5 mảnh gỗ từ Máng cỏ của Chúa Giêsu ở trong nhà thờ Rome này
© Capitolo di Santa Maria Maggiore
22/12/23
Vương cung thánh đường Đức Bà Cả có một thánh tích quan trọng: 5 miếng gỗ từ máng cỏ nơi Chúa Giêsu được đặt nằm sau khi Ngài sinh ra. Chúng là lời nhắc nhở về tiếng gọi của Đức Kitô Nghèo khó đối với Giáo hội.
Vương cung thánh đường Đức Bà Cả là một trong bốn vương cung thánh đường chính của giáo hoàng ở Rome và là một trong những đền thờ cổ kính nhất cung hiến cho Đức Mẹ. Nếu điều này chưa làm cho nhà thờ trở thành điểm dừng chân hành hương quan trọng, thì trong mùa Giáng sinh, người Công giáo và khách du lịch thậm chí còn muốn đến viếng nhà thờ hơn, vì bên dưới bàn thờ được trang trí công phu là một hòm đựng thánh tích có chứa năm mảnh gỗ của máng cỏ nơi Hài nhi Giêsu được đặt sau khi Người được sinh ra.
Từ Bêlem đến Rome, những mảnh gỗ này đã đi một chặng đường dài trong những thời kỳ khó khăn và đã có mặt trong Vương cung thánh đường từ giữa thế kỷ thứ 7. Aleteia trao đổi với Đức ông Piero Marini, Linh mục hạt trưởng của Đền thờ Đức Bà Cả và là người bảo vệ Máng cỏ Thánh, về sự khởi đầu rất khiêm nhường của thánh tích và thông điệp mà những mảnh gỗ vẫn mang đến cho ngày nay.
Thánh tích bao gồm những gì?
Đức ông Piero Marini: Thánh tích Máng cỏ Thánh bao gồm năm mảnh gỗ làm từ một loại cây sung sống ở Palestine và giống như cây mà ông Giakêu đã trèo lên. Bốn mảnh gỗ có lẽ tạo thành hai chữ “X” đứng ở hai bên máng cỏ và mảnh thứ năm được gắn ở giữa để giữ chúng lại với nhau. Các mảnh gỗ này cho thấy chúng tạo thành một đồ vật dùng để chứa rơm cỏ cho động vật.
Những mảnh gỗ này là những gì còn sót lại sau 14 thế kỷ ở đây. Các mảnh gỗ trước đây có lẽ dài hơn và to hơn nhưng đã trải qua rất nhiều thăng trầm.
Làm sao chúng ta biết những miếng gỗ này là từ máng cỏ của Chúa Giêsu?
Đức ông Piero Marini: Khi đề cập đến máng cỏ thánh, tôi mỉm cười vì nghĩ đó là một trong nhiều câu chuyện chúng ta được nghe. Nhưng không phải, qua nghiên cứu tài liệu, chúng tôi thấy rằng các mảnh gỗ này thực sự có nguồn gốc từ Bêlem. Chúng tôi có hai bằng chứng quan trọng. Thứ nhất, lâu đời nhất, là của Origen, một nhà thần học đến từ Alexandria. Ngài viết rằng thánh tích máng cỏ thánh được bảo tồn ở Bêlem vào khoảng năm 210 hoặc 220. Đó là một dấu hiệu cực kỳ quan trọng.
Dấu hiệu lịch sử thứ hai mà chúng tôi có là từ Thánh Giêrônimô, ngài đã đến Palestine và ở đó 35 năm. Đó là vào khoảng năm 400. Người Kitô hữu vẫn đi về phương Đông và có một lượng lớn người hành hương đến Thánh địa. Thánh Giêrônimô nói rằng có những lúc ngài phải đồng hành với những người hành hương đến viếng hang thánh và máng cỏ thánh nơi Chúa được đặt nằm trong đó. Vì vậy, đây là bằng chứng thứ hai, cùng với bằng chứng của Origen, nhưng còn có những bằng chứng khác.
Trước thông tin này, tôi đã bớt hoài nghi hơn so với lúc đầu khi tôi được yêu cầu làm người bảo vệ máng cỏ thánh. Bây giờ tôi tôn kính thánh tích này và chiêm ngắm sự khiêm nhường mà từ đó Giáo hội và niềm tin vào Chúa của chúng ta đã bắt đầu.
Ngày nay thánh tích này mang lại chứng tá gì cho những người đến viếng?
Đức ông Piero Marini: Thánh tích này chỉ về sự nghèo khó mà Giáo hội đã bắt đầu, điều mà Giáo hội phải luôn đo lường trong lịch sử, cho dù không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Chúa được sinh ra và Người được đặt ở đó, trên đống rơm cỏ, nơi có các loài động vật, vì Người chẳng có gì cả. Rồi Đấng Nghèo khó kết thúc trên thập giá, và dù sự thật rằng Chúa đã phục sinh, nhưng nhân tính trong Chúa đã sống qua những kinh nghiệm vô cùng nghèo khó. Đó là lý do tại sao Thánh Phanxicô nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa; ngài nhấn mạnh đến sự nghèo khó này là cần thiết đối với Giáo hội.
Mọi người có thể đến đây chiêm ngắm và suy ngẫm về những mảnh gỗ khi biết lịch sử của chúng cũng như những gì chúng làm chứng.
Những mảnh gỗ đã đến Rome như thế nào?
Đức ông Piero Marini: Năm 636, Giêrusalem bị quân Saracens bao vây. Vì lý do này, đức Thượng Phụ Giêrusalem là Sophronius, không thể cử hành lễ tại Bêlem, nơi có máng cỏ thánh. Trước tình hình đó, ngài đã lấy những mảnh gỗ của máng cỏ thánh và gửi chúng về Rome với Đức Giáo hoàng Theodore I, gốc người Palestine. Họ muốn giữ lại những mảnh gỗ vì chúng là thánh tích quý báu đối với họ.
Sau đó chúng được bảo quản như thế nào?
Đức ông Piero Marini: Thánh tích đã đến Nhà thờ Đức Bà Cả và do đó nhà thờ được gọi là Thánh Mary “ad praesepe”, có nghĩa là Thánh Mary của máng cỏ. Nó còn được gọi là Bêlem của Rome hay Bêlem của phương Tây. Vương cung thánh đường này là nơi hoàn hảo để lưu giữ máng cỏ vì đây là đền thờ đầu tiên cung hiến cho Đức Trinh Nữ Maria.
Sau đó, trong những năm 700, vào thời Đức Giáo hoàng Adrian I, họ xây một nhà nguyện ở phía bên phải của vương cung thánh đường, nơi lưu giữ thánh tích máng cỏ thánh này. Trong nhiều thế kỷ, tất cả người hành hương đến Rome từ vùng Bắc Âu đều đến viếng thánh tích vì đây là một trong những di tích quan trọng nhất ở Rome.
Và sau đó?
Đức ông Piero Marini: Vào giữa những năm 1500, nhà nguyện này được sáp nhập vào một nhà nguyện bên trong Đền thờ Đức Bà Cả, và thánh tích được lưu giữ ở đó trong một hộp thánh tích được cho là rất đẹp. Bên cạnh đó còn có các cuộc rước kiệu và thánh tích được đặt trên bàn thờ chính vào dịp Giáng sinh.
Rồi vào cuối những năm 1700, quân đội Napoléon đến lấy đi hòm đựng thánh tích và để các mảnh gỗ lại. Ít năm sau, vào năm 1802, hòm đựng thánh tích bằng vàng và bạc mà chúng ta thấy ngày nay được ủy quyền làm bởi Đức Piô IX. Hòm đựng thánh tích được làm bởi nhà thiết kế Giuseppe Valadier, người xuất thân từ một gia đình thợ kim hoàn ở Rome. Đức Piô IX cũng cho xây dựng tầng hầm này, nơi vẫn còn đặt thánh tích, và làm một bức tượng ngài đang quỳ gối đặt trước thánh tích.
Cách đây vài năm, vào năm 2019, họ đã phục hồi lại những mảnh gỗ và gửi một mảnh nhỏ về Palestine làm thánh tích.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2023]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét