Sứ điệp của Đức Thánh Cha - Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo
1 Tháng Chín, 2024
Hy vọng và Hành động với Tạo vật
Anh chị em thân mến!
“Hy vọng và Hành động với Tạo vật” là chủ đề của Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo, sẽ được tổ chức vào ngày 1 tháng 9 năm 2024. Chủ đề được lấy từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (8:19-25), trong đó Thánh Tông đồ giải thích ý nghĩa của việc chúng ta sống theo Thần Khí và tập trung vào niềm hy vọng chắc chắn về ơn cứu chuộc được sinh ra từ đức tin, tức là sự mới mẻ của đời sống trong Đức Kitô.
1. Chúng ta bắt đầu bằng một câu hỏi, có lẽ là câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng ngay lập tức. Nếu chúng ta thực sự là những người có đức tin, bằng cách nào chúng ta có được đức tin? Đó không đơn giản chỉ bởi vì chúng ta tin vào một điều gì đó siêu việt, vượt quá sức mạnh của lý trí, tin vào mầu nhiệm không thể đạt tới của một Thiên Chúa xa xôi và mơ hồ, vô hình và không thể gọi tên được. Đúng hơn, như Thánh Phaolô nói với chúng ta, đó là vì Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta. Chúng ta là những người tin vì chính tình yêu của Thiên Chúa “đã đổ vào lòng chúng ta” (Rm 5:5) và Thần Khí giờ đây thực sự là “bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Êp 1:14), không ngừng thúc giục chúng ta phấn đấu tìm kiếm của cải không hư mất, theo sự viên mãn của nhân tính đích thực của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần giúp các tín trở nên sáng tạo và tích cực trong việc đức ái. Ngài sai chúng ta đi trên một cuộc hành trình vĩ đại của sự tự do tinh thần, tuy nhiên đó là một cuộc hành trình không loại trừ sự căng thẳng giữa cách suy nghĩ của Thần Khí và lối suy nghĩ của thế gian, với những hoa quả trái ngược nhau (x. Gl 5:16-17). Chúng ta biết rằng hoa quả đầu mùa của Thần Khí, là tổng hợp tất cả những hoa quả khác, là tình yêu. Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, các tín hữu trở thành con cái Thiên Chúa và hướng về Ngài bằng những lời “Abba, Cha ơi” (Rm 8:15), như Chúa Giêsu đã làm. Hơn nữa, họ có thể làm việc đó với sự tự do của những người không còn rơi vào nỗi sợ hãi cái chết nữa, vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Đây là niềm hy vọng lớn lao của chúng ta: tình yêu của Thiên Chúa đã chiến thắng và tiếp tục chiến thắng mọi sự. Thật vậy, ngay cả khi đối mặt với cái chết về thể xác, vinh quang tương lai đã được bảo đảm cho những ai sống đời sống mới của Thần Khí. Niềm hy vọng này cũng không làm thất vọng, như đã được khẳng định trong Sắc lệnh gần đây về Năm Thánh sắp tới. [1]
2. Vì thế, đời sống của người Kitô hữu là đời sống đức tin, tích cực trong việc bác ái và tràn đầy hy vọng, khi chúng ta chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang. Chúng ta không bối rối vì “sự trì hoãn” của cuộc Quang lâm, lần đến thứ hai của Đức Kitô; đối với chúng ta, câu hỏi quan trọng là “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8). Đức tin là một ơn, là hoa trái của sự hiện diện của Thánh Thần trong chúng ta, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ được thực hiện cách tự do, tuân theo giới răn yêu thương của Chúa Giêsu. Đó là niềm hy vọng hạnh phúc mà chúng ta phải làm chứng. Tuy nhiên, chúng ta phải làm chứng ở đâu, khi nào và bằng cách nào? Chắc chắn là bằng cách chăm sóc xác thịt đau khổ của nhân loại. Là những người dám ước mơ, chúng ta phải ước mơ với đôi mắt rộng mở, được thúc đẩy bởi lòng khao khát yêu thương, tình huynh đệ, tình bạn và công lý cho tất cả mọi người. Ơn cứu độ của Kitô giáo đi vào vực sâu đau khổ của thế giới, bao trùm không chỉ nhân loại mà còn toàn thể vũ trụ, thiên nhiên và oikos, ngôi nhà và môi trường sống của nhân loại. Ơn cứu độ bao trùm tạo vật như một “thiên đàng trần gian”, mẹ trái đất, là nơi vui tươi và là lời hứa hạnh phúc cho tất cả mọi người. Sự lạc quan Kitô giáo của chúng ta được xây dựng trên một niềm hy vọng sống động: nó nhận ra rằng mọi sự đều hướng tới vinh quang của Thiên Chúa, đến sự viên mãn sau cùng trong sự bình an của Ngài và đến sự phục sinh của thân xác trong sự công chính, khi chúng ta chuyển “từ vinh quang này sang vinh quang khác”. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, chúng ta không được miễn trừ khỏi những đau đớn và đau khổ: toàn thể thọ tạo rên siết (x. Rm 8:19-22), người Kitô hữu chúng ta rên siết (x. câu 23-25) và chính Thần Khí cũng rên siết (x. câu 26-27). Tiếng rên siết này thể hiện sự lo lắng và đau khổ, cùng với lòng khát khao và ước muốn. Nó nói lên niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa và niềm cậy trông của chúng ta vào sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài ở giữa chúng ta, trong khi chúng ta mong đợi ngày hoàn tất chương trình của Ngài, đó là niềm vui, tình yêu và sự bình an trong Chúa Thánh Thần.
3. Toàn thể tạo vật bị cuốn vào tiến trình tái sinh này và đang rên siết mong chờ sự giải phóng cho mình. Điều này đòi hỏi một quá trình phát triển vô hình và không thể nhìn thấy, giống như quá trình “hạt cải trở thành cây lớn” hoặc “men trong bột” (x. Mt 13:31-33). Khởi đầu là rất nhỏ, nhưng kết quả mong đợi có thể chứng minh vẻ đẹp vô hạn của chúng. Tương tự như việc chờ đợi ngày sinh nở – sự mặc khải của con cái Thiên Chúa – niềm hy vọng có thể được coi là khả năng giữ vững tinh thần trước nghịch cảnh, không mất tinh thần trong lúc hoạn nạn hoặc trước sự dữ của con người. Niềm hy vọng Kitô giáo không làm thất vọng và cũng không lừa dối. Tiếng rên siết của thọ tạo, của các Kitô hữu và của Thần Khí là sự mong chờ và chờ đợi một ơn cứu độ đang diễn ra; tuy nhiên, chúng ta thấy mình vẫn tiếp tục phải chịu đựng những gì Thánh Phaolô mô tả là “gian truân, khốn khổ, bách hại, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo” (Rm 8:35). Như vậy, niềm hy vọng là một cách đọc khác của lịch sử và các vấn đề thuộc con người. Nó không phải là ảo tưởng, mà là thực tế, với sự hiện thực của một đức tin nhìn thấy những gì không thể thấy được. Niềm hy vọng này là sự kiên nhẫn chờ đợi, giống như niềm hy vọng của ông Abraham. Tôi nghĩ đến đức viện phụ Joachim thành Fiore, tu viện trưởng Calabria, người tín hữu có tầm nhìn vĩ đại, người mà theo lời của Dante Alighieri, “được ban cho tinh thần tiên tri”. [2] Tại thời điểm có những xung đột bạo lực giữa Giáo hoàng và Đế quốc là các cuộc Thập tự chinh, sự bùng nổ các dị giáo và tinh thần thế tục ngày càng tăng cao trong Giáo hội, ngài Joachim đã đề xuất lý tưởng về một tinh thần chung sống mới giữa con người, đặt nền tảng trên tình huynh đệ phổ quát và sự bình an Kitô giáo là hoa trái của một đời sống theo tinh thần Tin Mừng. Tôi đã nói về tinh thần tình bạn xã hội và tình huynh đệ phổ quát này trong Tông huấn Fratelli Tutti, nhưng sự hòa hợp giữa con người này cũng phải được mở rộng sang tạo vật, trong đường hướng “lấy con người làm trung tâm” (Tông huấn Laudate Deum, 67) và trong ý thức trách nhiệm về một một hệ sinh thái nhân văn và toàn diện, con đường dẫn đến ơn cứu độ cho ngôi nhà chung của chúng ta và cho chúng ta là những người sống trong đó.
4. Tại sao lại có quá nhiều sự dữ trên thế giới? Tại sao lại có quá nhiều bất công, quá nhiều cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giết hại trẻ em, phá hủy các thành phố, làm ô nhiễm môi trường và khiến Trái đất mẹ bị xâm phạm và tàn phá? Thánh Phaolô nói, hàm ý nhắc đến tội của Ađam: “Chúng ta biết rằng muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8:22). Những cuộc chiến đấu đạo đức của người Kitô hữu gắn liền với tiếng “rên siết” của thọ tạo, kể từ khi tạo vật “lâm vào cảnh hư ảo” (c. 20). Toàn thể vũ trụ và mọi sinh vật trong đó đều rên siết và “nóng lòng” khao khát tình trạng hiện tại của mình được khắc phục và trạng thái ban đầu được phục hồi. Do đó, sự giải phóng của chúng ta bao gồm sự giải phóng của muôn loài thọ tạo khác cũng bị đặt dưới ách nô lệ, trong sự liên đới với thân phận con người. Giống như con người, bản thân tạo vật rơi vào vòng nô lệ, dù không phải do lỗi của nó, và không thể thực hiện được ý nghĩa và mục đích lâu dài mà tạo vật đã được trù tính. Nó có thể bị hư nát và chết, và còn trầm trọng hơn do sự lạm dụng thiên nhiên của con người. Đồng thời, ơn cứu độ của nhân loại trong Đức Kitô cũng là niềm hy vọng chắc chắn cho tạo vật, vì “chính tạo vật có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8:21). Do đó, nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô, trong hy vọng chúng ta có thể chiêm ngắm mối dây liên đới giữa con người và mọi loài thọ tạo khác.
5. Trong niềm mong đợi đầy hy vọng và kiên trì của chúng ta chờ ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang, Chúa Thánh Thần gìn giữ cộng đoàn các tín hữu chúng ta biết luôn cảnh giác; Người liên tục hướng dẫn chúng ta và kêu gọi chúng ta hoán cải, thay đổi lối sống để chống lại sự suy thoái môi trường và cam kết phê phán xã hội, đây là bằng chứng trước hết cho khả năng thay đổi thực sự. Sự hoán cải này đòi hỏi phải từ bỏ tính kiêu ngạo của những kẻ muốn thống trị người khác và thống trị chính thiên nhiên, biến thiên nhiên thành một đối tượng để thao túng, mà ngược lại mặc lấy sự khiêm nhường của những người biết quan tâm đến tha nhân và toàn thể tạo vật. “Khi con người muốn chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa, họ trở thành kẻ thù xấu nhất của chính bản thân” (Laudate Deum, 73), vì tội của Adam đã làm hoen ố các mối tương quan nền tảng của chúng ta, đó là mối tương quan với Thiên Chúa, với chúng ta, với nhau và với vũ trụ. Tất cả những mối tương quan này cần phải được phục hồi, được lưu giữ và “làm đúng” một cách toàn diện. Không được bỏ qua bất kỳ ai trong số đó, vì chỉ cần thiếu một, mọi điều khác đều thất bại.
6. Vì thế, hy vọng và hành động với thụ tạo trước hết có nghĩa là hợp sức và đồng hành với tất cả mọi người nam nữ thiện chí. Bằng cách này, chúng ta có thể giúp suy nghĩ lại “trong số các vấn đề, vấn đề về sức mạnh con người, ý nghĩa và giới hạn của nó. Sức mạnh của chúng ta đã tăng lên một cách điên cuồng trong vài thập kỷ qua. Chúng ta đã đạt được những tiến bộ về công nghệ rất ấn tượng và đáng kinh ngạc, nhưng đồng thời chúng ta không nhận ra rằng chúng ta đã biến thành những sinh vật hết sức nguy hiểm, có khả năng đe dọa mạng sống của nhiều sinh vật và sự sống còn của chính chúng ta” (Laudate Deum, 28). Sức mạnh không được kiểm soát sẽ tạo ra những con quái vật và sau đó quay lưng lại với chúng ta. Do đó, ngày nay một nhu cầu cấp thiết là phải đặt ra các giới hạn đạo đức đối với sự phát triển trí tuệ nhân tạo, vì khả năng tính toán và mô phỏng của nó có thể được sử dụng để thống trị nhân loại và thiên nhiên, thay vì được khai thác để phục vụ hòa bình và phát triển toàn diện (xem Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2024).
7. “Chúa Thánh Thần đồng hành với chúng ta trong mọi thời điểm của cuộc đời chúng ta”. Các thiếu niên nam nữ tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự Ngày Thế giới Thiếu nhi lần thứ Nhất, được tổ chức vào Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, đã hiểu rất rõ điều này. Thiên Chúa không phải là một khái niệm trừu tượng về sự vô hạn, nhưng là Chúa Cha đầy lòng yêu thương, Chúa Con là người bạn hữu và là Đấng cứu chuộc mọi người, và Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn chúng ta bước đi trên con đường của đức ái. Vâng phục Thần Khí tình yêu thay đổi hoàn toàn cách chúng ta suy nghĩ: từ “những kẻ săn mồi”, chúng ta trở thành “người canh tác” khu vườn. Trái đất được giao phó cho chúng ta chăm sóc nhưng vẫn thuộc về Thiên Chúa (x. Lv 25:23).
Đây là “tư tưởng thần học lấy con người làm trung tâm” đánh dấu truyền thống Do Thái-Kitô giáo. Do đó, đòi quyền sở hữu và thống trị thiên nhiên, thao túng nó theo ý muốn, đại diện cho một hình thức sùng bái ngẫu tượng, một phiên bản thần Prômêthêô của con người, say sưa với quyền lực kỹ trị của mình, ngạo mạn đặt trái đất vào tình trạng “mất ân sủng”, bị tước đoạt Ân sủng của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ân sủng của Thiên Chúa là Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, thì những lời của Đức Bênêđictô XVI gióng lên rất đúng: “Không phải khoa học cứu chuộc con người: con người được cứu chuộc bởi tình yêu” (Thông điệp Spe Salvi, 26), tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô, từ đó không có gì và không ai có thể tách rời chúng ta (x. Rm 8:38-39). Vì vậy, tạo vật không đứng yên hay khép kín trong chính nó, mà liên tục được hướng về tương lai của nó. Ngày nay, nhờ những khám phá của vật lý đương đại, mối liên hệ giữa vật chất và tinh thần được thể hiện một cách thú vị hơn bao giờ hết để chúng ta hiểu được.
8. Vì thế, việc bảo vệ công trình sáng tạo không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một vấn đề thần học nổi bật, vì nó là điểm giao nhau giữa mầu nhiệm con người và mầu nhiệm Thiên Chúa. Sự giao thoa này có thể được gọi là “sáng tạo”, vì nó bắt nguồn từ hành động yêu thương mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người trong Đức Kitô. Hành động sáng tạo đó của Thiên Chúa tạo điều kiện và đặt nền tảng cho sự tự do và đạo đức trong mọi hoạt động của con người. Chúng ta được tự do chính vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, và do đó, chúng ta là “đại diện” của tạo vật trong chính Đức Kitô. Một động lực siêu việt (thần học-đạo đức) thúc đẩy các Kitô hữu dấn thân cổ vũ cho công lý và hòa bình trên thế giới, nhất là thông qua mục đích phổ quát của của cải. Đó là vấn đề về sự mặc khải của con cái Thiên Chúa mà tạo vật đang chờ đợi, rên siết như đang sinh nở. Không chỉ cuộc sống trần thế của chúng ta trong lịch sử đang bị đe dọa, mà trên hết còn là tương lai của chúng ta trong cõi vĩnh hằng, thiên đàng bình an của chúng ta, trong Đức Kitô, Chúa của vũ trụ, chịu đóng đinh và sống lại vì yêu.
9. Vì thế, hy vọng và hành động với tạo vật có nghĩa là sống một đức tin nhập thể, một đức tin có thể đi vào “xác thịt” đau khổ và tràn đầy hy vọng của người khác, bằng cách chia sẻ niềm mong đợi về sự phục sinh của thân xác mà các tín hữu đã được tiền định trong Chúa Kitô. Trong Chúa Giêsu, Chúa Con đã mặc lấy xác phàm, chúng ta thực sự là con cái của Chúa Cha. Nhờ đức tin và phép rửa, đời sống trong Thần Khí của chúng ta bắt đầu (x. Rm 8:2), một đời sống thánh thiện, sống như con cái của Chúa Cha, như Chúa Giêsu (x. Rm 8:14-17), vì nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô sống trong chúng ta (x. Gl 2:20). Bằng cách này, đời sống của chúng ta có thể trở thành một bài ca tình yêu cho Thiên Chúa, cho nhân loại, với tạo vật và cho tạo vật, và tìm được sự viên mãn trong sự thánh thiện. [3]
Rome, Đền Thánh Gioan Lateran, 27 tháng Sáu, 2024
PHANXICÔ
_____________________________________
[2] The Divine Comedy, Paradiso, Canto XII, 141.
[3] The Rosminian priest Clemente Rebora expressed this poetically: “As creation ascends in Christ to the Father, all in a mysterious way become the travail of birth. How much dying is required if life is to be born! Yet from one Mother alone, who is divine, we come happily into the light. We are born to a life that love brings forth in tears. Its yearning, here below, is poetry; but holiness alone can finish the song” ( Curriculum vitae, “Poesia e santità”: Poesie, prose e traduzioni, Milan 2015, p. 297).
[Nguồn: vatican]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/06/2024]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét