thách thức vẫn còn đó khiến cho cam kết của chúng ta phải mang tính toàn cầu và hiệu quả. Trong khi sự biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự đoán, đồng thời những hậu quả của nó được nhìn thấy trên khắp thế giới, Hiệp định Paris vẫn còn đang chờ đợi để áp dụng.

Để bảo vệ cho hành tinh chúng ta và tránh đặt gánh nặng cho các thế hệ tương lai với những vấn đề của các thế hệ đã qua và hiện tại gây ra, thật không đủ nếu chỉ đơn thuần nói rằng chúng ta phải quan tâm đến môi trường cho những người đến sau chúng ta. Chúng ta cần phải kết hợp những nỗ lực để thúc đẩy một sự tiến bộ “khỏe mạnh hơn, nhân văn hơn, xã hội tính hơn, toàn diện hơn,”[6]

Xin cảm ơn ông Chủ tịch.

______________________________

1. Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn Laudato Si’, 160.

2. Laudato Si’, 162.

3. Laudato Si’, 160.

4. Laudato Si’, 95.

5. Áp dụng những hiệp ước về môi trường của Liên Hợp quốc. Lưu ý của Tổng Thư ký, A/74/207.

6. Đức thánh Cha Phanxico, thông điệp video gửi Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu, Phiên họp thứ 74 của Đại Hội đồng.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/11/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét