Bạn có biết một vị giáo hoàng thế kỷ 20 đã leo lên đỉnh cao nhất của Châu Âu không? Và đó không phải là Đức Gioan Phaolô II
Achille Ratti (ở giữa), là giáo hoàng Piô XI tương lai., trong một chuyến leo núi trong dãy alps.
31 tháng Bảy, 2020
Những môn thể thao các giáo hoàng yêu thích (Phần 2): Đức Piô XI cho rằng môn leo núi (nếu thực hiện thận trọng) là môn luyện tập tốt nhất cho cả linh hồn và thể xác.
Từ đầu thế kỷ 20, Tòa Thánh đã thể hiện sự quan tâm đến các môn thể thao. Các giáo hoàng nhìn đến hiện tượng xã hội này bằng con mắt bao dung, thậm chí là say mê, đôi khi còn phát hiện trong đó một cách thức rao giảng phúc âm hoặc sự hoàn thiện Kitô giáo. Trong bài viết này — một trong loạt bốn bài kể cho các bạn những câu chuyện về thể thao trong Tòa Thánh — chúng tôi xét đến các hoạt động leo núi.
Nhiều vị giáo hoàng đã bị thu hút bởi những ngọn núi, và mỗi vị đều đến tĩnh tâm ở đó với những lý do riêng. Đức Gioan Phaolô II đi bộ đường trường, Đức Phaolô VI tìm tính đơn giản của cuộc sống, và Đức Piô XI — một người leo núi dày dạn kinh nghiệm — tìm kiếm sự phát triển cá nhân.
Năm 1890, khi leo núi vừa trở thành một hoạt động thể thao không còn dành riêng cho cư dân miền núi, Ambrogio Damiano Achille Ratti (là Giáo hoàng Piô XI tương lai, 1857-1939) đã đạt được thành tích leo lên ngọn núi Mont Blanc, ngọn núi cao thứ hai ở Châu Âu. Cuộc leo núi kéo dài hai ngày, gồm một đêm ở trong nhà gỗ Quintino-Sella ở phía nước Ý. Trong thời gian đi xuống, ngài đã mở một lối đi mới lên đỉnh Mont Blanc.
Là một người leo núi có kinh nghiệm, ngài đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm núi, bao gồm một trong những điểm giao nhau đầu tiên của khối núi Monte Rosa (ngọn núi cao thứ hai trong dãy Alps, sau Mont Blanc, nằm giữa Thụy Sĩ và Ý) trên sườn dốc Macugnaga (ở Ý) năm 1889.
Có thể nhìn thấy tầm quan trọng mà ngài dành cho môn thể thao này trong lá thư Quod sancti đề ngày 20 tháng Tám năm 1923, gửi cho đức Giám mục Annecy, để tôn vinh Thánh Bernard Menton được công bố là thánh bổn mạng của những người leo núi vào dịp đó:
“Quả thật, trong số tất cả các bài thực hành thể thao đích thực, người ta nói rằng không có môn nào vượt qua được môn thể thao này vì mang lại lợi ích cho sức khỏe linh hồn cũng như thể xác — khi một người tránh được sự khinh suất. Khi phải nỗ lực và phấn đấu hết mức để leo lên tại địa điểm có không khí trong lành và tinh khiết hơn, sức mạnh được đổi mới và được tiếp thêm sinh lực, đồng thời khi phải đối mặt với mọi hình thức khó khăn, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn để đương đầu với những bổn phận của cuộc sống, ngay cả những bổn phận khó khăn nhất. Chiêm ngưỡng sự bao la và vẻ đẹp của những cảnh tượng mở ra trước mắt chúng ta từ những đỉnh núi hùng vĩ của dãy Alps, tâm hồn chúng ta dễ dàng hướng lên Thiên Chúa, là tác giả và là Chúa tể của thiên nhiên.”
Giá trị lớn lao này có được khi chiêm ngắm và tìm kiếm không khí trong lành cũng được chia sẻ bởi Đức Gioan Phaolô II, ngài không bao giờ từ bỏ việc đến tham quan các ngọn núi trong suốt thời gian trên ngôi vị giáo hoàng của ngài, một hoạt động ngài đã bắt đầu trước đó rất lâu. Tadeusz Styczen, một người bạn thân của ngài, kể lại rằng khi họ trượt tuyết ở Ba Lan, ngài Wojtyla khi đó là Tổng Giám mục thích đi ngược lên dốc, vác ván trượt tuyết trên vai, giữ im lặng hoàn toàn và suy tư.
Đức Gioan Phaolô II trước sự quyến rũ của các khối núi và các đỉnh núi trong dãy Alps
Đối với ngài cũng vậy, các ngọn núi đại diện cho “trường học nâng cao tâm hồn,” theo lời của Giám mục Alberto Maria Careggio của Ventimiglia và Sanremo. Đam mê leo núi, vị giám mục này là người đầu tiên tổ chức những ngày nghỉ hè của Giáo hoàng tại Valle d’Aosta, và là người bạn đồng hành trung thành của ngài.
Theo đức cha, tất cả bắt đầu từ một chuyến thăm mục vụ của vị Giáo hoàng người Ba Lan đến Valle d’Aosta ngày 6-7 tháng Chín năm 1986, như là một phần của những lễ hội kỷ niệm hai trăm năm lần chinh phục núi Mont Blanc đầu tiên. “Vào dịp đó, Đức Giáo hoàng lần đầu tiên nhìn thấy thung lũng, và từ đỉnh sông băng Brenva, ở độ cao 3.550 mét, ngài được chiêm ngưỡng cảnh tượng hùng vĩ của núi Mont Blanc, và do đó say mê những khối núi và đỉnh núi của dãy Alps.
Từ ngày đó, Thung lũng Aosta trở thành điểm đến yêu thích của Đức Gioan Phaolô II. Thật vậy, ngài đã trở lại đó 10 lần trong khoảng thời gian từ 1989 đến 2004, một quãng thời gian ngài không chần chờ để xỏ chân vào đôi ván trượt và trượt xuống các sườn dốc của những khu nghỉ dưỡng ở Ý, khi sức khỏe của ngài cho phép.
Ngài không phải là tổng giám mục, “nhưng là chú của chúng tôi”
Rất lâu trước khi trở thành giáo hoàng, Đức Phaolô VI thích đến vùng núi của Thụy Sĩ, đến làng Engelberg. Người ta nói rằng môi trường mà ngài tìm được ở đó đã giúp ngài giải tỏa những căng thẳng tâm lý đối với trách nhiệm lớn lao của ngài trong Giáo hội. Cháu gái của ngài, Chiara Montini Matricardi, là người cùng đi với ngài, chứng minh cho không khí tuyệt vời ở đó. “Đi với chúng tôi không phải là một tổng giám mục, nhưng đó là chú của chúng tôi. Ngài vui chơi với chúng tôi, và chúng tôi ăn sáng với nhau.”
Cuối thế kỷ 19, Đức Giáo hoàng Leo XIII đã đề xuất xây dựng 20 tượng đài để thể hiện sự tôn kính lớn lao đối với Thiên Chúa, xây dựng trên 20 ngọn núi ở những vùng khác nhau của Ý. Ý tưởng này ngay lập tức được các giáo phận chấp nhận, và thành lập một ủy ban để chọn 20 địa điểm xây dựng những tượng đài, thậm chí còn đi xa hơn để vẽ các bản đồ tiếp theo của các địa điểm. Trong số đó, một tượng đài Đấng Cứu Chuộc được xây dựng trên núi Guglielmo. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã đến viếng nhiều lần khi còn trẻ với thân phụ của ngài. Nhiều năm sau, ngài cho cải tạo lại nhà nguyện nhỏ đó, nơi ngài có những kỷ niệm không thể quên.
Đức Benedict XVI có cách sống riêng trên núi. Ngoài việc tìm kiếm một bầu không khí thuận lợi cho việc đọc sách và nghiên cứu, vị Giáo hoàng người Đức đi bộ đường dài mỗi ngày. Ngài nói với một đoàn trượt tuyết chuyên nghiệp vào tháng Mười Một năm 2010 rằng những ngọn núi “làm cho chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé, đưa chúng ta trở về chiều kích thật sự của con người là những thụ tạo, khiến chúng ta phải tự hỏi bản thân về ý nghĩa của tạo vật, hướng ánh mắt chúng ta lên cao, mở rộng tấm lòng trước Đấng Sáng tạo.”
Quý vị đọc về các giáo hoàng và việc chạy xe đạp ở đây.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/8/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét