Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Tưởng nhớ các nạn nhân vô dadnh của đại dịch Coronavirus — lời kêu gọi của Đức Thánh Cha tại Nhà nguyện Thánh Marta (TOÀN VĂN)

Tưởng nhớ các nạn nhân vô dadnh của đại dịch Coronavirus — lời kêu gọi của Đức Thánh Cha tại Nhà nguyện Thánh Marta (TOÀN VĂN)
© Vatican Media

Tưởng nhớ các nạn nhân vô danh của đại dịch Coronavirus — lời kêu gọi của Đức Thánh Cha tại Nhà nguyện Thánh Marta (TOÀN VĂN)

Khi nước ý chuẩn bị cho giai đoạn hai, ngài nhắc nhở rằng cầu nguyện là con đường đến với Thánh tâm Chúa Cha


30 tháng Tư, 2020 13:57

Chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân vô danh của đại dịch coronavirus … Chúng ta cũng hãy nhớ rằng cầu nguyện sẽ mở cửa trái tim của Chúa Cha … 

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này hôm nay, ngày 30 tháng Tư, trong Thánh Lễ riêng của ngài trong Nhà nguyện Thánh Marta.

Đầu Lễ, khi nhớ đến tất cả các nạn nhân của Coronavirus, Đức Phanxico cầu nguyện cho các nạn nhân ‘vô danh,’ khi những giới hạn cách ly bắt đầu được nới lỏng cho điều được gọi là ‘Giai đoạn hai’ ở nước Ý bắt đầu dần dần từ ngày 4 tháng Năm.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha phân tích về trích đoạn Tin mừng trong ngày, “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy.”

Sau đó Đức Thánh Cha đặt câu hỏi rằng chúng ta có thể làm gì “để Chúa Cha sẽ thực hiện công việc của Ngài là lôi kéo con người” đến với Chúa Giêsu.

Câu trả lời ngài đưa ra rất đơn giản: Cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói: “Làm chứng và cầu nguyện đi song song.”

Ngài nói, “Không có chứng tá và cầu nguyện, anh chị em không thể thực hiện việc rao giảng tông đồ. Lời rao giảng của một người có thể là rất đẹp, nhưng nếu không có hoạt động của Chúa Cha, người ta sẽ không được lôi cuốn đến với Đức Kitô.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng lời cầu nguyện: “Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết sống công cuộc của chúng ta bằng chứng tá và cầu nguyện, để Người là Chúa Cha, có thể lôi kéo con người đến với Chúa Giêsu.”

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.

***



***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester ZENIT]

“Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”: Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng các Ngôn sứ cũng đã công bố trước điều này. “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ.” Chính Thiên Chúa là Đấng lôi kéo chúng ta để hiểu biết về Chúa Con. Không được như vậy, chúng ta không thể nào biết Chúa Giêsu. Vâng, đúng, người ta có thể học, học hỏi Kinh Thánh, cũng biết được Ngài sinh ra như thế nào, Ngài đã làm những gì: điều này thì đúng. Tuy nhiên, để hiểu biết sâu về Ngài, để hiểu được mầu nhiệm của Đức Kitô chỉ dành cho những người được lôi kéo bởi Thiên Chúa đến với điều này.

Điều này đã xảy ra cho quan Tổng quản công khố của Nữ hoàng Êthiôpia. Người ta thấy rằng ông là một người đạo đức, và ông đã lấy thời gian, giữa bao công việc bộn bề, để đến tôn thờ Chúa. Ông là một người có lòng tin. Và ông đang trên đường trở về quê, đang đọc Tiên tri Isaia. Chúa chọn Philipphê, Ngài sai ông đến đó và nói với ông: “Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia,” và ông nghe thấy quan Tổng quản đang đọc Isaia. Ông đến gần quan và hỏi quan: “Ngài có hiểu được điều ngài đọc không?” – “Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi!” và rồi ông hỏi: “đấng Tiên tri nói điều ấy về ai?” “Xin hãy lên xe với tôi,” và trong suốt hành trình — cha chẳng biết là bao lâu nữa, cha nghĩ chắc cũng phải đôi ba giờ — Philipphê giảng giải, ông cắt nghĩa về Chúa Giêsu cho vị quan.

Sự băn khoăn mà ông quan kia có được khi đọc về Ngôn sứ Isaia thật ra là từ Chúa Cha, Đấng đang lôi kéo ông đến với Chúa Giêsu: Ngài đã dọn đường cho quan, Ngài đã đưa ông từ Êthiôpia đến Giêrusalem để tôn thờ Thiên Chúa, và rồi với bài đọc này, Ngài chuẩn bị tâm hồn ông để tỏ lộ Chúa Giêsu cho ông, tới mức ngay khi nhìn thấy nước, quan liền nói: “Tôi có thể được rửa tội không?” Và ông đã tin.

Và sự thật này, không ai có thể biết Chúa Giêsu mà không nhờ Chúa Cha lôi cuốn người ấy — là rất giá trị cho chức vụ tông đồ, cho sứ mạng tông đồ của người Kitô hữu. Cha nghĩ đến việc truyền giáo. “Anh em sẽ làm gì trong sứ mạng truyền giáo?” – “Con sẽ hoán cải mọi người –. “Không, dừng lại, con sẽ không hoán cải được ai! Chính Chúa Cha là người lôi kéo các tâm hồn nhận biết Chúa Giêsu.” Đi truyền giáo là làm chứng cho niềm tin của mình; không làm chứng, anh chị em sẽ chẳng làm được gì. Đi truyền giáo — và các vị truyền giáo rất giỏi! — không có nghĩa là xây dựng lên những cấu trúc vĩ đại, làm nhiều việc và rồi dừng lại ở đó. Không phải, cấu trúc đó phải là những chứng tá. Anh chị em có thể xây dựng một nhà thương, một trường học được mọi người thán phục, phát triển tốt; tuy nhiên, nếu cấu trúc không có chứng tá Kitô thì công cuộc của anh chị em ở đó sẽ không phải là công cuộc của một người làm chứng, một công cuộc của sự rao giảng Đức Giêsu thật. Nó sẽ là một tổ chức bác ái rất tốt, rất tốt, nhưng ngoài ra chẳng có gì khác nữa!

Nếu tôi muốn đi truyền giáo, và tôi nói điều này, nếu tôi muốn gắn kết trong công việc tông đồ, tôi phải ra đi với tinh thần sẵn sàng rằng Chúa Cha sẽ lôi kéo mọi người đến với Chúa Giêsu, và chứng tá sẽ làm việc này. Chính Chúa Giêsu đã nói với Phêrô, khi Ngài tỏ lộ rằng Ngài là Đấng Mêxia: “Này anh Simon Phêrô, anh thật là người có phúc, vì Cha của Thầy đã mặc khải cho anh điều ấy.” Chính Chúa Cha là Đấng lôi kéo, và Người cũng lôi kéo bằng chứng tá của chúng ta. “Tôi sẽ làm nhiều công trình, ở đây ở kia và nhiều nơi nữa, về giáo dục, về vấn đề này vấn đề kia …” Tuy nhiên, không có chứng tá thì chúng chỉ làm những điều đẹp đẽ nhưng không phải là việc loan báo Tin mừng; chúng không phải là nơi tạo cơ hội để Chúa Cha sẽ cuốn hút để hiểu biết về Chúa Giêsu. Công cuộc và chứng tá là cần thiết.

“Nhưng tôi phải làm gì để Chúa Cha có thể lôi kéo con người?” Cầu nguyện. Và đây là sự cầu nguyện cho việc truyền giáo: cầu nguyện rằng Chúa Cha sẽ lôi kéo con người đến với Chúa Giêsu. Làm chứng và cầu nguyện đi song song. Không có chứng tá và cầu nguyện thì việc rao giảng tông đồ không thể thực hiện, việc loan báo không thể thực hiện. Anh em có thể đưa ra một bài giảng luân lý rất hay, làm nhiều điều tốt đẹp — tất cả đều tốt lành; tuy nhiên, Chúa Cha sẽ không có cơ hội để lôi kéo con người đến với Chúa Giêsu. Và đây là trung tâm; đây là trung tâm của công việc tông đồ của chúng ta, rằng Chúa Cha có thể lôi kéo con người đến với Chúa Giêsu. Chứng tá của chúng ta mở ra những cánh cửa cho con người và lời cầu nguyện của chúng ta mở những cánh cửa đến với thánh tâm của Chúa Cha để lôi kéo con người — làm chứng và cầu nguyện. Và đây không chỉ dành cho việc truyền giáo, nó cũng dành cho công cuộc của chúng ta là người Kitô hữu. Tôi có thật sự làm chứng cho đời sống Kitô giáo bằng cách sống của tôi không? Tôi có cầu nguyện để Chúa Cha có thể lôi kéo mọi người đến với Chúa Giêsu không?

Đây là nguyên tắc lớn cho vai trò người tông đồ ở khắp nơi, và một cách đặc biệt cho những nhà truyền giáo; đi truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ. Một lần có một người phụ nữ, một phụ nữ tốt lành và người ta nhìn thấy bà có thiện chí — đến gặp cha với hai thiếu niên, một cậu bé và một cô bé, và bà nói với cha: “Thưa cha, cậu bé này là một người Tin lành và con đã hoán cải cậu, con đã thuyết phục cậu. Và cô bé này … con không biết nữa, là người theo thuyết duy linh, con chẳng hiểu cô bé nói gì với con, và con đã hoán cải cô bé.” Và người phụ nữ đó giỏi, giỏi. Nhưng bà đã bị sai lầm. Cha bị mất kiên nhẫn một chút và nói: “Nhưng này chị, chị chẳng hoán cải được ai. Chính Thiên Chúa là Đấng chạm đến tâm hồn con người. Và xin chị đừng quên: làm chứng thì được; chiêu dụ thì không.”

Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết sống công cuộc của chúng ta bằng chứng tá và cầu nguyện, để Người là Chúa Cha, có thể lôi kéo con người đến với Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/5/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét