Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Văn bản Bài giảng huấn của Đức Thánh Cha tại Đêm canh thức Cầu nguyện

Văn bản Bài giảng huấn của Đức Thánh Cha tại Đêm canh thức Cầu nguyện

“Người, Người là đường, đang yêu cầu mỗi chúng con hãy để lại dấu ấn đem lại sự sống trên lịch sử của dân tộc chúng con và của những dân tộc khác”
31 tháng 7, 2016
JMJ Campus Misericodia
Dưới đây là bản dịch của Vatican bài giảng huấn của Đức THánh CHa Phanxico trong tối thứ Bảy trước khoảng 1,5 triệu bạn trẻ tập trung trong đêm Canh thức Cầu nguyện WYD.
__
Thật tuyệt vời được ở đây với các con trong Đêm Canh thức Cầu nguyện này!
Kết thúc chứng tá đầy sức mạnh và cảm động của mình, Rand đã đặt một câu hỏi cho tất cả chúng ta. Bạn ấy nói: “Tôi tha thiết xin các bạn cầu nguyện cho đất nước thân yêu của tôi.” Câu chuyện của bạn, trong đó có chiến tranh, đau khổ và mất mát, kết thúc bằng lời kêu xin cầu nguyện. Có cách nào tốt hơn để chúng ta bắt đầu một đêm canh thức bằng cầu nguyện?
Chúng ta đến đây từ mọi miền khác nhau trên thế giới, từ những lục địa, những quốc gia, những ngôn ngữ, những nền văn hóa và dân tộc khác nhau. Một số trong chúng ta là những người con trai con gái của các dân tộc có lẽ đang có những bất đồng và vướng vào những xung đột hay thậm chí mở ra cuộc chiến tranh. Những bạn khác trong số chúng ta đến từ những đất nước có thể đang “hòa bình,” không có chiến tranh và xung đột, nơi mà những điều kinh khủng nhất đang xảy ra trên thế giới chỉ đơn giản là câu chuyện trong bản tin buổi tối. Nhưng hãy suy nghĩ về điều đó. Đối với chúng ta, ở đây, hôm nay, đến từ nhiều nơi trên thế giới, sự đau khổ và chiến tranh mà nhiều bạn trẻ đang gánh chịu không còn vô danh nữa, nó là điều chúng ta đọc thấy trên báo chí. Chúng có một cái tên, chúng có một khuôn mặt, chúng có một câu chuyện, chúng đang ở gần đâu đây. Ngày nay cuộc chiến ở Syria đã gây ra đau khổ và đau đớn cho quá nhiều người, cho quá nhiều bạn trẻ giống như người bạn thân yêu Rand của chúng ta đây, bạn đến đây và xin chúng ta cầu nguyện cho đất nước thân yêu của bạn.
Một số hoàn cảnh dường như xa lạ cho đến khi theo một cách nào đó chúng ta phải đụng chạm vào nó. Chúng ta không đánh giá đúng những sự việc vì chúng ta chỉ nhìn thấy nó trên màn hình điện thoại hoặc vi tính. Nhưng khi chúng ta tiếp xúc với cuộc sống, với cuộc sống của người khác, chứ không phải là những hình ảnh trên màn hình, thì một điều gì đó rất quyền năng xảy ra. Chúng ta cảm thấy cần phải can dự vào. Để không có thêm những “thành phố bị lãng quên,” để dùng những từ ngữ của Rand, hoặc những anh em, chị em của chúng ta “bị vây quanh bởi thần chết và giết chóc,” hoàn toàn không được giúp đỡ. Các con thân yêu, cha kêu gọi các con hãy cùng hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho những đau khổ của tất cả những nạn nhân của chiến tranh và cho rất nhiều gia đình của nước Syria yêu dấu, và những nơi khác trên thế giới. Một lần và cho tất cả, cầu mong cho chúng ta nhận thức được rằng không có gì có thể biện minh cho việc làm đổ máu của một người anh em chị em; và không có gì quý giá hơn một người ở bên cạnh chúng ta. Khi kêu gọi chúng con hiệp lời cầu nguyện cho điều này, cha cảm ơn Natalia và Miguel đã chia sẻ những cuộc chiến đấu và những xung khắc nội tâm của các con. Các con đã kể cho chúng ta nghe về những cuộc chiến đấu của các con, và về việc chúng con đã thành công vượt qua những cuộc chiến đó. Cả hai chúng con là một dấu chỉ sống động của những điều lòng thương xót của Thiên Chúa muốn hoàn thiện trong chúng ta.
Đây không phải là thời gian để kết án bất kỳ ai hay bất kỳ cuộc chiến nào. Chúng ta không muốn xé nát thêm. Chúng ta không ao ước chinh phục được thù hận bằng thêm hận thù, bạo lực bằng thêm bạo lực, kinh hoàng bằng thêm kinh hoàng. Chúng ta ở đây hôm nay vì Thiên Chúa đã gọi chúng ta đến với nhau. Câu trả lời của chúng ta cho một thế giới đang có chiến tranh có một tên gọi: tên gọi của nó là tình huynh đệ, tên gọi của nó là tình anh em, tên gọi của nó là sự hiệp nhất, tên gọi của nó là gia đình. Chúng ta mừng sự kiện đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, chúng ta đến với nhau để cầu nguyện. Hãy để cho những từ ngữ đẹp nhất, những lời nói đẹp nhất của chúng ta, hiệp nhất chúng ta trong lời cầu nguyện. Chúng ta hãy dành thời gian thinh lặng và cầu nguyện. Chúng ta hãy mang đến trước Thiên Chúa những chứng ta này của những bạn bè của chúng ta, và hãy xin cho chúng ta nhận diện ra được những người mà đối với họ “gia đình là một khái niệm vô nghĩa, nhà chỉ là một nơi để ngủ và ăn,” và cùng với những người mang nỗi sợ hãi rằng lỗi lầm và tội của họ đã biến họ thành người bỏ đi. Chúng ta cũng hãy mang đến trước nhan Thiên Chúa những “cuộc chiến đấu” của riêng mỗi người, những cuộc chiến đấu nội tâm mà mỗi chúng con mang theo trong tâm hồn.
(THINH LẶNG)
Lúc chúng ta đang cầu nguyện, cha nghĩ đến các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần. Vẽ nên những hình ảnh của các ngài có thể giúp chúng ta biết nhận thức đúng tất cả những gì Thiên Chúa ước mơ hoàn thiện trong cuộc đời của chúng ta, trong chúng ta và cùng với chúng ta. Ngày đó, các tông đồ họp nhau sau những cánh cửa đóng kín, quá sợ hãi. Các ông cảm thấy bị đe dọa, vây quanh bởi không khí bắt bớ bách hại đã dồn các ông vào trong các góc trong một căn phòng nhỏ và bắt các ông phải im lặng và co cụm lại. Sự sợ hãi đã bao trùm lên các ông. Rồi, trong hoàn cảnh đó, một điều gì đó thật kỳ lạ, một điều gì đó thật vĩ đại đã xảy ra. Chúa Thánh Thần dưới hình các lưỡi lửa xuống ngự trên mỗi người, thúc đẩy họ tiến bước trên một cuộc phiêu lưu không ngờ.
Chúng ta đã được nghe 3 chứng tá. Trái tim chúng ta bị rung cảm bởi những câu chuyện, đời sống của họ. Chúng ta đã chứng kiến bằng cách nào mà họ trải qua được những thời khắc tương tự, giống như các tông đồ, sống qua được những thời gian sợ hãi kinh hoàng, lúc mà dường như mọi thứ sụp đổ hoàn toàn. Sợ hãi và đau khổ sinh ra vì biết rằng rời khỏi gia đình có thể có nghĩa là không bao giờ gặp lại những người thân yêu, sợ hãi vì cảm thấy không được trân trọng hay không được yêu thương, sợ hãi vì không có lựa chọn. Họ đã chia sẻ với chúng ta cùng một kinh nghiệm như các tông đồ ngày xưa; họ cảm thấy một loại sợ hãi chỉ dẫn đến một điều: cảm giác bị nhốt kín vào trong thân mình, bị vướng bẫy. Khi chúng ta cảm thấy như vậy, nỗi sợ hãi của chúng ta bắt đầu sưng mủ lên và chắc chắn được kết hợp ngay với “chị em sinh đôi” của nó, sự xơ cứng: cảm giác bị tê liệt. Suy nghĩ như vậy trong thế giới này, trong các thành phố và cộng đồng của chúng ta, sẽ không có chỗ để phát triển, để ước mơ, để xây dựng, và để nhìn về những chân trời mới – nói theo ý nghĩa sự sống – là một trong những điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho chúng ta trong cuộc sống. Khi chúng ta bị tê liệt, chúng ta bỏ mất sự kỳ diệu của việc gặp gỡ những người khác, kết bạn, chia sẻ những ước mơ, cùng bước đi bên  nhau.
Nhưng trong cuộc sống có một điều khác, thậm chí còn nguy hiểm hơn, một loại bệnh liệt. Nó không dễ để mổ xẻ ra. Cha muốn mô tả như một loại bệnh liệt phát xuất từ sự lẫn lộn giữa hạnh phúc với cái ghế sofa. Nói một cách khác, là nghĩ rằng để được hạnh phúc tất cả những gì chúng ta cần chỉ là một cái ghế sofa thật tốt. Một cái ghế sofa làm chúng ta cảm thấy thoải mái, êm ái và an toàn. Một cái ghế sofa như loại mà ngày nay chúng ta có với máy mát-xa gắn trong ru ngủ chúng ta. Một ghế sofa hứa hẹn chúng ta nhiều giờ thư giãn thoải mái, vì thế chúng ta có thể trốn vào thế giới của trò chơi video và trải qua vô vàn thời gian trước màn hình vi tính. Một ghế sofa giữ chúng ta an toàn khỏi những cơn đau và sợ hải. Một cái ghế sofa cho phép chúng ta ở nhà không cần làm gì cả, hay lo lắng gì cả. “Sự hạnh phúc của ghế sofa!” Đó có thể là một hình thức nguy hại nhất và âm thầm nhất của chứng liệt, vì dần dần, thậm chí không nhận ra được, chúng ta bắt đầu u mê, trở nên chậm chạp u mê trong khi những người khác – có thể là tỉnh táo hơn chúng ta, nhưng chưa hẳn là giỏi hơn chúng ta – quyết định cho tương lai của chúng ta. Thực ra với rất nhiều người họ thấy dễ dàng và tốt hơn khi có những đứa trẻ lờ đờ u mê bị lẫn lộn giữa hạnh phúc và cái ghế sofa. Với rất nhiều người, điều đó họ thấy thoải mái hơn là có những bạn trẻ tỉnh táo và bước chân đi tìm, cố gắng đáp lại ước mơ của Thiên Chúa và đáp lời lại tất cả những thao thức hiện hữu trong con tim con người.
Thế nhưng, sự thật lại khác. Các bạn trẻ yêu quý, chúng ta không bước vào thế giới này để “sống đời tẻ nhạt,” để lấy sự thoải mái, để biến cuộc đời mình thành một ghế sofa tiện nghi để nằm ngủ. Không,chúng ta đi vào thế giới cho một lý do khác: để lại dấu ấn. Thật rất buồn nếu cuộc đời đi qua mà không để lại dấu ấn. Nhưng khi chúng ta chọn sự nhàn hạ và thoải mái, để lẫn lộn giữa hạnh phúc và hưởng thụ, rồi đến hồi kết chúng ta sẽ trả giá rất cao: chúng ta mất sự tự do.
Đây chính là một hình thức của bệnh liệt nặng. bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu nghĩ rằng hạnh phúc cũng tương đồng với sự tiện nghi và thoải mái, rằng hạnh phúc có nghĩa là trải qua cuộc đời ngủ say trong nệm ấm chăn êm, rằng con đường duy nhất để được hạnh phúc là sống trong mơ hồ. Chắc chắn, thuốc phiện là xấu, nhưng có nhiều loại thuốc phiện được chấp nhận về mặt xã hội khác, cuối cùng biến chúng ta thành nô lệ cũng như vậy. Bằng cách này hay cách khác, chúng cướp khỏi tay chúng ta gia tài lớn nhất: sự tự do.
Các bạn của cha, Giê-su là Thiên Chúa của sự phiêu lưu, của sự trường tồn “thêm nữa”. Giê-su không phải là Thiên Chúa của sự tiện nghi, của an toàn và thoải mái. Đi theo Giê-su đòi phải có một lòng quả cảm, một sẵn sàng đánh đổi cái ghế sofa lấy một đôi giầy đi bộ để khởi hành trên những con đường mới và chưa có bước chân của ai. Để làm rực rỡ những tia sáng mở ra những chân trời mới có khả năng lan tỏa niềm vui, niều vui được sinh ra bởi tình yêu của Thiên Chúa và tuôn trào trong tâm hồn của chúng con qua những hành động của lòng thương xót. Để đi theo con đường “khờ dại” của Thiên Chúa chúng ta, Người dạy chúng ta phải gặp gỡ Người trong những người đói, người khát, người trần truồng, người đau ốm, người bạn đang khó khăn, người tù đày, người tị nạn và người di cư, và những người anh em đang cảm thấy bị bỏ rơi. Để bước theo con đường của Thiên Chúa chúng ta, Người động viên chúng ta hãy là những nhà chính trị, những nhà lý luận, những nhà hoạt động xã hội. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta xây dựng nên một nền kinh tế được lấy nguồn cảm hứng từ tình đoàn kết. Trong tất cả những thiết lập mà qua đó các con chọn lựa cho mình, tình yêu Thiên Chúa mời gọi chúng con mang theo Tin vui, biến cuộc đời của các con thành một món quà dâng Người và cho anh em.
Các con có thể nói với cha: Nhưng cha ơi, điều đó không phải dành cho tất cả mọi người, nhưng chỉ cho một số người được chọn. Đúng, và những người được chọn đó là tất cả những ai sẵn sàng chia sẻ cuộc sống với anh em. Cũng như Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn của các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, và Người đã làm điều đó với các người bạn của chúng ta ở đây là những người đã chia sẻ chứng tá của họ. Cha sẽ lấy câu nói của con, Miguel. Con kể với chúng ta rằng trong “Facenda” vào ngày người ta giao cho con trách nhiệm giúp làm sao để nhà hoạt động tốt hơn, con bắt đầu hiểu ra rằng Thiên Chúa đang yêu cầu con một điều gì đó. Đó chính là lúc mọi việc bắt đầu thay đổi.
Đó là sự huyền nhiệm, các bạn thân mến của cha, và tất cả chúng ta được kêu gọi để chia sẻ điều đó. Thiên Chúa mong chờ một điều gì đó từ các con. Thiên Chúa muốn một điều gì đó từ các con. Thiên Chúa hy vọng vào các con. Thiên Chúa đến để phá đổ mọi hàng rào của chúng ta. Người đến để mở những cánh cửa cuộc đời của chúng ta, ước mơ của chúng ta, những cách nhìn nhận sự việc của chúng ta. Thiên Chúa đến để phá toang mọi điều giữ chúng con khép kín trong lòng. Người đang khuyến khích chúng con ước mơ. Người muốn làm cho chúng con thấy rằng, với các con, thế giới có thể khác đi. Vì sự thật là, nếu các con không cho đi những gì là tốt nhất của bản thân, thế giới sẽ không bao giờ thay đổi.
Thời đại chúng ta đang sống không kêu gọi những người trẻ “ù lì trên ghế trường kỷ,” nhưng là những người trẻ với đôi giầy, hay tốt hơn nữa, đôi giầy bốt cao cổ. Nó chỉ lấy những cầu thủ ngoại hạng, và không có chỗ cho những cầu thủ dự bị. Thế giới hôm nay đòi hỏi rằng các con phải là một vai chính của lịch sử vì cuộc sống luôn luôn đẹp vô cùng khi chúng ta chọn cách sống trọn vẹn, khi chúng ta chọn cách để lại dấn ấn. Lịch sử hôm nay kêu gọi chúng ta phải bảo vệ lấy nhân phẩm của chúng ta và không để cho người khác quyết định cho tương lai của chúng ta. Như Người đã làm trong ngày lễ Ngũ tuần, Thiên Chúa muốn làm một trong những phép lạ vĩ đại nhất chúng ta có thể trải nghiệm; Người muốn biến đôi tay của chúng con, tay của cha, đôi tay của chúng ta thành những dấu chỉ của sự hòa giải, của sự kết hiệp, của sự sáng tạo. Người muốn đôi tay của chúng con tiếp tục xây dựng thế giới hôm nay. Và Người muốn xây dựng thế giới cùng với chúng con.
Các con có thể nói với cha: Nhưng thưa cha, con có những giới hạn của mình, con là một người tội lỗi, con có thể làm được gì? Khi Thiên Chúa kêu gọi chúng ta. Người không lo lắng chúng ta là gì, chúng ta đã như thế nào, hay chúng ta đã làm những gì và chưa làm những gì. Hoàn toàn ngược lại. Khi Người gọi chúng ta, Người nghĩ về mọi thứ mà chúng ta phải cho đi, tất cả sự yêu thương chúng ta có khả năng làm lan tỏa. Người đánh cược vào tương lai, vào ngày mai. Giê-su đang chỉ cho chúng con đi vào tương lai.
Vì thế hôm nay, các bạn của cha, Giê-su đang mời gọi chúng con, kêu gọi chúng con, hãy để lại dấu ấn trên cuộc đời, hãy để lại một dấu ấn trên lịch sử, của riêng chúng con cũng như của những người khác.
Cuộc sống hôm nay bảo chúng ta rằng thật dễ dàng hơn nhiều khi chú ý vào điều gì chia rẽ chúng ta, điều gì giữ chúng ta xa nhau. Người ta cố làm cho chúng ta tin rằng tự nhốt mình là một cách tốt nhất để giữ an toàn tránh khỏi mọi tổn hại. Hôm nay, người lớn như cha cần chúng con dạy họ cách sống trong sự đa dạng hóa, trong đối thoại, để trải nghiệm tính đa văn hóa và không xem đó là một sự đe dọa nhưng là một cơ hội. Hãy can đảm dạy họ rằng xây những chiếc cầu thì dễ hơn xây các bức tường rất nhiều! Chúng ta hãy cùng nhau yêu cầu các con biết thách thức họ đi theo con đường huynh đệ. Xây dựng những chiếc cầu. Các con có biết cây cầu đầu tiên phải xây dựng là gì không? Đó là cây cầu chúng ta có thể xây dựng ở đây và ngay bây giờ – bằng cách đưa tay ra và cầm lấy tay người khác. Hãy làm đi, xây dựng ngay bây giờ, tại đây, cây cầu đầu tiên trong những cây cầu. Đây là một cây cầu vĩ đại của tình anh em, và cầu mong những giới quyền lực của thế giới có thể học để xây dựng nó … không phải để chụp ảnh để đăng tin buổi tối, nhưng để xây dựng những chiếc cầu lớn hơn nữa. Nguyện xin cho cây cầu con người này là sự khởi đầu của nhiều, nhiều cây cầu khác; bằng cách đó, nó sẽ để lại một dấu ấn.
Hôm nay, Chúa Giê-su, Người là đường, là sự thật và là sự sống, đang kêu gọi chúng con hãy để lại dấu ấn trên lịch sử. Ngài, Người là sự sống, đang yêu cầu mỗi người chúng con hãy để lại dấu ấn mang đến sự sống cho lịch sử của riêng đất nước chúng con và của các nước khác. Ngài, Người là sự thật, đang yêu cầu chúng con từ bỏ những con đường của sự loại trừ, chia rẽ và trống rỗng. Các con đã sẵn sàng chưa? Các con sẽ cho câu trả lời như thế nào, với cả đôi tay và đôi chân, với Thiên Chúa, Người là đường, là sự thật, và là sự sống?
© Copyright – Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: ZENIT]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/08/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét