Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các thành viên Nhóm Đảng Nhân dân Châu Âu trong Nghị viện Châu Âu

THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI CÁC THÀNH VIÊN NHÓM ĐẢNG NHÂN DÂN CHÂU ÂU
TRONG NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các thành viên Nhóm Đảng Nhân dân Châu Âu trong Nghị viện Châu Âu


Sau đây là Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến chủ tịch, Tiến sĩ Manfred Weber, và các thành viên của Đảng Nhân dân Châu Âu tại Nghị viện Châu Âu:

________________________________


Kính thưa quý ngài!

Tôi rất vui được gửi lời chào thân ái tới quý ngài, các thành viên của Đảng Nhân dân Châu Âu trong Nghị viện Châu Âu, một tổ chức tôi đã đến thăm vào tháng Mười Một năm 2014, và tôi muốn nhân cơ hội này để chia sẻ một vài suy nghĩ với quý vị.

Trước hết: quý vị là các nghị sĩ; vì vậy, quý vị là đại diện cho những công dân đã giao phó cho quý vị một trách vụ. Khi có cuộc bầu cử đầu tiên vào Nghị viện Châu Âu, mọi người rất quan tâm, đó là một điều mới mẻ, một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Châu Âu thống nhất. Nhưng, như thường lệ, khi thời gian trôi qua thì sự quan tâm sẽ giảm dần; và do vậy, mối tương quan giữa công dân và nghị sĩ phải được vun đắp. Đây là một vấn đề kinh điển của các nền dân chủ tiêu biểu. Và nếu việc duy trì mối liên hệ này sống động trong mỗi quốc gia đã khó, thì với Nghị viện Châu Âu, vốn đã “xa vời” hơn, lại càng khó hơn. Nhưng mặt khác, truyền thông ngày nay có thể giúp rất nhiều để vượt qua khoảng cách.

Điểm thứ hai: tính đa nguyên. Rõ ràng là một nhóm lớn các nghị sĩ phải nhìn thấy trước tính đa nguyên trong nội bộ. Tuy nhiên, với một số vấn đề trong đó các giá trị đạo đức cơ bản và những điểm quan trọng của học thuyết xã hội Kitô giáo đang bị đe dọa, thì cần phải thống nhất với nhau. Đối với tôi, đây có vẻ là một khía cạnh đặc biệt thú vị, bởi vì nó đòi hỏi phải cân nhắc đến việc đào tạo các nghị sĩ hiện đang diễn ra. Bình thường quý vị cũng cần những thời gian nghiên cứu và suy ngẫm để khám phá và thảo luận về những vấn đề phù hợp nhất về mặt đạo đức. Đó là một thách đố thú vị, trước hết diễn ra ở cấp độ lương tâm, và làm sáng tỏ phẩm chất của những người tham gia vào chính trị. Người chính trị gia Kitô giáo cần phải nổi bật ở tính nghiêm túc khi họ đối mặt với các vấn đề, từ chối các giải pháp mang tính cơ hội và luôn kiên định với các tiêu chí về phẩm giá của con người và ích chung.

Về phương diện này, quý vị có một di sản rất phong phú để kín múc nhằm đưa ra những đóng góp cho nền chính trị Âu Châu, đó là học thuyết xã hội của Giáo Hội. Chẳng hạn, quý vị hãy nghĩ về hai nguyên tắc liên đới và phân quyền, và động lực đạo đức của chúng. Có những khía cạnh đạo đức và chính trị liên kết với một trong hai nguyên tắc này mà quý vị chia sẻ với các đồng nghiệp thuộc các nhánh khác nhau, họ tiếp tục nhấn mạnh điểm này hoặc điểm kia; nhưng sự đan xen của cả hai điểm, thực tế là làm chúng hoạt động cùng nhau và theo cách bổ sung cho nhau là phù hợp với tư tưởng truyền cảm hứng của Kitô giáo về kinh tế và xã hội, và vì thế được trao phó cho quý vị chăm sóc cách đặc biệt.

Một khía cạnh khác tương tự với vấn đề này là tầm nhìn về một Châu Âu cùng nhau gìn giữ sự thống nhất và đa dạng. Đây là nền tảng; tôi đã có cơ hội làm nổi bật điểm này trong chuyến thăm gần đây của tôi đến Hungary. Một Châu Âu tôn trọng trọn vẹn các nền văn hóa khác nhau tạo thành nên nó, gia tài to lớn về truyền thống, ngôn ngữ, bản sắc, là gia tài của người dân và lịch sử của họ; đồng thời đối với các thể chế và sáng kiến chính trị và văn hóa của nó, có thể bảo đảm rằng bức tranh khảm vô cùng phong phú này bao gồm các hình thức gắn kết.

Đây là lý do tại sao nó cần một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, một “linh hồn”; tôi muốn nói rằng cần phải có “những giấc mơ”. Nó đòi phải có những giá trị cao cả, và tầm nhìn chính trị cao. Qua đây, tôi không có ý làm giảm tầm quan trọng của việc quản lý bình thường, của việc quản trị bình thường thật tốt; ngược lại, nếu việc này tốt thì đó là một thành tựu lớn. Nhưng như vậy là không đủ; không đủ để hỗ trợ một Châu Âu đang phải đối mặt với những thách đố to lớn mang tính toàn cầu của thế kỷ 21. Để đối mặt với những thách thức như một Châu Âu thống nhất đòi hỏi một nguồn cảm hứng cao cả và mạnh mẽ. Và tôi muốn nói rằng quý vị nên là những người đầu tiên trân trọng những tấm gương và lời dạy của những người sáng lập Châu Âu này. Cam kết ban đầu, cũng có thể là cam kết hiện tại, không chỉ nhằm đến một tổ chức bảo vệ những lợi ích của các quốc gia Châu Âu, mà còn là một liên minh nơi mọi người có thể sống một “cuộc sống nhân đạo, huynh đệ và công bằng”.[1]

Tôi muốn làm nổi bật thuật ngữ này: tình huynh đệ. Như quý vị biết, tình huynh đệ và tình bạn xã hội là “giấc mơ” vĩ đại mà tôi đã chia sẻ với toàn thể Giáo hội và tất cả mọi người thiện chí (x. Tông huấn Fratelli tutti, 8). Tôi nghĩ rằng tình huynh đệ cũng có thể là nguồn cảm hứng cho những ai ngày nay muốn làm hồi sinh Châu Âu, để Châu Âu đáp ứng trọn vẹn cho những mong đợi của các dân tộc trong châu lục và của toàn thế giới. Bởi vì một dự án cho Châu Âu ngày nay chỉ có thể là một dự án toàn thế giới. Tôi tin rằng các chính trị gia Kitô giáo ngày nay phải được công nhận bởi khả năng biến ước mơ vĩ đại về tình huynh đệ thành những hành động cụ thể của nền chính trị tốt đẹp ở mọi cấp độ: địa phương, quốc gia, quốc tế. Chẳng hạn, đối với tôi, dường như những thách thức như vấn đề di cư, hoặc vấn đề chăm sóc hành tinh, chỉ có thể đối mặt bằng cách bắt đầu từ nguyên tắc truyền cảm hứng tuyệt vời này: tình huynh đệ của con người.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy nhớ về nguồn cội: chúng ta đừng quên một Châu Âu thống nhất đã ra đời như thế nào; chúng ta đừng quên những thảm kịch của các cuộc chiến trong thế kỷ 20. Công việc từng bước và kiên nhẫn xây dựng một Châu Âu thống nhất, ban đầu là trong các lãnh vực đặc biệt, sau đó là những lãnh vực tổng quát hơn: nguồn cảm hứng của nó là gì? Lý tưởng nào, nếu không phải là tạo ra một không gian nơi mọi người có thể sống trong tự do, công lý và hòa bình, tôn trọng mọi người trong sự đa dạng? Ngày nay, dự án này được đưa vào thử nghiệm trong một thế giới toàn cầu hóa, nhưng nó có thể được khởi động lại từ nguồn cảm hứng ban đầu, phù hợp và hiệu quả hơn bao giờ hết, không chỉ đối với Châu Âu mà còn đối với toàn thể gia đình nhân loại.

Và tôi muốn kết thúc bằng một nhận xét cuối cùng: ai là những người sống một Châu Âu thống nhất nhiều nhất? Các bạn đã dạy tôi: họ là những người trẻ tuổi. Ngày nay, người ta bắt đầu dành thời gian học tập ở nước ngoài sớm; sau đó, khi lên đại học, đặc biệt là đối với các chuyên ngành, chân trời là Châu Âu; và vấn đề tìm kiếm việc làm cũng vậy… Tôi không đề cập đến sự cần thiết đáng buồn, thật không may vẫn tồn tại, là phải đi nơi khác vì thiếu những cơ hội ở quê nhà; không, đúng hơn, thực tế đối với người trẻ, việc thực hiện giai đoạn đầu của việc học ở đất nước của họ, và sau đó đi chuyên về một ngành khác đã trở nên bình thường. Nói hơi giống thời Trung cổ, khi người ta học một chút ở Padua, một chút ở Paris, một chút ở Oxford hay Heidelberg… Chúng ta hãy nhìn họ, lớp người trẻ, và nghĩ về một Châu Âu và một thế giới sống theo những ước mơ của họ.

Do đó, tôi khuyến khích các bạn tiến bước với lòng can đảm và hy vọng, với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Ước gì Tin Mừng là kim chỉ nam và học thuyết xã hội của Giáo hội là la bàn của các bạn. Tôi xin chúc lành cho tất cả các bạn, và những người thân yêu của các bạn. Và tôi xin các bạn cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn.

Rome, Bệnh viện Đại học Agostino Gemelli, ngày 9 tháng 6 năm 2023

____________________________________________________


[1] P.H. Spaak, Address delivered on the occasion of the signing of the Treaty of Rome, 25 March 1957.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/6/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét