TRIỀU YẾT CHUNG: Dụ ngôn người con hoang đàng
‘Bài giáo huấn này của Chúa Giê-su rất quan trọng: tình trạng được làm con Thiên Chúa của chúng ta là hoa trái của tình yêu của lòng nhân hậu của Chúa Cha; nó không phụ thuộc vào những tài năng hay công việc của chúng ta và, vì thế, không ai có thể lấy mất nó, ngay cả ma quỷ! Không ai có thể lấy mất phẩm vị của chúng ta.’
11 tháng 05, 2016
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi triều yết chung sáng nay tại Quảng trường thánh Phê-rô.
__
Anh chị em thân mế, xin chào anh chị em!
Hôm nay, buổi triều yết được tổ chức ở hai nơi: vì đang có dấu hiệu mưa nên những người đau yếu tham dự trong sảnh đường Đức Phaolo VI và được kết nối với chúng ta bằng một màn hình khổng lồ – hai nơi nhưng chỉ có một buổi triều yết. Chúng ta cùng chào mừng anh chị em trong sảnh đường Phaolo VI.
Hôm nay, chúng ta cùng suy niệm về dụ ngôn người Cha nhân từ. Dụ ngôn kể về người cha và 2 người con trai, và dụ ngôn cho chúng ta thấy được lòng thương xót vô biên của Chúa.
Chúng ta hãy bắt đầu từ phần cuối của dụ ngôn, từ niềm hoan hỉ của trái tim người Cha, người kêu lên: “Hãy bắt con bê đã vỗ béo và đem đi làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết nay đã sống lại; đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15: 23-24). Khi nói những lời này người Cha đã cắt ngang người con út ngay khi anh đang thú nhận tội lỗi của mình: “Con chẳng đáng gọi là con cha nữa … …” (c. 19). Tuy nhiên, trái tim của người Cha không cần nghe những lời ăn năn này nữa, người vội vàng làm những động tác phục hồi lại phẩm vị cho người con: khoác cái áo đẹp nhất, xỏ nhẫn và giầy. Chúa Giê-su không mô tả người Cha là người bực bội và phẫn nộ, một người cha mà, lấy ví dụ, nói với đứa con rằng: “con sẽ phải trả giá cho chuyện này.” Không, người Cha đã ôm con, chờ đợi con với tình yêu cao vời.Mặt khác, điều duy nhất đáng quan tâm trong tim người Cha là nhìn thấy đứa con trước mặt mình an toàn và mạnh khỏe, và chỉ vậy thôi đã làm cho ông vui mừng và tổ chức tiệc mừng. Sự chờ đón người con trở về được mô tả thật cảm động. “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương. Ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó.” (c. 20). Thật quá nhân hậu; người cha nhìn thấy đứa con từ xa: điều này có nghĩa gì? Nghĩa là ngày nào người Cha cũng ra đứng ở hiên nhà liên tục trông về phía cuối đường để xem đứa con có trở về hay không; đứa con đã làm đủ mọi chuyện phiền lòng cha, nhưng người Cha vẫn chờ đợi nó trở về. Lòng nhân hậu của người Cha thật đẹp! Lòng thương xót của Cha là vô bờ bến, vô điều kiện, và lòng nó được thể hiện trước khi đứa con muốn nói. Đứa con biết chắc rằng mình đã phạm lỗi và ý thức về điều đó: “Con đã lỗi phạm … xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” (c. 19). Nhưng những lời này đã tan biến hết trên khuôn mặt tha thứ của người Cha. Cái ôm và hôn của người Cha làm đứa con hiểu rằng nó vẫn được xem là người con, bất kể chuyện gì đã xảy ra. Lời giáo huấn này của Chúa Giê-su rất quan trọng: tình trạng được làm con Thiên Chúa của chúng ta là hoa trái của tình yêu của lòng nhân hậu của Chúa Cha; nó không phụ thuộc vào những tài năng hay công việc của chúng ta và, vì thế, không ai có thể lấy mất nó, ngay cả ma quỷ! Không ai có thể lấy mất phẩm vị của chúng ta.
Lời này của Đức Giê-su động viên chúng ta không bao giờ tuyệt vọng. Cha nghĩ về những người cha người mẹ trong tình trạng lo âu khắc khoải khi họ nhìn thấy những đứa con của mình đang xa rời dần, đi vào những con đường nguy hiểm. Cha nghĩ đến những vị linh mục coi xứ và những giáo lý viên, những người thỉnh thoảng tự vấn không biết công việc của mình có bị vô nghĩa không. Nhưng cha cũng nghĩ đến những người đang ở trong ngục tù, và những người nghĩ rằng cuộc đời mình như vậy là chấm dứt; Cha nghĩ đến tất cả những ai đã lựa chọn sai con đường và không thể nhìn về tương lai; về tất cả những người đang đói lòng thương xót và sự tha thứ và nghĩ rằng họ không còn xứng đáng được hưởng nó … Trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào, tôi không được quên rằng mình sẽ không bao giờ được nghĩ mình không là con của Chúa nữa, con của một người Cha yêu thương mình và đang chờ đợi minh quay trở về. Ngay cả trong hoàn cảnh sống tồi tệ nhất, Chúa vẫn chờ đợi ta, Chúa muốn ôm chầm lấy ta, Chúa chờ đợi ta.
Có một người con khác trong dụ ngôn, người anh; đứa con này cũng cần phải tìm kiếm lòng thương xót của Chúa. Anh ta luôn luôn ở nhà với cha, nhưng anh ta lại rất khác với cha! Lời nói của anh ta thiếu lòng nhân: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào … Còn thằng con của cha kia …’ (cc. 29-30). Chúng ta nhìn thấy một sự khinh miệt ở đây: anh ta không bao giờ nói: “Thưa cha,” anh ta không gọi “em của con,” anh ta chỉ nghĩ cho bản thân mình; anh ta lên giọng vì vẫn luôn ở bên cạnh cha và đã phục vụ cha: tuy nhiên anh ta lại chưa bao giờ sống hân hoan trong sự gần gũi này. Và bây giờ anh ta tố cáo cha mình đã không cho một con bê nhỏ để làm tiệc với bạn bè. Thật tội nghiệp người cha! Một đứa con thì bỏ đi mất, còn đứa kia chẳng bao giờ gần gũi với mình! Nỗi đau này của người cha cũng là nỗi đau của Thiên Chúa, nỗi đau của Chúa Giê-su khi chúng ta tự tách mình ra khỏi Người, hay vì chúng ta bỏ đi xa, hoặc vì chúng ta ở gần nhưng chẳng bao giờ tỏ thái độ gần gũi thân mật với Người.
Người con trai lớn cũng đang cần lòng thương xót. Những người ngay chính, những người tin rằng mình ngay chính, cũng đang cần lòng thương xót. Người con này đại diện cho chúng ta khi chúng ta tự hỏi rằng liệu có đáng không khi cứ miệt mài vất vả để rồi chúng ta chẳng nhận được gì đáp lại. Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta rằng một người không ở trong nhà của Cha thì mới đòi được đền bù, nhưng là một người có phẩm vị làm con cái cùng chia sẻ trách nhiệm thì không. Đây không phải là một sự “trao đổi” với Thiên Chúa, nhưng là noi gương Chúa Giê-su người đã tự hiến thân mình trên thập giá mà không đòi hỏi tính toán.
“Hỡi con, con luôn ở với cha; và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng giờ phải ăn tiệc và vui mừng” (c. 31). Đó là lời của người cha nói với đứa con lớn. Lời của cha là một sự hợp lý về lòng thương xót! Đứa con út nghĩ rằng nó xứng đáng bị phạt vì đã phạm tội; đứa con trai lớn mong chờ một sự đền bù cho sự phục vụ của mình. Hai anh em không chuyện trò với nhau; chúng có cuộc sống riêng biệt, nhưng xét về tính hợp lý, cả hai lý do đều xa lạ với Chúa Giê-su: nếu bạn làm tốt bạn được thưởng, nếu bạn phạm tội bạn bị trừng phạt. Và đây hoàn toàn không phải là sự hợp lý của Chúa Giê-su! Tính hợp lý này đã bị phá vỡ bởi lời của Chúa Cha: “Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy” (c. 31). Người cha đã tìm lại được đứa con bị mất, và bây giờ ông cũng đưa nó trở về với anh của nó! Nếu không có đứa em, người con lớn không là “người anh.” Niềm vui lớn nhất của người cha là nhìn thấy các con của mình chấp nhận và đối xử với nhau như anh em.
Các đứa con có thể lựa chọn hoặc là đoàn tụ hòa hợp với nhau để người cha vui hoặc từ chối. Chúng phải tự vấn bản thân về những khát khao của chúng và về ảo vọng cuộc sống chúng ấp ủ. Dụ ngôn kết thúc để lại đoạn cuối còn lơ lửng: chúng ta không biết người con lớn quyết định làm gì. Và điều này kích thích chúng ta. Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta rằng tất cả hai đứa con đều cần phải vào nhà Cha và hòa chung vào niềm vui của Người, trong bữa tiệc mừng lòng thương xót và tình huynh đệ của Người. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy mở lòng ra để trở nên “thương xót như Chúa Cha!”
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch sang tiếng Anh của ZENIT]
[Nguồn: ZENIT]
[Dịch từ phiên bản tiếng Anh của ZENIT: TRI KHOAN 12/05/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét