Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico: Huấn từ về Phép lạ năm cái bánh và hai con cá

Đức Thánh Cha Phanxico: Huấn từ về Phép lạ năm ổ bánh và hai con cá

Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha Phanxico: Huấn từ về Phép lạ năm cái bánh và hai con cá

Chúa Giêsu thể hiện quyền năng của ngài như một dấu chỉ lòng từ bi

02 tháng Tám, 2020 13:05

JIM FAIR

 
Trong huấn từ Kinh Truyền tin ngày 2 tháng Tám năm 2020 trước các tín hữu trong Quảng trường Thánh Phêrô – và được truyền hình trên toàn thế giới – Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại trích đoạn Tin mừng nổi tiếng trong ngày, phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều trong chương 14 của Thánh Mátthêu.

Như Đức Thánh Cha phân tích, các môn đệ là những con người thực tế và muốn giải tán các đám đông đi theo Chúa để họ đi vào thị trấn tìm thức ăn. Đương nhiên, Chúa Giêsu là có kế hoạch khác. Ngài nói các môn đệ mang ít ổ bánh và vài con cá mà họ có đến cho Ngài.

Đức Thánh Cha kể lại chi tiết: “Người cầm lấy lương thực trên tay, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bắt đầu bẻ ra và trao cho các môn đệ đem đi phân phát. Và những ổ bánh và số cá đó không hết nhưng có đủ cho hàng ngàn con người, và còn thừa lại rất nhiều.

“Với hành động này, Chúa Giêsu thể hiện quyền năng của Người; không phải theo cách kỳ vỹ, nhưng như một dấu chỉ của lòng từ bi, của lòng quảng đại của Thiên Chúa là Cha đối với những đứa con mệt lả và thiếu thốn của Người. Người hòa mình vào đời sống của dân Người, Người thấu hiểu sự nhọc mệt và những giới hạn của họ, nhưng Người không cho phép bất kỳ người nào bị hư mất, hoặc gục ngã: Người nuôi dưỡng họ bằng lời của Người và cung cấp lương thực bổ dưỡng dồi dào.”


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng Chúa nhật này trình bày cho chúng ta phép lạ hóa bánh ra nhiều (xem Mt 14,13-21). Cảnh tượng diễn ra trong một nơi hoang vắng, là nơi Chúa Giêsu lui vào để nghỉ ngơi với các môn đệ. Nhưng dân chúng tìm đến Người để lắng nghe Người và để được chữa lành: thật vậy, Lời và hành động của Người phục hồi và mang lại hy vọng. Khi chiều xuống, đám đông vẫn còn ở đó và các môn đệ, là những con người thực tế, xin Chúa Giêsu cho giải tán để họ có thể đi tìm thức ăn. Nhưng Người trả lời: “Chính anh em cho họ ăn” (c. 16). Chúng ta có thể hình dung ra nét mặt của các môn đệ khi đó! Chúa Giêsu ý thức rất rõ về điều Người chuẩn bị thực hiện, nhưng Người muốn thay đổi thái độ của các ông: không phải là nói, “giải tán họ,” “hãy để họ tự lo liệu cho bản thân,” “để họ đi tìm thức ăn,” nhưng thay vì vậy phải nói, “Đấng Quan phòng ban cho chúng ta những gì để chia sẻ?” Đây là hai thái độ cư xử trái ngược nhau. Và Chúa Giêsu muốn đưa các ông đến với cách cư xử thứ hai vì lời đề nghị ban đầu là lời đề nghị của con người thực dụng, không phải là người quảng đại: “giải tán họ để họ có thể đi tìm thức ăn, hãy để cho họ tự lo liệu cho bản thân.” Chúa Giêsu thì nghĩ theo cách khác. Chúa Giêsu muốn dùng hoàn cảnh này để dạy cho những người bạn của Ngài, cả khi đó và bây giờ, về luận lý của Thiên Chúa. Và luận lý của Thiên Chúa mà chúng ta nhìn thấy ở đây là gì? Đó là luận lý hãy mang lấy trách nhiệm đối với người khác. Luận lý không phủi tay của mình, luận lý không ngoảnh mặt đi hướng khác. Không. Đó là luận lý hãy mang lấy trách nhiệm đối với người khác. Cách nói “hãy để họ tự lo liệu cho bản thân” không được đưa vào trong kho từ vựng Kitô giáo.

Ngay khi một người trong nhóm Mười Hai nói một cách rất thực tế, “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá,” Chúa Giêsu liền trả lời, “Đem lại đây cho Thầy" (cc. 17-18). Người cầm lấy lương thực trên tay, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bắt đầu bẻ ra và trao cho các môn đệ đem đi phân phát. Và những ổ bánh và số cá đó không hết nhưng có đủ cho hàng ngàn con người, và còn thừa lại rất nhiều.

Với hành động này, Chúa Giêsu thể hiện quyền năng của Người; không phải theo cách kỳ vỹ, nhưng như một dấu chỉ của lòng từ bi, của lòng quảng đại của Thiên Chúa là Cha đối với những đứa con mệt lả và thiếu thốn của Người. Người hòa mình vào đời sống của dân Người, Người thấu hiểu sự nhọc mệt và những giới hạn của họ, nhưng Người không cho phép bất kỳ người nào bị hư mất, hoặc gục ngã: Người nuôi dưỡng họ bằng lời của Người và cung cấp lương thực bổ dưỡng dồi dào.

Trong trích đoạn Tin mừng này, chúng ta có thể nhận thấy sự liên hệ đến Phép Thánh Thể, đặc biệt đoạn mô tả lời tạ ơn, bẻ bánh, trao cho các môn đệ, và phân phát cho mọi người (c. 19). Đáng chú ý đến mối liên kết gần gũi giữa bánh Thánh Thể nuôi dưỡng sự sống đời đời, và bánh lương thực hàng ngày cần thiết cho đời sống trên trần gian. Trước khi dâng Mình lên Chúa Cha như là Bánh Cứu độ, Chúa Giêsu bảo đảm có lương thực cho những người theo Ngài, và những người, để được ở bên Ngài đã quên không mang theo dự phòng. Có những lúc tinh thần và vật chất đối chọi nhau, nhưng trong thực tế chủ nghĩa tinh thần, cũng như chủ nghĩa duy vật, là xa lạ đối với Kinh Thánh. Nó không phải là ngôn ngữ của Thánh Kinh.

Lòng thương xót và từ bi mà Chúa Giêsu thể hiện đối với đám đông không phải là cảm tính, nhưng là sự tỏ lộ cụ thể tình yêu thương chăm sóc cho những thiếu thốn của con người. Và chúng ta được kêu gọi tiến đến bàn tiệc Thánh Thể với thái độ của Chúa Giêsu: lòng thương xót trước sự thiếu thốn của người khác, từ ngữ này được lặp đi lặp lại trong Tin mừng khi Chúa Giêsu nhìn thấy một vấn đề, một căn bệnh hoặc những con người không có lương thực … “Ngài chạnh lòng thương.” “Ngài chạnh lòng thương.”

Chạnh lòng thương không mang cảm giác vật chất thuần túy; lòng thương thật sự là patire con [cùng chịu đau khổ với], mang lấy những buồn phiền đau khổ của người khác làm của mình: Tôi có cảm thấy chạnh lòng thương đối với những người đó không? Tôi có cảm thấy chạnh lòng thương đối với những người gần bên tôi không? Tôi có khả năng cùng chịu đau khổ với họ không, hay tôi ngoảnh mặt sang hướng khác, hay “họ có thể tự lo liệu cho bản thân”? Chúng ta đừng quên cụm từ này “chạnh lòng thương,” đó là sự tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa Cha, và có ý nghĩa là sự chia sẻ can đảm.

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta bước đi trên con đường Chúa đã chỉ cho chúng ta trong Tin mừng hôm nay. Đó là hành trình của tình huynh đệ, nó là vô cùng quan trọng để đối mặt với sự nghèo đói và đau khổ của thế giới này, đặc biệt trong thời khắc bi thảm này, và nó đặt ra cho chúng ta kế hoạch vượt xa hơn thế giới này vì nó là một hành trình bắt đầu từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa.


_____________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Cha nghĩ về người dân Nicaragua đang đau khổ vì vụ tấn công tại Nhà thờ Chính tòa Managua, là nơi có tượng Chúa Kitô rất được sùng kính, bức tượng đã đồng hành và nâng đỡ đời sống của người tín hữu trong nhiều thế kỷ, đã bị hư hại rất nhiều – gần như bị phá hủy hoàn toàn. Anh chị em Nicaragua thân mến, cha gần gũi với anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em.

Ơn đại xá “Pardon of Assisi” đã bắt đầu từ hôm qua và tiếp tục đến nửa đêm hôm nay, món quà thiêng liêng mà Thánh Phanxico xin với Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Đức Maria Trinh nữ. Đó là ơn đại xá có thể được lãnh nhận qua sự tham dự các Bí tích Hòa giải và Thánh Thể và đến viếng nhà thờ xứ hoặc nhà thờ Thánh Phanxico, đọc Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.

Ơn đại xá cũng có thể dành cho người qua đời. Điều vô cùng quan trọng là phải luôn luôn đặt sự tha thứ của Chúa trở lại vị trí trung tâm, sự tha thứ ‘tạo ra nước trời’ trong chúng ta và xung quanh chúng ta, lòng thương xót này đến từ Thánh Tâm Chúa là Đấng giàu lòng thương xót!

Cha chào thân ái tất cả anh chị em hiện diện ở đây hôm nay, những người đến từ Roma – rất nhiều – và người hành hương: cha nhìn thấy những người Alps đến từ Palosco ở đằng kia, cha gửi lời chào anh chị em! Và có rất nhiều người Brazil ở kia với quốc kỳ của họ. Cha chào tất cả mọi người, những người sùng kính Mẹ Maria Vô nhiễm là Đấng luôn luôn hiện diện.

Và, hướng suy nghĩ về tất cả những người được kết nối với chúng ta, cha hy vọng rằng trong thời gian này, nhiều người sẽ có thể có một vài ngày nghỉ ngơi và tiếp xúc với thiên nhiên, qua đó chiều kích tinh thần cũng có thể được bồi dưỡng lại. Đồng thời tôi hy vọng rằng, với sự cam kết chung của tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế, việc làm có thể tiếp tục trở lại: gia đình và xã hội không thể tiếp tục mà không có việc làm. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều này. Nó đang là và sẽ là một vấn đề thuộc hậu quả của đại dịch: nghèo đói và thiếu việc làm. Sẽ cần có nhiều tình đoàn kết và sự sáng tạo để giải quyết vấn đề này.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/8/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét