Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

ĐTC Gặp gỡ những người tham dự Hội nghị chuyên đề về Quần vợt và Padel Quốc tế lần thứ nhất

“Một cầu thủ giỏi xuất phát từ động lực tấn công và phòng thủ phù hợp”

Gặp gỡ những người tham dự Hội nghị chuyên đề về Quần vợt và Padel Quốc tế lần thứ nhất

ĐTC Gặp gỡ những người tham dự Hội nghị chuyên đề về Quần vợt và Padel Quốc tế lần thứ nhất
Vatican Media

*******

Sáng nay, trong Khán phòng Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên của Hội nghị Chuyên đề Quần vợt và Padel Quốc tế.

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha gửi đến những người hiện diện tại buổi gặp gỡ:

________________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào mừng anh chị em!

Tôi xin cảm ơn ông Chủ tịch Liên đoàn Ý vì những lời của ông, và tôi xin chào tất cả anh chị em đang tham dự Hội nghị Chuyên đề về Quần vợt và Padel quốc tế lần thứ nhất. Anh chị em đến từ hơn 30 quốc gia, với sự góp mặt của đông đảo các huấn luyện viên, thiếu nhi và thanh thiếu niên. Hai ngày gặp gỡ của anh chị em sẽ tập trung chính vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Một huấn luyện viên quần vợt hoặc padel không chỉ là một thầy giáo về mặt kỹ thuật, và trên hết tôi muốn nói là một “nhà giáo dục”. Tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục chú ý đến chiều kích giáo dục đó. Hôm nay, tôi muốn đưa ra cho anh chị em một suy tư đơn giản dựa trên nhận thức thực tế của anh chị em rằng, trong vai trò là các vận động viên, một trận đấu hay là kết quả của sự cân bằng hợp lý giữa tấn công và phòng thủ. Điều này cũng đúng với công tác giáo dục: nó đòi hỏi việc kết hợp hợp lý giữa sự mạo hiểm và thận trọng. Làm cách nào để chúng ta thực hiện được sự kết hợp hài hòa này giữa sự mạo hiểm và thận trọng? Nó không dễ dàng!

Một người chơi quần vợt hoặc padel giỏi – và điều này là đúng với bất kỳ môn thể thao nào – không đơn thuần liên tục tấn công hoặc chấp nhận mạo hiểm; người đó cũng phải biết cách phòng vệ. Có những phẩm chất và sự luyện tập thật nhiều là cần thiết cho cả hai vấn đề này. Một giáo viên chỉ tập trung vào tấn công hoặc phòng thủ sẽ khiến học viên “bị sơ hở” ở mặt kia. Chúng ta nên suy tư về sự so sánh này và những điểm tương đồng giữa việc tập luyện thể thao và việc giáo dục con người.

Một nhà giáo giỏi biết cách cân bằng giữa sự mạo hiểm và thận trọng. Chẳng hạn, chúng ta chấp nhận mạo hiểm khi cho phép trẻ em có những trải nghiệm mới mà chúng chưa từng có trước đây. Chúng ta không biết các bé sẽ phản ứng như thế nào, nhưng chúng ta tin rằng trải nghiệm đó sẽ giúp các bé phát triển. Đây là ý nghĩa của việc chấp nhận mạo hiểm. Đương nhiên, sự mạo hiểm phải luôn tương xứng với mỗi đứa trẻ được đồng hành. Đứa trẻ đó phải được cảm thấy tự do, nhưng đồng thời không hoàn toàn đơn độc. Các bậc cha mẹ hoặc nhà giáo muốn bảo vệ trẻ em bằng cách cố gắng ngăn chặn bất kỳ tình huống bất ngờ nào, hoặc giải quyết mọi vấn đề có thể xảy ra, đều không giúp cho trẻ em phát triển. Đó không phải là sự thận trọng, mà là sự kết hợp giữa nỗi sợ thực tế và một sự chiếm hữu nào đó đối với đứa trẻ. Điều đó không tốt.

Mặt khác, sự thận trọng đích thực thì giống như việc phòng thủ tốt; nó luôn mang tính tích cực, không bao giờ tiêu cực. Có thể nói phòng thủ là một hình thức khác của thế tấn công. Sự thận trọng trong công cuộc giáo dục là điều cần thiết để đánh giá các tình huống cách đúng đắn, lưu ý đến tiềm năng của mỗi đứa trẻ. Đặc biệt các nhà giáo cần huấn luyện lớp người trẻ sự kiên trì, không bỏ cuộc và cố gắng hết sức để phản ứng thậm chí trong cả những tình huống khó khăn nhất, vì sự phản ứng tức thì và lanh lẹ có thể lấy lại tình thế khiến người chơi phía bên kia mất cảnh giác, bởi vì nó đến bất ngờ.

Và tôi cũng muốn đề cập đến điều mà tôi cho là quan trọng nhất: thực tế quần vợt là một một môn thi đấu; padel là một môn thi đấu. Giá trị giáo dục của nó nằm chính ở cách thi đấu. Mọi người cần được khuyến khích chơi thể thao vì chính lợi ích của nó, vì sự phấn khích, thú vị và giải trí mà nó mang lại. Nó mang tính nhưng không, chúng ta phải thực hiện tinh thần nhưng không. Tính thi đua là lành mạnh nếu tất cả đều nằm trong một “cuộc thi đấu”. Một khi tính thi đua trở thành tất cả, thì những hình thức khác nhau của việc tự khẳng định sẽ chiếm ưu thế và cuối cùng là phá hỏng thể thao, khiến nó không còn tính giáo dục nữa mà hoàn toàn ngược lại. Có một điều mà trong thể thao — dù là quần vợt hay padel hay bất kỳ môn thể thao nào — chúng ta không bao giờ được đánh mất tính nghiệp dư, chiều kích nghiệp dư. Khi chúng ta tham gia vào thể thao vì những lợi ích khác, không phải vì tính nhưng không của những người nghiệp dư, chúng ta sẽ đánh mất vẻ đẹp của nó, chúng ta đánh mất chiều kích “giao hưởng” của nó và thể thao trở thành một ngành kinh doanh. Anh chị em hãy luôn ghi nhớ điều này: hãy để môn quần vợt của tôi, hãy để môn padel của tôi, luôn mang tính nghiệp dư, nghiệp dư; đừng đánh mất chiều kích này.

Thưa các nhà lãnh đạo, các nhà giáo và các sinh viên, cảm ơn tất cả anh chị em đã đến đây với số lượng đông đảo như vậy. Tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục tiến về phía trước, luôn cân bằng giữa sự mạo hiểm và thận trọng, tấn công và phòng thủ! Tôi chúc lành cho tất cả anh chị em và gia đình. Và tôi cũng xin anh chị em hãy nhớ thêm lời cầu nguyện cho tôi.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/5/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét