Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 25.02.2024

Những người tìm kiếm ánh sáng: Hành trình Mùa Chay với Chúa Giêsu

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha  ngày 25.02.2024

Vatican Media

*******

Trưa hôm nay, Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cùng Chúa Giêsu lên Núi Tabo và chiêm ngưỡng vinh quang của Người khi suy niệm trích đoạn Tin Mừng về biến cố Hiển dung. Kinh nghiệm này nhắc nhở chúng ta rằng, ngay cả giữa những khó khăn, ánh sáng của Chúa Kitô vẫn luôn tỏa rạng.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

__________________________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của Chúa nhật thứ hai Mùa Chay này trình bày cho chúng ta trích đoạn sự Biến hình của Chúa Giêsu (x. Mc 9:2-10).

Sau khi loan báo cuộc Khổ nạn của Người cho các môn đệ, Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi cùng lên một ngọn núi cao, và ở đó Người tỏ lộ ánh sáng của Người. Bằng cách này, Người tiết lộ cho họ ý nghĩa của những gì họ đã cùng nhau trải qua cho đến thời điểm đó. Việc rao giảng Nước Trời, sự tha tội, chữa lành và thực hiện các dấu lạ thực sự là những tia sáng của một ánh sáng lớn lao hơn, tức là ánh sáng của Chúa Giêsu, ánh sáng là chính Chúa Giêsu. Và các môn đệ không bao giờ rời mắt khỏi ánh sáng này, nhất là trong những lúc thử thách, như những thời điểm trong Cuộc Khổ nạn cận kề với biến cố này.

Đây là thông điệp của hôm nay: không bao giờ rời mắt khỏi ánh sáng của Chúa Giêsu. Nó hơi giống với những việc mà người nông dân thường làm trước đây khi cày ruộng: họ tập trung nhìn vào một điểm cụ thể phía trước, và trong lúc vẫn không rời mắt khỏi điểm đích đó, họ vạch ra những luống cày thẳng tắp.

Đây là điều mà chúng ta được mời gọi thực hiện với tư cách là những Kitô hữu khi chúng ta hành trình trong cuộc sống: luôn giữ dung nhan rạng ngời của Chúa Giêsu trước mắt chúng ta.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy mở lòng đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu! Ngài là tình yêu, Ngài là sự sống bất tận. Trên những con đường của cuộc sống, đôi khi có thể quanh co khúc khuỷu, chúng ta hãy tìm kiếm dung nhan của Chúa, Đấng đầy lòng thương xót, trung tín và hy vọng. Chính việc Cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Hòa giải và Thánh Thể, giúp chúng ta làm được điều này: Cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và các Bí tích giúp chúng ta luôn hướng mắt về Chúa Giêsu.

Và đây là một cam kết tốt lành trong Mùa Chay: nuôi dưỡng một cái nhìn chào đón, trở thành “những người tìm kiếm ánh sáng”, những người tìm kiếm ánh sáng Chúa Giêsu, cả trong cầu nguyện lẫn nơi con người.

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có luôn hướng mắt nhìn về Đức Kitô là Đấng đồng hành với tôi không? Và để làm được như vậy, tôi có dành không gian cho sự thinh lặng, cầu nguyện và tôn thờ không? Cuối cùng, tôi có tìm kiếm từng tia sáng nhỏ bé của Chúa Giêsu, những tia sáng phản chiếu nơi tôi và nơi mỗi anh chị em mà tôi gặp gỡ không? Và tôi có nhớ tạ ơn Chúa vì điều đó không?

Xin Mẹ Maria, Đấng tỏa sáng bằng ánh sáng của Thiên Chúa, giúp chúng ta luôn chăm chú ánh mắt nhìn vào Chúa Giêsu, và nhìn nhau với lòng tin tưởng và yêu thương.

_______________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Thật đau buồn khi ngày hôm qua chúng ta nhớ đến kỷ niệm lần thứ hai ngày khai mào cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Ukraine, ngày 24 tháng Hai. Không biết bao nạn nhân và người bị thương, không biết bao nhiêu sự tàn phá, thống khổ và nước mắt trong một thời gian trở nên quá dài và chưa thể nhìn thấy được hồi kết của nó! Đó là một cuộc chiến không chỉ tàn phá khu vực Châu Âu mà còn gây ra làn sóng sợ hãi và hận thù toàn cầu. Và một lần nữa tôi xin gửi tình cảm chân thành đến người dân Ukraine đang bị hành hạ, tôi cầu nguyện liên lỷ cho mọi người, đặc biệt là cho không biết bao nhiêu nạn nhân vô tội. Tôi tha thiết cầu xin có một chút nhân đạo để tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao trong việc tìm kiếm nền hòa bình công bằng và dài lâu. Thưa anh chị em, và chúng ta đừng quên cầu nguyện cho Palestine, cho Israel, và cho nhiều dân tộc bị chia cắt bởi chiến tranh, và giúp đỡ cách cụ thể cho những người đang đau khổ! Chúng ta hãy nghĩ đến không biết bao nhiêu đau khổ, chúng ta hãy nghĩ đến những *trẻ em vô tội, bị thương tích.

Tôi lo ngại khi theo dõi tình trạng bạo lực gia tăng ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi cùng hiệp chung lời kêu gọi của các giám mục để cầu nguyện cho hòa bình, hy vọng rằng những cuộc đụng độ chấm dứt và có thể tìm được một cuộc đối thoại chân thành và mang tính xây dựng.

Tình trạng bắt cóc ngày trở nên thường xuyên ở Nigeria là điều vô cùng đáng lo ngại. Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Nigeria trong lời cầu nguyện, hy vọng rằng ngày càng có nhiều nỗ lực được thực hiện để ngăn chặn sự lan rộng những vụ việc này.

Tôi cũng gần gũi với người dân Mông Cổ đang bị ảnh hưởng bởi đợt rét hại đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt nhân đạo. Hiện tượng cực đoan này cũng là dấu hiệu của biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó. Khủng hoảng khí hậu là một vấn đề xã hội toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của nhiều anh chị em, đặc biệt là đời sống của những người dễ bị tổn thương nhất: chúng ta hãy cầu nguyện để có thể có được những lựa chọn khôn ngoan và can đảm để góp phần chăm sóc tạo vật.

Cha xin chào anh chị em tín hữu Rome và đến từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những anh chị em hành hương đến từ Jaén (Tây Ban Nha), giới trẻ Công giáo Hy Lạp đến từ Paris, các Cộng đoàn Tân Dự tòng đến từ Ba Lan, Romania và Ý.

Cha cũng gửi lời chào Chủng viện Giáo hoàng Liên vùng Posillipo, Ban Thư ký của Diễn đàn Quốc tế Công giáo Tiến hành, các Hướng đạo sinh Paliano, và các ứng viên Thêm sức thuộc vùng Lastra Signa, Torre Maina và Gorzano.

Cha cũng gửi lời chào Liên đoàn Bệnh hiếm của Ý, Nhóm Văn hóa “Reggio Ricama”, các thành viên của Phong trào Bất bạo động và các tình nguyện viên của Hiệp hội N.O.E.T.A.A. Và cha chào các bạn trẻ Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/2/2024]


Cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới ở trong vương cung thánh đường Alps của Thụy Sĩ

Cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới ở trong vương cung thánh đường Alps của Thụy Sĩ

Cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới ở trong vương cung thánh đường Alps của Thụy Sĩ

Sthullen | CC BY-SA 3.0

V. M. Traverso

05/02/24


Cây đàn organ của Vương cung thánh đường kiên cố Valère, Sion, Thụy Sĩ, có niên đại từ năm 1435, và nó đã được chơi lại vào những năm 1960.

Kể từ buổi bình minh của đạo Công giáo, âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo mối liên kết thiêng liêng với Thiên Chúa. Đàn organ — loại nhạc cụ tạo ra âm thanh bằng cách đẩy áp suất không khí qua các đường ống bằng cách nhấn các phím trên bàn phím — có lẽ đã trở thành biểu tượng cho thánh nhạc hơn bất kỳ loại nhạc cụ nào khác. Được sử dụng rộng rãi từ thế kỷ 14, đàn organ có nhiều hình thức và kiểu dáng, bao gồm loại organ thùng di động và đàn organ ban nhạc.

Có niên đại từ năm 1435, cây đàn organ còn sử dụng được lâu đời nhất thế giới được tìm thấy ở Thụy Sĩ, trong Vương cung thánh đường Valère kiên cố trên đỉnh đồi, một nhà thờ cao vút được xây dựng vào thế kỷ 13 phía trên thành phố Sion của Thụy Sĩ. Các ống của cây đàn, được sắp xếp để tái tạo lại đường nét của một nhà thờ – với hai bộ ống cao hơn nằm ở hai bên của bộ ống xếp hình tam giác – vẫn không thay đổi kể từ khi được đóng cách đây hơn 500 năm, ngoại trừ việc đưa vào sử dụng một loạt các ống đặc biệt được thiết kế để chơi nhạc Baroque vào thế kỷ 18.

Cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới ở trong vương cung thánh đường Alps của Thụy Sĩ

Có niên đại từ năm 1435, cây đàn organ có thể chơi được lâu đời nhất thế giới hiện được bảo quản trong Vương cung thánh đường Valère thuộc thế kỷ 13 ở Thụy Sĩ. Christian David | CC BY-SA 4.0

Như được giải thích trong một blog về các loại nhạc cụ cổ, cây đàn organ có tuổi đời hàng thế kỷ này phù hợp nhất cho thể loại cổ nhạc sử dụng các hợp âm D, F hoặc G. Những tín đồ âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới đổ về góc dãy Alps này của Thụy Sĩ vào mùa hè, khi vương cung thánh đường tổ chức Đại hội đàn Organ cổ quốc tế hàng năm. Kéo dài 20 ngày từ giữa đến cuối tháng Bảy, lễ hội bao gồm các buổi trình diễn và nói chuyện về đàn organ cổ.

Cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới ở trong vương cung thánh đường Alps của Thụy Sĩ

Các ống của đàn organ được sắp xếp để tạo thành thiết kế của một nhà thờ, với hai bộ ống cao hơn đứng ở hai bên của một bộ ống hình tam giác. Frinck51 | CC BY 2.0

Maurice Wenger, người sáng lập Đại hội đàn organ cổ quốc tế, cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người đến xem buổi hòa nhạc đầu tiên được tổ chức để kỷ niệm cây đàn cổ xưa này”.

Ông Wenger đã biết đến cây đàn cổ này khi lớn lên ở vùng Valère. Khi biết rằng cây đàn organ di sản này không thể chơi được vì thiếu sự bảo trì, ông đã tìm đến các chuyên gia có thể biến cây đàn organ 600 năm tuổi này thành một nhạc cụ biểu diễn trực tiếp trở lại.

Nhờ nỗ lực của nhiều chuyên gia và các nhà tài trợ tham gia tài trợ cho việc phục hồi cây đàn, ông Wenger đã có thể thưởng thức lại bản nhạc trang trọng được chơi từ cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới. Rất xúc động trước trải nghiệm này, ông quyết định chia sẻ nó với những người đam mê nhạc của đàn organ và khởi đầu Lễ hội đàn organ cổ quốc tế vào năm 1969.

Phiên bản tiếp theo của lễ hội sẽ diễn ra vào tháng Bảy năm 2024 và chương trình sẽ sẵn sàng vào đầu tháng Sáu.

Các bạn lắng nghe âm thanh của cây đàn organ cổ xưa nhất trên thế giới trong video dưới đây:




[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/2/2024]


Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 18.02.2024: Trong Mùa Chay, đi vào thinh lặng, đi vào thế giới nội tâm, lắng nghe tâm hồn, tiếp xúc với sự thật

Trong Mùa Chay, đi vào thinh lặng, bước vào thế giới nội tâm, lắng nghe tâm hồn, tiếp xúc với sự thật

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 18.02.2024: Trong Mùa Chay, đi vào thinh lặng, đi vào thế giới nội tâm, lắng nghe tâm hồn, tiếp xúc với sự thật

Vatican Media


*******

Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Vào Chúa nhật thứ Nhất Mùa Chay, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta “đi vào sa mạc” như Chúa Giêsu, để nhận biết những thói mê tật xấu, ham muốn quyền lực, phù phiếm và lòng tham đang chế ngự tâm hồn và chiến thắng chúng bằng sự thinh lặng, cầu nguyện, và lắng nghe lời Chúa.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_________________________________________________


Trước kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Hôm nay, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc (x. Mc 1:12-15). Văn bản viết: “Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ”. Cả chúng ta nữa cũng được mời gọi “đi vào hoang địa” trong Mùa Chay, nghĩa là đi vào thinh lặng, bước vào thế giới nội tâm, lắng nghe tâm hồn, tiếp xúc với sự thật. Tin Mừng hôm nay cho biết thêm, trong sa mạc Đức Kitô “sống giữa các loài dã thú; và có các Thiên sứ hầu hạ Ngài” (c. 13). Các dã thú và thiên thần là bạn cùng với Ngài. Nhưng, theo ý nghĩa tượng trưng, họ cũng là bạn đồng hành của chúng ta: quả thật, khi đi vào thế giới hoang dã bên trong, chúng ta có thể gặp những thú dữ và thiên thần ở đó.

Các loài dã thú. Theo nghĩa nào? Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta có thể coi chúng như những thói mê đắm hỗn loạn đang chia cắt tâm hồn, cố chiếm hữu tâm hồn. Chúng lôi kéo chúng ta, chúng làm say đắm nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta có nguy cơ bị chúng xé tan. Chúng ta có thể đặt tên cho những “con thú dữ” này của linh hồn: những thói hư tật xấu, sự thèm muốn của cải, giam cầm chúng ta trong tình trạng đồng lõa và bất mãn, sự phù phiếm của lạc thú, khiến chúng ta luôn bồn chồn và cô độc, và khát khao danh vọng làm nảy sinh sự bất an và nhu cầu liên tục muốn được công nhận và nổi bật – chúng ta đừng quên những điều mà chúng ta phải đối mặt trong lòng – sự thèm muốn, tính phù phiếm và lòng tham. Chúng giống như những con thú “hoang”, vì vậy chúng phải được thuần hóa và chống lại; bằng không, chúng sẽ nuốt chửng sự tự do của chúng ta. Và chúng ta hãy đi vào hoang địa tâm hồn để sửa chữa những điều này.

Và trong sa mạc có các thiên thần. Đây là những sứ giả của Thiên Chúa giúp đỡ chúng ta, làm điều tốt cho chúng ta: thật vậy, theo Tin Mừng, đặc điểm của họ là phục vụ (x. câu 13): trái ngược hoàn toàn với sự chiếm hữu là đặc tính của những thói mê đắm. Phục vụ nghịch lại sự chiếm hữu. Thay vào đó, các thiên sứ gợi lên những suy nghĩ và tình cảm tốt đẹp do Chúa Thánh Thần đề nghị. Trong khi những cơn cám dỗ xé nát chúng ta, thì những nguồn cảm hứng tốt lành của Thiên Chúa hiệp nhất chúng ta và cho phép chúng ta đi vào sự hòa hợp: chúng xoa dịu tâm hồn, thấm truyền hương vị của Đức Kitô, “hương vị Thiên Đàng”. Và để nắm bắt được nguồn cảm hứng của Thiên Chúa, người ta phải đi vào sự thinh lặng và cầu nguyện. Và Mùa Chay là thời gian để làm điều này.

Trước hết, chúng ta hãy tự hỏi đâu là những thói mê đắm hỗn loạn, những “con dã thú hoang dại” đang khuấy động trong lòng tôi? Câu hỏi thứ hai: cho phép tiếng Chúa nói với tâm hồn tôi và giữ gìn tiếng đó trong sự tốt lành, tôi có nghĩ đến việc lui một chút vào “vùng hoang địa” không, tôi có cố gắng dành không gian trong ngày cho việc này không?

Xin Đức Thánh Trinh nữ, Đấng đã tuân giữ Lời và không để mình bị cám dỗ bởi ma quỷ, giúp chúng ta trên hành trình Mùa Chay.

________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Đã mười năm trôi qua kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột vũ trang ở Sudan gây ra tình trạng nhân đạo vô cùng trầm trọng. Một lần nữa tôi kêu gọi các bên xung đột chấm dứt cuộc chiến tranh đang gây ra nhiều thiệt hại to lớn cho người dân và tương lai của đất nước. Chúng ta hãy cầu nguyện để có thể sớm tìm được những con đường hòa bình, để xây dựng tương lai của Sudan thân yêu.

Bạo lực tấn công những người dân không có khả năng tự vệ, phá hủy cơ sở hạ tầng và tình trạng mất an ninh lan tràn trở lại ở tỉnh Cabo Delgado, Mozambique, nơi có khu truyền giáo Đức Mẹ Châu Phi của Công giáo tại Mazezeze cũng bị đốt cháy trong những ngày gần đây. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình trở lại với vùng đất bị hành hạ đó. Và chúng ta không quên rất nhiều cuộc xung đột khác đã làm vấy máu lục địa Châu Phi và nhiều nơi trên thế giới: kể cả Châu Âu, Palestine, Ukraine…

Chúng ta đừng quên: chiến tranh luôn là sự thất bại. Bất cứ nơi nào có chiến tranh, người dân kiệt lực, mệt mỏi vì chiến tranh vì chiến tranh luôn là vô nghĩa và chẳng đi đến đâu ngoài việc mang lại cái chết, sự hủy diệt và không bao giờ dẫn đến giải pháp cho các vấn đề. Thay vào đó, chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện, vì lời cầu nguyện là hiệu quả, và chúng ta hãy xin Chúa ban ơn cho trí óc và tâm hồn biết cống hiến cho hòa bình cách cụ thể.

Cha chào anh chị em tín hữu Rome và các vùng khác của nước Ý và thế giới, đặc biệt là anh chị em hành hương đến từ Hoa Kỳ, các Cộng đoàn Tân Dự tòng thuộc các giáo xứ ở Cộng hòa Séc, Slovakia và Tây Ban Nha, các sinh viên của Học viện “Carolina Coronado” Almendralejo và hiệp hội tình nguyện “Theo bước chân của những Người phục vụ – hướng tới Thế giới”. Và cha chào những người trồng trọt và chăn nuôi có mặt trong quảng trường!

Chiều nay, cùng với các cộng tác viên của Giáo triều, chúng tôi sẽ bắt đầu tuần Linh thao. Cha mời gọi các cộng đoàn và tín hữu dành thời gian cụ thể để quy tụ trước sự hiện diện của Chúa trong Mùa Chay này và trong suốt năm chuẩn bị cho Năm Thánh, tức là “Năm Cầu Nguyện”.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/2/2024]


Đức Thánh Cha vinh danh “vị tử đạo sống” của chế độ Cộng sản

Đức Thánh Cha vinh danh “vị tử đạo sống” của chế độ Cộng sản

Đức Thánh Cha vinh danh “vị tử đạo sống” của chế độ Cộng sản

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media

16/02/24


Đức Hồng y Simoni, một linh mục đơn sơ, có mặt trong buổi tiếp kiến giáo hoàng ngày 14 tháng Hai. Ngài phải chịu tù đày và lao động cưỡng bức dưới chế độ Cộng sản ở Albania.

Đức Giáo hoàng Phanxicô tôn vinh Đức Hồng y Ernest Simoni (có mặt trong buổi tiếp kiến), vị “tử đạo sống” người Albania đã trải qua 18 năm cuộc đời trong cảnh tù đày và lao động khổ sai dưới thời kỳ Cộng sản. Vào cuối buổi Tiếp kiến chung ngày 14 tháng Hai năm 2024, Đức Thánh Cha đã yêu cầu mọi người dành một tràng pháo tay cho vị hồng y 95 tuổi, “người tiếp tục làm việc cho Giáo hội không nản chí”.

“Hiền huynh thân mến, tôi cảm ơn chứng tá của hiền huynh.” Trong Khán phòng Phaolô VI của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô hướng về Đức Hồng y Ernest Simoni để bày tỏ lòng kính trọng chân thành đối với ngài. Đề cập rất nhiều các vị tử đạo ngày nay đang hy sinh vì đức tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô, “có lẽ nhiều hơn so với trong quá khứ”, Đức Thánh Cha Phanxicô trước đám đông đã nói lời cảm ơn chân thành dành cho vị linh mục này, người mà ngài đã gặp vào năm 2014 trong chuyến tông du đến Albania.

Đức Thánh Cha vinh danh “vị tử đạo sống” của chế độ Cộng sản

Cardinal Ernest Simoni TIZIANA FABI | AFP

“Ngài đã phải ngồi tù 28 năm [đính chính 18 năm], trong các nhà tù của Cộng sản Albania, có lẽ là cuộc đàn áp tàn bạo nhất. Và ngài tiếp tục làm chứng,” Đức Thánh Cha nói trong tiếng vỗ tay của đám đông.

Năm 2016, xúc động trước hành trình của vị linh mục sắp bước sang tuổi 88 này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng ngài lên bậc hồng y – một quyết định hiếm hoi vì Cha Ernest Simoni không phải là giám mục.


Bị bắt sau Thánh lễ Giáng sinh

Xuất thân từ một gia đình rất sùng đạo, cậu Ernest Simoni vào tiểu chủng viện Phanxicô ở Troshani lúc 10 tuổi vào năm 1938.

Năm 1948, nhà dòng của ngài bị lực lượng Cộng sản của nhà độc tài Enver Hoxha cướp phá và biến thành nơi tra tấn tù nhân.

Năm 20 tuổi, tu sĩ trẻ tuổi dòng Phanxicô bị chế độ chuyển đến một ngôi làng miền núi vùng sâu vùng xa, trước khi thực hiện nghĩa vụ quân sự hai năm. Sau khi bí mật tiếp tục theo các môn học, thầy được thụ phong linh mục năm 1956, ở tuổi 27. Với sự đồng ý của giám mục địa phương, ngài được chuyển sang làm linh mục Giáo phận Scutari, trong khi trong lòng vẫn là một tu sĩ Phanxicô.

Ngày 24 tháng Mười Hai năm 1963, Cha bị bắt sau Thánh lễ Giáng sinh. Lúc đầu cha bị kết án tử hình, nhưng bản án này sau đó được giảm xuống còn 25 năm lao động khổ sai. Điều này giúp cha có cơ hội hướng dẫn thiêng liêng cho các tù nhân, cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh theo trí nhớ và giải tội cho họ. “Tôi cầu nguyện rất nhiều, đặc biệt là Kinh Mân Côi,” cha nhớ lại.

Cha viết trên các bức tường của nhà tù: “Cuộc đời tôi là Chúa Giêsu”. Bị kết án tử hình một lần nữa vào năm 1973, cha thoát khỏi bản án hành quyết nhờ lời khai của các tù nhân thay mặt cha.

Được trả tự do năm 1981, sau 18 năm ngồi tù, cha vẫn bị chế độ coi là “kẻ thù của nhân dân” và bị buộc phải làm việc trong hệ thống cống rãnh ở Scutari. Ngài thực hiện sứ vụ linh mục của mình một cách bí mật cho đến khi chế độ Cộng sản sụp đổ vào năm 1990.

Đức Thánh Cha vinh danh “vị tử đạo sống” của chế độ Cộng sản

AFP PHOTO / OSSERVATORE ROMANO

“Hôm nay chúng ta đã chạm đến các vị tử đạo,” Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố sau khi nghe lời chứng của ngài và của một nữ tu, trong chuyến tông du đến Albania vào tháng Chín năm 2014.

Ở tuổi 95, Đức Hồng y Ernest Simoni vẫn có thể đi lại và cử hành các bí tích. Chẳng hạn, vào tối thứ Ba, ngài đã dâng Lễ tại nhà nguyện của Hiến binh Thụy Sĩ ở Vatican.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/2/2024]


Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Thánh lễ Phong thánh cho Chân phước María Antonia de San José de Paz y Figueroa: Mẹ Antula là người lữ hành của Thần Khí

Đức Thánh Cha: Mẹ Antula là người lữ hành của Thần Khí

Thánh lễ Phong thánh cho Chân phước María Antonia de San José de Paz y Figueroa

Thánh lễ Phong thánh cho Chân phước María Antonia de San José de Paz y Figueroa: Mẹ Antula là người lữ hành của Thần Khí

Vatican Medoa


*******

Vào lúc 9h30 sáng nay, Chúa Nhật VI Thường Niên, tại Vương cung Thánh đường Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế Thánh Lễ và Nghi thức phong thánh cho Chân phước Maria Antonia de San José de Paz y Figueroa (1730–1799), Đấng sáng lập ngôi nhà linh thao ở Buenos Aires. Hiện diện trong Thánh lễ có Tổng thống Cộng hòa Argentina, người được Đức Thánh Cha chào trước và sau nghi thức, sau đó ông rời Vương cung Thánh đường.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha sau khi công bố Tin Mừng:

____________________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Bài đọc thứ nhất (x. Lv 13:1-2.45-46) và Tin Mừng (x. Mc 1:40-45) nói về bệnh phong hủi: một căn bệnh liên quan đến sự hao mòn tàn tạ thân xác ngày càng nhiều của con người, và thật đáng thương, thậm chí cả ngày nay, ở một số nơi người bệnh bị coi như những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Bệnh phong và sự tẩy chay. Đây là những căn bệnh mà Chúa Giêsu muốn giải thoát cho người đàn ông mà Ngài gặp trong Tin Mừng. Chúng ta hãy xem hoàn cảnh của anh ta.

Người phong hủi đó bị buộc phải sống ngoài thành. Yếu đuối vì bệnh tật, thay vì được đồng bào giúp đỡ, anh thấy mình bị bỏ rơi và quả thật còn bị tổn thương hơn nữa bởi sự tẩy chay và loại bỏ. Tại sao? Thứ nhất, vì sợ hãi, sợ nhiễm bệnh và cùng chung một kết cục: “Xin Chúa đừng để điều đó xảy ra với chúng tôi nữa! Chúng ta đừng mạo hiểm mà phải giữ khoảng cách!” Nỗi sợ hãi. Rồi thành kiến: “Nếu anh ta mắc căn bệnh khủng khiếp này” – người ta nghĩ như vậy – “chắc chắn là do Chúa đang trừng phạt anh ta vì một tội nào đó anh ta đã phạm; vậy nên rốt cuộc anh ta đáng chịu điều đó!”

Đây là thành kiến. Và cuối cùng, vì tính tôn giáo sai lầm: thời đó người ta cho rằng việc chạm vào người chết sẽ bị ô uế về mặt nghi lễ, và người phong hủi giống như xác chết biết đi. Người ta cho rằng chỉ cần tiếp xúc nhẹ với người bệnh cũng khiến một người bị ô uế như họ. Một trường hợp tôn giáo tính bị bóp méo, dựng lên những rào cản và chôn vùi lòng thương xót.

Sợ hãi, thành kiến và tính tôn giáo giả tạo. Đây là ba nguyên nhân gây ra sự bất công lớn. Ba “căn bệnh phong hủi của tâm hồn” khiến những người yếu đuối phải chịu đau khổ rồi bị vứt bỏ như vật phế thải. Thưa anh chị em, chúng ta đừng nghĩ rằng đây chỉ là di tích của quá khứ. Chúng ta bắt gặp không biết bao nhiêu con người đau khổ trên vỉa hè trong các thành phố của chúng ta! Và biết bao nỗi sợ hãi, thành kiến và mâu thuẫn, ngay cả giữa những người là tín hữu và xưng mình là Kitô hữu, vẫn tiếp tục làm tổn thương họ nhiều hơn nữa! Trong thời đại chúng ta cũng vậy, có những trường hợp tẩy chay phải quan tâm, những rào cản cần phải phá bỏ, những hình thức “bệnh phong” cần được chữa trị. Nhưng bằng cách nào? Chúng ta làm việc đó như thế nào? Chúa Giêsu làm gì? Ngài làm hai việc: chạm vào và chữa lành.

Việc đầu tiên: Chúa chạm vào người đàn ông đó. Chúa Giêsu đáp lại tiếng kêu cứu của anh ta (x. câu 40); Chúa động lòng, Ngài dừng lại, Ngài đưa tay ra và chạm vào người đàn ông (x. câu 41), biết rõ rằng khi làm như vậy Chúa sẽ trở thành một “kẻ bị xã hội ruồng bỏ”. Thật kỳ lạ, các vai trò giờ đây đã đảo ngược: khi được chữa lành, người bệnh có thể đến gặp các tư tế và được tái tiếp nhận vào cộng đồng; Mặt khác, Chúa Giêsu không còn có thể tiến vào bất kỳ thị trấn nào (x. câu 45). Lẽ ra Chúa đã có thể tránh không chạm vào người đàn ông đó; chỉ cần thực hiện một sự “chữa lành từ xa” là đủ. Nhưng đó không phải là cách thức của Đức Kitô. Đường lối của Người là đường lối tình yêu đến gần những người đau khổ, tiếp xúc với họ và chạm vào vết thương của họ. Sự gần gũi của Thiên Chúa; Chúa Giêsu ở gần chúng ta, Thiên Chúa ở gần chúng ta. Thưa anh chị em thân mến, Thiên Chúa của chúng ta đã không ở xa xăm trên trời, nhưng trong Đức Giêsu, Người đã trở thành con người để chạm đến sự nghèo khó của chúng ta. Và đứng trước trường hợp xấu xa nhất của “bệnh phong hủi”, tức là tội, Người đã không ngần ngại chết trên thập giá, bên ngoài tường thành, bị chối bỏ như một tội nhân, như một người phong hủi, để chạm đến chiều sâu thực tại con người chúng ta. Một vị thánh đã từng viết: “Người đã trở thành người phong hủi vì chúng ta”.

Chúng ta, những người yêu mến và theo Chúa Giêsu, có khả năng bắt chước “cái chạm đến” của Người không? Nó không dễ thực hiện, và chúng ta phải cẩn thận kẻo lòng chúng ta nuôi dưỡng những bản năng trái ngược với thái độ “đến gần” và “trở thành quà tặng” cho người khác của Chúa. Chẳng hạn như khi chúng ta rút khỏi người khác và chỉ nghĩ đến bản thân; khi chúng ta thu hẹp thế giới xung quanh vào những giới hạn của “vùng an toàn” của bản thân; khi chúng ta tin rằng vấn đề luôn là của người khác và chỉ là của người khác… Trong những trường hợp như vậy, chúng ta cần phải chú ý, vì sự chẩn đoán đã rõ ràng: một “bệnh phong hủi của linh hồn”: một căn bệnh khiến chúng ta trở nên mù quáng trước tình yêu và lòng trắc ẩn, một căn bệnh hủy hoại chúng ta bởi những “vết ung nhọt” của ích kỷ, thành kiến, thờ ơ và bất khoan dung. Thưa anh chị em, chúng ta cũng hãy chú ý, vì cũng như những dấu hiệu đầu tiên của bệnh phong hủi xuất hiện trên da, nếu chúng ta không can thiệp ngay, thì nhiễm trùng sẽ phát triển và tàn phá. Trước mối nguy hiểm này, căn bệnh có thể xảy ra trong tâm hồn chúng ta, chúng ta tự hỏi liệu có cách chữa trị nào không?

Ở đây chúng ta được trợ giúp bởi điều thứ hai Chúa Giêsu làm: Ngài chữa lành (x. câu 42). “Cái chạm đến” của Người không chỉ là dấu hiệu của sự gần gũi mà còn là sự khởi đầu của tiến trình chữa lành. Gần gũi là phong cách của Thiên Chúa: Thiên Chúa luôn gần gũi, nhân hậu và dịu dàng. Sự gần gũi, lòng nhân hậu và sự dịu dàng. Đây là phong cách của Chúa. Chúng ta có mở lòng với phong cách đó không? Khi chúng ta để cho Chúa Giêsu chạm đến mình, chúng ta bắt đầu được chữa lành bên trong, trong tâm hồn mình.

Nếu chúng ta để Ngài chạm đến chúng ta trong lời cầu nguyện và tôn thờ, nếu chúng ta cho phép Chúa hành động trong chúng ta qua Lời và các bí tích của Chúa, thì sự tiếp xúc đó thực sự thay đổi chúng ta. Nó chữa lành chúng ta khỏi tội lỗi, giải phóng chúng ta khỏi sự ích kỷ và biến đổi chúng ta vượt xa hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể đạt được bằng chính bản thân và bởi những nỗ lực của mình. Những vết thương của chúng ta – những vết thương của tâm hồn và linh hồn –, những bệnh tật của linh hồn, cần được mang đến cho Chúa Giêsu. Cầu nguyện đạt đến điều này: không phải cầu nguyện như một bộ công thức trừu tượng và lặp đi lặp lại, mà là một lời cầu nguyện chân thành và sống động đặt dưới chân Chúa Kitô những đau khổ, những yếu đuối, những thất bại và nỗi sợ hãi của chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó và tự hỏi: Tôi có để Chúa Giêsu chạm vào “những bệnh phong hủi” của tôi để chữa lành cho tôi không?

Khi được Chúa Giêsu “chạm vào”, phần tốt đẹp nhất của chúng ta được tái sinh một lần nữa: các mô trong trái tim chúng ta được tái tạo; máu của những động lực sáng tạo của chúng ta, chứa đầy tình yêu, lại bắt đầu chảy; vết thương do lỗi lầm trong quá khứ của chúng ta lành lại và làn da trong các mối quan hệ của chúng ta trở nên tươi mới và khỏe mạnh. Vẻ đẹp mà chúng ta sở hữu, vẻ đẹp của chúng ta, được phục hồi. Nhờ tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta tìm lại được niềm vui khi hiến thân cho người khác mà không sợ hãi và thành kiến, bỏ lại đằng sau tính tôn giáo ảm đạm và xa rời và trải nghiệm một khả năng mới để yêu thương người khác một cách quảng đại và vô vị lợi.

Rồi như một trang Kinh thánh tuyệt vời kể cho chúng ta biết (x. Ed 37:1-14), từ nơi tưởng như là thung lũng đầy xương cốt, những thân xác sống trỗi dậy và một cộng đồng anh chị em được tái sinh và cứu rỗi. Tuy nhiên, sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng phép lạ này diễn ra theo quy mô lớn lao và ngoạn mục. Nó thường xảy ra nhất trong việc bác ái âm thầm được thực hiện mỗi ngày trong gia đình chúng ta, tại nơi làm việc, trong giáo xứ và trường học, trên đường phố, trong văn phòng và cửa hàng của chúng ta. Một việc bác ái không phô trương quảng cáo và không cần những tràng pháo tay, vì tình yêu tự nó là đủ (x. THÁNH AUGUSTINE, Enn. in Ps 118, 8, 3). Hôm nay Chúa Giêsu nói rõ điều này, khi Người ra lệnh cho người đàn ông hiện đã được chữa lành, “đừng nói gì với ai cả” (c. 44): sự gần gũi và kín đáo. Thưa anh chị em, đó là cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và nếu chúng ta cho phép Ngài chạm đến, thì cả chúng ta nữa, với quyền năng Thần Khí của Ngài, cũng sẽ có thể trở thành những chứng nhân cho tình yêu cứu độ của Ngài!

Hôm nay, chúng ta suy ngẫm về cuộc đời của Mẹ María Antonia de San José, “Mama Antula”. Mẹ là một “người lữ hành” của Thần Khí. Mẹ đã đi bộ hàng ngàn cây số, băng qua các sa mạc và những con đường nguy hiểm để mang Chúa đến với người khác. Mẹ là mẫu mực của lòng nhiệt thành và lòng can đảm tông đồ. Khi các tu sĩ Dòng Tên bị trục xuất, Thần Khí thắp lên trong mẹ ngọn lửa truyền giáo đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa Quan Phòng và sự kiên trì. Mẹ xin sự chuyển cầu của Thánh Giuse và để không làm ngài quá mệt; mẹ cũng xin sự chuyển cầu của Thánh Gaetano Thiene. Đây là cách giới thiệu lòng sùng kính đối với Thánh Gaetano Thiene; hình ảnh của ngài lần đầu tiên đến Buenos Aires vào thế kỷ thứ mười tám. Nhờ Mẹ Antula, vị thánh này, đấng chuyển cầu của Chúa Quan Phòng, đã đi qua các ngôi nhà, khu dân cư, phương tiện giao thông công cộng, các cửa hàng, nhà máy và tâm hồn để cống hiến một cuộc sống xứng đáng qua việc làm, công bình và lương thực hàng ngày trên bàn ăn của người nghèo. Chúng ta hãy cầu nguyện để Mẹ María Antonia, Thánh María Antonia de Paz de San José, sẽ giúp đỡ chúng ta. Xin Chúa chúc phúc lành cho tất cả mọi người!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/2/2024]


Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ về những nhân vật trong Tin Mừng mà ngài yêu thích

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ về những nhân vật trong Tin Mừng mà ngài yêu thích

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ về những nhân vật trong Tin Mừng mà ngài yêu thích

Antoine Mekary | ALETEIA

Isabella H. de Carvalho

08/02/24

Mácta, Ladarô, Phêrô và nhiều nhân vật khác… Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ những nhân vật yêu thích của ngài trong Phúc âm và những bài học mà họ truyền đạt.

Trong một cuộc phỏng vấn mở rộng về nhiều vấn đề với tạp chí Credere của Công giáo Ý, xuất bản ngày 8 tháng Hai năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ một số nhân vật trong Phúc âm mà ngài đồng cảm nhất và câu chuyện của họ gây được tiếng vang đặc biệt với ngài như thế nào. Đức Thánh Cha kể ra ba người phụ nữ và ba người đàn ông, với cách giải thích khác nhau về mỗi người.

Đức Phanxicô nói: “Không chỉ có một người, có nhiều người tôi thực sự yêu mến.”

“Tôi đang đề cập đến một số người phụ nữ”

Đức Thánh Cha đề cập đến ba người phụ nữ trong Tin Mừng, hai trong số đó là nặc danh. Đầu tiên là bà góa thành Nain khóc thương đứa con trai đã chết của bà, người mà sau đó Chúa Giêsu đã cho sống lại, như được mô tả trong Chương 7 Tin mừng theo Thánh Luca. Đức Giáo Hoàng cho biết ngài đánh giá cao “khả năng than khóc những người đã mất” của bà.

Ngài tiếp tục: “Tôi cũng thích người phụ nữ đã bí mật chạm vào áo choàng của Chúa Giêsu,” ý nói đến Chương 5 của Tin mừng theo Thánh Máccô. Trong Tin Mừng này, một người phụ nữ bị băng huyết đã kín đáo chạm vào áo choàng của Chúa Giêsu vì nghĩ rằng điều này có thể chữa lành cho bà. Khi điều đó xảy ra, Chúa Giêsu nói với bà rằng đức tin của bà đã cứu chữa bà. Đức Thánh Cha nói: “Thỉnh thoảng trong khi cầu nguyện, chúng ta phải làm những điều hơi táo bạo này để Chúa lắng nghe chúng ta”.

Sau đó Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến Mácta. Trong Chương 10 của Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu đến thăm Mácta và em gái Maria tại nhà của họ. Đức Thánh Cha giải thích: “Vâng, Maria là người chiêm niệm nhưng người làm việc và hoàn thành công việc là Mácta. Chị ấy nhắc nhở tôi rất nhiều về những người nam nữ đang làm việc cần mẫn để thực hiện mọi việc vì đức tin trong Giáo hội.”

Ngài phản ánh: “Tôi đang đề cập đến một số phụ nữ — đáng tò mò phải không?”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cũng nói về tầm quan trọng của việc phải có phụ nữ trong các không gian hành chính và quản lý trong Giáo hội, đồng thời nhấn mạnh, như ngài đã có trong quá khứ, “nguyên tắc Phêrô” và “nguyên tắc Mẹ Maria” về cách thức cả nam giới và nữ giới đều có vai trò quan trọng riêng biệt để đóng góp.

Hai tông đồ và Ladarô

Trên thực tế, Mácta không phải là người duy nhất trong số chị em nhà Bêtania làm Đức Giáo hoàng cảm động. Nhân vật Tin Mừng đầu tiên mà ngài kể ra trong câu trả lời là Ladarô, người được Chúa Giêsu hồi sinh bốn ngày sau khi ông qua đời, như được mô tả trong Chương 11 Tin mừng theo Thánh Gioan. Đức Thánh Cha giải thích: “Điều này khiến tôi nghĩ đến cuộc đời hoán cải của tôi, đến việc Chúa đã kéo tôi ra khỏi nấm mồ như thế nào”.

Đức Phanxicô sau đó cũng nhắc đến hai tông đồ: Phêrô vì “sự táo bạo” và Gioan vì “sự chiêm niệm” của ông. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói rằng ngài không chỉ “thích” hai nhân vật này, mà họ còn hướng dẫn ngài trong sứ vụ của mình. “Tôi cảm thấy họ gần gũi với tôi,” Đức Thánh Cha nói.

Như một phần thưởng, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến một “vị thánh hiện đại”, không có mặt trong Tin Mừng, nhưng như một nguồn cảm hứng: Thánh Phanxicô.

Các chủ đề khác trong cuộc phỏng vấn

Khi được hỏi về sức khỏe và những hạn chế trong khả năng di chuyển của ngài, vì ngài thường phải sử dụng xe lăn hoặc gậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng “Giáo hội được dẫn dắt bằng cái đầu chứ không phải bằng đôi chân”.

Tuy nhiên, ngài cũng nói thêm rằng Giáo hội “cần giúp đỡ trong [lĩnh vực] mục vụ cho những người bị giới hạn: tránh giấu họ hoặc ‘bỏ’ họ đi.”

Ngài nói: “Chúng ta có thể nghĩ đến một số loại hoạt động dành cho những người này để họ có thể cảm thấy mình thuộc về. Một Kitô hữu không bao giờ bị ‘bỏ đi’.”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cũng thảo luận về các chủ đề khác như Fiducia Supplicans, trong đó ngài nhấn mạnh điều mà ngài gọi là thói đạo đức giả của những người cảm thấy chướng tai gai mắt đối với việc ban phép lành cho một người đồng tính, nhưng lại không chướng tai gai mắt nếu ban phép lành cho một doanh nhân hủ hóa.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cầu nguyện trong năm nay để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 và làm thế nào để các phong trào Kitô giáo cũng như những người tham gia trong các phong trào đó không tách rời khỏi Giáo hội.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2024]


Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 11.02.2024: Tình yêu cần sự cụ thể, tình yêu cần sự hiện diện, gặp gỡ, cống hiến thời gian và không gian

Đức Thánh Cha: Tình yêu cần sự cụ thể, tình yêu cần sự hiện diện, gặp gỡ, cống hiến thời gian và không gian

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 11.02.2024: Tình yêu cần sự cụ thể, tình yêu cần sự hiện diện, gặp gỡ, cống hiến thời gian và không gian

Vatican Media


*******

Chúa nhật tuần này, ngày 11 tháng Hai, phụng vụ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức và lễ phong thánh cho Chân phước Mẹ Antula, trong huấn từ trước giờ Kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ, khi phần phân tích về bài Tin Mừng Chúa nhật, Đức Thánh Cha nói rằng trong một thế giới của các mối quan hệ ảo thì “tình yêu cần sự cụ thể, hiện diện, gặp gỡ, cống hiến thời gian và không gian.”

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc chữa lành người phong hủi (x. Mc 1:40-45). Chúa Giêsu trả lời cho người bệnh đang cầu xin Ngài: “Tôi muốn; anh sạch đi!" (câu 41). Chúa thốt lên một câu nói ngắn rất đơn giản và Ngài liền thực hiện vào thực tế. Thật vậy, “chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch” (câu 42). Đây là phong cách của Chúa Giêsu đối với những người đau khổ: nói ít và hành động cụ thể.

Trong Tin Mừng, nhiều lần chúng ta thấy Chúa cư xử như vậy đối với những người đau khổ: người câm điếc (x. Mc 7:31-37), những người bại liệt (x. Mc 2:1-12), và nhiều người khác đang cần giúp đỡ (xem Mc 5). Chúa luôn làm điều này: Ngài nói ít và liền theo sau lời nói của Ngài là hành động: Ngài cúi xuống, cầm lấy tay và chữa lành. Chúa không lãng phí thời gian vào những bài giảng thuyết hay chất vấn, càng không lãng phí thời gian vào tính mộ đạo hay tính đa cảm. Hơn thế, Ngài thể hiện sự khiêm tốn tinh tế của một người chăm chú lắng nghe và hành động với sự quan tâm, mà hiếm khi thu hút sự chú ý của người khác.

Đó là một con đường yêu thương tuyệt vời, và thật tốt cho chúng ta biết bao nếu hình dung và tiếp thu nó! Chúng ta cũng hãy nghĩ đến những lúc chúng ta tình cờ gặp những người hành động theo cách này: chừng mực trong lời nói nhưng quảng đại trong hành động; không muốn phô trương nhưng sẵn sàng biến mình trở nên hữu ích; giúp đỡ hiệu quả vì họ sẵn sàng lắng nghe. Những người bạn mà người ta có thể nói: “Bạn có muốn nghe tôi nói không? Bạn có muốn giúp tôi không?”, với sự tin tưởng nghe câu trả lời của họ gần như giống với những lời của Chúa Giêsu: “Có, tôi sẽ giúp, tôi ở đây vì bạn, để giúp bạn!” Tính cụ thể này càng trở nên quan trọng hơn nhiều trong một thế giới như thế giới của chúng ta, trong đó tính ảo chóng qua của các mối quan hệ dường như đang chiếm chỗ đứng.

Nhưng chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa khích lệ chúng ta như thế nào: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2:15-16). Thánh Tông đồ Giacôbê nói điều này. Tình yêu cần sự cụ thể, tình yêu cần sự hiện diện, gặp gỡ, nó cần được dành thời gian và không gian: không thể gói gọn nó trong những lời nói hoa mỹ, những hình ảnh trên màn hình, những bức ảnh selfie vụt qua và những tin nhắn vội vàng. Chúng là những công cụ hữu ích có thể trợ giúp, nhưng như vậy là chưa đủ cho tình yêu; chúng không thể thay thế sự hiện diện thực sự.

Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có biết lắng nghe người khác không, tôi có sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của họ không? Hay tôi viện cớ, trì hoãn, trốn tránh sau những lời nói suông hoặc sáo rỗng? Nói một cách thực tế, lần gần đây nhất tôi đến thăm một người cô đơn hoặc bệnh tật – tất cả anh chị em hãy trả lời trong lòng mình – hoặc lần gần đây nhất tôi thay đổi kế hoạch của mình để đáp ứng nhu cầu của một người đang nhờ tôi giúp đỡ là khi nào?

Xin Mẹ Maria, Đấng quan tâm chăm sóc, giúp chúng ta sẵn sàng và trở nên cụ thể trong tình yêu.

______________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Hôm nay, chị María Antonia de Paz y Figueroa được tuyên phong thánh: một vị thánh người Argentina. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho vị thánh mới!

Hôm nay, nhân ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, năm nay hướng sự chú ý đến tầm quan trọng của các mối quan hệ trong lúc đau bệnh. Điều đầu tiên chúng ta cần khi bị bệnh là sự gần gũi của những người thân yêu, của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, và sự gần gũi của Thiên Chúa trong lòng chúng ta. Tất cả chúng ta đều được yêu cầu phải là người lân cận với những người đau khổ, thăm viếng người bệnh như Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Tin Mừng. Vì vậy, hôm nay tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi và của toàn thể Giáo hội với tất cả những người bệnh tật hoặc yếu đuối. Chúng ta đừng quên phong cách của Thiên Chúa: sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng.

Nhưng trong ngày này, thưa anh chị em, chúng ta không thể im lặng trước sự thật là ngày nay có rất nhiều người bị từ chối quyền được chăm sóc, và do đó bị từ chối quyền được sống! Tôi đang nghĩ đến những người sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực; nhưng tôi cũng đang nghĩ đến những người sống trong các vùng chiến sự: những quyền căn bản của con người bị vi phạm hàng ngày ở đó! Thật không thể chấp nhận được. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Ukraine đang bị bao vây, cho Palestine và Israel, chúng ta hãy cầu nguyện cho Myanmar và cho tất cả các dân tộc đang bị hành hạ bởi chiến tranh.

Cha chào tất cả anh chị em, người dân Rome và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, cha chào các tín hữu thuộc vùng Moral de Calatrava và Burgos, Tây Ban Nha, anh chị em tín hữu đến từ Brasilia và Bồ Đào Nha; Ca đoàn giới trẻ và dàn nhạc giới trẻ Mostar; Trường Vila Pouca de Aguiar, Bồ Đào Nha.

Cha chào anh chị em tín hữu ở Enego và Rogno, các tình nguyện viên từ Đền thờ Sant’Anna của Vinadio, Ca đoàn Eraclèa và Hiệp hội Frassinetti Santa Paola của San Calogero. Cha chào các bạn trẻ Lodi, Petosino và Torri di Quartesòlo; các ứng sinh thêm sức đến từ Malta, Lallio và Almenno San Salvatore; các sinh viên của Học viện Salêdiêng “Sant’Ambrogio” của Milan và Ca đoàn Thiếu nhi Piovène Rocchette; và nhóm “Radio Mater”, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2024]


912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

Antoine Mekary | ALETEIA

Anna Kurian

12/02/24


Vị Giáo hoàng người Argentina đã phong thánh cho một số lượng kỷ lục các vị thánh, trong đó có một số vị dường như đại diện cho những ưu tiên đặc biệt của ngài.

Với việc phong thánh cho chị “Mama Antula” vào ngày 11 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên phong kỷ lục cho 912 vị thánh kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài.

Mặc dù việc phong thánh là kết quả của một quá trình rất dài, có thể mất vài ba thập niên hoặc thậm chí nhiều thế kỷ, nhưng chúng ta có thể phác họa một số đặc điểm trong bức tranh toàn cảnh về các “vị thánh của Đức Phanxicô”.

Nếu chúng ta trừ đi 813 vị tử đạo người Ý ở Otranto, bị người Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát năm 1480 và được Đức Phanxicô phong thánh cùng một lúc vào năm 2013, thì Đức Giáo hoàng người Argentina đã tôn vinh 99 vị thánh trên bàn thờ kể từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Và một số cuộc phong thánh này có vẻ mang tính cá nhân hơn đối với ngài Jorge Mario Bergoglio, vị giáo hoàng đầu tiên thuộc Nam Mỹ và là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Dòng Tên.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

Courtesy of Canonización Mama Antula

Chẳng hạn, không phải là không đáng chú ý khi Mẹ Antula là vị nữ thánh đầu tiên sinh ra ở Argentina trong lịch sử Giáo hội, và mẹ đã lan tỏa linh đạo I-nhã tại quê hương của Thánh Phanxicô vào thế kỷ 18. Có vẻ như vị giáo hoàng người Argentina — người cũng đã ra sắc lệnh phong chân phước cho mẹ vào năm 2016 — đã dành ưu tiên cho án phong thánh của mẹ trong thánh bộ, nơi có hơn 2.000 hồ sơ đang được nghiên cứu.

Cũng như thế, thật thú vị khi lưu ý rằng từ năm 2013, sau nước Ý thì quốc gia có con số các vị thánh nhiều thứ hai là Brazil, với 31 vị.

Nếu chúng ta phải đưa ra một bức tranh toàn cảnh chung về các vị thánh của Đức Phanxicô, thì nó sẽ như sau:


Những chứng nhân vĩ đại

Từ năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho các vị đại chứng nhân Công giáo, trong đó có Mẹ Teresa Calcutta (2016), Đức Tổng Giám mục Óscar Romero (2018), Đức Hồng Y John Henry Newman (2019), và Cha Charles de Foucauld (2022), “người anh em phổ quát”.

Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng yêu mến Cha Charles de Foucauld, vì Cha là một trong những người truyền cảm hứng cho tông huấn Fratelli tutti của ngài.

Cha Bernard Ardura, cáo thỉnh viên án phong thánh, phát biểu trước sự kiện: “Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng của các vùng ngoại vi, và ngài sẽ phong thánh cho Cha Charles de Foucauld, vị thánh của các vùng ngoại vi”.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

VATICAN CITY, May 15, 2022: Pope Francis leads a canonisation mass in St. Peter’s Square, creating 10 saints including India’s Devasahayam, French hermit Charles de Foucauld and Dutch theologian Titus Brandsma. Antoine Mekary | ALETEIA


Các giáo hoàng

Vị Giáo hoàng người Argentina cũng đã tôn vinh ba vị tiền nhiệm của ngài: Đức Gioan XXIII (2014), Đức Phaolô VI (2018) và Đức Gioan Phaolô II (2014), ba vị giáo hoàng của thế kỷ 20 và của Công đồng Vatican II. Những lựa chọn này đặc biệt đáng chú ý, vì Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập nhiều đến Công đồng, mà ngài tin rằng những hoa trái của Công đồng vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

Pope St. John Paul II. DANIEL JANIN / AFP

Lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII đặc biệt mang tính biểu tượng, quy tụ bốn vị giáo hoàng tại Quảng trường Thánh Phêrô, với Đức Benedict XVI xuất hiện trong dịp này sau đời sống nghỉ hưu của ngài.


Đôi vợ chồng đầu tiên

Vị giáo hoàng đứng đầu về mặt công nhận các vị thánh đã tôn vinh nhiều hồ sơ đa dạng: Ngài đưa vào danh mục các thánh đôi vợ chồng đầu tiên được tuyên phong cùng nhau, Thánh Louis và Zélie Martin (2015), là thân phụ mẫu của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu.

Ngài cũng bao gồm hai thiếu nhi, là anh chị em Jacinta và Francisco Marto (2017), hai trẻ chăn cừu được thị kiến những lần hiện ra ở Fatima và là các vị thánh trẻ nhất không tử vì đạo.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

Sts. Louis and Zélie Martin with their daughter St. Thérèse Public Domain

Có vẻ như những án phong thánh này rất gần gũi với tâm hồn của vị Giáo Hoàng thứ 266, người thường thừa nhận rằng vị nữ tu Dòng Cát Minh ở Lisieux là vị thánh yêu mến của ngài, và bày tỏ sự gắn bó đặc biệt của ngài với Fatima, nơi ngài đã hai lần viếng thăm.


Những hồ sơ không điển hình

Những hồ sơ không điển hình nổi bật trong các vị thánh của Đức Phanxicô tuyên phong, chẳng hạn như Cha Titus Bransma thuộc dòng Cát Minh (2022), một người Hà Lan đã thành lập trường báo chí đầu tiên ở Châu Âu và là vị tử đạo dưới chế độ Quốc xã. Vị Giáo hoàng người Argentina cũng đã tìm cách đưa các gương mẫu có gốc tích hiếm hoi hơn, như tuyên phong thánh đầu tiên cho Sri Lanka, Joseph Vaz (2015), và phong thánh cho giáo dân đầu tiên của Ấn Độ, Thánh Lazarus Devasahayam Pillai (2022). Việc phong thánh cho các nhân vật ở xa, tuy không phải là điều mới lạ trong Giáo hội, nhưng là tiếng vang vọng cho việc hướng sự chú ý nổi bật của Đức Giáo hoàng Phanxicô đến các vùng ngoại vi.


Phong thánh hữu hiệu tương đương

Đáng chú ý, trong một số trường hợp, Đức Phanxicô đã sử dụng một tiến trình ngoại thường, ban sắc chỉ cho những trường hợp phong thánh được gọi là “hữu hiệu tương đương”, mà không cần có sự công nhận một phép lạ hay nghi lễ phong thánh.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

St. Francis Xavier, St. Ignatius of Loyola, and St. Peter Faber, cofounders of the Jesuits Capture I Compagnie de Jésus

Tiến trình này, được sử dụng trên hết khi các sự kiện liên quan đến quá khứ xa xưa, rõ ràng đã giúp Đức Giáo hoàng vinh danh những nhân vật mà ngài đặc biệt gắn bó. Một ví dụ là Cha Peter Faber (2013), thành viên của nhóm tu sĩ Dòng Tên đầu tiên làm việc cùng với Thánh Ignatio Loyola vào thế kỷ 16.


Các vị thánh đại kết

Gần đây nhất, vào tháng 5 năm 2023, Đức Thánh Cha đã công bố một sáng kiến mang tính lịch sử. Ngài quyết định bổ sung 21 vị Kitô hữu tử đạo, trong đó có 20 vị thuộc Chính thống giáo Coptic – bị ISIS giết năm 2015 ở Libya – vào danh sách tử đạo của Rome.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

Icon of the 21 Christian martyrs killed in Libya in 2015 © Tony Rezk

Trong khi Giáo hội Công giáo và Giáo hội Coptic có chung các vị thánh từ các thế kỷ đầu, đây sẽ là những vị thánh đầu tiên mà cả hai Giáo hội công nhận kể từ cuộc ly giáo vào thế kỷ thứ 5. Đó là dấu hiệu đại diện cho “tính đại kết của sự tử đạo”, mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2024]