“Đứng trước Cảnh Giáng sinh chúng ta trở về với bản chất, con người lên trước vật chất”
Tiếp kiến chung: bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Buổi tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9 giờ tại Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và trên toàn thế giới.
Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy ngẫm về chủ đề: “Cảnh Giáng sinh ở Greccio, ngôi trường của sự tiết độ và niềm vui”. (Bài đọc: Lc 2:10-12). Sau đó, ngài lên tiếng kêu gọi cho các nạn nhân và người bị thương trong trận động đất xảy ra ở các tỉnh Cam Túc và Thanh Hải của Trung Quốc hôm thứ Hai tuần trước.
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.
_________________________________________
Bài Giáo lý. Cảnh Giáng sinh Greccio, ngôi trường của sự tiết độ và niềm vui
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tám trăm năm trước, vào lễ Giáng Sinh năm 1223, Thánh Phanxicô đã dựng cảnh Chúa Giáng sinh sống động ở Greccio. Trong lúc hang đá Chúa Giáng sinh đang được chuẩn bị hoặc hoàn thiện tại các gia đình và những nơi khác, thật tốt cho chúng ta khi khám phá lại nguồn gốc của cảnh hang đá Chúa Giáng sinh.
Máng cỏ ra đời như thế nào? Ý định của Thánh Phanxicô là gì? Ngài nói như sau: “Tôi muốn miêu tả Hài Nhi sinh ra ở Bêlem, và bằng một cách nào đó, bằng đôi mắt của xác thịt nhìn thấy những gian khó mà Người gặp phải vì thiếu những thứ cần thiết cho một trẻ sơ sinh: Người được đặt trong máng cỏ như thế nào và Người nằm trên đống rơm giữa con bò và con lừa như thế nào” (Tommaso da Celano, Vita prima, XXX, 84: FF 468). Thánh Phanxicô không mong muốn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đẹp, nhưng qua cảnh Chúa Giáng sinh, khơi gợi lòng kinh ngạc trước sự khiêm nhường tột cùng của Chúa, trước những khó khăn mà Người phải chịu trong hang đá nghèo khổ ở Bêlem vì yêu thương chúng ta. Thật vậy, người viết tiểu sử Thánh Assisi nhấn mạnh: “Trong khung cảnh rất cảm động đó, sự đơn sơ của Tin Mừng tỏa sáng, sự nghèo khó được ca ngợi, sự khiêm nhường được tôn vinh. Và Greccio đã trở nên giống như một Bêlem mới” (nt., 85).
Cha đã nhấn mạnh từ “kinh ngạc”. Và điều này rất quan trọng. Nếu người Kitô hữu chúng ta xem máng cỏ như một cảnh đẹp, như một điều gì đó mang tính lịch sử, thậm chí mang tính tôn giáo, và cầu nguyện, thì điều này vẫn chưa đủ. Trước mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, trước sự giáng sinh của Chúa Giêsu, chúng ta cần có thái độ kinh ngạc mang tính tôn giáo này. Nếu trước các mầu nhiệm, tôi không cảm thấy kinh ngạc như vậy thì đức tin của tôi chỉ là hời hợt; một “đức tin của máy tính”. Anh chị em đừng quên điều này.
Và một nét đặc trưng của cảnh Chúa Giáng sinh là nó được ngụ ý như một trường học về sự tiết độ. Và điểm này có rất nhiều điều để nói với chúng ta. Thật vậy, ngày nay, nguy cơ đánh mất điều trọng yếu trong cuộc sống là vô cùng lớn, và thật nghịch lý, nó lại gia tăng vào dịp Lễ Giáng Sinh – não trạng về Lễ Giáng Sinh đã thay đổi – chìm đắm trong chủ nghĩa hưởng thụ làm xói mòn ý nghĩa của Lễ Giáng sinh. Chủ nghĩa hưởng thụ lễ Giáng sinh. Đúng là bạn muốn tặng những món quà, điều đó tốt thôi, đó là một cách, nhưng sự quay cuồng trong việc đi mua sắm sẽ kéo chú ý đến nơi khác, và không có sự tiết độ của Giáng sinh. Chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ: sự kinh ngạc trước máng cỏ. Đôi khi không có không gian trong lòng cho sự kinh ngạc mà chỉ có không gian để tổ chức những bữa tiệc, để dự những bữa tiệc.
Và cảnh Chúa Giáng sinh được tạo ra để đưa chúng ta trở lại với điều trọng yếu: về với Thiên Chúa, Đấng đến ở giữa chúng ta. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là biết ngắm xem cảnh Chúa Giáng sinh, bởi vì nó giúp chúng ta hiểu được điều gì là quan trọng cũng như các mối tương quan xã hội của Chúa Giêsu trong thời điểm đó, gia đình, Thánh Giuse và Đức Maria, và những người thân yêu, các mục đồng. Con người phải lên trước vật chất. Và chúng ta thường đặt vật chất lên trước con người. Điều này không tốt.
Nhưng cảnh Giáng sinh ở Greccio, ngoài sự tiết độ mà chúng ta nhìn thấy, còn nói đến niềm vui. Vì niềm vui khác với việc có thời gian vui vẻ. Nhưng có thời gian vui vẻ cũng không phải là điều xấu nếu được thực hiện theo những con đường tốt. Nó không phải là điều xấu, đó là việc của con người. Nhưng niềm vui thì sâu sắc hơn. Nhân văn hơn. Và đôi khi có sự cám dỗ là muốn có thời gian vui vẻ mà không có niềm vui; vui vẻ bằng cách gây ồn ào, nhưng niềm vui không có ở đó. Nó hơi giống như hình tượng chú hề, cười nói liên tục, làm cho người ta cười nhưng trong lòng lại trĩu buồn. Niềm vui là gốc rễ của sự vui vẻ tốt lành của Giáng sinh.
Và về sự tiết độ, biên niên sử ngày xưa viết: “Và ngày vui đến, thời điểm hân hoan! […] Thánh Phanxicô […] rạng rỡ […]. Mọi người đổ xô đến và hân hoan với một niềm vui mà họ chưa từng nếm trải trước đây […]. Mọi người trở về nhà với niềm vui khôn tả” (Vita prima, XXX, 85-86: FF 469-470). Sự tiết độ, kinh ngạc sẽ đưa bạn đến niềm vui, niềm vui đích thực chứ không phải niềm vui giả tạo.
Nhưng niềm vui Giáng sinh này đến từ đâu? Chắc chắn không phải vì đã mang quà về nhà hay đã có những lễ lạt xa hoa. Không, đó là niềm vui trào dâng từ trái tim khi người ta chạm đến sự gần gũi của Chúa Giêsu cách hữu hình, chạm đến sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng không để chúng ta cô đơn, nhưng an ủi chúng ta. Gần gũi, dịu dàng và thương xót, đó là ba thái độ của Thiên Chúa. Và nhìn vào cảnh hang đá Chúa Giáng sinh, cầu nguyện trước hang đá, chúng ta cảm nghiệm được những điều này của Chúa, những điều trợ giúp chúng ta trong cuộc sống mỗi ngày.
Anh chị em thân mến, cảnh Chúa Giáng sinh giống như một cái giếng nhỏ để từ đó có thể đến gần Thiên Chúa, nguồn hy vọng và niềm vui. Cảnh Giáng Sinh giống như một Tin Mừng sống động, một Tin Mừng gia đình. Giống như cái giếng trong Kinh thánh, đó là nơi gặp gỡ, nơi chúng ta mang đến cho Chúa Giêsu những mong đợi và lo lắng của cuộc sống, giống như các mục đồng ở Bêlem và người dân ở Greccio đã làm. Mang đến cho Chúa Giêsu những mong đợi và lo lắng của cuộc sống.
Trước hang đá, nếu chúng ta phó thác cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta yêu quý, chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được “niềm vui lớn lao” (Mt 2:10), một niềm vui đến từ việc chiêm ngắm, từ tinh thần kinh ngạc mà tôi đi đến để chiêm ngắm những mầu nhiệm này.
Chúng ta hãy đứng trước cảnh Chúa Giáng Sinh. Mọi người hãy nhìn xem và cho phép trái tim mình cảm nhận được điều gì đó bên trong. Cảm ơn anh chị em.
_________________________________________
Lời chào đặc biệt
Cha gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh, đặc biệt là những người đến từ Malaysia và Nigeria. Trong những ngày cuối cùng trước khi chúng ta cử hành lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu, cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và Hoàng tử Hòa bình, tuôn đổ trên anh chị em và gia đình anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!
_________________________________________
LỜI KÊU GỌI
Tôi hướng suy nghĩ đến những người đã chết và những người bị thương do trận động đất kinh hoàng xảy ra ở các tỉnh Cam Túc và Thanh Hải của Trung Quốc vào thứ Hai tuần trước. Tôi gần gũi với những người đau khổ bằng tình cảm và lời cầu nguyện; Tôi động viên những công tác cứu trợ; và tôi cầu xin mọi phúc lành của Đấng Toàn năng, xin Ngài mang lại sự an ủi và giảm bớt nỗi đau buồn của họ.
[Nguồn: exaudi]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/12/2023]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét