Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

Khi giáo dục quan tâm đến tiền hơn là học sinh, sinh viên

Khi giáo dục quan tâm đến tiền hơn là học sinh, sinh viên

Khi giáo dục quan tâm đến tiền hơn là học sinh, sinh viên

Tiziana FABI | AFP

I.Media for Aleteia

02/06/23


Đức Hồng y Fridolin Ambongo, tổng giám mục Kinshasa (DRC), nói về sự cần thiết phải giáo dục tốt hơn cho giới trẻ Châu Phi và mối quan tâm của Đức Thánh Cha đối với giới trẻ.

Vấn đề giáo dục giới trẻ phải là một ưu tiên cho Giáo hội ở Châu Phi, nhưng cũng là của Giáo hội hoàn vũ: đây là quan điểm được bảo vệ bởi Đức Hồng y Fridolin Ambongo, Tổng Giám mục Kinshasa (DRC) và người cộng tác thân cận của Đức Thánh Cha Phanxicô. Để thể hiện điều đó, ngài tháp tùng một phái đoàn từ “Tổ chức Tôn giáo và Hiệp hội Quốc tế” (“Fondation internationale Religions et Sociétés”), để đệ trình lên Đức Thánh Cha Hiệp ước Giáo dục Châu Phi.

Tài liệu này nhằm mục đích giúp các giáo phận thực hiện những hành động mang đến một nền giáo dục tốt hơn. I.MEDIA phỏng vấn Đức Cha tại buổi trình bày Hiệp ước do Đại sứ quán Bỉ tại Tòa thánh tổ chức tại Rome.

Hiệp ước Giáo dục Châu Phi lấy cảm hứng từ Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu (2020) do Đức Thánh Cha Phanxicô thúc đẩy, và ra mắt tại Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM) ở Kinshasa vào năm 2022. Hiệp ước Giáo dục Châu Phi này có thể đáp ứng được gì cho điều mà Đức Hồng y miêu tả như là “cuộc khủng hoảng giáo dục ở Châu Phi”?

ĐHY Ambongo: Chúng tôi rất tự hào và biết ơn Đức Thánh Cha với ý tưởng tuyệt vời về một Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu. Năm ngoái tại Kinshasa, chúng tôi đã tổ chức hội nghị chuyên đề để phản ánh về hiệp ước toàn cầu này trong bối cảnh của Châu Phi. Hiệp ước Giáo dục Châu Phi là kết quả của cuộc họp này. Trong hiệp ước, chúng tôi xét đến sự đa dạng của các hoàn cảnh ở Châu Phi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận những điểm hội tụ. Điểm chung chính yếu là tất cả chúng tôi đều cố gắng đặt con người vào trung tâm của nền giáo dục. Nếu chúng ta được thúc đẩy bởi mối quan tâm đến việc đào tạo con cái chúng ta để ngày mai chúng trở thành những con người xứng đáng với thế giới này, thì rõ ràng chúng ta tìm thấy sự đồng thuận.

Đức Hồng y mong đợi điều gì nơi Đức Thánh Cha?

ĐHY Ambongo: Chúng tôi mong đợi ngài động viên chúng tôi trên con đường đã đi. Nhưng không chỉ riêng với chúng tôi ở Châu Phi, bởi vì giáo dục là toàn cầu. Chúng tôi cũng cần ngài, trong cương vị là người đứng đầu tối cao của Giáo hội hoàn vũ, xây dựng nhận thức trong các Giáo hội khác, bởi vì nếu chúng tôi làm những việc ở Châu Phi và không có ảnh hưởng trong các Giáo hội khác, thì việc đó sẽ không có nhiều tác động. Ví dụ, tình trạng nhập cư từ khu vực của chúng tôi bị kích động bởi những tín hiệu do phương Tây gửi đi, khiến người trẻ tin rằng phương Tây là thiên đàng. Khi họ đến đây, họ phát hiện ra rằng không phải là như vậy, và đôi khi, nó thậm chí còn là địa ngục. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng các Giáo hội ở phương Tây nên cùng đi theo một luận lý, để chúng tôi có thể gửi cùng một thông điệp đến lớp người trẻ của chúng tôi và giới trẻ trên toàn thế giới.

Giáo hội Châu Phi có thể đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy một nền giáo dục “toàn diện” hơn, phù hợp hơn với thực tế lãnh thổ và văn hóa, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc đẩy?

ĐHY Ambongo: Chúng tôi cần quay lại điểm xuất phát: Tại sao chúng ta phải giáo dục? Để làm được điều này, chúng tôi cần dựa vào văn hóa Châu Phi. Ở Châu Phi, giáo dục sống diễn ra thông qua điều mà chúng tôi gọi là bước vỡ lòng. Thiếu niên được đưa vào rừng, nơi họ được dạy nghệ thuật sống trong một xã hội nhất định. Rồi khi họ trở lại, sau sáu tháng hoặc một năm, họ đã sẵn sàng bước vào cuộc sống trưởng thành. Ngày nay, trường học đã thay thế bước vỡ lòng. Thật đáng buồn, lớp người trẻ của chúng tôi hôm nay, khi họ kết thúc việc học ở trường, họ không hề được chuẩn bị để đương đầu với những thách thức của cuộc sống. Đây là lý do tại sao chúng tôi nói rằng hệ thống giáo dục của chúng tôi không tương ứng với nhu cầu của xã hội chúng tôi.

Nếu chúng ta quay lại căn bản, chúng ta cần bắt đầu từ nhu cầu của cuộc sống, những thách thức mà người trẻ phải đối mặt, những nghề nghiệp họ cần chuẩn bị và tiến bước trên cơ sở đó. Để khi bạn học xong, bạn hữu ích cho xã hội. Nhưng điều đó không xảy ra ở đây ngày hôm nay. Trọng bằng cấp có nghĩa là mọi người thường sẵn sàng trả nhiều tiền để qua các lớp, nhưng cuối cùng, khi họ đứng trước nhu cầu của xã hội, họ lại bộc lộ sự kém cỏi của mình. Bởi vì họ chưa được chuẩn bị. Về điểm này, chúng tôi nghĩ rằng Giáo hội có thể đóng một vai trò nào đó, bằng cách làm cho xã hội nhận thức được vấn đề và giúp đào tạo người trẻ cho những nhu cầu phát sinh, chứ không chỉ để có thể vào đại học.

Một câu hỏi quan trọng đối với giáo dục châu Phi là mối quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước. Về mặt giáo dục Đức Hồng y mong đợi gì từ các chính trị gia?

ĐHY Ambongo: Rõ ràng có những điều mà Giáo hội ở Châu Phi mong đợi từ nhà nước, bởi vì nhà nước vẫn là quyền lực tổ chức trong giáo dục. Để làm được điều này, nhà nước cũng phải cung cấp các nguồn lực sẵn có cho Giáo hội. Giáo hội đến với kiến thức, với động lực, với ơn gọi giáo dục, nhưng việc cung cấp các phương tiện là tùy thuộc vào Nhà nước.

Ở một số nước Châu Phi, ngân sách dành cho giáo dục là đáng kể. Nhưng ở những nơi khác, đôi khi nó chỉ chiếm một phần ba ngân sách được sử dụng để điều hành nhiệm kỳ tổng thống. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần quay lại căn bản. Trước hết, đó là đứa trẻ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Đó là một con người được gọi để lớn lên, để trở thành một con người theo nghĩa đầy đủ của từ này. Nếu chúng ta bắt đầu từ điểm chung này, thì ở Châu Phi chúng tôi đã có mẫu số chung về giáo dục. Nhưng khi giáo dục trở thành một nguồn kinh doanh, khi các trường học được tạo ra để kiếm tiền, thì chúng ta đang đánh mất điểm thật.

Đức Hồng y tố cáo chất độc tham nhũng đang ăn mòn hệ thống giáo dục của đất nước. Ngày 2 tháng Hai vừa qua, tại sân vận động Martyrs of Pentecost rộng lớn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi không thể quên về điểm này. Đức Hồng y có nghĩ rằng thông điệp của Đức Thánh Cha đã được lắng nghe?

ĐHY Ambongo: Tôi nghĩ Đức Thánh Cha đã đặt nền móng giá trị ở Kinshasa. Tất cả chúng tôi đều ở đó, tất cả các giám mục của Congo, trong một sân vận động có hơn 100.000 bạn trẻ, tất cả đồng một lòng đáp lại những lời thúc bách của Đức Thánh Cha! Ngài đã nâng giá trị của chúng tôi. Khi Đức Thánh Cha nói: “Không với tham nhũng,” cả đám đông hô vang: “Nói không với tham nhũng, nói không với chủ nghĩa bộ lạc,” nói không với những điều phản giá trị! Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha đã đặt hiệp ước của ngài về các giá trị vào thực tế.

Đối với chúng tôi, đó là nguồn động lực và khích lệ. Và chúng tôi đang tiếp tục suy tư để tiếp tục với những gì Đức Thánh Cha đã nói – đặc biệt về hình ảnh “năm ngón tay” mà ngài sử dụng, mỗi ngón tượng trưng cho một giá trị. Các bạn trẻ đã hiểu rõ thông điệp của ngài.

Đức Hồng y có cảm nhận được mối quan tâm của Đức Thánh Cha đối với giới trẻ, và đặc biệt là giới trẻ Châu Phi không?

ĐHY Ambongo: Đây là mối quan tâm liên tục của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trước khi trở thành Giáo hoàng, ngài là một mục tử. Mục tử là người liên tục tiếp xúc với người trẻ, biết những khó khăn và vấn đề mà họ gặp phải. Sau khi được bầu chọn, ngài duy trì mối liên hệ này với các bạn trẻ. Thật đáng chú ý khi ngài đến với chúng tôi: ngày ngài gặp gỡ giới trẻ của chúng tôi, ngài khác hẳn, trẻ lại và tràn đầy năng lượng. Ngài vỗ tay, khuấy động các bạn trẻ. Đó là thời khắc vô cùng đặc biệt. Tôi nghĩ đó là một trong những đặc sủng của ngài: ngài thực sự có lòng hăng say với các bạn trẻ.

Một thách thức khác về giáo dục đối với Giáo hội ở Châu Phi là việc đào tạo các chủng sinh và tập sinh trẻ. Chẳng hạn, đất nước của Đức Hồng y có hơn 4.000 chủng sinh. Đâu là những thách thức đối với họ, và các nhà đào tạo tôn giáo ở DRC?

ĐHY Ambongo: Một lần nữa, ở vấn đề này chúng tôi phải cẩn thận với việc thiếu giáo dục căn bản, chuẩn bị cho thanh thiếu niên nam nữ mang lấy các giá trị. Chúng tôi cảm nhận điều này trong các chủng viện và tập viện: Nó cho thấy nhu cầu cấp thiết phải chuẩn bị tốt hơn cho người trẻ trong xã hội của chúng tôi. Đối với chúng tôi, điều rất quan trọng là làm việc để nâng cao chất lượng đào tạo cho các linh mục tương lai. Nếu không cẩn thận, chúng tôi có nguy cơ cuối cùng có những linh mục được đào tạo chỉ để đạt được địa vị xã hội, nhưng không hiểu gì về ơn gọi của một người linh mục đích thực.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/6/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét