PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Người trẻ, người già, và lời tiên tri của ngôn sứ Giôen
Suy tư của Phó Tổng Giám đốc Biên tập của Vatican24 tháng Bảy, 2020 14:58
Suy tư dưới đây là của ông Alessandro Gisotti, Phó Tổng Giám đốc Biên tập của Vatican, được Vatican News đăng tải hôm nay.
Bảy năm trước, vào ngày 26 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxico đã đưa ra lời kêu gọi tại Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Brazil. Tại đó, ngài thúc giục người trẻ và người già hãy cam kết đối thoại. Ngài thường lặp lại chủ đề này. Nó thậm chí còn quan trọng hơn nữa khi đại dịch Covid-19 buộc các thế hệ phải giữ khoảng cách an toàn.
Alessandro Gisotti
“Thật vô cùng quan trọng phải có những sự trao đổi và đối thoại liên thế hệ, đặc biệt trong bối cảnh gia đình.”
Ngày 26 tháng Bảy năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxico đã nói lên những lời này từ ban công của Tòa Tổng Giám mục Rio de Janeiro. Hàng ngàn bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới lắng nghe ngài trong giờ đọc Kinh Truyền tin. Họ đến Brazil để tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ, đó cũng là chuyến Tông du quốc tế đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxico sau khi ngài được bầu chọn lên ngai tòa giáo hoàng vào Tháng Ba trước đó. Giáo hội đang mừng kính Lễ hai Thánh Gioa Kim và Ana, là thân phụ mẫu của Đức Trinh nữ Maria, và là ông bà của Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha Phanxico đã tận dụng cơ hội này để nhấn mạnh – trích dẫn Tài liệu Aparecida mà ngài đã dốc sức rất nhiều cho nó khi còn là một Hồng y – rằng “trẻ em và người già xây dựng tương lai của các dân tộc: là trẻ em vì chúng dẫn đưa lịch sử tiến tới, là người già vì họ truyền những kinh nghiệm và sự khôn ngoan về cuộc sống của họ.”
Sự phụ thuộc lẫn nhau
Người trẻ và người già, ông bà và con cháu. Cụm từ hai vế song song này đã trở thành một nét đặc trưng trong triều đại của ngài, được diễn tả bằng những cử chỉ, những bài diễn từ, tiếp kiến chung, và “những cuộc gặp gỡ không có kế hoạch”, đặc biệt trong các chuyến tông du.
Đức Thánh Cha Phanxico đã đề cập một cách cay đắng rằng người trẻ và người già thường là những nạn nhân đầu tiên của “văn hóa loại bỏ” của chúng ta. Nhưng ngài nói thêm, khi hai thế hệ kết hợp với nhau – và chỉ bằng sự kết hợp với nhau – có thể vạch ra những con đường để tìm được không gian cho một tương lai tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha nói tại Thánh Lễ cho tu sĩ thánh hiến ngày 2 tháng Hai năm 2018, “Nếu người trẻ được kêu gọi mở ra những cánh cửa mới, thì người già là những người giữ chìa khóa.”
Ngài nói thêm, “Không có sự phát triển nếu không có cội rễ và không có sự trổ hoa nếu không có những chồi non. Không bao giờ có lời tiên tri mà không có ký ức, hoặc ký ức mà không có lời tiên tri. Và sự gặp gỡ liên tục.”
Vùng đất của những ước mơ
Đối với Đức Thánh Cha Phanxico, nơi gặp gỡ giữa người trẻ và người già là những ước mơ. Theo một số phương diện, điều này dường như là một sự hội tụ hầu như không thể có thực. Tuy nhiên, như kinh nghiệm của đại dịch đã cho chúng ta thấy chính những ước mơ của chúng ta, tầm nhìn của chúng ta về ngày mai, là điều kết nối khăng khít ông bà và con cháu là những người đột nhiên bị chia cách, tăng thêm sự nặng nề cho gánh nặng của sự cách ly.
Ngoài ra, sự tập trung của Đức Thánh Cha vào chiều kích những ước mơ có nguồn cội Kinh Thánh sâu sắc. Đức Thánh Cha Phanxico thường nhắc lại những điều ngôn sứ Giôen dạy: “Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (Ge 3:1).
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, nếu không phải là người trẻ thì ai có thể đón lấy những giấc mơ của người già và thực hiện chúng?
Chia sẻ sự khôn ngoan
Đáng chú ý là trong Thượng Hội đồng dành riêng cho giới trẻ (tháng Mười năm 2018), Đức Giáo hoàng Phanxico đã chủ sự một sự kiện đặc biệt về đối thoại giữa các thế hệ – cuộc gặp gỡ “Chia sẻ sự Khôn ngoan của Thời gian – tại Học viện Giáo phụ Augustine. Trả lời cho những câu hỏi của giới trẻ và người già về các vấn đề mà Giáo hội và thế giới phải đối mặt, Đức Giáo hoàng Phanxico thúc giục họ “bảo vệ những giấc mơ của các con như những đứa trẻ tự bảo vệ mình,” nhấn mạnh rằng “sự khóa chặt sẽ không biết được những chân trời, nhưng ước mơ thì biết.”
Bản thân Đức Thánh Cha cũng là người cao tuổi, trao phó cho những người trẻ trách nhiệm lớn. Ngài có những lời gửi đến tất cả các bạn trẻ, “Các con không thể mang tất cả người già trên vai, nhưng các con có thể mang những ước mơ của họ. Mang chúng tiến bước về phía trước cùng với các con, và chúng sẽ rất hữu ích cho các con.” Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thông cảm, một điều mà ngày nay đứng trước trải nghiệm đầy kịch tính của đại dịch, dường như trở nên cần thiết hơn nữa. Ngài lưu ý, “Không thể nào thực hiện cuộc trò chuyện với một người trẻ mà không có sự cảm thông.”
Nhưng chúng ta có thể tìm ở đâu phương cách mà chúng ta cần có để tiến bước? Trong sự gần gũi. Đó là câu trả lời của Đức Giáo hoàng.
Sự gần gũi là một tài sản quý giá, như chúng ta đã trải nghiệm trong những tháng này khi chiều kích nền tảng của cuộc sống chúng ta đột ngột bị “đình hoãn” do virus. Đức Thánh Cha nói, “Sự gần gũi làm nên những phép màu,” “sự gần gũi với những người đau khổ,” “sự gần gũi với những vấn đề của người khác,” và “sự gần gũi giữa người trẻ và người già.” Ngài nói, “Sự gần gũi làm cho chúng ta miễn nhiễm loại virus chia rẽ và ngờ vực, bằng cách nuôi dưỡng “văn hóa hy vọng.”
Người trẻ và người già
Đức Giáo hoàng tiếp tục đề cập đến mối liên kết này trong chuyến Tông du gần đây của ngài. Khi ở Rumani vào tháng Sáu năm 2019, ngài kể lại một cuộc gặp gỡ bất ngờ của ngài với một bà cụ ở Iaşi trong cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ và gia đình.
Đức Thánh Cha kể, “Trong vòng tay của bà là một đứa cháu, khoảng hai tháng tuổi, không hơn. Khi tôi đi ngang qua, bà nâng đứa cháu lên cho tôi thấy. Bà mỉm cười, và mỉm cười với một nụ cười hóm hỉnh, như thể bà đang nói với tôi: ‘Hãy nhìn xem, bây giờ tôi có thể mơ ước!’ Lúc đó tôi rất xúc động và tôi không có can đảm để bước đi và đưa bà lên đây. Đó là lý do tại sao tôi nói với các bạn. Ông bà mơ ước khi con cháu họ tiến bước, và các cháu có được sự can đảm đó khi chúng đón lấy nguồn cội từ ông bà.”
Chồi non và tán lá
Cội rễ và ước mơ. Bạn không thể có yếu tố này mà thiếu yếu tố kia, vì mỗi yếu tố đều phục vụ lẫn nhau. Ngày nay điều này chắc chắn còn đúng hơn so với quá khứ bởi vì chúng ta rất cần một “tầm nhìn toàn diện” không bỏ rơi người nào phía sau.
Đức Giáo hoàng Phanxico đã làm nổi bật điều này trong một cuộc phỏng vấn với các tạp chí tiếng Anh The Tablet and Commonweal, trong thời khắc đen tối nhất của đại dịch ở Châu Âu. Theo ý nghĩa của những gì chúng ta đang trải qua trong năm 2020 đầy kịch tính này, ngài nói, “sự căng thẳng giữa người trẻ và người già phải được giải quyết qua sự gặp gỡ với nhau.”
Ngài nhắc lại rằng người trẻ là “chồi non và tán lá, nhưng nếu không có gốc rễ, chúng không thể sinh hoa trái. Người già là gốc rễ.” Ngài cũng nhắc lại lời của ngôn sứ Giôen, kêu gọi người già can đảm hy vọng, ngay cả khi họ bị sợ hãi trước một loại virus thường đánh gục những người cao tuổi. Đức Giáo hoàng khuyến khích họ hãy mơ ước. “Tôi biết ông bà cảm thấy cái chết đang cận kề, và ông bà sợ, nhưng hãy nhìn sang hướng khác, hãy nhớ đến con cháu và không ngừng mơ ước. Đây là những gì Thiên Chúa yêu cầu nơi ông bà: hãy mơ ước” (Ge 3:1).
Trong thời khắc khó khăn mà chúng ta đang sống, đứng giữa nỗi sợ hãi và sự đau khổ, Đức Giáo hoàng Phanxico nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ rằng bây giờ là “thời điểm tốt để tìm được lòng can đảm để hình dung ra những gì có thể, với tính hiện thực chỉ duy nhất Tin Mừng mới có thể cung cấp cho chúng ta.”
Bây giờ là thời gian khi “lời tiên tri của Giôen” có thể trở thành hiện thực.
(Đây là bản dịch (tiếng Anh) từ văn bản gốc tiếng Ý)
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/7/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét