UN Television Screenshot
Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha gửi Liên hợp quốc
Đại dịch là thời gian để suy nghĩ lại lối sống, hệ thống kinh tế, các hệ thống xã hội25 tháng Chín, 2020 14:29
Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kêu gọi tổ chức này tiếp tục tập trung vào nhân quyền và môi trường. Do đại dịch, diễn từ của ngài bằng tiếng Tây Ban Nha đã được gửi trong một video ghi hình trước.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Trong những ngày này, thế giới của chúng ta tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đã làm mất mát rất nhiều sinh mạng. Cuộc khủng hoảng này đang thay đổi cách sống của chúng ta, chất vấn về các hệ thống kinh tế, sức khỏe và xã hội của chúng ta, đồng thời bộc lộ sự mong manh của con người chúng ta”.
Ngài cho rằng đây là thời điểm xã hội phải tách bạch những gì cần thiết với những gì không cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến việc phải “suy nghĩ lại về lối sống và những hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta.”
Đức Thánh Cha lưu ý đến sự cần thiết phải giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo trên khắp thế giới, bao gồm người tị nạn, những cuộc xung đột đang diễn ra, và sự bất bình đẳng về cơ hội kinh tế.
Đức Giáo hoàng nói, “Tôi kêu gọi các nhà chức trách dân sự đặc biệt chú ý đến những trẻ em bị từ chối các quyền căn bản và phẩm giá của chúng, nhất là là quyền được sống và được đi học”. Ngài cũng kêu gọi phải tiếp tục quan tâm đến sự bình đẳng cho phụ nữ.
Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trước Đại Hội đồng. Lần đầu tiên là phát biểu trực tiếp cách đây đúng 5 năm, vào ngày 25 tháng Chín năm 2015. Đây sẽ là lần thứ sáu một Giáo hoàng phát biểu trước LHQ, sau Đức Giáo hoàng Phaolô VI năm 1964, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 1979 và 1995, Đức Giáo hoàng Benedict XVI vào năm 2008.
_______________________
Dưới đây là toàn văn diễn từ, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh).
Thưa ngài Chủ tịch,
Bình an ở cùng tất cả quý vị!
Thưa ngài Chủ tịch, tôi gửi lời chào thân ái tới ngài, và tất cả các Phái đoàn tham gia Kỳ họp thứ bảy mươi lăm quan trọng này của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đặc biệt, tôi xin chào ngài Tổng thư ký António Guterres, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ tham dự cùng tất cả quý vị đang theo dõi Cuộc tranh luận chung.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên hợp quốc cho tôi một cơ hội thích hợp để một lần nữa bày tỏ mong muốn của Tòa Thánh rằng Tổ chức này ngày càng đóng vai trò là dấu chỉ của sự hợp nhất giữa các Quốc gia và là một khí cụ phục vụ cho toàn thể gia đình nhân loại.[1]
Trong những ngày này, thế giới của chúng ta tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đã làm mất mát rất nhiều sinh mạng. Cuộc khủng hoảng này đang thay đổi cách sống của chúng ta, chất vấn các hệ thống kinh tế, sức khỏe và xã hội của chúng ta, đồng thời bộc lộ sự mong manh của con người chúng ta.
Thật vậy, đại dịch kêu gọi chúng ta “hãy nắm bắt lấy thời gian thử thách này như một thời điểm để lựa chọn, một thời điểm để lựa chọn những gì là quan trọng và những gì chóng qua, một thời điểm để tách bạch những gì cần thiết và những gì không cần thiết”. [2] Nó có thể đại diện cho một cơ hội cụ thể để hoán cải, để chuyển đổi, để xem lại lối sống và những hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta đang làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo do sự phân bổ tài nguyên không công bằng. Mặt khác, đại dịch có thể là dịp để “rút vào thế thủ”, đi vào chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tinh hoa lớn hơn.
Khi đó, chúng ta phải đối mặt với sự lựa chọn giữa hai con đường có thể xảy ra. Một con đường dẫn đến việc củng cố chủ nghĩa đa phương là sự thể hiện ý thức mới về tính đồng trách nhiệm toàn cầu, sự đoàn kết đặt nền tảng trên công bằng, và đạt được nền hòa bình và hiệp nhất trong gia đình nhân loại, đó là chương trình của Thiên Chúa dành cho thế giới của chúng ta. Con đường còn lại nhấn mạnh đến chủ nghĩa tự mãn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa biệt lập; nó loại trừ người nghèo, người dễ bị tổn thương và những người sống ở khu vực ngoại vi của cuộc sống. Con đường đó chắc chắn sẽ bất lợi cho toàn cộng đồng, tự mình gây ra những vết thương cho mọi người. Không được để con đường này chiếm ưu thế.
Đại dịch đã làm nổi bật nhu cầu khẩn thiết về việc tăng cường sức khỏe cộng đồng và làm cho quyền được chăm sóc y tế căn bản của mọi người trở thành hiện thực. [3] Vì lý do này, tôi tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và khu vực tư nhân không tiếc công sức để bảo đảm khả năng tiếp cận với vaccine Covid-19, và những công nghệ thiết yếu cần có để chăm sóc người bệnh. Nếu có người cần được ưu tiên, hãy dành sự ưu tiên cho cho những người nghèo nhất, người dễ bị tổn thương nhất, những người thường bị phân biệt đối xử vì họ không có quyền lực cũng như nguồn lực kinh tế.
Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đã chứng minh rằng tình đoàn kết không phải là một lời nói hay một lời hứa suông. Nó cũng cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc phải tránh mọi cám dỗ vượt quá giới hạn tự nhiên của chúng ta. “Chúng ta có quyền tự do cần thiết để hạn chế và định hướng công nghệ; chúng ta có thể đem nó phục vụ cho một loại hình tiến bộ khác, một mô hình tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội hơn, toàn diện hơn”. [4] Điều này cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong các cuộc thảo luận về vấn đề phức tạp của trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo dòng suy nghĩ này, tôi nghĩ đến những tác động của đại dịch đối với việc làm, một lĩnh vực vốn đã bất ổn do thị trường lao động bị dao động bởi sự bấp bênh ngày càng gia tăng và quá trình robot hóa mở rộng. Có một nhu cầu bức thiết phải tìm ra những hình thức việc làm mới thực sự có khả năng phát huy tiềm năng của con người và khẳng định phẩm giá của chúng ta. Để bảo đảm việc làm có phẩm giá, cần phải có sự thay đổi mô hình kinh tế đang thống trị, vốn chỉ tìm cách mở rộng lợi nhuận của các công ty. Cung cấp việc làm cho nhiều người hơn cần phải là một trong những mục tiêu chính của mọi doanh nghiệp, một trong những tiêu chí cho sự thành công của hoạt động sản xuất. Tiến bộ công nghệ là rất giá trị và cần thiết, với điều kiện là nó giúp làm cho công việc của con người trở nên có giá trị và an toàn hơn, ít gánh nặng và ít căng thẳng hơn.
Tất cả điều này đòi hỏi một sự thay đổi hướng đi. Để đạt được điều đó, chúng ta đã có những nguồn lực văn hóa và công nghệ cần thiết, và nhận thức xã hội. Tuy nhiên, sự thay đổi hướng đi này sẽ đòi hỏi một khuôn khổ đạo đức vững chắc hơn có khả năng chiến thắng “văn hóa lãng phí đang lan rộng và âm thầm phát triển ngày nay.”[5]
Cội nguồn của “văn hóa vứt bỏ” này là sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với nhân phẩm, sự cổ súy cho các hệ tư tưởng với những hiểu biết hẹp hòi về nhân vị, phủ nhận tính phổ quát của những quyền căn bản của con người, và sự thèm khát quyền lực và quyền kiểm soát tuyệt đối đang phổ biến trong xã hội ngày nay. Chúng ta hãy đặt cho nó cái tên theo đúng bản chất của nó: một cuộc tấn công chống lại chính loài người.
Thật vậy, thật là đau đớn khi thấy số lượng những quyền căn bản của con người vẫn tiếp tục bị vi phạm mà không bị trừng phạt trong thời đại của chúng ta. Danh sách những vi phạm như vậy quả thật rất dài và cung cấp cho chúng ta một bức tranh đáng sợ về một nhân loại bị lạm dụng, bị thương tổn, bị tước đoạt phẩm giá, tự do và hy vọng cho tương lai. Là một phần của bức tranh này, các tín đồ tôn giáo tiếp tục gánh chịu mọi hình thức đàn áp, kể cả nạn diệt chủng, chỉ vì niềm tin của họ. Người Kitô hữu chúng tôi cũng là nạn nhân của vấn đề này: không biết bao nhiêu anh chị em của chúng tôi trên khắp thế giới đang phải chịu đựng, đôi khi buộc phải chạy trốn khỏi miền quê cha đất tổ của họ, bị cắt đứt khỏi lịch sử và văn hóa phong phú của họ.
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng những cuộc khủng hoảng nhân đạo đã trở thành hiện trạng (status quo), trong đó quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân của con người không được bảo vệ. Thật vậy, như được nhìn thấy trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới, việc sử dụng những loại vũ khí nổ, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư, đang gây ra những tác động nhân đạo lâu dài nghiêm trọng. Vũ khí quy ước ngày càng trở nên ít “theo quy ước” hơn, và ngày càng có nhiều “vũ khí hủy diệt hàng loạt”, tàn phá các thành phố, trường học, bệnh viện, địa điểm tôn giáo, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ căn bản cần thiết cho người dân.
Ngoài ra, rất nhiều người đang bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Những người tị nạn, di cư và di tản trong nước thường thấy mình bị bơ vơ ngay tại quốc gia quê hương, quốc gia quá cảnh và quốc gia đích đến, bị tước mất mọi cơ hội để cải thiện hoàn cảnh cuộc sống và của gia đình họ. Tệ hơn nữa, hàng ngàn người bị chặn lại trên biển và bị cưỡng bức đưa trở lại các trại tạm giam, nơi họ gặp phải sự tra tấn và ngược đãi. Nhiều người trong số này trở thành nạn nhân của nạn buôn người, nô lệ tình dục hoặc lao động cưỡng bức, bị bóc lột với những công việc đày đọa, và bị từ chối một mức lương chính đáng. Điều này là không thể chấp nhận được, nhưng nhiều người cố tình làm ngơ!
Nhiều nỗ lực quốc tế quan trọng để ứng phó với những cuộc khủng hoảng này bắt đầu với sự hứa hẹn to lớn – ở đây tôi nghĩ đến hai Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn và Di cư – nhưng nhiều nỗ lực còn thiếu sự hỗ trợ chính trị cần thiết để đi đến thành công. Những nỗ lực đó thất bại vì một số quốc gia trốn tránh trách nhiệm và cam kết của họ. Cũng như vậy, cuộc khủng hoảng hiện nay tạo cơ hội cho Liên Hợp quốc giúp xây dựng một xã hội huynh đệ và nhân ái hơn.
Vấn đề này bao gồm việc xem xét lại vai trò của các tổ chức kinh tế và tài chính, như tổ chức Bretton-Woods, phải đối phó với tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng nhanh chóng giữa những người siêu giàu và người nghèo trọn đời. Một mô hình kinh tế khuyến khích tính bổ trợ, hỗ trợ phát triển kinh tế ở cấp địa phương và đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương, sẽ đặt nền tảng không những cho sự thành công kinh tế mà còn cho sự đổi mới của cộng đồng và quốc gia lớn hơn. Ở đây, tôi xin tiếp tục lời kêu gọi của tôi rằng “trong hoàn cảnh hiện tại… tất cả các quốc gia đều phải được tạo điều kiện để đạt được những nhu cầu lớn nhất của thời điểm hiện tại thông qua việc giảm bớt khoản nợ, nếu không thể xóa nợ, đang là gánh nặng trên bảng cân đối kế toán của các quốc gia nghèo nhất”.[6]
Cộng đồng quốc tế phải cố gắng hết sức để chấm dứt những sự bất công về kinh tế. “Khi các tổ chức tín dụng đa phương đưa ra lời khuyên cho các quốc gia, điều quan trọng là phải luôn ghi nhớ những khái niệm cao cả về công bằng tài chính, ngân sách công chịu trách nhiệm về khoản nợ của họ, và trên hết là sự thăng tiến hiệu quả cho những người nghèo nhất, khiến họ trở thành vai chính trong mạng lưới xã hội ”. [7] Chúng ta có trách nhiệm cung cấp sự hỗ trợ phát triển cho các quốc gia nghèo và xóa nợ cho các quốc gia mắc nợ cao.[8]
“Một nền đạo đức mới bao hàm nhận thức được sự cần thiết cho tất cả mọi người cùng nhau làm việc để đóng cửa những khu vực trốn thuế, tránh việc trốn tránh và rửa tiền đang cướp bóc xã hội, cũng như nói với các quốc gia về tầm quan trọng của việc bảo vệ sự công bằng và ích chung lớn hơn lợi ích riêng của những công ty mạnh nhất và các công ty đa quốc gia”. [9] Bây giờ là thời điểm thích hợp để đổi mới cấu trúc của nền tài chính quốc tế.[10]
Thưa ngài Chủ tịch,
Năm năm trước, tôi đã có cơ hội trực tiếp phát biểu trước Đại Hội đồng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập. Chuyến thăm của tôi diễn ra vào thời điểm được đánh dấu bởi chủ nghĩa đa phương năng động thật sự. Đó là thời điểm đầy hy vọng và hứa hẹn đối với cộng đồng quốc tế, trước khi Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững được thông qua. Vài tháng sau, Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu cũng được thông qua.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một cách trung thực rằng, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ, nhưng cộng đồng quốc tế đã cho thấy không có khả năng thực hiện phần lớn những lời hứa đã được đưa ra cách đây 5 năm. Tôi chỉ có thể nhắc lại rằng “chúng ta phải tránh mọi cám dỗ bước vào chủ nghĩa duy danh tuyên truyền ru ngủ lương tâm của chúng ta. Chúng ta phải bảo đảm rằng các tổ chức của mình thực sự hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống lại tất cả những tai họa này.”[11]
Tôi nghĩ đến tình trạng đáng báo động ở vùng Amazon và các dân tộc bản địa của nó. Ở đây, chúng ta thấy rằng cuộc khủng hoảng môi trường có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc khủng hoảng xã hội, và việc chăm sóc cho môi trường đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện để chống lại nạn đói nghèo và loại trừ.[12]
Chắc chắn, sự phát triển tính sự nhạy cảm sinh thái toàn diện và mong muốn hành động là một bước đi tích cực. “Chúng ta không được đặt gánh nặng lên các thế hệ tiếp nối khi phải gánh chịu những vấn đề do những người đi trước gây ra… Chúng ta phải nghiêm túc tự chất vấn bản thân rằng rằng liệu có đủ ý chí chính trị để giảm thiểu những tác động tiêu cực của sự biến đổi khí hậu với lòng trung thực, tính trách nhiệm, và sự dũng cảm, với nhiều nguồn lực về con người, tài chính và công nghệ hơn, cũng như để giúp đỡ những nhóm dân số nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất là những người phải gánh chịu những tác động đó nhiều nhất”.[13]
Tòa Thánh sẽ tiếp tục đóng vai trò của mình. Như một dấu hiệu cụ thể về cam kết của Tòa Thánh trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, gần đây tôi đã phê chuẩn Tu chính án Kigali đối với Nghị định thư Montreal.[14]
Thưa ngài Chủ tịch,
Chúng ta không thể không thừa nhận những hậu quả rất lớn của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với trẻ em, gồm cả những trẻ di cư và tị nạn không có người đi kèm. Bạo lực đối với trẻ em, trong đó có cả tai họa khủng khiếp của sự lạm dụng và khiêu dâm trẻ em, cũng đã và đang gia tăng rất mạnh.
Hàng triệu trẻ em hiện nay không thể trở lại trường học. Ở nhiều nơi trên thế giới, tình trạng này có nguy cơ dẫn đến việc gia tăng số lao động trẻ em, bóc lột, lạm dụng và suy dinh dưỡng. Đáng buồn là một số quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng đang khuyến khích việc phá thai như một trong những điều được gọi là “dịch vụ thiết yếu” đưa ra để ứng phó nhân đạo với đại dịch. Thật đáng lo ngại khi một số người đơn giản và dễ dàng phủ nhận sự tồn tại của sự sống con người như một giải pháp cho những vấn đề có thể giải quyết và phải giải quyết cho cả người mẹ và đứa con trong bụng.
Tôi kêu gọi các tổ chức dân sự đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị từ chối các quyền căn bản và phẩm giá của chúng, đặc biệt là quyền được sống và được đi học. Tôi không thể không nghĩ đến lời kêu gọi khẩn thiết của cô gái dũng cảm đó, cô Malala Yousafzai, người đã phát biểu 5 năm trước trong Đại Hội đồng, nhắc nhở chúng ta rằng “một đứa trẻ, một giáo viên, một cuốn sách và một cây bút có thể thay đổi thế giới”.
Những người thầy dạy đầu tiên của mỗi đứa trẻ là mẹ và cha của chúng, là gia đình, mà Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới mô tả là “đơn vị nhóm cơ bản và tự nhiên của xã hội”. [15] Rất thường khi, gia đình là nạn nhân của các hình thức chủ nghĩa thực dân thuộc ý thức hệ làm suy yếu nó, và kết cục đưa đến cảm giác mồ côi và mất cội nguồn, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, người trẻ và người già. Sự tan vỡ gia đình được phản ánh trong sự phân hóa xã hội làm cản trở những cố gắng đối đầu với kẻ thù chung của chúng ta. Đã đến lúc chúng ta đánh giá lại và tái cam kết để đạt được những mục tiêu của mình.
Một trong những mục tiêu đó là sự tiến bộ của phụ nữ. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 25 năm Hội nghị Phụ nữ Bắc Kinh. Phụ nữ hiện nay đóng một vai trò quan trọng ở mọi cấp độ xã hội, cống hiến những đóng góp của mình và can đảm thúc đẩy ích chung. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục bị bỏ lại phía sau: là nạn nhân của tình trạng nô lệ, buôn người, bạo lực, bóc lột và bị đối xử tệ bạc. Tôi bày tỏ sự gần gũi huynh đệ của mình với họ, và với những người buộc phải sống xa gia đình. Đồng thời, một lần nữa tôi kêu gọi hãy quyết tâm và cam kết hơn nữa trong cuộc chiến chống lại những hủ tục tàn ác hạ thấp giá trị không chỉ đối với phụ nữ, mà toàn thể nhân loại, qua sự im lặng và thiếu hành động hiệu quả, đã trở thành kẻ đồng lõa với những hủ tục đó.
Thưa ngài Chủ tịch,
Chúng ta phải tự hỏi bản thân rằng liệu những mối đe dọa chính đối với nền hòa bình và an ninh – sự nghèo đói, dịch bệnh, khủng bố và nhiều thứ khác – có thể được đối phó một cách hiệu quả không, khi cuộc chạy đua vũ trang, kể cả vũ khí nguyên tử, tiếp tục phung phí các nguồn tài nguyên quý giá có thể được sử dụng để tạo ích lợi cho sự phát triển toàn diện của các dân tộc và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Chúng ta cần phải đoạn tuyệt với bầu không khí nghi ngờ hiện nay. Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến sự xói mòn của chủ nghĩa đa phương, chủ nghĩa này ngày càng trở nên quan trọng hơn khi đứng trước sự phát triển của các hình thức công nghệ quân sự mới, [16] chẳng hạn như các hệ thống vũ khí sát thương tự động (LAWS) làm thay đổi hoàn toàn bản chất của chiến tranh, làm nó xa rời hơn với hành vi của con người.
Chúng ta cần phải loại bỏ luận lý sai lầm cho rằng an ninh cá nhân và quốc gia có liên kết với việc sở hữu vũ khí. Luận lý này chỉ nhằm mục đích tăng lợi nhuận của ngành công nghiệp vũ khí đồng thời làm gia tăng bầu không khí ngờ vực và sợ hãi giữa con người và các dân tộc.
Đặc biệt, chiến lược răn đe vũ khí nguyên tử tạo ra đặc điểm sợ hãi do mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau; theo con đường này, nó sẽ đầu độc những mối quan hệ giữa các dân tộc và cản trở đối thoại. [17] Đó là lý do tại sao việc hỗ trợ những công cụ pháp lý quốc tế về vấn đề giải trừ vũ khí nguyên tử, không phổ biến và cấm vũ khí nguyên tử là rất quan trọng. Tòa Thánh tin tưởng rằng Hội nghị Đánh giá sắp tới của các bên tham gia Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Nguyên tử (NPT) sẽ dẫn đến hành động cụ thể phù hợp với ý định chung của chúng ta “để sớm có thể đạt đến ngày dừng cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử và thực hiện các biện pháp hiệu quả theo hướng giải trừ vũ khí hạt nhân”. [18]
Ngoài ra, thế giới đầy xung đột của chúng ta cần Liên Hợp quốc trở thành một cuộc hội thảo quốc tế hiệu quả hơn bao giờ hết cho hòa bình. Điều này có nghĩa là các thành viên của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là các Thành viên Thường trực, phải hành động với sự thống nhất và quyết tâm cao hơn. Về vấn đề này, việc thông qua lệnh ngừng bắn toàn cầu gần đây trong cuộc khủng hoảng hiện tại là một bước đi rất cao cả, một bước đi đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên để tiếp tục thực hiện. Ở đây, tôi cũng xin nhắc lại tầm quan trọng của việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế khiến các quốc gia gặp khó khăn trong việc cung cấp sự hỗ trợ thích hợp cho người dân của họ.
Thưa ngài Chủ tịch,
Chúng ta không bao giờ thoát ra khỏi khủng hoảng và trở về như chúng ta trước đây. Chúng ta thoát ra hoặc tốt hơn hoặc tệ hơn. Đây là lý do tại sao, vào thời điểm quan trọng này, nhiệm vụ của chúng ta là phải suy nghĩ lại về tương lai của ngôi nhà chung và dự án chung của chúng ta. Một nhiệm vụ phức tạp đang đặt ra trước chúng ta, một nhiệm vụ đòi hỏi sự đối thoại thẳng thắn và mạch lạc nhằm củng cố chủ nghĩa đa phương và hợp tác giữa các quốc gia. Cuộc khủng hoảng hiện tại đã phơi bày thêm những giới hạn của khả năng tự cung tự cấp cũng như tính dễ bị tổn thương chung của chúng ta. Nó buộc chúng ta phải suy nghĩ rõ ràng về cách chúng ta muốn vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng này như thế nào: hoặc là tốt hơn hoặc tệ hơn.
Đại dịch đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể sống thiếu nhau, hoặc tệ hơn nữa là đọ sức với nhau. Liên hợp quốc được thành lập nhằm kết nối các quốc gia đến với nhau, là cầu nối giữa các dân tộc. Chúng ta hãy tận dụng tốt thể chế này, để một lần nữa, biến thách thức đang đặt ra trước chúng ta thành cơ hội để cùng nhau xây dựng tương lai mà tất cả chúng ta đều mong muốn.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả quý vị!
Xin cảm ơn, Ngài Chủ tịch.
__________________________________________
[1] Address to the General Assembly of the United Nations, 25 September 2015; BENEDICT XVI, Address to the General Assembly of the United Nations, 18 April 2008.
[2] Meditation during the Extraordinary Moment of Prayer in the Time of Pandemic, 27 March 2020.
[3] Universal Declaration of Human Rights, Article 25.1.
[4] Encyclical Letter Laudato Si’, 112.
[5] Address to the General Assembly of the United Nations Organization, 25 September 2015.
[6] Urbi et Orbi Message, 12 April 2020.
[7] Address to the Participants in the Seminar “New Forms of Solidarity”, 5 February 2020.
[8] Ibid.
[9] Ibid.
[10] Cf. ibid.
[11] Address to the General Assembly of the United Nations Organization, 25 September 2015.
[12] Encyclical Letter Laudato Si’, 139.
[13] Message to the Participants in the Twenty-Fifth Session of the Conference of States Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change, 1 December 2019.
[14] Message to the Thirty-first Meeting of the Parties to the Montreal Protocol, 7 November 2019.
[15] Universal Declaration of Human Rights, Article 16.3.
[16] Address on Nuclear Weapons, Atomic Bomb Hypocenter Park, Nagasaki, 24 November 2019.
[17] Ibid.
[18] Treaty on the Non-Proliferation of Nuclear Weapons, Preamble.
[01110-EN.01] [Văn bản chính: Tiếng Tây Ban Nha] [B0486-XX.01]
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2020]