Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

‘Các Giáo hội Ki-tô giáo tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nhắc các Giới chức ở Romania

‘Các Giáo hội Ki-tô giáo tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nhắc các Giới chức ở Romania
Copyright: Vatican Media

‘Các Giáo hội Ki-tô giáo tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nhắc các Giới chức ở Romania

‘Xin Thiên Chúa chúc lành cho Romania!’

31 tháng Năm, 2019 18:18

Các Giáo hội Ki-tô giáo tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa và là những chứng nhân sống động cho mẫu gương của Người.

Đức Thánh Cha Phanxico có bài diễn từ đầu tiên trong sáng nay ở Bucharest nhấn mạnh điểm này với các nhà chức trách của Romania và ngoại giao đoàn trong chuyến đi từ ngày 31 tháng Năm đến 2 tháng Sáu, 2019, thăm quốc gia Romania.

Chuyến đi này đánh dấu chuyến Tông du thứ 30 của ngài, là quốc gia thứ 45 ngài đến thăm. Ký giả người Pháp của ZENIT, Anne Kurian, tháp tùng chuyến đi trên chuyến bay giáo hoàng.

“Tôi vô cùng hạnh phúc thấy mình được đến vùng đất xinh đẹp của quý vị hai mươi năm sau chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolo II và trong thời gian lục cá nguyệt khi Romania giữ nhiệm kỳ của Hội đồng Châu Âu, lần đầu tiên kể từ khi quốc gia gia nhập Liên Minh Châu Âu.”

Đức Thánh Cha gửi lời chào “hiền huynh Daniel của tôi với tình huynh đệ,” và gửi lời chào trân trọng đến tất cả các Đức Tổng Giám mục chính tòa và các Đức Giám mục của Holy Synod (Hội đồng Thánh), và toàn thể tín hữu của Giáo hội Chính thống Romania.

Củng cố niềm tin của người Công giáo trong nước

Ngài nhấn mạnh, “Tôi xin gửi lời chào thân ái đến các Giám mục và các linh mục, các tu sĩ nam nữ và tất cả mọi thành viên của Giáo hội Công giáo, là những người mà tôi đến để củng cố niềm tin và động viên trên hành trình cuộc sống và làm chứng nhân Ki-tô.”

Các Giáo hội Ki-tô giáo, Đức thánh Cha nói, “có thể giúp tái khám phá và tăng cường nhịp đập con tim để nó có thể trở thành nguồn mạch của các hoạt động chính trị và xã hội dựa trên phẩm giá con người và dẫn đến cam kết làm việc với sự công bằng và quảng đại cho ích chung của mọi người.”

Ngài tiếp tục, “Đồng thời họ tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa và là một chứng tá cuốn hút cho công cuộc của Người, và theo cách này, họ phát triển trong tình bạn và hợp tác với nhau thật sự.”

Đức Phanxico nói đây là con đường mà Giáo hội Công giáo mong muốn đi theo. “Giáo hội khao khát đóng góp cho công cuộc xây dựng xã hội. Giáo hội khao khát trở thành một dấu chỉ của sự hòa hợp trong niềm hy vọng hiệp nhất và phục vụ phẩm giá con người và ích chung.”

Đức Thánh Cha Phanxico kết luận bằng những lời nguyện chúc tốt lành cho sự thịnh vượng và hòa bình của Romania, và khẩn xin Chúa tuôn đổ ơn lành và sự bảo trợ của Mẹ Rất Thánh Thiên Chúa.

Ngài nói, “Xin Thiên Chúa chúc lành cho Romania!”

Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh), theo sau phần giới thiệu:


***

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước các nhà chức trách, những người đại diện xã hội dân sự và thành viên của Ngoại giao đoàn:

Kính thưa ngài Tổng thống,

Kính thưa Bà Thủ tướng,

Thưa quý vị thành viên của Ngoại Giao đoàn,

Thưa quý vị Giới chức,

Đại diện của các nền tảng tôn giáo và xã hội dân sự,

Các bạn thân mến,

Tôi xin gửi lời chào thân ái và bày tỏ lòng tri ân đến Quý ngài Tổng thống và Bà Thủ tướng về lời mời tôi đến thăm đất nước Romania cùng những lời chào đón nồng hậu, thay mặt cho các nhà Chức trách khác của đất nước, và của dân tộc thân yêu này. Tôi xin chào quý vị thành viên thuộc Ngoại giao đoàn và đại diện xã hội dân sự cùng hiện diện tại đây.

Tôi xin chào hiền huynh Daniel của tôi với tình huynh đệ. Và tôi xin gửi lời chào trân trọng đến tất cả các Đức Tổng Giám mục chính tòa và các Đức Giám mục của Holy Synod, và toàn thể tín hữu của Giáo hội Chính thống Romania. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến các Giám mục và các linh mục, các tu sĩ nam nữ và tất cả mọi thành viên của Giáo hội Công giáo, là những người mà tôi đến để củng cố niềm tin và động viên trên hành trình cuộc sống và làm chứng nhân Ki-tô.

Tôi vô cùng hạnh phúc thấy mình được đến vùng đất xinh đẹp của quý vị hai mươi năm sau chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolo II và trong thời gian lục cá nguyệt khi Romania giữ nhiệm kỳ của Hội đồng Châu Âu, lần đầu tiên kể từ khi quốc gia gia nhập Liên Minh Châu Âu.

Đây là một thời điểm thích hợp để nhớ lại ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi Romania được giải phóng khỏi một chính thể đàn áp quyền tự do dân sự và tôn giáo, cách ly đất nước khỏi các quốc gia Châu Âu khác, và dẫn đến tình trạng tù hãm của nền kinh tế và sự kiệt quệ những sức mạnh sáng tạo. Trong nhiều năm qua, Romania đã cam kết xây dựng một nền dân chủ sâu sắc qua tính đa nguyên của các sức mạnh chính trị và xã hội và sự đối thoại song phương, qua việc công nhận căn bản sự tự do tôn giáo và qua việc tham gia trọn vẹn của quốc gia vào phạm vi quốc tế rộng lớn hơn. Điều quan trọng là phải chân nhận những bước tiến lớn được thực hiện trên hành trình này, cho dù có những khó khăn và thiếu thốn đáng kể. Sự quyết tâm tiến lên trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống dân sự, xã hội, văn hóa và khoa học đã giải phóng nhiều năng lượng và tạo ra nhiều dự án; nó tháo cởi các sức mạnh sáng tạo vĩ đại mà trước đây đã bị trói buộc, và khuyến khích những sáng kiến mới dẫn đưa đất nước bước vào thế kỷ hai mươi mốt. Tôi tin tưởng rằng quý vị sẽ tiếp tục những nỗ lực này để củng cố các cấu trúc và thể chế cần thiết để đáp ứng cho những nguyện vọng chính đáng của người dân và khuyến khích người dân trong nước nhận ra tiềm năng trọn vẹn và tài năng riêng của mình.

Đồng thời, phải thừa nhận rằng trong khi những thay đổi được buổi bình minh của kỷ nguyên mới mang đến đã tạo nên những thành tựu thực sự, chúng cũng đưa đến những chướng ngại không thể tránh khỏi phải vượt qua và những hệ quả của các vấn đề đối với sự ổn định xã hội và sự điều hành đất nước. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là hiện tượng di cư và vài triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa và đất nước của họ để tìm kiếm những cơ hội việc làm mới và một đời sống đúng phẩm giá. Tôi cũng nghĩ đến sự sụt giảm dân số của nhiều ngôi làng, nơi đã vắng bóng rất nhiều cư dân, những tác động của điều này đối với chất lượng cuộc sống ở những khu vực đó, và sự suy yếu của những gốc rễ văn hóa và tinh thần sâu sắc vẫn giữ vững quý vị trong những thời điểm khó khăn, trong những giai đoạn thử thách. Đồng thời, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng trước sự hy sinh của rất nhiều người con của Romania đã làm phong phú cho những đất nước mà họ di cư đến bằng văn hóa, bằng bản sắc đặc thù và sự cần cù của họ, và nhờ thành quả của sự lao động siêng năng, họ đã giúp đỡ cho gia đình họ vẫn còn ở quê nhà. Nghĩ đến anh chị em của chúng ta ở nước ngoài là một hành động của lòng yêu nước, một hành động của tình huynh đệ, một hành động của sự công bằng. Xin cứ tiếp tục làm như vậy.

Đối mặt với các vấn đề của chương lịch sử mới, xác định các giải pháp hiệu quả và tìm quyết tâm thực hiện chúng, kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn về phía các lực lượng chính trị, kinh tế, xã hội và tinh thần. Cần phải cùng nhau tiến bước trong sự hiệp nhất và vững tin khi tuân theo lời kêu gọi cao quý nhất mà mọi quốc gia khao khát: đó là trách nhiệm vì ích chung của người dân. Để cùng nhau tiến bước, như một cách định hình cho tương lai, đòi hỏi một tinh thần tự nguyện cao cả để hy sinh một điều gì đó thuộc tầm nhìn của riêng mình hoặc lợi ích tốt nhất vì ích lợi của một dự án lớn hơn, và từ đó tạo ra sự hài hòa để có thể tiến bước một cách an toàn hướng đến những mục tiêu chung. Đây là cơ sở cho sự cao quý của một xã hội.

Đây là con đường dẫn đến việc xây dựng một xã hội bao gồm, trong đó mọi người chia sẻ những ân tứ và khả năng của riêng mình, thông qua nền giáo dục chất lượng và lao động sáng tạo, có sự tham gia và hỗ trợ lẫn nhau (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 192). Theo cách này, tất cả mọi người đều trở thành vai chính cho ích chung, trong đó những người yếu đuối, người nghèo và người sau rốt không còn bị xem là những người không được hoan nghênh vì làm trì trệ “cỗ máy”, nhưng được xem là những công dân và là những người anh chị em hòa nhập trọn vẹn trong đời sống xã hội. Quả thật, cách họ được đối xử là dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy tính tốt lành thật sự của mô hình xã hội mà con người đang cố gắng xây dựng. Chỉ khi nào xã hội đạt đến mức độ biết quan tâm đến những thành viên bị thua thiệt nhất của nó, thì nó mới được xem là xã hội dân sự trọn vẹn.

Toàn bộ tiến trình này cần có một trái tim và một linh hồn, và một mục tiêu rõ ràng để đạt đến, một tiến trình không bị áp đặt bởi những ảnh hưởng bên ngoài hoặc bởi quyền lực ngày càng lớn của các trung tâm tài chính cao, nhưng bởi ý thức về tính trung tâm của nhân vị và những quyền bất biến của nhân vị (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 203). Để có sự phát triển hài hòa và bền vững, việc thực hành cụ thể về tình đoàn kết và bác ái, cùng với sự quan tâm ngày càng nhiều của các sức mạnh xã hội, dân sự và chính trị trong việc theo đuổi ích chung, thì việc hiện đại hóa các lý thuyết kinh tế, hoặc những kỹ thuật và khả năng chuyên môn là không đủ, tuy rằng bản thân chúng có thể là cần thiết. Nó đòi hỏi phải phát triển không chỉ đối với những điều kiện vật chất nhưng là chính linh hồn của dân tộc của quý vị. Vì các dân tộc có một linh hồn; họ có cách thức riêng để nhận thức và trải nghiệm thực tại. Tiếp tục quay trở lại linh hồn của mình: đây là điều làm cho một dân tộc tiến bộ.

Về vấn đề này, các Giáo hội Ki-tô giáo có thể giúp tái khám phá và tăng cường nhịp đập con tim để nó có thể trở thành nguồn mạch của những hoạt động chính trị và xã hội dựa trên phẩm giá con người và dẫn đến cam kết làm việc với sự công bằng và quảng đại cho toàn bộ ích chung. Đồng thời họ tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa và là một chứng tá cuốn hút cho công cuộc của Người, và theo cách này, họ phát triển trong tình bạn và hợp tác với nhau thật sự. Đây là con đường mà Giáo hội Công giáo mong muốn đi theo. Giáo hội khao khát đóng góp cho công cuộc xây dựng xã hội. Giáo hội khao khát trở thành một dấu chỉ của sự hòa hợp trong niềm hy vọng hiệp nhất và phục vụ phẩm giá con người và ích chung. Giáo hội mong muốn cộng tác với các giới chức dân sự, với các Hội thánh khác và với tất cả những người thiện chí, cùng lên đường với họ và đưa những ân tứ đặc biệt của mình vào phục vụ cho toàn thể cộng đồng. Giáo hội Công giáo không xa lạ với việc này; Giáo hội chia sẻ trọn vẹn tinh thần của dân tộc, như được thể hiện bởi sự tham gia của các tín hữu trong việc định hình cho tương lai của đất nước và trong việc xây dựng và phát triển các cơ cấu giáo dục toàn diện và những hình thức hỗ trợ bác ái phù hợp cho một nhà nước hiện đại. Bằng cách này, Giáo hội khát khao đóng góp cho việc xây dựng cho xã hội và cho đời sống dân sự và tinh thần trong vùng đất Romania xinh đẹp của quý vị.

Thưa ngài Tổng thống,

Tôi xin nguyện chúc mọi điều tốt lành cho sự thịnh vượng và hòa bình của Romania, tôi khẩn xin Chúa tuôn đổ ơn lành trên ngài, gia đình của ngài, và trên tất cả quý vị hiện diện tại đây, và trên tất cả mọi người dân của đất nước, cùng với sự bảo trợ của Mẹ Rất Thánh Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Romania!

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]


------------------------- 

Khi đến sân bay quốc tế của Bucharest, Đức Thánh Cha Phanxico được Tổng thống của Romania, Ông Klaus Werner Iohannis, và phu nhân đón tiếp. Sau đó, hai thiếu nhi trong trang phục truyền thống dâng hoa lên cho Đức Thánh Cha. Khoảng 400 tín hữu có mặt.

Sau khi đi qua đội Duyệt binh Danh dự, trước khi tiến vào đại sảnh Tổng thống của sân bay, Đức thánh Cha Phanxico chào các giám mục của Romania. Sau đó ngài di chuyển bằng xe đến Dinh Cotroceni tham dự nghi thức chào đón, đây là nơi làm việc của Tổng thống nước Cộng hòa Romania.

Khi hạ cánh lúc 12.05 trưa (11.05 sáng giờ Roma), Đức Thánh Cha Phanxico được Tổng thống nước Cộng hòa cùng phu nhân đón tại cổng khu phức hợp Dinh Tổng thống Cotroceni.

Sau quốc ca, nghi thức đội danh dự và giới thiệu phái đoàn, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Dinh Tổng thống lúc 12.20 chiều (11.20 trưa giờ Roma) để thăm ngoại giao Tổng thống Romania, ông Klaus Werner Iohannis. Đức Thánh Cha và Tổng thống đứng chụp ảnh chính thức, sau đó tiến về Phòng Danh dự, tại đây sau phần ký Sổ Danh dự và tặng quà lưu niệm diễn ra cuộc họp riêng.

Cuối buổi họp, Đức Thánh Cha và Tổng thống di chuyển sang Phòng Đại sứ để giới thiệu gia đình.

Cuối buổi họp với Tổng thống nước Cộng hòa, Đức Thánh Cha đến Salon Blue của Dinh Tổng thống để có cuộc họp riêng với Thủ tướng Romania, Bà Vasilica Viorica Dăncilă. Cuối buổi họp, Đức Phanxico chào phu quân của bà Thủ tướng. Sau đó cùng với Tổng thống nước Cộng hòa, ngài di chuyến đến Unirii Hall để gặp gỡ các giới chức chính phủ.

Lúc 1 giờ chiều (giờ trưa Roma), trong khán phòng Unirii Hall của Dinh Tổng thống tại Bucharest, Đức Phanxico gặp gỡ các giới chức, đại diện xã hội dân sự và các thành viên Ngoại giao đoàn.

Sau lời chào của Tổng thống Romania, Ông Klaus Werner Iohannis, Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn từ. Cuối cùng, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến tòa khâm sứ của Bucharest.

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét