Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 55 của Đức Thánh Cha Phanxicô (1 tháng Một năm 2022), 21.12.2021

Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 55 của Đức Thánh Cha Phanxicô(1 tháng Một năm 2022), 21.12.2021

Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 55 của Đức Thánh Cha Phanxicô (1 tháng Một năm 2022), 21.12.2021

*****

Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và việc làm:

những công cụ xây dựng hòa bình dài lâu


1. “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người công bố bình an” (Is 52:7).

Những lời của tiên tri Isaia nói về sự an ủi; chúng cất lên tiếng thở dài nhẹ nhõm của một dân tộc lưu đày, mệt mỏi vì bạo lực và áp bức, đứng trước sự nhục nhã và cái chết. Tiên tri Barúc đã thắc mắc: “Vì đâu, Ít-ra-en hỡi, vì đâu ngươi phải nương thân trên đất thù địch, phải mòn hao nơi xứ lạ quê người? Vì đâu ngươi bị nhiễm uế giữa đám thây ma, phải nằm chung với những người ở trong âm phủ?” (3:10-11). Đối với dân tộc Israel, sự xuất hiện của người công bố bình an mang ý nghĩa của lời hứa về sự tái sinh từ đống đổ nát của lịch sử, khởi đầu cho một tương lai tươi sáng.

Ngày nay, con đường hòa bình, mà Thánh Phaolô VI gọi bằng cái tên mới là sự phát triển toàn diện, [1] thật đáng buồn vẫn còn xa cách với cuộc sống thực tế của nhiều người và do đó còn xa cách đối với gia đình nhân loại chúng ta hoàn toàn được liên kết với nhau ngày nay. Cho dù đã có nhiều nỗ lực hướng đến việc đối thoại xây dựng giữa các quốc gia, tiếng ồn ào điếc tai của chiến tranh và xung đột đang ngày càng gia tăng. Trong khi các căn bệnh theo tỷ lệ đại dịch đang lan rộng, tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, thảm cảnh đói khát ngày càng gia tăng, và mô hình kinh tế theo chủ nghĩa cá nhân tiếp tục thắng thế thay vì sự liên đới. Cũng như trong thời kỳ của các tiên tri xưa, trong thời đại của chúng ta, tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của trái đất [2] liên tục vang lên, nài xin công lý và hòa bình.

Trong mọi thời đại, hòa bình vừa là món quà từ Thiên Chúa vừa là kết quả của sự cam kết chung. Thật vậy, chúng ta có thể nói về một “kiến trúc” của hòa bình, trong đó các cơ cấu khác nhau của xã hội đóng góp phần của mình, và một “nghệ thuật” hòa bình liên quan trực tiếp đến mỗi người trong chúng ta. [3] Tất cả có thể cùng nhau hợp tác để xây dựng một thế giới hòa bình hơn, bắt đầu từ tâm hồn của các cá nhân và những mối tương quan trong gia đình, sau đó là trong xã hội và với môi trường, và từ đó dẫn đến mối quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia.

Ở đây, tôi muốn đề xuất ba con đường để xây dựng một nền hòa bình lâu dài. Thứ nhất, đối thoại giữa các thế hệ làm nền tảng cho việc hiện thực hóa những dự án chung. Thứ hai, giáo dục như một yếu tố của tự do, trách nhiệm và phát triển. Cuối cùng, lao động như một phương tiện để nhận thức đầy đủ phẩm giá của con người. Đây là ba yếu tố không thể thiếu để “có thể tạo ra một giao ước xã hội”, [4] mà nếu không có nó thì mọi dự án hòa bình đều trở nên vô ích.


2. Đối thoại giữa các thế hệ để xây dựng hòa bình

Trong một thế giới vẫn còn bị khống chế bởi đại dịch đã tạo ra những vấn đề không kể xiết, “một số người tìm cách trốn chạy khỏi thực tế, ẩn mình trong thế giới nhỏ bé của riêng họ; những người khác phản ứng với nó bằng bạo lực tàn phá. Tuy nhiên, giữa sự thờ ơ ích kỷ và sự phản kháng bằng bạo lực luôn có một lựa chọn khả thi khác: đó là đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ”.[5]

Tất cả các cuộc đối thoại trung thực, ngoài việc trao đổi những quan điểm đúng đắn và tích cực, còn đòi hỏi sự tin tưởng căn bản giữa những người tham gia. Chúng ta cần học cách lấy lại sự tin tưởng lẫn nhau này. Cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại đã làm gia tăng cảm giác bị cô lập và khuynh hướng chỉ quan tâm đến bản thân. Sự cô đơn của người cao tuổi tương tự như cảm giác bơ vơ và thiếu tầm nhìn chung về tương lai nơi người trẻ. Cuộc khủng hoảng thực sự rất đau đớn, nhưng nó cũng giúp thể hiện những điều tốt đẹp nhất nơi con người. Thật vậy, trong đại dịch, chúng ta đã bắt gặp những tấm gương quảng đại của lòng nhân ái, chia sẻ và liên đới ở khắp nơi trên thế giới.

Đối thoại đòi hỏi sự lắng nghe lẫn nhau, chia sẻ quan điểm khác nhau, đi đến sự đồng thuận và cùng nhau bước đi. Thúc đẩy sự đối thoại như vậy giữa các thế hệ bao gồm việc phá bỏ mảnh đất cằn cỗi và chai cứng của xung khắc và thờ ơ để gieo những hạt giống của một nền hòa bình dài lâu và chia sẻ.

Mặc dù sự phát triển công nghệ và kinh tế có xu hướng tạo ra sự chia rẽ giữa các thế hệ, nhưng những khủng hoảng hiện tại cho chúng ta thấy nhu cầu cấp bách về sự cộng tác liên thế hệ. Người trẻ cần sự khôn ngoan và kinh nghiệm của người già, còn người già cần sự hỗ trợ, tình cảm, sự sáng tạo và năng động của người trẻ.

Những thách thức to lớn của xã hội và các tiến trình hòa bình đòi hỏi tất yếu việc đối thoại giữa những người lưu giữ ký ức – người già – và những người làm cho lịch sử chuyển động – người trẻ. Mỗi người phải sẵn sàng dành chỗ cho người khác và không khăng khăng giữ độc quyền toàn cảnh bằng cách theo đuổi lợi ích trước mắt của riêng mình, như thể không có quá khứ và tương lai. Cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta đang trải qua cho thấy rõ rằng sự gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ phải là động lực thúc đẩy một nền chính trị lành mạnh, nó không có nghĩa là bằng lòng với việc giải quyết hiện tại “bằng các giải pháp từng phần hoặc những sửa chữa nhanh chóng”, [6] mà xem đó như một hình thức nổi bật của tình yêu đối với người khác, [7] trong việc tìm kiếm các dự án chung và bền vững cho tương lai.

Giữa những khó khăn, nếu chúng ta có thể thực hiện cách đối thoại liên thế hệ này, “chúng ta có thể bám rễ vững chắc vào hiện tại, và từ đây, nhìn lại quá khứ và hướng về tương lai. Nhìn lại quá khứ để học từ lịch sử và chữa lành những vết thương cũ mà đôi lúc vẫn làm chúng ta phiền toái. Nhìn về tương lai để nuôi dưỡng lòng hăng hái của chúng ta, làm cho những giấc mơ trổi lên, đánh thức những lời tiên tri và khiến niềm hy vọng trổ hoa. Cùng nhau, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau”. [8] Vì không có gốc rễ, làm sao cây cối sinh trưởng và kết trái?

Chúng ta chỉ cần nghĩ đến việc chăm sóc cho ngôi nhà chung. Trên thực tế, môi trường “là một khoản vay cho từng thế hệ, sau đó phải chuyển giao nó cho thế hệ tiếp nối”. [9] Chúng ta phải trân trọng và động viên tất cả những người trẻ tuổi làm việc cho một thế giới công bằng hơn, một thế giới cẩn trọng bảo vệ tạo vật được giao phó cho chúng ta quản lý. Họ làm việc này với sự thao thức, nhiệt tình và trên hết là tinh thần trách nhiệm trước sự thay đổi phương hướng cấp bách [10] do sự đòi hỏi của những thách thức nảy sinh từ cuộc khủng hoảng đạo đức và môi trường xã hội hiện nay. [11]

Mặt khác, cơ hội để cùng nhau xây dựng những con đường hòa bình không thể bỏ qua giáo dục và lao động, vốn là những nền tảng và bối cảnh đặc thù cho sự đối thoại giữa các thế hệ. Giáo dục cung cấp quy tắc ngôn ngữ để đối thoại giữa các thế hệ, và trong kinh nghiệm lao động, con người thuộc các thế hệ khác nhau tìm thấy mình có khả năng hợp tác và chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng vì lợi ích chung.


3. Giảng dạy và giáo dục như những động lực của hòa bình

Trong những năm gần đây, có sự giảm sút đáng kể nguồn tài trợ cho giáo dục và đào tạo trên toàn thế giới; chúng được coi là những khoản chi tiêu nhiều hơn là đầu tư. Tuy nhiên, chúng là phương tiện chính để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người; chúng làm cho các cá nhân trở nên tự do hơn và có trách nhiệm hơn, và chúng rất cần thiết cho việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình. Nói tóm lại, giảng dạy và giáo dục là nền tảng của một xã hội dân sự gắn kết có khả năng tạo ra niềm hy vọng, sự thịnh vượng và tiến bộ.

Mặt khác, các khoản chi tiêu quân sự đã tăng vượt quá mức vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh và dường như chúng chắc chắn sẽ tăng lên cách thái quá. [12]

Do đó, đã đến lúc các chính phủ phát triển những chính sách kinh tế nhằm đảo ngược tỷ lệ ngân quỹ công dành cho giáo dục và trang bị vũ khí. Chỉ có cách theo đuổi một tiến trình giải trừ quân bị quốc tế thật sự mới có thể mang lại ích lợi cho sự phát triển của các dân tộc và quốc gia, giải phóng các nguồn tài chính để sử dụng tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe, trường học, cơ sở hạ tầng, chăm sóc đất đai, v.v..

Tôi hy vọng rằng đầu tư vào giáo dục cũng sẽ đi kèm với những nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy văn hóa chăm sóc [13], để có thể trở thành một ngôn ngữ chung phá bỏ những rào cản và xây dựng cầu nối trước những chia rẽ xã hội và các cơ quan hoạt động không hiệu quả. “Một quốc gia hưng thịnh khi việc đối thoại xây dựng diễn ra giữa nhiều thành phần văn hóa phong phú của nó: văn hóa đại chúng, văn hóa đại học, văn hóa thanh niên, văn hóa nghệ thuật, văn hóa công nghệ, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình và văn hóa truyền thông”. [14] Do đó, điều cần thiết là phải rèn giũa một mô hình văn hóa mới thông qua “một khế ước toàn cầu về giáo dục cho và với các thế hệ tương lai, một khế ước trong đó các gia đình, cộng đồng, trường học, đại học, các tổ chức, tôn giáo, chính phủ và toàn bộ gia đình nhân loại cam kết tham gia vào việc đào tạo những con người trưởng thành”. [15] Một khế ước có thể thúc đẩy giáo dục trong hệ sinh thái toàn diện, theo một mô hình văn hóa hòa bình, phát triển và bền vững tập trung vào tình huynh đệ và giao ước giữa con người và môi trường. [16]

Qua việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo các thế hệ trẻ, chúng ta có thể giúp họ – thông qua một chương trình đào tạo trọng tâm – có được vị trí xứng đáng trên thị trường lao động. [17]


4. Tạo ra và bảo đảm việc làm giúp xây dựng hòa bình

Lao động là nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng và gìn giữ hòa bình. Đó là cách thể hiện bản thân và những tài năng của chúng ta, nhưng cũng là sự cam kết, tự đầu tư và hợp tác của chúng ta với người khác, vì chúng ta luôn làm việc với hoặc cho người nào đó. Nhìn ở góc độ xã hội rõ ràng này, nơi làm việc giúp chúng ta học biết cách đóng góp cho một thế giới tươi đẹp và đáng sống hơn.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Hàng triệu hoạt động kinh tế và sản xuất đã thất bại; người lao động ngắn hạn ngày càng dễ bị tổn thương; nhiều người cung cấp các dịch vụ thiết yếu thậm chí ít được công chúng và giới chính trị coi trọng; và trong nhiều trường hợp, việc dạy học từ xa đã dẫn đến tình trạng học bị hụt hẫng và chậm hoàn thành các chương trình học. Ngoài ra, những người trẻ tham gia thị trường việc làm và những người trưởng thành thất nghiệp gần đây hiện đang đối mặt với triển vọng ảm đạm.

Đặc biệt, tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế phi chính thức, thường có liên quan đến những người lao động nhập cư, đã trở nên rất nghiêm trọng. Nhiều người trong số họ thậm chí không được pháp luật quốc gia công nhận; giống như họ không tồn tại. Họ và gia đình họ sống trong những điều kiện vô cùng bấp bênh, là con mồi của nhiều hình thức nô lệ khác nhau và không có hệ thống phúc lợi nào bảo vệ họ. Hiện tại, chỉ một phần ba dân số thế giới trong độ tuổi lao động được hưởng hệ thống bảo trợ xã hội, hoặc chỉ được hưởng lợi từ hệ thống này cách hạn chế. Bạo lực và tội phạm có tổ chức đang gia tăng ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng đến tự do và phẩm giá của con người, đầu độc nền kinh tế và cản trở sự phát triển của ích chung. Câu trả lời duy nhất cho điều này là mở rộng các cơ hội việc làm đúng phẩm giá.

Thật vậy, lao động là nền tảng để xây dựng sự công bằng và tình liên đới trong mọi cộng đồng. Vì lý do này, mục tiêu của chúng ta không nên nhắm tới “tiến bộ công nghệ ngày càng thay thế công việc của con người, vì điều này sẽ gây thiệt hại cho nhân loại. Việc làm là nhu cầu thiết yếu, là một phần ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, là con đường để phát triển, phát triển con người và hoàn thiện bản thân”. [18] Chúng ta cần kết hợp các ý tưởng và nỗ lực để tạo ra những giải pháp và điều kiện có thể cung cấp cho mọi người trong độ tuổi lao động cơ hội đóng góp cho cuộc sống của gia đình họ và của toàn xã hội bằng công việc của họ.

Điều cấp bách hơn bao giờ hết là thúc đẩy những điều kiện làm việc xứng đáng và có phẩm giá trên khắp thế giới, hướng đến ích chung và bảo vệ tạo vật. Quyền tự do của các sáng kiến doanh nghiệp cần được bảo đảm và hỗ trợ; đồng thời, phải nỗ lực khuyến khích ý thức trách nhiệm xã hội được đổi mới, để lợi nhuận không phải là tiêu chí chỉ đạo duy nhất.

Vì vậy, cần phải thúc đẩy, chào đón và hỗ trợ các sáng kiến ở tất cả các cấp, thúc giục các công ty tôn trọng nhân quyền căn bản của người lao động, nâng cao nhận thức không những của các tổ chức, mà còn của người tiêu dùng, xã hội dân sự và các thực thể doanh nhân. Khi những thực thể doanh nhân ngày càng ý thức hơn về vai trò của họ trong xã hội, họ sẽ càng trở thành nơi phẩm giá con người được tôn trọng. Bằng cách này, họ sẽ góp phần xây dựng hòa bình. Ở đây, chính trị được kêu gọi đóng một vai trò tích cực bằng cách thúc đẩy sự cân bằng công bằng giữa tự do kinh tế và công bằng xã hội. Tất cả những ai làm việc trong lĩnh vực này, bắt đầu từ các công nhân và doanh nhân Công giáo, đều có thể tìm thấy những hướng dẫn vững chắc trong học thuyết xã hội của Giáo hội.

Anh chị em thân mến, khi chúng ta tìm cách kết hợp những nỗ lực của mình để thoát khỏi đại dịch, tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả những người tiếp tục làm việc với lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm trong các lĩnh vực giáo dục, an toàn và bảo vệ quyền, trong lĩnh vực cung cấp chăm sóc y tế, tạo điều kiện cho sự gặp gỡ giữa các thành viên trong gia đình và người bệnh, và hỗ trợ kinh tế cho những người khó khăn và người bị mất việc làm. Tôi tiếp tục nhớ đến các nạn nhân và gia đình của họ trong lời cầu nguyện của tôi.

Đối với các nhà lãnh đạo chính phủ và tất cả những người có trách nhiệm về chính trị và xã hội, các linh mục và người làm công tác mục vụ, cũng như đối với tất cả những người thiện chí, tôi đưa ra lời kêu gọi sau đây: chúng ta hãy cùng nhau bước đi với lòng can đảm và sự sáng tạo trên con đường đối thoại liên thế hệ, giáo dục và việc làm. Ước mong cho ngày càng có nhiều người phấn đấu mỗi ngày để trở thành những nghệ nhân của hòa bình với sự khiêm tốn âm thầm và lòng dũng cảm. Và cầu mong họ luôn được soi dẫn và đồng hành bởi những ơn lành của Thiên Chúa bình an!

Vatican, 8 tháng Mười Hai, 2021

PHANXICÔ

____________________

[1] Cf. Encyclical Letter Populorum Progressio (26 March 1967), 76ff.

[2] Cf. Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 49.

[3] Cf. Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 231.

[4] Ibid., 218.

[5] Ibid., 199.

[6] Ibid., 179.

[7] Cf. ibid., 180.

[8] Post-Synodal Apostolic Exhortation Christus Vivit (25 March 2019), 199.

[9] Encyclical Letter Laudato Si’, 159.

[10] Cf. ibid., 163; 202.

[11] Cf. ibid., 139.

[12] Cf. Message to the Participants in the 4th Paris Peace Forum, 11-13 November 2021.

[13] Cf. Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 231; Message for the 2021 World Day of Peace: A Culture of Care as a Path to Peace (8 December 2020).

[14] Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 199.

[15] Cf. Video Message for the Global Compact on Education: Together to Look Beyond (15 October 2020).

[16] Cf. Video Message for the High Level Virtual Climate Ambition Summit (13 December 2020).

[17] Cf. JOHN PAUL II, Encyclical Letter Laborem Exercens (14 September 1981), 18.

[18] Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 128.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/12/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét