Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Bài giảng Lễ Lá của ĐTC Phanxicô: "Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy có đôi mắt và trái tim cho người bị bỏ rơi"

Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy có đôi mắt và trái tim cho người bị bỏ rơi

Cử hành Chúa Nhật Lễ Lá và Cuộc Khổ nạn của Chúa

Bài giảng Lễ Lá của ĐTC Phanxicô: "Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy có đôi mắt và trái tim cho người bị bỏ rơi"

(C) Vatican Media


*******

Lúc 10h00 sáng nay, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự cử hành phụng vụ trọng thể Chúa Nhật Lễ Lá và Cuộc Thương khó của Chúa.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô sau phần công bố Cuộc Thương Khó của Chúa theo Thánh Matthêu:

______________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Đây là tiếng kêu mà phụng vụ hôm nay yêu cầu chúng ta lập lại trong thánh vịnh đáp ca (x. Tv 22:2), tiếng kêu duy nhất của Chúa Giêsu trên thập giá trong bài Tin Mừng chúng ta đã nghe. Những lời đó đưa chúng ta đến tâm điểm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, đỉnh điểm của những đau khổ mà Người đã chịu để cứu độ chúng ta. “Sao Ngài lại bỏ rơi con?”.

Những đau khổ của Chúa Giêsu rất nhiều, và bất cứ khi nào chúng ta lắng nghe trình thuật về Cuộc Khổ nạn, chúng đâm thâu tâm hồn chúng ta. Có những đau đớn của thân xác: chúng ta hãy nghĩ đến những cú tát và những sự đánh đập, những ngọn roi vút và mão gai, và cuối cùng là sự hung ác của việc đóng đinh. Cũng có những đau khổ của linh hồn: sự phản bội của Giuđa, sự chối bỏ của Phêrô, sự lên án của các nhà chức trách tôn giáo và dân sự, sự chế nhạo của những người lính canh, sự nhạo báng dưới chân thập giá, sự từ chối của đám đông, sự thất bại hoàn toàn, và các môn đệ bỏ chạy. Tuy nhiên, giữa tất cả những sầu khổ này, Chúa Giêsu vẫn chắc chắn một điều: sự gần gũi của Chúa Cha. Tuy nhiên, giờ đây, điều không tưởng tượng được đã xảy ra. Trước khi chết, Người kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Sự bỏ rơi Chúa Giêsu.

Đây là nỗi khổ lớn nhất trong mọi nỗi khổ, nỗi đau khổ tinh thần. Vào giờ bi thảm nhất của mình, Chúa Giêsu cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi. Trước thời điểm đó, Người chưa bao giờ gọi Chúa Cha bằng danh xưng chung là “Thiên Chúa”. Để truyền đạt tác động của điều này, Tin Mừng cũng tường thuật lại những lời của Người bằng tiếng Aram. Đây là những lời duy nhất của Chúa Giêsu từ trên thập giá đến với chúng ta trong ngôn ngữ gốc. Biến cố là sự nhục nhã tận cùng, bị Chúa Cha bỏ rơi, bị Thiên Chúa bỏ rơi. Chúng ta thậm chí thấy rất khó hiểu được nỗi đau đớn tận cùng mà Chúa đã gánh chịu vì tình yêu dành cho chúng ta. Người nhìn thấy cánh cổng thiên đàng đóng lại, Người thấy mình ở bờ vực cay đắng, con tàu đắm của cuộc đời, sự chắc chắn bị sụp đổ. Và Người kêu lên: “Tại sao?” Một câu “tại sao” bao hàm mọi câu “tại sao” khác từng được nói ra. “Tại sao, lạy Thiên Chúa?”.

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Trong Kinh thánh, từ “bỏ rơi” là rất mạnh. Chúng ta nghe thấy nó trong những thời điểm đau đớn tột cùng: thất bại trong tình yêu, bị từ chối hoặc bị phản bội; trẻ thơ bị loại bỏ và phá thai; những hoàn cảnh bị hắt hủi, cảnh goá bụa và trẻ mồ côi; những cuộc hôn nhân tan vỡ, các hình thức loại trừ xã hội, bất công và áp bức; sự cô độc của bệnh tật. Tóm lại, trong việc dứt khoát cắt đứt các mối dây liên kết chúng ta với người khác. Khi đó, “bỏ rơi” là từ được nói ra. Đức Kitô đã mang tất cả những điều này lên thập tự giá; trên đôi vai của Người, Chúa gánh lấy tội lỗi của thế gian. Và vào giây phút tột cùng, Chúa Giêsu, Con Một yêu dấu của Chúa Cha, đã trải qua một hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ với chính Người: bị bỏ rơi, sự xa cách của Thiên Chúa.

Tại sao việc đó phải xảy đến? Chúa làm điều đó vì chúng ta. Chẳng có câu trả lời nào khác. Cho chúng ta. Thưa anh chị em, hôm nay không chỉ là một sự trình diễn. Mỗi người chúng ta, khi nghe Chúa Giêsu bị bỏ rơi thì hãy nói: vì tôi. Sự bỏ rơi này là cái giá mà Người trả cho tôi. Người trở nên một cùng với mỗi người chúng ta để nên một với chúng ta cách trọn vẹn và dứt khoát cho đến cùng. Người trải qua sự bỏ rơi để không bỏ mặc chúng ta làm mồi cho sự tuyệt vọng, để ở bên chúng ta mãi mãi. Người làm điều này cho tôi, cho bạn, bởi vì bất cứ khi nào bạn hoặc tôi hoặc bất kỳ ai khác dường như bị dồn vào chân tường, bị lạc vào ngõ cụt, rơi xuống vực thẳm của sự bỏ rơi, bị cuốn vào một cơn lốc của rất nhiều câu hỏi “tại sao” mà không có câu trả lời thì vẫn còn có một niềm hy vọng: chính Chúa Giêsu, cho bạn, cho tôi. Đó không phải là kết thúc, bởi vì Chúa Giêsu đã ở đó, và ngay cả lúc này Người đang ở bên cạnh anh chị em. Người đã gánh chịu sự xa cách bị bỏ rơi để lấp đầy mọi khoảng cách mà chúng ta có thể cảm nhận bằng tình yêu của Người. Để mỗi người chúng ta có thể nói rằng: trong những thất bại của tôi, và mỗi chúng ta đã rất nhiều lần thất bại, trong sự buồn phiền của tôi, bất cứ khi nào tôi cảm thấy bị phản bội hoặc phản bội người khác, bất cứ khi nào tôi cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bỏ rơi người khác, bất cứ khi nào tôi cảm thấy bị loại bỏ hoặc đã loại bỏ người khác, chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu, Đấng đã bị bỏ rơi, bị phản bội và bị loại bỏ. Ở đó, chúng ta tìm thấy Người. Khi tôi cảm thấy lạc lõng và hoang mang, khi tôi cảm thấy mình không thể tiếp tục, Người ở bên cạnh tôi. Giữa tất cả những câu hỏi “tại sao…?” của tôi không được trả lời, Người ở đó.

Đó là cách Chúa cứu chúng ta, từ trong những câu hỏi “tại sao?” của chúng ta. Từ trong câu hỏi ấy, Người mở ra chân trời hy vọng không làm thất vọng. Trên thập tự giá, ngay cả khi cảm thấy bị bỏ rơi hoàn toàn – đây là cùng đích sau cùng – Chúa Giêsu không chịu khuất phục trước sự tuyệt vọng; thay vào đó, Người cầu nguyện và tin tưởng. Người kêu lên “tại sao?” theo lời của Thánh Vịnh (22:2), và phó mình trong tay Chúa Cha, cho dù Người cảm thấy Chúa Cha xa vời dường nào (x. Lc 23:46) hay đúng hơn, là Đấng mà Ngài không cảm thấy, mà thay vào đó Người cảm thấy mình bị bỏ rơi. Trong giờ bị bỏ rơi, Chúa Giêsu vẫn tin tưởng. Trong giờ phút bị bỏ rơi, Người tiếp tục yêu thương những người môn đệ đã chạy trốn, để Người lại một mình. Khi bị bỏ rơi, Người đã tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người (c. 34). Ở đây, chúng ta nhìn thấy vực thẳm của nhiều sự xấu xa của chúng ta được nhấn chìm trong một tình yêu vĩ đại hơn, để sự cô lập của chúng ta trở thành tình bằng hữu.

Anh chị em thân mến, một tình yêu như thế, ôm lấy chúng ta cách trọn vẹn và cho đến cùng, tình yêu của Chúa Giêsu, có thể biến trái tim chai đá của chúng ta thành trái tim bằng thịt. Tình yêu của Người là lòng thương xót, dịu dàng và trắc ẩn. Đây là phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Thiên Chúa là như vậy. Chúa Kitô, khi bị bỏ rơi, thúc đẩy chúng ta đi tìm kiếm và yêu mến Người và những người bị bỏ rơi. Vì nơi họ, chúng ta không chỉ nhìn thấy những con người đang cần giúp đỡ, mà còn nhìn thấy chính Chúa Giêsu, bị bỏ rơi: Chúa Giêsu, Đấng đã cứu chúng ta bằng cách đi xuống tận đáy vực sâu của thân phận con người chúng ta. Người ở với từng người trong số những người bị bỏ rơi thậm chí cho đến chết… Tôi nghĩ đến một người Đức được gọi là “người đường phố”, đã chết dưới hàng cột, cô đơn và bị bỏ rơi. Ông là Chúa Giêsu đối với mỗi người chúng ta.

Rất nhiều người cần sự gần gũi của chúng ta, quá nhiều người bị bỏ rơi. Tôi cũng cần Chúa Giêsu âu yếm tôi và đến gần tôi, và vì lý do này, tôi đi tìm Người trong những người bị bỏ rơi, trong những người cô đơn. Người muốn chúng ta quan tâm đến những anh chị em giống Người nhất, những người đang trải qua đau khổ và cô đơn tột độ. Thưa anh chị em, số lượng của họ ngày nay là rất nhiều. Các dân tộc bị bóc lột và bị bỏ rơi; người nghèo sống trên đường phố của chúng ta và chúng ta lại nhìn đi hướng khác; có những người di cư không có khuôn mặt mà chỉ là những con số; có những tù nhân bị từ bỏ; những người bị liệt kê là các vấn đề. Không biết bao nhiêu người bị bỏ rơi khác đang ở giữa chúng ta, những con người vô hình, bị ẩn giấu, bị vứt bỏ với đôi găng tay trắng: những đứa trẻ chưa chào đời, những người già sống một mình: họ có thể là cha mẹ của anh chị em, là ông bà của anh chị em, bị bỏ lại một mình trong các viện dưỡng lão, những người bệnh không ai thăm hỏi, những người khuyết tật không ai nhìn tới, và những người trẻ mang gánh nặng là sự trống rỗng nội tâm to lớn, mà không ai sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu đau đớn của họ. Và họ không tìm thấy con đường nào khác ngoài việc tự sát. Những người bị bỏ rơi trong thời đại của chúng ta. Những “Đức Kitô” của thời đại chúng ta.

Khi bị bỏ rơi, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy mở to đôi mắt và trái tim của mình trước tất cả những người bị bỏ rơi. Đối với chúng ta là những môn đệ của Chúa “bị bỏ rơi”, không một người nam, một phụ nữ hay trẻ em nào có thể bị coi là kẻ bị loại bỏ, không ai bị bỏ rơi một mình. Chúng ta hãy nhớ rằng những người bị từ chối và bị loại trừ là những hình ảnh sống động của Đức Kitô: họ nhắc nhở chúng ta về tình yêu bất chấp tất cả của Người, sự bỏ rơi mà Người phải chịu đã giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức cô đơn và cô lập. Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta hãy nài xin ân sủng này: yêu mến Chúa Giêsu trong tình trạng Người bị bỏ rơi và yêu mến Chúa Giêsu trong những người bị bỏ rơi xung quanh chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn biết nhìn thấy và nhận ra Chúa là Đấng tiếp tục cất lên tiếng kêu nơi họ. Xin cho chúng ta đừng để cho tiếng nói của Người không được nghe thấy giữa sự điếc tai im lặng của sự thờ ơ. Thiên Chúa đã không để chúng ta một mình; vì vậy, chúng ta hãy quan tâm đến những người cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Khi đó, và chỉ khi đó, chúng ta mới đồng tâm đồng lòng với Đấng đã vì chúng ta mà “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2:7). Người đã hoàn toàn trút bỏ chính mình vì chúng ta.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/4/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét