Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Kỷ niệm Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật, 21.07.2022

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Kỷ niệm Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật, 21.07.2022

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật, 21.07.2022

*******
Sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật (1 tháng 9 năm 2022):

________________________________

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO VIỆC CHĂM SÓC TẠO VẬT

1 THÁNG CHÍN 2022

Anh chị em thân mến!

“Lắng nghe tiếng của tạo vật” là chủ đề và lời mời gọi của Mùa Tạo vật năm nay. Chặng đường đại kết bắt đầu từ ngày 1 tháng Chín với Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật, và kết thúc ngày 4 tháng Mười với Lễ Thánh Phanxicô. Đây là thời gian đặc biệt để mọi người Kitô hữu cầu nguyện và cùng nhau chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Nguồn cảm hứng khởi đầu từ Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople, Mùa này là một cơ hội để vun đắp “sự hoán cải môi sinh” của chúng ta, một sự hoán cải được Thánh Gioan Phaolô II khuyến khích như một phản ứng trước “thảm họa sinh thái” mà Thánh Phaolô VI đã báo trước vào năm 1970.[1]

Nếu chúng ta học biết cách lắng nghe, chúng ta có thể nghe thấy âm thanh nghịch tai trong tiếng nói của tạo vật. Một mặt, chúng ta có thể nghe thấy một bài tụng ca ngợi khen Đấng Tạo Hóa yêu dấu của chúng ta; mặt khác là một lời khẩn xin thống khổ, than thở về sự ngược đãi của chúng ta đối với ngôi nhà chung.

Bài ngợi ca ngọt ngào của tạo hóa mời gọi chúng ta thực hành một “tinh thần sinh thái” (Tông huấn Laudato Si’, 216), chú ý đến sự hiện hữu của Thiên Chúa trong thế giới tự nhiên. Đó là lời kêu gọi hãy đặt nền móng tinh thần của chúng ta trên cơ sở “ý thức đầy yêu thương rằng chúng ta không tách lìa khỏi các loài tạt vật khác, nhưng cùng dự phần trong một sự hiệp thông phổ quát huy hoàng” (sđd., 220). Đặc biệt, đối với người môn đệ của Chúa Kitô, kinh nghiệm đầy ánh sáng này củng cố cho nhận thức của chúng ta rằng “nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1:3). Trong Mùa Tạo vật này, một lần nữa chúng ta hãy cầu nguyện trong đại thánh đường của công trình sáng tạo, và say sưa trong “ca đoàn hợp xướng vĩ đại của vũ trụ” [2] được hợp thành từ muôn loài tạo vật, tất cả đều hát ca ngợi khen Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng với Thánh Phanxicô thành Assisi cất lên tiếng hát: “Chúc tụng Chúa, lạy Chúa, với tất cả tạo vật” (xem Bài ca Mặt trời). Chúng ta hãy cùng với tác giả Thánh vịnh cất lời ngợi khen: “Hỡi toàn thể chúng sinh, ca ngợi Chúa đi nào!” (Tv 150:6).

Thật đáng buồn, bài ca ngọt ngào đó lại kèm theo một tiếng kêu thống khổ. Hoặc đúng hơn đó là một bản hợp xướng của những tiếng kêu thống khổ. Trước hết Ngay từ đầu, chính Chị Đất, mẹ của chúng ta, đã cất tiếng khóc. Trở thành con mồi trước sự tiêu thụ thái quá của chúng ta, trái đất khóc lên và cầu xin chúng ta hãy chấm dứt sự lạm dụng và hủy diệt nó. Sau đó, tất cả các loài thụ tạo khác cũng cất lên tiếng khóc. Trước lòng thương xót của một “chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm chuyên chế” (Tông huấn Laudato si’, 68), hoàn toàn ngược lại với vị trí trung tâm của Đức Kitô trong công trình tạo dựng, không biết bao nhiêu loài đang chết dần chết mòn và những bài tụng ca ngợi khen của chúng đã tắt tiếng. Những người nghèo nhất trong chúng ta cũng đang khóc. Hứng chịu cuộc khủng hoảng khí hậu, người nghèo cảm nhận những tác động của hạn hán, lũ lụt, bão và các đợt nắng nóng ngày càng khốc liệt và thường xuyên hơn. Tương tự như vậy, những người anh chị em các dân tộc bản địa của chúng ta đang lên tiếng kêu. Kết quả của những lợi ích kinh tế cướp phá, những miền đất tổ tiên của họ đang bị xâm chiếm và tàn phá từ mọi phía, “tiếng kêu khóc vang lên đến tận trời” (Querida Amazonia, 9). Cuối cùng là lời cầu xin của trẻ em con cái của chúng ta. Cảm thấy bị đe dọa bởi những hành động thiển cận và ích kỷ, giới trẻ ngày nay đang lên tiếng kêu, lo âu yêu cầu người lớn chúng ta làm mọi việc có thể để ngăn chặn, hoặc ít nhất là hạn chế, sự sụp đổ các hệ sinh thái trên hành tinh của chúng ta.

Nghe những tiếng kêu thống khổ này, chúng ta phải ăn năn và sửa đổi lối sống và những hệ thống phá hoại của chúng ta. Ngay từ những trang đầu tiên, Tin Mừng kêu gọi chúng ta “hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2); Tin mừng hiệu triệu chúng ta bước vào một mối quan hệ mới với Thiên Chúa, và từ đó đi vào một mối quan hệ khác với tha nhân và với tạo vật. Tình trạng mục nát hiện nay của ngôi nhà chung của chúng ta cũng đáng chú ý với những thách thức toàn cầu khác như những khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng và chiến tranh. “Sống ơn gọi của chúng ta để trở thành những người bảo vệ của công trình tay Chúa là cần thiết đối với một đời sống nhân đức; đó không phải là một chọn lựa hay một khía cạnh thứ yếu của kinh nghiệm Kitô Giáo của chúng ta” (Tông huấn Laudato si’, 217).

Là những người có đức tin, chúng ta cảm thấy mình có trách nhiệm hơn nữa trong hành động mỗi ngày phù hợp với lời kêu gọi hoán cải. Lời kêu gọi đó không chỉ mang tính cá nhân: “Sự hoán cải sinh thái cần mang lại sự thay đổi vĩnh viễn cũng là một sự thay đổi cộng đồng” (sđd., 219). Về vấn đề này, cam kết và hành động, trên tinh thần hợp tác tối đa, cũng là yêu cầu đối với cộng đồng các quốc gia, đặc biệt trong các cuộc họp của Liên hợp quốc dành cho vấn đề môi trường.

Hội nghị COP27 về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Ai Cập vào tháng Mười Một năm 2022 là cơ hội tiếp theo để tất cả mọi người cùng tham gia thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận Paris. Vì lý do này, gần đây tôi đã ủy quyền cho Tòa thánh, nhân danh và thay mặt cho Quốc gia Vatican, gia nhập Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris, với hy vọng rằng nhân loại của thế kỷ 21 “sẽ được nhớ đến vì đã đại lượng gánh vác hết những trọng trách của thời kỳ này” (sđd., 165). Nỗ lực để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giới hạn nhiệt độ tăng lên ở mức 1,5°C là đầy thách thức; nó kêu gọi sự hợp tác có trách nhiệm giữa tất cả các quốc gia trong việc trình bày những kế hoạch khí hậu hoặc những đóng góp đầy tham vọng hơn của quốc gia quyết tâm nhằm giảm phát thải khí nhà kính ròng về 0 càng nhanh càng tốt. Điều này có nghĩa là phải “hoán cải” các mô hình tiêu dùng và sản xuất, cũng như lối sống, theo cách tôn trọng tạo vật hơn và sự phát triển con người toàn diện của tất cả các dân tộc, trong hiện tại và tương lai, một sự phát triển dựa trên trách nhiệm, thận trọng / đề phòng, đoàn kết, quan tâm đến người nghèo và các thế hệ tương lai. Là nền tảng cho tất cả những điều này, cần có một giao ước giữa con người và môi trường, mà đối với người tín hữu chúng ta, là một tấm gương phản chiếu “tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, là Đấng là nguồn cội của chúng ta và chúng ta đang hành trình tiến về Người”. [3] Sự chuyển đổi do sự hoán cải này mang đến không thể bỏ qua đòi hỏi của công lý, đặc biệt là đối với những người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu.

Hội nghị Thượng đỉnh COP15 về đa dạng sinh học, được tổ chức tại Canada vào tháng Mười Hai, sẽ mang đến cho thiện chí của các chính phủ cơ hội đặc biệt để thông qua một thỏa thuận đa phương mới nhằm ngăn chặn sự tàn phá các hệ sinh thái và sự tuyệt chủng của các loài. Theo sự khôn ngoan cổ xưa của Năm Thánh, chúng ta cần “ghi nhớ, quay trở lại, nghỉ ngơi và phục hồi”.[4] Để ngăn chặn sự sụp đổ thêm nữa của đa dạng sinh học là “mạng lưới sự sống” của Thiên Chúa ban tặng, chúng ta hãy cầu nguyện và thúc giục các quốc gia đạt được thỏa thuận về bốn nguyên tắc chính: 1. xây dựng nền tảng đạo đức rõ ràng cho những thay đổi cần thiết để cứu đa dạng sinh học; 2. chống mất mát đa dạng sinh học, hỗ trợ bảo tồn và hợp tác, và để thỏa mãn nhu cầu của con người theo cách bền vững; 3. để thúc đẩy sự đoàn kết toàn cầu trước thực tế rằng đa dạng sinh học là lợi ích chung toàn cầu đòi hỏi một cam kết chung; và 4. ưu tiên cho những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương, kể cả những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất mát đa dạng sinh học, chẳng hạn như các dân tộc bản địa, người già và người trẻ.

Tôi xin nhắc lại: “Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu các ngành công nghiệp khai thác lớn – khai khoáng, dầu mỏ, lâm nghiệp, bất động sản, kinh doanh nông nghiệp – hãy ngừng tàn phá rừng, các vùng đầm lầy và núi, hãy ngừng làm ô nhiễm sông và biển, ngừng đầu độc thực phẩm và con người”.[5]

Chúng ta không thể không thừa nhận sự tồn tại của một “món nợ sinh thái” (Tông huấn Laudato si’, 51) mà các quốc gia giàu có hơn về kinh tế phải gánh chịu. Họ đã gây ô nhiễm nhiều nhất trong hai thế kỷ qua; điều này đòi buộc họ phải có những bước đi tham vọng hơn tại COP27 và COP15. Ngoài hành động kiên quyết trong phạm vi biên giới của họ, điều này có nghĩa là họ phải giữ lời hứa hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các quốc gia nghèo hơn về kinh tế là những quốc gia đang phải gánh chịu phần lớn gánh nặng của cuộc khủng hoảng khí hậu. Việc đưa ra cân nhắc cấp bách để hỗ trợ thêm tài chính cho việc bảo tồn đa dạng sinh học cũng rất phù hợp. Ngay cả những nước kinh tế kém hơn cũng có những trách nhiệm đáng kể mặc dù “được phân tán” (xem sđd, 52) trong vấn đề này; sự chậm trễ từ phía người khác không bao giờ có thể biện minh cho việc chúng ta không hành động. Tất cả chúng ta cần phải hành động một cách quyết đoán. Vì chúng ta đã tiến tới “điểm quyết định” (xem sđd. 61).

Trong Mùa Tạo vật này, chúng ta hãy cầu nguyện rằng hội nghị COP27 và COP15 có thể liên kết gia đình nhân loại (xem sđd. 13) trong việc đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học. Lưu tâm đến lời dạy của Thánh Phaolô hãy vui với người vui và khóc với người khóc (x. Rm 12:15), chúng ta hãy khóc với cùng với lời khẩn cầu khốn khổ của tạo vật. Chúng ta hãy nghe tiếng kêu cầu đó và đáp lại bằng những việc làm, để chúng ta và các thế hệ tương lai có thể tiếp tục hân hoan trong bài tụng ca ngọt ngào về cuộc sống và niềm hy vọng của tạo vật.

Roma, Đền thánh Gioan Lateran, 16 tháng Bảy, 2022, Lễ nhớ Đức Mẹ Núi Camêlô

PHANXICÔ

___________________

[1] Address to F.A.O., 16 November 1970.

[2] SAINT JOHN PAUL II, General Audience, 10 July 2002.

[3] Address to the Meeting “Faith and Science towards COP26”, 4 October 2021.

[4] Message for the World Day of Prayer for the Care of Creation, 1


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/7/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét