Thứ Năm, 18 tháng 5, 2023

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 17.05.2023: Suy niệm của Đức Thánh Cha về các Chứng nhân: Thánh Phanxicô Xaviê

Nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu

Bài giáo lý: Suy niệm của Đức Thánh Cha về các Chứng nhân: Thánh Phanxicô Xaviê

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 17.05.2023: Suy niệm của Đức Thánh Cha về các Chứng nhân: Thánh Phanxicô Xaviê
Vatican Media

*******

Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha, tiếp tục loạt bài giáo lý về Nhiệt tâm Rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề “Các chứng nhân: Thánh Phanxicô Xaviê” (Bài đọc: 2 Cr 5:14-15.20).

Sau khi tóm tắt bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

_______________________________________________


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 13. Các Chứng nhân: Thánh Phanxicô Xaviê

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục hành trình Giáo lý của chúng ta với một số mẫu gương về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta nhớ lại, chúng ta đang nói về việc loan báo Tin Mừng, về lòng nhiệt thành tông đồ, về việc mang danh hiệu Chúa Giêsu. Và có rất nhiều người trong lịch sử đã làm điều này một cách gương mẫu. Chẳng hạn, hôm nay chúng ta chọn Thánh Phanxicô Xaviê làm một mẫu gương, ngài được một số người cho là nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại. Nhưng không thể nào nói ai là người vĩ đại nhất, ai là người nhỏ bé nhất. Có rất nhiều nhà truyền giáo ẩn mình, thậm chí ngày nay, còn làm nhiều hơn cả Thánh Phanxicô Xaviê. Và Thánh Phanxicô Xaviê là bổn mạng của các hội truyền giáo, như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Và một nhà truyền giáo trở nên vĩ đại khi người đó ra đi. Và có rất nhiều, rất nhiều linh mục, giáo dân, nữ tu ra đi truyền giáo … thậm chí từ nước Ý. Chẳng hạn như cha thấy nhiều người trong anh chị em khi có câu chuyện về một linh mục là ứng viên trở thành giám mục, người đã dành mười năm truyền giáo ở nơi đó. Điều này thật lạ thường – rời bỏ đất nước của mình để đi rao giảng Tin Mừng. Đây là lòng nhiệt thành tông đồ. Đây là điều mà chúng ta thực sự cần nuôi dưỡng. Và nhìn vào những con người đó, chúng ta học hỏi.

Còn Thánh Phanxicô Xaviê sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng đã bị kiệt quệ ở vùng Navarre, thuộc miền bắc Tây Ban Nha, vào năm 1506. Ngài du học ở Paris – ngài là một thanh niên theo thế tục, thông minh, tuyệt vời, theo thế tục. Ở đó, ngài gặp Thánh Inhaxiô Loyola. Ngài thực hành các bài linh thao và thay đổi cuộc đời. Và ngài từ bỏ tất cả sự nghiệp thế gian để trở thành một nhà truyền giáo. Ngài trở thành một tu sĩ Dòng Tên, tuyên khấn. Sau đó, ngài trở thành một linh mục, và đi truyền giáo, được sai đến Phương Đông. Vào thời điểm đó, hành trình của các nhà truyền giáo đến Phương Đông có nghĩa là họ được sai đến những thế giới chưa được biết đến. Và ngài ra đi, vì lòng tràn đầy nhiệt huyết rao giảng Tin mừng.

Ngài là người đầu tiên trong số rất nhiều nhà truyền giáo hăng hái lên đường, những nhà truyền giáo nhiệt thành của thời hiện đại, sẵn sàng chịu đựng những khó khăn và nguy hiểm rất lớn, để đến những vùng đất và gặp gỡ những con người thuộc các nền văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, chỉ được thúc đẩy bởi lòng khát khao muốn Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người được biết đến.

Chỉ trong vòng chưa đầy mười một năm, ngài đã hoàn thành một nhiệm vụ phi thường. Ngài đã là một nhà truyền giáo trong mười một năm hoặc hơn kém một chút. Những chuyến đi vào thời điểm đó rất gian khổ và hiểm nguy. Nhiều người đã chết trên đường đi, do đắm tàu hoặc bệnh tật. Ngày nay thật đáng buồn, người ta chết vì họ bị để cho chết ở Địa Trung Hải. Thánh Phanxicô Xaviê đã trải qua hơn ba năm rưỡi trên các con tàu, chiếm một phần ba toàn bộ thời gian truyền giáo của ngài. Để đến Ấn Độ, ngài đã trải qua ba năm rưỡi trên tàu; rồi từ Ấn Độ sang Nhật Bản. Thật cảm phục.

Ngài đến Goa của Ấn Độ, thủ phủ của Đông Bồ Đào Nha, thủ đô văn hóa và thương mại. Và Thánh Phanxicô Xaviê đã thiết lập cơ sở của mình, nhưng không dừng lại ở đó. Ngài tiếp tục truyền giáo cho những ngư dân nghèo ở bờ biển phía nam Ấn Độ, dạy giáo lý và dạy Kinh cho thiếu nhi, rửa tội và chăm sóc người bệnh. Sau đó, khi đang cầu nguyện trong đêm tại mộ của Thánh Tông đồ Batôlômêô, ngài cảm thấy mình cần phải vượt xa hơn Ấn Độ. Ngài để lại công việc mình đã khởi xướng cho những bàn tay giỏi giang – điều này thật tốt, có tổ chức – và dũng cảm lên tàu đến Moluccas, hòn đảo xa xôi nhất của quần đảo Indonesia. Không có chân trời nào cho những người đó, họ đã đi xa hơn… Những nhà truyền giáo thánh thiện này can đảm vô cùng! Và những nhà truyền giáo ngày nay cũng vậy. Tất nhiên, họ không phải trải qua ba tháng trên tàu thủy, mà đi máy bay trong hai mươi bốn giờ. Nhưng ở đó thì mọi việc cũng tương tự. Họ cần định cư ở đó, di chuyển nhiều cây số và hòa mình trong các khu rừng. Hình ảnh giống như vậy …. Và như thế, ở Moluccas, ngài dịch sách giáo lý sang ngôn ngữ địa phương của họ và dạy họ cách hát giáo lý, ngài hòa nhập vào qua bài hát. Chúng ta hiểu được những cảm xúc của ngài từ những lá thư ngài viết. Ngài viết: “Những mối nguy hiểm và chịu đựng, được chấp nhận một cách tự nguyện và chỉ vì tình yêu và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là kho tàng chứa đựng vô vàn niềm an ủi thiêng liêng lớn lao. Ở đây, trong một vài năm, người ta có thể mất đi đôi mắt vì quá nhiều nước mắt của niềm vui” (20 tháng 1 năm 1548). Ngài đã khóc vì vui sướng khi nhìn thấy công việc của Thiên Chúa.

Một ngày kia ở Ấn Độ, ngài gặp một người đến từ Nhật Bản, người này đã kể cho ngài nghe về đất nước xa xôi của ông ta, nơi chưa có một nhà truyền giáo Châu Âu nào từng đặt chân đến. Thánh Phanxicô Xaviê cảm nhận nỗi thao thức về việc tông đồ, đi đến một nơi khác, xa hơn nữa, và ngài quyết định khởi hành càng sớm càng tốt, và đến đó sau một cuộc hành trình đầy phiêu lưu trên một chiếc thuyền của một người Trung Quốc. Ba năm của ngài ở Nhật Bản đầy gian khó do khí hậu, sự chống đối và ngài không biết ngôn ngữ. Tuy nhiên, ở đây cũng vậy, những hạt giống được gieo trồng sẽ đơm hoa kết trái.

Là một người đầy ước mơ, ở Nhật Bản, ngài hiểu rằng quốc gia quyết định cho sứ vụ của ngài ở Châu Á là một quốc gia khác: Trung Quốc. Với nền văn hóa, lịch sử, độ rộng lớn của đất nước, trên thực tế nó chiếm ưu thế trội hơn đối với phần thế giới ở đó. Thậm chí ngày nay, Trung Quốc là một trung tâm văn hóa với bề dày lịch sử, một lịch sử đẹp…. Vì vậy, ngài quay trở lại Goa, và liền sau đó lại lên đường với hy vọng vào được Trung Quốc. Nhưng kế hoạch của ngài đã thất bại – ngài chết ở cửa ngõ vào Trung Quốc, trên một hòn đảo, đảo Tân Châu nhỏ, ngay trước bờ biển Trung Quốc, chờ đợi trong vô vọng để được vào đất liền gần Quảng Châu. Ngày 3 tháng Mười Hai năm 1552, ngài qua đời trong tình trạng hoàn toàn cô đơn, chỉ có duy nhất một người đàn ông Trung Quốc đứng bên cạnh trông chừng. Đó là đã kết thúc hành trình trần thế của Thánh Phanxicô Xaviê. Ngài đã dành cả cuộc đời của mình một cách nhiệt thành trong các sứ vụ. Ngài rời Tây Ban Nha, một quốc gia phát triển cao, đến quốc gia phát triển nhất lúc bấy giờ – Trung Quốc – và qua đời trước cửa ngõ vào Trung Quốc vĩ đại, được đồng hành với một người đàn ông Trung Quốc. Nó mang tính hình tượng, tính tượng trưng cao.

Hoạt động mạnh mẽ của ngài luôn được kết hợp với lời cầu nguyện, kết hợp với Thiên Chúa, thần bí và chiêm niệm. Ngài không bao giờ bỏ cầu nguyện vì ngài biết đó là nơi ngài lấy được sức mạnh cho mình. Đi đến đâu Ngài cũng tận tình chăm sóc người bệnh, người nghèo và trẻ em. Ngài không phải là một nhà truyền giáo “quý tộc”. Ngài luôn đồng hành với những người thiếu thốn nhất, những trẻ em cần được hướng dẫn, được dạy giáo lý nhất. Người nghèo, người bệnh… Ngài đi đến những “tiền tuyến” khi cần đến sự quan tâm. Và ở đó, ngài lớn lên trong sự vĩ đại. Và tình yêu của Đức Kitô là sức mạnh đưa ngài đến những tiền tuyến xa xôi nhất, với sự gian khổ và nguy hiểm luôn rình rập, vượt qua những trở ngại, những thất vọng và ngã lòng; quả thật, đem lại cho ngài niềm an ủi và niềm vui khi theo chân và phục vụ Chúa cho đến cùng.

Đó là Thánh Phanxicô Xaviê, người đã làm tất cả những điều vĩ đại này, trong sự nghèo khó như vậy, với lòng dũng cảm như vậy, là người có thể cho chúng ta một chút lòng nhiệt thành này, lòng nhiệt thành để sống cho Tin Mừng, để loan báo Tin Mừng. Rất nhiều bạn trẻ, rất nhiều bạn trẻ ngày nay có một điều gì đó … sự thao thức … và họ không biết phải làm gì với sự thao thức đó. Hãy nhìn đến Thánh Phanxicô Xaviê, hãy nhìn đến những chân trời của thế giới, hãy nhìn đến những người đang túng thiếu như thế, hãy nhìn xem biết bao nhiêu người đang đau khổ, biết bao nhiêu người cần đến Chúa Giêsu. Và hãy can đảm ra đi. Ngày nay cũng vậy, có những người trẻ đầy can đảm. Cha đang nghĩ đến nhiều nhà truyền giáo, chẳng hạn như ở Papua New Guinea, đến những người bạn trẻ tuổi của cha ở giáo phận Vanimo, và nhiều người khác đã ra đi – những người trẻ – để loan báo Tin Mừng theo bước chân của Thánh Phanxicô Xavier. Xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui loan báo Tin Mừng, niềm vui mang theo sứ điệp này, một sứ điệp thật đẹp, làm cho chúng ta và mọi người được hạnh phúc. Cảm ơn anh chị em!

____________________________________


Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Anh, Scotland, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Canada và Hoa Kỳ. Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, cha khẩn xin lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta đổ xuống anh chị em và gia đình anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/5/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét