AFP
30 tháng Bảy, 2020
Theo nhiều cách khác nhau, các giáo hoàng là những người hâm mộ môn đạp xe từ khi xe đạp được phát minh!
Linh mục có thể chạy xe đạp không? Câu hỏi được đặt ra vào đầu thế kỷ 20 trên một tạp chí tiếng Pháp dành cho các linh mục — được phát hiện bởi nhà sử học Catherine Marneur — L’ami du clergé (“Người bạn của các giáo sĩ”). Chính câu trả lời làm kinh ngạc đã thu hút sự chú ý của toàn xã hội Châu Âu về sự ra đời và thành công của chiếc xe hai bánh kỳ lạ này. “Văn phòng Tòa Thánh vẫn chưa đưa ra nhận định về xe đạp. Trên hết, chúng ta phải xét đến sự ảnh hưởng của nó đối với người dân.” Những hoài nghi đã không tồn tại được lâu, vì vào năm 1948, khi nhà văn người Ý, Jacannino Guareschi, xây dựng nhân vật linh mục hư cấu nổi tiếng của mình, Don Camillo — một người hâm mộ và người sử dụng xe đạp — không ai còn nghi ngờ về sự tương thích hoàn toàn của chiếc áo chùng thâm và vòng xoay của pedal
Đức Piô X, giáo hoàng tài trợ đầu tiên cho môn đua xe đạp
Chạy xe đạp nhanh chóng trở thành môn thể thao rất phổ biến, bằng chứng là sự thành công của vòng đua Tour de France bắt đầu năm 1903, hoặc vòng đua Giro d'Italia (vòng đua của Ý) năm 1909. Chính niềm say mê đó nhanh chóng lan rộng vượt qua những Bức tường Leonine của Vatican, dù rằng cho đến này vẫn chưa có ai dám biến những con đường lát đá nhấp nhô của các Khu vườn Vatican thành một đường chạy xe đạp. Buổi tối trước thềm mật nghị viện hồng y năm 2013, chúng tôi thấy Đức Hồng y Philippe Barbarin, người đi xe đạp và đức Tổng giám mục hưu trí của Lyon, đến trên chiếc xe đạp nổi tiếng của mình và dựng chiếc xe ở lối vào của đất nước nhỏ bé.
FILIPPO MONTEFORTE | AFP
Đức Piô X (1903-1914) tin rằng đằng sau tất cả những niềm đam mê thể thao này đang phát triển trong thời đại của ngài có một điều gì đó mang tính Kitô giáo sâu sắc mà Giáo hội phải nắm bắt lấy. Đức Piô X đã ban phép lành cho một cuộc đua nghiệp dư bắt đầu từ Roma, và đấng kế vị của ngài là Đức Benedict XV (1914-1922) ít năm sau đã noi theo gương của ngài. Từ đó trở đi chạy xe đạp được xem là một cách thực hành đạo đức.
Tuy nhiên, niềm đam mê của giáo hoàng đối với việc đi xe đạp đã mang đến một chiều kích hoàn toàn mới với một vị giáo hoàng khác là Đức Piô XII (1939-1958). Ngài nổi tiếng vì đã cho xây dựng một nhà nguyện nhỏ trên những độ cao của đường đua Ghisallo vào năm 1948, tương đương cho vòng đua Tour of Lombardy với đường đua Galibier huyền thoại của Tour de France. Ngài đặt tên cho nhà nguyện là “Đức Mẹ của môn đua xe đạp.”
Trong giai đoạn này, một nhân vật thú vị xuất hiện: Gino Bartagli, một cua-rơ xe đạp vô địch được biết đến với cái tên là “Gino the Pious” (Gino Người Mộ đạo). Sau cái chết của Bartagli, gia đình ông phát hiện ra rằng người chiến thắng hai lần của đường đua Tour de France là một trong những người phục vụ khiêm tốn và thầm lặng của những người dễ bị tổn thương nhất trong cuộc chiến bí mật của Giáo hội Công giáo chống lại chủ nghĩa phát xít Mussolini, và Đức quốc xã của Hitler trong Đệ nhị Thế chiến.
Vận chuyển giấy tờ giả cho Vatican bên trong khung xe đạp của mình, ông chuyển chúng đến nhiều tu viện khác nhau để giúp cho các gia đình Do Thái trốn thoát. Gino Bartagli hiện được Israel công nhận là “Người Đạo đức giữa các Quốc gia.”
Đức Phaolô VI, nhà thần học về ý nghĩa của cuộc đua
Vị kế nhiệm Đức Piô XII là Đức Gioan XXIII không phải là một giáo hoàng yêu thể thao. Ngược lại, Đức Phaolô VI (1963-1978) — người ủng hộ nhiệt thành cho việc tập thể dục — là đấng kế nhiệm xứng đáng của Đức Piô XII trong lĩnh vực này. Đặc biệt, ngài thừa nhận đã có niềm đam mê thực sự đối với môn thể thao đó từ khi còn nhỏ. Năm 1964, ngài đã có một bài diễn văn đầy sức truyền cảm, đặc biệt gửi đến các cua-rơ khi bắt đầu giải Giro d’Italia, trong đó có Félix Gimondi và Eddy Merckx nổi tiếng:
“Các môn thể thao [...] là biểu tượng cho thực tại tinh thần, là điều tạo nên kết cấu vô hình nhưng vô cùng thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta: cuộc sống là một nỗ lực, cuộc sống là một thử thách, cuộc sống là một sự phiêu lưu, cuộc sống là một cuộc đua, cuộc sống là niềm hy vọng về một mục tiêu vượt ra ngoài kinh nghiệm thường tình, điều mà linh hồn thoáng thấy và tôn giáo trình bày cho chúng ta.”
AFP
Đội đua xe đạp của Đức Gioan lô II
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, một vận động viên thể thao tuyệt vời và là tay đua xe đạp nghiệp dư, đã rước đuốc theo một cách hoàn toàn khác. Chính trong triều đại giáo hoàng của ngài, những tiết lộ đầu tiên về việc sử dụng các sản phẩm doping trong các cuộc đua xe đạp đã bị phơi bày ra ánh sáng, phần nào đó làm mất uy tín đối với việc luyện tập môn thể thao này.
Đức Giáo hoàng đề nghị với Ivano Fanini, giám đốc trẻ của một đội đua xe đạp Ý, rằng anh hãy đặt tên cho đội của mình là Amore e vita (Tình yêu và Cuộc sống, bằng tiếng Ý), vì theo Đức Giáo hoàng, thể thao là một sự khẳng định hùng hồn của hai nguyên tắc Công giáo này.
Fanini đón nhận lời của Đức Giáo hoàng. Hiển thị trên áo đội đua của anh không còn là nhà tài trợ, mà là một thông điệp niềm tin trông giống như tên của một tông huấn, đội Amore e vita nổi bật trong những năm này khi sự cám dỗ của danh hiệu và thành tích cá nhân dường như làm bại hoại, đến mức gian lận, mọi mặt của lý tưởng thể thao đẹp đẽ từng được Đức Phaolô VI và Đức Piô XII vô cùng yêu thích.
Ivano Fanini, một người Công giáo nhiệt thành, thậm chí đã quyết định tô điểm cho chiếc áo đua của mình với một thông điệp bảo vệ sự sống trong suốt mùa giải! Nói chung, Amore e Vita là một đội phi thường, họ đã quyết định trao cơ hội thứ hai cho các vận động viên bị cấm vì đã sử dụng doping, và những người thường chỉ là con dê tế thần trong một môn thể thao dường như còn quá ít người trong sạch. Amore e Vita đề nghị tha thứ khi bản án đã được tống đạt.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gặp Fanini hơn 20 lần. Đội đua của Fanini không có thành tích cao nhất trong lịch sử đua xe đạp. Tuy nhiên, không giống như nhiều đội khác, nó vẫn tồn tại, thể hiện tinh thần phấn đấu được công chúng đánh giá rất cao, là tinh thần thường được trao tặng một chiếc áo đỏ trong các chặng đua ngày nay.
Đức Giáo hoàng Phanxico
Từ khi kết thúc triều đại của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, chiếc xe đạp ít được chú ý hơn. Người ta nói Đức Benedict XVI thích giải Formula 1 hơn. Đức Giáo hoàng Phanxico, tuy là một người hâm mộ nhiệt tình của môn bóng đá, vẫn được xin ban phép lành cho chiếc áo màu hồng người đội trưởng mặc trong giải Giro d’Italia, ngay khi ngài được bầu năm 2013. Có thể ngài không có những lời truyền cảm hứng về ý nghĩa của cuộc đua như Đức Phaolô VI, nhưng vị đứng đầu hiện tại của Giáo hội Công giáo khẳng định hùng hồn về sự cần thiết phải suy nghĩ lại đối với giao thông đô thị.
DE WAELE TIM | TDWSPORT SARL | DPPI VIA AFP
Với Tông huấn Laudato Si’, ngài mời gọi thế giới hãy bỏ các hình thức vận chuyển gây ô nhiễm. Trong tông huấn này, Đức Giáo hoàng cũng thúc giục chúng ta hãy tìm ra những giải pháp thay thế bằng những suy nghĩ sáng tạo: xe đạp dường như là một ứng cử viên đắt giá để hạn chế sự tiêu thụ năng lượng quá mức và gây ô nhiễm hydrocarbon, đồng thời tạo sự thay đổi thật sự trong các thành phố. Nói chung, sự bảo vệ “ngôi nhà chung” mà vị đứng đầu Giáo hội đề xuất dường như thu hút những người đi xe đạp: Peter Sagan người Croatia, một vận động viên xe đạp nước rút siêu sao trong 10 năm qua, đã quyết định tặng chiếc xe đạp được sơn các màu của Vatican cũng như chiếc áo vô địch thế giới của anh — chiếc áo đua bảy sắc cầu vồng huyền thoại — cho Đức Giáo hoàng người Argentina trong chuyến thăm vào năm 2018. Có thể anh ấy nên chọn một chiếc áo màu xanh lá cây?
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/7/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét