Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

‘Công việc của anh chị em thường là âm thầm và khó khăn, nhưng rất quan trọng,' Đức Thánh Cha Phanxico cảm ơn những cảnh sát trại giam.

‘Công việc của anh chị em thường là âm thầm và khó khăn, nhưng rất quan trọng,' Đức Thánh Cha Phanxico cảm ơn những cảnh sát trại giam.
© Vatican Media

‘Công việc của anh chị em thường là âm thầm và khó khăn, nhưng rất quan trọng,’ Đức Thánh Cha Phanxico cảm ơn những cảnh sát trại giam.

Ngài thúc giục sự can đảm khi đứng trước những thách đố của công việc

17 tháng Chín, 2019 13:02

Ngày 14 tháng Chín, 2019, Đức Phanxico gặp gỡ các nhân viên, bạn bè, và gia đình của đội Cảnh sát Nhà lao của Ý tại buổi tiếp kiến trong Vatican. Ngài bày tỏ lòng cảm kích với các tuyên úy và những người thiện nguyện và thúc giục họ hãy có can đảm trong công việc trong nhà tù của họ.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha với nhóm, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):


Anh chị em thân mến, xin chào (buổi sáng) anh chị em.

Tôi xin chào mừng anh chị em và cảm ơn ông Trưởng phòng Quản lý Nhà tù về những lời chúc mừng của ông. Đáp lại, tôi xin gửi đến anh chị em ba lời đơn sơ này: trước hết gửi đến đội Cảnh sát Nhà lao và ban quản lý, tôi xin gửi lời cảm ơn. Cảm ơn vì công việc của anh chị em rất âm thầm, thường là khó khăn và chẳng có gì thú vị, nhưng lại rất quan trọng. Cảm ơn anh chị em vì tất cả những thời gian anh chị em phục vụ không chỉ với tinh thần cảnh giới vô cùng cần thiết mà còn là một sự hỗ trợ cho những người cô thế. Tôi biết rằng thật không dễ dàng khi anh chị em thực hiện sự có mặt gần gũi kịp thời cho những người bị vướng vào những cạm bẫy của tội ác, ngoài việc là những người canh gác an ninh, anh chị em trở thành những người xây dựng tương lai: anh chị em đặt nền tảng cho một sự chung sống biết tôn trọng nhiều hơn và từ đó dẫn đến một xã hội an toàn hơn. Cảm ơn anh chị em, vì qua việc làm như vậy, ngày qua ngày anh chị em trở thành những người đan dệt công bằng và hy vọng.

Có một trích đoạn trong Tân Ước, gửi đến tất cả mọi người Ki-tô hữu, mà tôi tin là rất phù hợp cho anh chị em: “Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ” (Dt 13: 3). Anh chị em đang ở trong hoàn cảnh như vậy, khi anh chị em đi qua ngưỡng cửa của quá nhiều địa điểm đau khổ mỗi ngày, khi anh chị em dành rất nhiều thời gian qua lại giữa các trại, trong khi anh chị em phải cam kết bảo đảm an toàn nhưng không thiếu sự tôn trọng đối với nhân vị. Xin đừng quên điều tốt lành mà anh chị em có thể thực hiện mỗi ngày. Thái độ, cách cư xử, ánh mắt nhìn của anh chị em là vô cùng quý giá. Anh chị em là những người, nhân danh Nhà nước và xã hội, phải đối mặt với nhân tính bị thương tổn và bị tàn phá, và nhận biết phẩm giá bất biến của nó. Vì vậy, tôi cảm ơn anh chị em không chỉ vì sự cảnh giới nhưng trên hết anh chị em là những người bảo vệ những con người được trao phó cho anh chị em, để họ có thể đón chào những triển vọng tái sinh vì ích lợi của mọi người sau khi đã nhận thức được việc ác đã làm. Do đó, anh chị em được kêu gọi để trở thành những cầu nối giữa nhà tù và xã hội dân sự: với sự phục vụ của anh chị em, thi hành lòng trắc ẩn chính đáng, anh chị em có thể vượt qua những sự sợ hãi lẫn nhau và tấn thảm kịch của sự thờ ơ.

Tôi muốn nói với anh chị em đừng bao giờ nản chí, ngay cả trong những sự căng thẳng có thể xảy ra trong các trại giam. Trong công việc của anh chị em, mọi điều làm cho anh chị em cảm thấy được hiệp nhất với nhau là một sự trợ giúp rất lớn: trước hết là sự hỗ trợ cho gia đình anh chị em, là những người gần gũi với anh chị em trong công việc. Rồi là sự động viên lẫn nhau, chia sẻ giữa các đồng nghiệp, đó là những điều cho phép chúng ta cùng nhau giải quyết những khó khăn và giúp đương đầu với thiếu thốn. Trong những vấn đề này, tôi đặc biệt nghĩ đến vấn đề quá tải trong các nhà tù, nó làm tăng cảm giác yếu mệt, nếu không muốn nói là kiệt sức nơi mọi người. Khi sức khỏe giảm bớt, sự ngờ vực tăng lên. Điều quan trọng là phải bảo đảm được những điều kiện sống phù hợp, nếu không thì các nhà tù sẽ trở thành những nơi trút sự thịnh nộ, không phải là nơi để phục hồi.

Lời thứ hai xin gửi đến các vị tuyên úy, các tu sĩ nam nữ và các thiện nguyện viên: anh chị em là những người mang Tin mừng vào bên trong những bức tường của nhà tù. Tôi xin gửi đến anh chị em lời này: hãy kiên vững. Hãy kiên vững, khi anh chị em đi vào trong những hoàn cảnh khó khăn nhất bằng sức mạnh của một nụ cười và một tâm hồn lắng nghe. Hãy kiên vững khi anh chị em gánh lấy cho mình những gánh nặng của người khác và mang chúng đến trong lời cầu nguyện. Hãy kiên vững khi tiếp xúc với sự nghèo nàn và anh chị em nhìn thấy sự nghèo nàn của riêng mình. Đó là một điều tốt vì điều quan trọng là phải biết chân nhận bản thân trước hết đang rất cần sự tha thứ. Rồi sự nghèo khó của anh chị em sẽ trở thành những nơi chứa đựng lòng thương xót của Chúa; và khi anh chị em được tha thứ, anh chị em trở thành những chứng nhân khả tín cho sự tha thứ của Chúa. Bằng không người ta có nguy cơ phô trương bản thân và mang sự tự mãn. Hãy kiên vững với sứ mạng mang đến sự an ủi của anh chị em. Và điều vô cùng quan trọng là không bỏ rơi những người cảm thấy cô đơn.

Tôi cũng muốn gửi đến anh chị em một câu trong Sách Thánh, khi những người xầm xì chống lại Chúa Giê-su vì nhìn thấy Người đi vào nhà ông Da-kêu, một người thu thuế bị tố cáo tội bất công và biển thủ: “Người nhà tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (Lc 19: 7). Chúa vẫn đi, Ngài không dừng lại trước thành kiến của những người tin rằng Tin mừng là chỉ dành cho “những người thiện.” Ngược lại, Tin mừng đòi hỏi những bàn tay lấm bẩn. Vậy thì, cùng với Chúa Giê-su và theo con đường của Chúa Giê-su, Đấng kêu gọi anh chị em hãy trở thành những người kiên trì gieo hạt giống Lời Người (x. Mt 13: 18-23), những người miệt mài tìm kiếm những gì đã mất, những sứ giả cho niềm tin vững rằng mỗi con người là vô cùng quý giá đối với Chúa, là những người chăn chiên đặt những con chiên yếu đuối trên đôi vai mỏng dòn của mình (x. Lc 15:4-10). Hãy tiến bước với lòng quảng đại và niềm vui: với thừa tác vụ của anh chị em, anh chị em đang an ủi trái tim của Chúa.

Cuối cùng, một lời thứ ba tôi xin gửi đến các anh chị em tù nhân. Đó chính là chữ “can đảm”. Chính Chúa Giê-su nói với các bạn. “Sự can đảm đến từ tâm hồn. Hãy can đảm, vì con ở trong tim của Thiên Chúa, con rất quý giá trước mắt Người, và ngay cả khi con cảm thấy lạc đường và bất xứng thì cũng đừng nản lòng. Con rất quan trọng đối với Chúa, Đấng muốn thực hiện những điều kỳ diệu trong con. Với các bạn cũng vậy, lấy một câu trong Kinh thánh: “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta” (1 Ga 3: 20). Đừng bao giờ để cho bản thân mình bị cầm tù trong ô ngục tối đen của một tâm hồn tuyệt vọng, đừng nản chí buông xuôi. Thiên Chúa còn cao cả hơn bất kỳ vấn đề gì và đang chờ đợi các bạn để yêu thương các bạn. Hãy đặt mình trước Đấng chịu Đóng Đinh, trước ánh mắt của Chúa Giê-su: trước mặt Người, với lòng đơn sơ, với lòng chân thành. Từ đó, từ sự can đảm khiêm nhường của những người không dối lừa bản thân, thì sự bình an được tái sinh; sự vững tin vì được yêu thương và sức mạnh tiến tới lại trổ hoa. Cha hình dung đang nhìn thấy các bạn và nhìn thấy sự thất vọng và chán chường trong đôi mắt của các bạn, trong khi niềm hy vọng vẫn đập mạnh trong con tim của các bạn, thường có mối liên kết với những kỷ niệm của những người thân yêu của mình. Hãy can đảm, đừng bao giờ để ngọn lửa hy vọng lụi tàn.

Anh chị em thân mến, làm hồi sinh lại ngọn lửa này là trách nhiệm của tất cả mọi người. Điều đó tùy vào mỗi xã hội nuôi dưỡng nó thế nào, để bảo đảm rằng sự trừng phạt không là mối đe dọa cho quyền được hy vọng, để những viễn cảnh của sự hòa giải và tái hội nhập được vững chắc. Đồng thời sửa lại những sai lầm của quá khứ, chúng ta không thể tẩy xóa sự hy vọng trong tương lai. Sự giam giữ cuộc sống không phải là giải pháp cho các vấn đề, nhưng chính là một vấn đề phải được giải quyết. Vì nếu sự hy vọng bị bế tắc thì sẽ không có tương lai cho xã hội. Đừng bao giờ tước mất của bất kỳ người nào quyền được làm lại từ đầu! Anh chị em thân mến, bằng công việc của mình và sự phục vụ anh chị em là những chứng nhân cho quyền này: quyền được hy vọng, quyền được làm lại một khởi đầu mới. Một lần nữa tôi cảm ơn anh chị em. Hãy kiên vững, hãy can đảm, với sự chúc lành của Chúa, hãy chăm sóc cho những người được trao phó cho anh chị em. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và tôi xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/9/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét