Cardinal Turkson CTV Screenshot
Họp báo: ‘COVID-19, Khủng hoảng lương thực và Sinh thái toàn diện: Hoạt động của Giáo hội’
Phát biểu của Đức Hồng y Turkson và ba vị khác
16 tháng Năm, 2020 21:34
Lúc 11.30 sáng nay, một buổi họp báo được truyền hình trực tiếp từ Khán phòng “Gioan Phaolô II” thuộc Phòng Báo chí Tòa Thánh, với chủ đề “COVID-19, Khủng hoảng Lương thực và Sinh thái Toàn diện: hoạt động của Giáo hội.”
Các diễn giả bao gồm: Đức Hồng y Phêrô Kodwo Appiah Turkson, tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện; Đức ông Bruno Marie Duffé, thư ký Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện; Cha Augusto Zampini-Davies, phụ tá thư ký của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện; và ông Aloysius John, tổng thư ký Caritas Quốc tế.
Dưới đây là các bài phát biểu:
Phát biểu của Đức Hồng y Phêrô Kodwo Appiah Turkson
Tên gọi và nhiệm vụ của Bộ mới rất phù hợp để trở thành cơ quan của Tòa thánh đảm nhận những thách thức nhiều mặt của đại dịch COVID-19. Ban đầu COVID-19 là một vấn đề về chăm sóc sức khỏe; nhưng nó đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, việc làm, lối sống, an ninh lương thực, vai trò chính của Trí tuệ nhân tạo và an ninh internet, chính trị, quản lý và các chính sách (quốc gia hoặc cởi mở và đoàn kết), nghiên cứu và bằng sáng chế. Hầu như không có khía cạnh nào thuộc đời sống và văn hóa của con người không bị tổn thương. Do đó, nó minh họa cho lời dạy của Đức Giáo hoàng Phanxico rằng “Mọi sự đều được kết nối với nhau” (Tông huấn Laudato si’, §70, 138, 240), và nó tương ứng với sứ mạng của Bộ theo đuổi sự phát triển của con người một cách toàn diện: trong tất cả các chiều kích của nó.
Và điều này đối với tôi rất quan trọng, tôi cho rằng phần nào đó theo ý quan phòng, chúng ta đang nói về cuộc khủng hoảng này và những điều mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện để vượt qua nó, trong thời gian chúng tôi tổ chức một “Tuần lễ Laudato si’ (từ ngày 16 đến 24 tháng Năm), với nhiều sáng kiến lan rộng khắp thế giới, được tổ chức độc lập bởi các Giáo hội, các hiệp hội, những tổ chức phi chính phủ, v.v…. Chúng tôi thật sự nhìn thấy cuộc khủng hoảng này đối với chúng tôi, và với tất cả mọi người, một cơ hội để không đánh mất hình ảnh về một tương lai tốt đẹp hơn.
Trong một buổi họp gần đây nhất của chúng tôi với Đức Giáo hoàng Phanxico, ngài yêu cầu chúng tôi hãy “chuẩn bị tương lai”: không phải là “chuẩn bị cho tương lai,” nhưng là chuẩn bị nó, dự liệu trước.
Vì vậy, đại dịch đã thu hút sự chú ý đặc biệt tới những hoạt động của Bộ, và xây dựng một lĩnh vực ưu tiên “ad tempus”, mà với sự đồng ý của Đức Giáo hoàng Phanxico, nó được gọi là Vatican COVID-19 Commission (Ủy ban COVID-19 của Vatican). Với sự hợp tác của Caritas Quốc tế và các Bộ khác thuộc Giáo triều Roma, chẳng hạn Bộ Truyền thông, Phân bộ thứ hai của Phủ Quốc vụ khanh và các bộ khác, ủy ban này chú ý tới tầm mức ảnh hưởng của COVID-19 trên thế giới qua các hoạt động của năm nhóm làm việc:
a) Nhóm Làm việc thứ nhất tiếp cận với các Giáo hội địa phương để lắng nghe về kinh nghiệm của họ đối với COVID-19 và tìm cách củng cố cho họ, như là những nhân tố chính cho giải pháp của họ. Nhóm này khuyến khích sử dụng mạng lưới Caritas.
b) Nhóm Làm việc thứ hai, một đối tác với Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Sự sống và Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học, và nhiều tổ chức hợp tác với Bộ, tiến hành nghiên cứu cùng những công trình nghiên cứu liên ngành về các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19, suy tính về xã hội và thế giới hậu COVID-19, đặc biệt trong các lĩnh vực thuộc sinh thái, kinh tế, lao động, chăm sóc sức khỏe, chính trị-quản trị, truyền thông và an ninh, và đề ra những hướng đi cho xã hội hậu COVID-19.
c) Nhóm Làm việc thứ ba, phối hợp với Bộ Truyền thông, tổ chức những chiến lược truyền thông để thông tin về các hoạt động của các Nhóm Làm việc, và thúc đẩy thông tin giữa các Giáo hội địa phương, với tầm nhìn giúp họ phản ứng thật sự và tích cực với thế giới hậu COVID-19.
d) Nhóm Làm việc thứ tư, phối hợp với Phân bộ thứ hai về Ngoại giao thuộc Quốc vụ khanh, tiến hành các hoạt động và mối tương quan với các Chính phủ và các Tổ chức liên Chính phủ với mục đích biện hộ và chia sẻ dữ liệu cho các hoạt động đa phương.
e) Nhóm Làm việc thứ năm chịu trách nhiệm gây quỹ để giúp Ủy ban COVID-19 của Vatican hỗ trợ cho các hoạt động của những Giáo hội địa phương và các Tổ chức Công giáo, và các hoạt động của nhóm về nghiên cứu, phân tích dữ liệu và truyền thông.
Ủy ban COVID-19 của Vatican dự kiến sẽ hoạt động trong một năm trừ khi cần phải mở rộng thêm các hoạt động.
Phát biểu của Đức ông Bruno Marie Duffé
Tôi muốn đưa ra ba điểm liên quan đến kinh nghiệm về đại dịch và sứ mạng của Giáo hội trong bối cảnh vô cùng đặc biệt này.
1. Trước hết, những gì chúng ta đang trải qua, đó là tính dễ bị tổn thương của chúng ta bao trùm ở mọi tầm mức khác nhau:
a. Tính dễ bị tổn thương về thân xác và xã hội: chúng ta không thể tiếp tục tin tưởng rằng chúng ta là toàn quyền và miễn nhiễm đối với những xáo trộn của thiên nhiên và khí hậu.
b. Tính dễ bị tổn thương về chính trị và ý thức hệ: đại dịch đã chứng minh cho chúng ta thấy những thiếu sót về suy nghĩ, dự liệu trước những khủng hoảng, và sự thiếu sót trong việc đầu tư vào những thiết bị vệ sinh và phòng tránh.
c. Tính mong manh của nền kinh tế: cho đến bây giờ chúng ta chỉ xem sức khỏe là một công cụ thuần túy để sản xuất nhiều hơn và nhiều hơn nữa, theo luận lý bất di bất dịch và thiển cận. Ngày nay chúng ta tái khám phá ra rằng sức khỏe và sự đoàn kết là những điều kiện và trụ cột cho nền kinh tế của chúng ta.
2. Suy xét kỹ kinh nghiệm này, chúng ta có thể phân biệt và liên kết 3 sự khẩn cấp:
a. Chia sẻ những phương tiện của chúng ta để cứu sống, không phân biệt đối xử: người trẻ và già, người di cư và người nghèo. Chúng ta không thể bỏ quên bất kỳ người nào!
b. Mở rộng những dự án hỗ trợ liên kết và giúp đỡ những quốc gia và cộng đồng địa phương thiếu thốn. Cho thấy rằng nền tảng của hành động đoàn kết là ý nghĩ rằng "chúng ta là một gia đình nhân loại.”
c. Phát triển tư duy và những đề xuất với một tầm nhìn dự đoán, với những nhà hoạt động kinh tế và những nhà lãnh đạo chính trị, để nhận ra những mô hình và tiến trình kinh tế mà chúng ta muốn áp dụng, trong bối cảnh sợ hãi này và những xung đột về lợi ích. Chúng ta phải suy nghĩ về những loại hình đầu tư mà chúng ta muốn hỗ trợ cho tương lai?
3. Trong bối cảnh này, chúng tôi có thể nói rằng sứ mạng của Giáo hội là:
a. Lắng nghe và đồng hành với người dân trong sự đau khổ của họ.
b. Đưa ra một suy tư về mối liên kết giữa các chiều kích vệ sinh, môi sinh, kinh tế, và xã hội của cuộc khủng hoảng, vì mọi sự đều được kết nối.
c. Hỗ trợ những lựa chọn mới để chăm sóc cho thiên nhiên, hệ sinh thái, và con người.
d. Mở ra những cánh cửa và trao tặng hy vọng, vì như Đức Giêsu Kitô đã cho chúng ta thấy sự sống thì mạnh hơn sự chết. Nhưng chúng ta có trách nhiệm phải ưu tiên cho “ích chung” với sự tôn trọng, liên kết và bao gồm tất cả mọi người.
Phát biểu của Cha Augusto Zampini-Davies
1. Như Đức Thánh Cha Phanxico nói trong tuần này, nhiều người đã chết trong bốn tháng vừa qua, không phải vì coronavirus, nhưng vì đói. Theo FAO, chúng ta biết rằng trên thế giới có 800 triệu người chịu cảnh đói kinh niên, và có rất ít tiến bộ được thực hiện trong vấn đề này. Chúng ta cũng biết rằng có rất nhiều lương thực bị lãng phí. Tuy nhiên, con người cần được ăn; nhu cầu về lương thực ước tính sẽ tăng lên 50% vào năm 2050 so với năm 2010.
2. Coronavirus đang làm bùng lên những vấn đề liên quan đến lương thực. Cuộc khủng hoảng lương thực, chẳng hạn cuộc khủng hoảng do COVID gây ra, thuộc toàn cầu và những hậu quả về kinh tế xã hội tăng lên một cách mất cân đối, và thậm chí là thảm họa, khi những ngưỡng nhất định bị phá vỡ (chẳng hạn, năng lực của bệnh viện, sự xói mòn đất): (a) những hạn chế về xuất nhập khẩu lương thực làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng; (b) các nhà sản xuất đang vật lộn để đưa sản phẩm của họ ra thị trường; (c) các vấn đề và xung đột kinh tế xã hội vẫn tồn tại và có thể trở nên tồi tệ hơn.
3. Khủng hoảng lương thực ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất; (a) theo WFP, 370 triệu trẻ em có nguy cơ mất bữa ăn ở trường do bị đóng cửa, mà đó thường là những bữa ăn duy nhất các em nhận được; (b) các vấn đề khí hậu tiếp tục làm gián đoạn việc sản xuất lương thực và nông nghiệp với những hậu quả nghiêm trọng đối với các nhà nông nhỏ, (c) giá trị xã hội được xác định qua cách nó đối xử như thế nào với các thành viên dễ bị tổn thương nhất.
4. Chúng ta đang đối mặt với một rủi ro nghiêm trọng về an ninh lương thực. Khủng hoảng lương thực gây ra nạn đói, nạn đói ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và làm gia tăng tình trạng bất an. Tình trạng bất an sẽ dẫn đến bạo lực và nhiều xung đột, và từ đó lại tạo ra nghèo đói nhiều hơn.
5. Mặc dù COVID đã làm lộ ra sự mong manh của các hệ thống lương thực của chúng ta, nhưng nó vẫn còn cơ hội để thay đổi, cả về mô hình sản xuất và tiêu thụ cũng như trong các hoạt động tư nhân và công cộng. Như Tông huấn Laudato Si’ (5, 220) nhắc nhở chúng ta, đã đến thời gian cho sự hoán cải sinh thái sâu sắc và toàn cầu, nó là điều có thể truyền cảm hứng cho tính sáng tạo và nhiệt huyết nhiều hơn của chúng ta.
6. Chúng ta có thể làm gì, trên phạm vi toàn cầu?
a. Đẩy nhanh những cải tiến trong sản xuất nông nghiệp nhưng liên kết nó với việc bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và thực hành bền vững. Chúng ta cần có một cách hiệu quả hơn để sử dụng món quà Thiên nhiên của Thiên Chúa để đáp ứng các mục tiêu về lương thực và môi trường. Nếu chúng ta cướp bóc những tài nguyên trên trái đất, chúng ta sẽ phá hủy các nguồn thực phẩm và sức khỏe của mình. (x. Tông huấn Laudato Si’, 32)
b. Hỗ trợ sự nghiệp của cộng đồng quốc tế về các liên minh lương thực.
c. Khuyến khích thay đổi mục đích các quỹ cho vũ khí thành quỹ cho lương thực.
d. Xây dựng một loạt các biện pháp lao động khẩn cấp cho những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (cùng với ngành y tế).
e. Hỗ trợ và thúc đẩy các chính sách giải quyết Tình trạng Khẩn cấp Khí hậu để chống lại những tác động của nó đối với các cộng đồng và quốc gia nghèo nhất, đặc biệt là những ảnh hưởng của nó đối với sản xuất lương thực.
7. Là người bình thường chúng ta có thể làm gì?
a. Giảm thất thoát và lãng phí lương thực.
b. Bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống, ăn thực phẩm theo mùa, và tránh các sản phẩm gây ô nhiễm cao.
c. COVID cho thấy rằng chúng ta không cần nhiều thứ như chúng ta nghĩ. Chúng ta có thể trở nên hiệu quả hơn với ít thứ hơn.
d. Mỗi hành động chăm sóc nhỏ đều có giá trị, như Thánh Têrêsa Lisieux đã dạy chúng ta (x. Tông huấn Laudato Si’, 230-231).
Phát biểu của ông Aloysius John
TÌNH ĐOÀN KẾT SÁNG TẠO LÀ LỜI KÊU GỌI HIỆN TẠI,
CARITAS TIẾP TỤC PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO NHẤT.
Caritas Quốc tế đã đứng trên tuyến đầu trong việc phản ứng với COVID-19 từ lúc khởi đầu, và các thành viên của tổ chức đã gia tăng hoạt động để áp dụng những chương trình phản ứng với COVID-19 để đáp ứng các nhu cầu mở rộng nhanh chóng.
Như Đức Thánh Cha đã nói với chúng tôi, “Trong thời điểm bi thảm này của lịch sử loài người, tôi muốn Giáo hội hiện diện thông qua công cuộc Bác ái, và nếu anh chị em không làm điều đó thì ai sẽ làm? Caritas Quốc tế, đi theo tiếng gọi của Đức Thánh Cha, đang hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Phát triển Con người Toàn diện (DPIHD) để làm cụ thể điều này bằng cách tạo ra quỹ Phản ứng Covid-19.
Cho đến nay, 32 dự án đã được nhận và 14 dự án đã được phê duyệt và cấp vốn. Mọi dự án được phê duyệt khác sẽ được tài trợ khi có thêm những đóng góp giúp cho việc này được khả thi.
Nhờ những dự án này, các gia đình được giúp hỗ trợ thực phẩm cơ bản, bộ dụng cụ vệ sinh, các mặt hàng như xà phòng, tã lót, và tiền mặt để hỗ trợ tiền thuê nhà và các nhu cầu khẩn cấp khác. Xây dựng nhận thức cũng là một hoạt động quan trọng để phòng ngừa và giảm bớt: Caritas đang cung cấp thông tin đáng tin cậy về đại dịch cho những người có nguy cơ, và cách thức để các cộng đồng có thể bảo vệ chính họ và những người khác. Điều phối viên khu vực Caritas Ấn Độ Tamil Nadu cho biết, “Nhờ hoạt động nhanh chóng của Giáo hội trong đó các giám mục, linh mục và tu sĩ đều được huy động, chúng tôi đã có thể động viên những người nghèo nhất ở trong nhà của họ bằng cách giúp đỡ họ.” Đây chỉ là một ví dụ về hàng trăm hành động nhỏ nhưng rất quan trọng để góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus.
Thông qua Quỹ phản ứng COVID-19 mà DPIHD cũng đóng góp, liên đoàn Caritas đang giúp đỡ hơn 7,8 triệu người ở 14 quốc gia, bao gồm Ecuador, Ấn Độ, Palestine, Bangladesh, Li Băng và Burkina Faso.
Ngoài Quỹ phản ứng COVID-19, các cơ cấu liên đới nội bộ đã được kích hoạt trong Liên đoàn. Sự hỗ trợ của các tổ chức Caritas quốc gia cho các đối tác Caritas quốc gia và địa phương khác đang giúp 1,9 triệu người bằng các chương trình tài trợ với tổng số hơn 9 triệu Euro ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Thảm kịch COVID-19 đã mang đến bằng chứng quá mạnh mẽ cho những gì Tông huấn Laudato Si’ đã nhấn mạnh. Nó là toàn cầu, chuyển động nhanh và có hệ thống. Được truyền cảm hứng từ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha để đáp ứng ngay lập tức và nhanh chóng các nhu cầu lớn và mới do COVID-19 gây ra, Caritas đã giúp đỡ được gần mười triệu người.
Nhưng thật không may, có cả hàng trăm ngàn người khác cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Những dự án chưa được tài trợ bởi Quỹ phản ứng COVID-19 sẽ cho phép hỗ trợ cho hơn 840 nghìn người gặp khó khăn nghiêm trọng. Như tại Nam Phi, tổ chức Caritas quốc gia không có đủ lương thực để phân phát cho hàng ngàn người di cư đang xếp hàng trước các văn phòng của họ mỗi ngày, vì họ chẳng có gì để sống.”
Trong thời khắc khó khăn hôm nay, trong đó toàn thể nhân loại phải đoàn kết lại trước đại dịch thảm kịch này, Caritas Quốc tế mạnh mẽ nhắc lại lời kêu gọi của mình đối với cộng đồng quốc tế về:
– Xóa bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, Li Băng, Syria, Libya và Venezuela để có thể bảo đảm việc cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng, và Caritas thông qua Giáo hội, có thể tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ cho người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.
– Hủy bỏ nợ của các quốc gia nghèo nhất hoặc ít nhất là bỏ những khoản thanh toán lãi cho năm 2020.
– Cứu trợ quốc tế tiếp tục được quyên góp cho các quốc gia đang cần trợ giúp và không chuyển hướng sang các mục đích khác.
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/5/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét