Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Ngày Thế giới Hòa bình thứ 50

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Ngày Thế giới Hòa bình thứ 50

Phần 1

‘Bất Bạo Động: Một Con Đường Chính Trị Hòa Bình’
12 tháng 12, 2016
Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Ngày Thế giới Hòa bình thứ 50
Dưới đây là văn bản của Vatican cung cấp Thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 50 của Đức Thánh Cha Phanxico sẽ được kỷ niệm ngày 1 tháng 1, với chủ đề: ‘Bất Bạo Động: Một Con Đường Chính Trị Hòa Bình’
***
1. Bắt đầu một Năm Mới, tôi xin gửi những lời chúc hòa bình tới các quốc gia và các dân tộc trên thế giới, tới các vị nguyên thủ quốc gia và chính phủ, và tới các nhà lãnh đạo tôn giáo, dân sự và cộng đồng. Tôi xin gửi lời chúc hòa bình đến từng người, từng trẻ em, và tôi nguyện cầu rằng hình ảnh và thiện tâm của Thiên Chúa trong mỗi con người sẽ làm cho chúng ta nhận biết tha nhân là những thánh ân được ban tặng với phẩm giá cao trọng. Đặc biệt trong những tình hình xung đột, chúng ta hãy tôn trọng điều này, “phẩm giá cao trọng nhất” của chúng ta(1), và lấy bất bạo động là cách sống thực sự của chúng ta.
Đây là Thông điệp thứ năm mươi cho Ngày Thế Giới Hòa bình. Trong Thông điệp đầu tiên, Chân phước Giáo hoàng Phaolo VI gửi đến mọi dân tộc, không riêng người Công giáo, sự quả quyết. “Hòa bình là hướng đi đích thực duy nhất cho sự phát triển con người – không phải những căng thẳng được tạo ra bởi các chủ nghĩa dân tộc đầy tham vọng, cũng không phải những sự xâm chiếm bằng bạo lực, và không phải là những sự đàn áp được coi là cơ sở chính cho trật tự dân sự giả tạo.” Ngài đã cảnh báo về “mối nguy hiểm của lòng tin rằng những tranh luận quốc tế không thể giải quyết được theo những con đường lý lẽ, nghĩa là, bằng con đường thương thuyết dựa trên luật pháp, công lý và công bình, nhưng chỉ có thể giải quyết bằng những sức mạnh ngăn chặn và sát thương.” Thay vì vậy, trích dẫn Tông huấn Pacem in Terris (Hòa bình trên trái đất) của Đấng tiền nhiệm Thánh Gioan XXIII, ngài ca ngợi rằng “sự nhận thức và yêu hòa bình được thiết lập trên cơ sở chân lý, công bình, tự do và yêu thương.”(2) Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, những lời này vẫn không mất tính quan trọng và sự khẩn thiết của nó.
Nhân dịp này, tôi muốn nói lên suy tư về tính bất bạo động như là một con đường chính trị hòa bình. Tôi khẩn xin Thiên Chúa trợ giúp tất cả chúng ta nuôi dưỡng tính bất bạo động trong từng suy nghĩ và giá trị riêng tư nhất của chúng ta. Nguyện xin cho lòng bác ái và tính bất bạo động điều khiển cách chúng ta cư xử với nhau giữa những cá nhân, trong xã hội và trong đời sống quốc tế. Khi những nạn nhân của bạo lực có khả năng chống lại được với cám dỗ trả thù, họ sẽ trở thành những người quảng bá đáng tin nhất cho việc giữ gìn hòa bình bất bạo động. Trong những hoàn cảnh địa phương và bình thường nhất và trong trật tự quốc tế, nguyện xin cho tính bất bạo động trở thành tiêu chuẩn giá trị cho những quyết định của chúng ta, những mối quan hệ và hành động của chúng ta, và từ đó đến đời sống chính trị và mọi nguyên tắc của nó.

Một thế giới bị tan vỡ
2. Trong thế kỷ trước chúng ta đã biết đến sự tàn phá của hai cuộc Đại Chiến Thế giới đẫm máu, mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử và nhiều cuộc xung đột khác, ngày nay thật đáng buồn, chúng ta lại thấy mình đang ở trong một cuộc chiến thế giới kinh hoàng diễn ra trong từng vùng. Thật không dễ để biết được thế giới của chúng ta hiện tại ít bạo lực hơn hay nhiều bạo lực hơn trong quá khứ, hay hiểu được liệu những phương tiện truyền thông hiện đại và tính di động mở rộng hơn đã làm chúng ta ý thức nhiều hơn về bạo lực, hoặc, về mặt khác, lại làm tăng cảm giác quen với nó.
Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta biết rằng tính bạo động “từng vùng” này, nhiều hình thức và mức độ khác nhau, gây ra những sự đau khổ quá lớn: những cuộc chiến ở các quốc gia và các châu lục khác nhau; chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức và những hành động bạo lực không thể lường trước được; những tình trạng ngược đãi người di cư và các nạn nhân của việc buôn người; và sự tàn phá môi trường. Việc này sẽ dẫn đến đâu? Bạo lực có đạt được một mục tiêu mang giá trị bền vững nào không? Hay nó chỉ đơn thuần dẫn đến sự trả thù và một vòng luẩn quẩn những cuộc xung đột đẫm máu và đem đến ích lợi cho một vài “thủ lĩnh quân phiệt”?
Bạo lực không phải là liệu pháp chữa lành cho thế giới bị tan vỡ của chúng ta. Dùng bạo lực để đối phó với bạo lực là một cách nhanh nhất dẫn đến những cuộc di cư cưỡng bức và sự đau khổ vô ngần, vì những con số khổng lồ các nguồn tài nguyên bị chuyển sang mục đích sử dụng cho quân sự và không thuộc về những nhu cầu thường nhật của giới trẻ, các gia đình trải qua nhiều khó khăn, người cao tuổi, người đau yếu và đại đa số người dân trên thế giới. Ở mức độ tồi tệ nhất, nó có thể dẫn đến những cái chết, thể xác và tâm hồn, của rất nhiều người, nếu không phải là tất cả.

Tin vui
3. Chính Chúa Giê-su cũng sống trong thời gian bạo động. Tuy nhiên, Ngài dạy rằng chiến trường thực sự, nơi bạo lực và hòa bình đối mặt nhau, là trái tim của con người: vì “từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7:21). Nhưng thông điệp của Đức Ki-tô về vấn đề này đưa ra một phương pháp hoàn toàn tích cực. Ngài luôn luôn rao truyền tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, tình yêu đón chào và tha thứ. Ngài dạy các môn đệ của Ngài yêu kẻ thù (Mt 5:44) và đưa má bên kia ra (Mt 5:39). Khi Ngài ngăn được những người tố cáo không ném đá người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình (Ga 8:1-11), và trong đêm trước khi chết, lúc Ngài bảo Phê-rô cất gươm của ông đi (Mt 26:52), Đức Giê-su đã vạch ra con đường bất bạo động. Ngài đã đi theo con đường đó đến cuối cùng, đến thập giá, nhờ đó Ngài trở thành sự an bình của chúng ta và đặt dấu chấm hết cho sự hận thù (Eph 2:14-16). Bất kỳ ai đón nhận Tin Vui của Chúa Giê-su đều có khả năng thừa nhận tính bạo lực bên trong con người và được chữa lành bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, sau đó lại trở thành một khí cụ cho hòa giải. Theo những lời của Thánh Phanxico Assisi: “Khi bạn công bố hòa bình ra ngoài miệng, phải chắc chắn rằng bạn có sự an bình lớn hơn trong tâm hồn.”(3)
Để trở thành những môn đệ thực sự của Chúa Giê-su hôm nay cũng phải thấm nhuần lời dạy của Ngài về tính bất bạo động. Như Đấng Tiền nhiệm của tôi là Đức Benedict XVI nhận xét rằng giáo huấn là “rất thiết thực vì lời đó được dạy cho một thế giới quá nhiều bạo lực, quá nhiều bất công, và vì thế tình hình không thể vượt qua, trừ khi nó bị đối mặt bằng nhiều sự yêu thương hơn nữa, nhiều sự tốt lành hơn nữa. Cái “nhiều hơn” này đến từ Thiên Chúa.” (4) Ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng: “Với người Ki-tô hữu, bất bạo động không chỉ đơn thuần là thái độ sách lược, nhưng là cách sống của một con người, là thái độ của một con người bị khuất phục bởi tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đến độ người đó không hề e sợ đối phó với tội ác chỉ bằng những vũ khí của tình yêu và sự thật. Yêu thương kẻ thù là cốt lõi của ‘cuộc cách mạng của Đức Ki-tô’.”(5) Mệnh lệnh của Tin mừng là yêu kẻ thù (Lc 6:27) “được xem là luật lệ chính đáng của tính bất bạo động của người Ki-tô hữu. Nó không có nghĩa là đầu hàng trước điều ác …, nhưng đáp trả cho điều ác bằng điều thiện (Rm 12:17-21), và từ đó sẽ phá vỡ được chuỗi bất công.”(6)

(Xin quý vị đọc tiếp phần 2 ngày mai)


***
(1) Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 228.
(2) PAUL VI, Message for the First World Day of Peace, 1 January 1968.
(3) “The Legend of the Three Companions”, Fonti Francescane, No. 1469.
(4) BENEDICT XVI, Angelus, 18 February 2007.

(5) Ibid.
(6) Ibid.

[Văn bản của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/12/2016]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét