Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha nói về người cha, hai người con, và vườn nho (Toàn văn)

Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha nói về người cha, hai người con, và vườn nho (Toàn văn)

© Vatican Media

Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha nói về người cha, hai người con, và vườn nho (Toàn văn)

Và một khuôn mặt đẹp trong thời tiết xấu

27 tháng Chín, 2020 13:10

JIM FAIR

 

Đó là một ngày mưa ở Roma trong giờ Kinh Truyền tin Chúa nhật, vì vậy Đức Thánh Cha Phanxico mở lời với các tín hữu tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô bằng một câu nói từ quê hương Argentina của ngài: “Một khuôn mặt đẹp trong thời tiết xấu.”

Bắt đầu với một ‘khuôn mặt đẹp,’ Đức Thánh Cha chào đón đám đông khách hành hương che dù đứng ‘giãn cách xã hội’, và nhắc nhở họ về những bài học trong bài Tin mừng theo Thánh Mátthêu (x. 21:28-32). Đó là một câu chuyện quen thuộc về người cha yêu cầu hai người con ra làm vườn nho. Một người nói sẽ đi nhưng lại không. Người kia nói không rồi lại đi.

“Trước lời kêu gọi đi làm việc trong vườn nho của cha, người con thứ nhất trả lời ngay ‘không, con không đi,’ nhưng rồi anh ta hối lỗi và lại đi; nhưng người con thứ hai nhanh nhẹn trả lời, “vâng, thưa cha con đi,” thì thật sự lại chẳng đi; anh ta không đi. Sự vâng lời không bao gồm trong tiếng thưa ‘có’ hay ‘không’, nhưng luôn luôn bao gồm hành động, làm việc trong vườn nho, đem Nước Thiên Chúa đến, làm việc thiện.

“Bằng ví dụ đơn giản này, Chúa Giêsu vượt ra ngoài một tôn giáo chỉ được hiểu như là việc thực hành bên ngoài và theo thói quen, không ảnh hưởng gì đến đời sống và hành vi của con người, một lòng đạo đức chuộng bề ngoài, thuần túy là “những nghi thức” theo nghĩa xấu của từ ngữ.”


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh).



Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ở quê hương của cha có câu nói rằng: “Một khuôn mặt đẹp trong thời tiết xấu.” Từ “khuôn mặt đẹp” này, cha gửi đến anh chị em lời: chúc buổi sáng tốt đẹp!

Với bài giáo huấn về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu phản đối lại một lòng đạo đức không bao gồm đời sống con người, không chất vấn lương tâm và trách nhiệm của nó trước cái tốt và cái xấu. Điều này cũng được trình bày trong dụ ngôn hai người con trai, gửi đến chúng ta trong Tin mừng theo Thánh Mátthêu (x. 21:28-32). Trước lời yêu cầu đi làm vườn nho của cha, người con thứ nhất trả lời ngay “không, con không đi,” nhưng rồi anh ta hối lỗi và lại đi; nhưng người con thứ hai nhanh nhẹn trả lời, “vâng, thưa cha con đi,” thì thật sự lại chẳng đi; anh ta không đi. Sự vâng lời không bao gồm trong tiếng thưa “có” hoặc “không”, nhưng luôn luôn bao gồm hành động, làm việc trong vườn nho, đem Nước Thiên Chúa đến, làm việc thiện. Bằng ví dụ đơn giản này, Chúa Giêsu vượt ra ngoài một tôn giáo chỉ được hiểu như là việc thực hành bên ngoài và theo thói quen, không ảnh hưởng gì đến đời sống và hành vi của con người, một lòng đạo đức chuộng bề ngoài, thuần túy là “những nghi thức” theo nghĩa xấu của từ ngữ.

Những người chuộng “hình thức bên ngoài” của lòng đạo đức mà Chúa Giêsu phản đối khi đó là “các thượng tế và kỳ mục trong dân” (Mt 21:23), họ là những người mà theo lời cảnh cáo của Chúa, sẽ bị “những người thu thuế và những cô gái điếm” (xem c. 31) vào Nước Thiên Đàng trước. Chúa Giêsu bảo họ: “những người thu thuế, tức là những người tội lỗi, và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Sự khẳng định này không làm chúng ta có nghĩ rằng những người không làm theo lệnh truyền của Thiên Chúa, những người không đi theo con đường đạo đức mà nói rằng “Dù sao đi nữa những người đi nhà thờ vẫn tệ hơn chúng ta,” là tốt. Không, đây không phải là giáo huấn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không ngụ ý rằng những người thu thuế và cô gái điếm là mẫu gương của cuộc sống, nhưng là “được đặc ân của Ân sủng”. Và cha muốn nhấn mạnh đến từ ngữ này, “ân sủng.” Ân sủng. Bởi vì hối cải luôn luôn là một ân sủng. Một ân sủng Chúa ban cho bất cứ ai mở lòng và ăn năn trở về với Người. Thật vậy, những người này lắng nghe lời dạy của Người, sám hối và thay đổi đời sống của họ. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến Mátthêu. Thánh Mátthêu đã là một người thu thuế, một người phản bội quê hương.

Trong Tin mừng hôm nay, người tạo ấn tượng mạnh nhất là người anh cả, không phải vì anh ta nói “không” với người cha, nhưng vì sau khi nói “không”, anh ta liền hối cải chuyển thành “vâng”, anh ta hối lỗi. Thiên Chúa kiên nhẫn với mỗi người chúng ta: Người không mệt mỏi, Người không bỏ cuộc sau chữ “không” của chúng ta; Người để chúng ta tự do, thậm chí là xa rời Người và phạm lỗi. Suy nghĩ về sự kiên nhẫn của Chúa thì thật tuyệt vời! Cách Thiên Chúa luôn luôn chờ đợi chúng ta; Người luôn ở bên chúng ta để trợ giúp chúng ta; nhưng Người tôn trọng sự tự do của chúng ta. Và Người bồn chồn chờ đợi tiếng “vâng” của chúng ta, để một lần nữa chào đón chúng ta trong vòng tay hiền phụ của Người và để đổ đầy cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Người. Niềm tin vào Thiên Chúa yêu cầu chúng ta đổi mới sự lựa chọn điều thiện chiến thắng sự ác mỗi ngày, lựa chọn sự thật hơn là gian dối, lựa chọn yêu thương anh em vượt thắng ích kỷ. Những ai chọn lựa theo cách này, sau khi đã trải qua thời gian trong tội, sẽ tìm thấy vị trí đầu tiên trong Nước Thiên Đàng, là nơi có niềm vui mừng lớn hơn vì một người tội lỗi ăn năn hơn là chín mươi chín người công chính (xem Lc 15: 7).

Nhưng hối cải, thay đổi tâm hồn, là một tiến trình, một tiến trình thanh tẩy chúng ta khỏi những lớp vỏ bọc đạo đức. Và có những lúc nó là một tiến trình đau đớn, vì không có con đường nên thánh nào lại không có hy sinh và không có cuộc chiến đấu thiêng liêng. Chiến đấu vì điều thiện; chiến đấu để không sa vào cám dỗ; cố gắng thực hiện những gì có thể về phần mình, để đạt đến lối sống bình an và niềm vui của các Mối Phúc. Trích đoạn Tin mừng hôm nay đặt ra câu hỏi về cách sống một đời sống Kitô giáo, không được xây dựng bởi những giấc mơ và khát khao đẹp, nhưng bởi những cam kết cụ thể, để hơn bao giờ hết mở rộng lòng trước ý định của Thiên Chúa và tình yêu thương dành cho anh chị em chúng ta. Nhưng ngay cả điều này cũng không thể thực hiện được nếu không có ân sủng, thậm chí là một cam kết cụ thể nhỏ nhất. Sự hối cải là một ân sủng mà chúng ta phải luôn cầu xin: “Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng để cải thiện. Xin ban cho con ơn để trở thành một người Kitô hữu tốt lành.”

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta biết vâng phục hoạt động của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng làm tan chảy sự chai đá của tâm hồn và khiến chúng biết ăn năn, để chúng ta có thể đạt được sự sống và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã hứa.


Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến!

Đã có những tin tức đáng lo ngại về các cuộc xung đột trong khu vực Caucasus. Tôi cầu nguyện cho nền hòa bình ở Kavkaz và tôi xin các bên xung đột thực hiện những hành động thiện chí và tình anh em cụ thể, để có thể dẫn đến việc giải quyết các vấn đề không phải bằng việc sử dụng vũ lực và vũ khí, mà thông qua đối thoại và thương thuyết. Chúng ta cùng cầu nguyện trong thinh lặng cho hòa bình ở Caucasus.

Hôm qua tại Naples, chị Maria Luigia Bí tích Cực Thánh, trên thế giới được biết đến là Maria Velotti, được tuyên phong Chân Phước; chị là người sáng lập Dòng Nữ tu Phan Sinh, Dòng Mến Thánh Giá. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa về vị tân Chân phước này, một mẫu gương cho sự chiêm ngắm mầu nhiệm đồi Canvê và không chùn bước trong việc thực thi đức bác ái.

Hôm nay Giáo hội kỷ niệm Ngày Thế giới Di dân và Người Tị nạn. Cha xin chào anh chị em di dân và người tị nạn có mặt trong Quảng trường xung quanh đài kỷ niệm mang tên “Angels, unawares Những thiên thần, những người không biết gì” (xem Dt 13: 2) mà cha đã làm phép vào năm ngoái. Năm nay, cha muốn dành Thông điệp nói riêng về những người di tản trong nước, những người bị buộc phải chạy trốn, cũng như chuyện đã xảy ra với Chúa Giêsu và gia đình của Người. “Giống như Chúa Giêsu, bị buộc phải chạy trốn”, tương tự như vậy là những người di tản, những người di cư. Chúng ta hãy hướng lòng và cầu nguyện cho họ, theo một cách đặc biệt, và cho những người giúp đỡ họ.

Hôm nay cũng là Ngày Du lịch Thế giới. Đại dịch đã tấn công nghiêm trọng vào lĩnh vực rất quan trọng này đối với nhiều quốc gia. Tôi xin gửi lời động viên đến những người làm việc trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp gia đình nhỏ và những người trẻ tuổi. Tôi hy vọng rằng mọi người có thể sớm vươn dậy từ những khó khăn hiện tại.

Và bây giờ cha xin chào tất cả anh chị em, những tín hữu thân yêu của Roma và anh chị em hành hương đến từ nhiều nơi khác nhau của nước Ý và thế giới. Có rất nhiều quốc kỳ khác nhau! Cha suy nghĩ đặc biệt về những phụ nữ và tất cả những người đã cam kết trong cuộc chiến chống ung thư vú. Xin Chúa giữ vững cam kết của anh chị em! Và cha xin chào anh chị em hành hương đến từ Siena là những người đã đi bộ đến Roma.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc, Chúa nhật bình an. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/9/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét