Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Tham dự viên Ấn giáo tại Assisi: ‘Đức Giáo hoàng Phanxico là người giữ lương tâm đạo đức của thế giới’

Tham dự viên Ấn giáo tại Assisi: ‘Đức Giáo hoàng Phanxico là người giữ lương tâm đạo đức của thế giới’

Pope Francis greets representatives of other religions upon his arrival in Assisi - OSS_ROM
Đức Thánh Cha Phanxico chào đại diện của các tôn giáo khác khi ngài đến Assisi - OSS_ROM
20/09/2016 15:24
(Vatican Radio) Nhà văn và nhà hoạt động người Ấn, Sudheendra Kulkarni, là một trong khoảng 450 đại diện tôn giáo thuộc nhiều nền tảng đức tin tham dự Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình ở Assisi, tại đây ông tham gia thảo luận nhóm với chủ đề “Chủ nghĩa khủng bố phủ nhận Thiên Chúa.”
Kulkarni, người theo đạo Ấn giáo, dẫn đầu Hiệp hội Nghiên cứu Quan sát viên, một nhóm chuyên gia độc lập, đặt trụ sở tại Ấn độ. Ông đặc biệt quan tâm tới đối thoại liên tôn, đặc biệt cuộc đối thoại Ấn độ - Pakistan tìm kiếm hòa bình và hợp tác.
Ông nói với Christopher Altieri của đài phát thanh Vatican rằng thông điệp của Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình phù hợp cho ngày hôm nay hơn bao giờ hết:
Sudheendra Kulkarni nói về tầm quan trọng của sự tham dự của ông vào sự kiện Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình ở Assisi: “Thông điệp Assisi mang tính toàn cầu. Nó không chỉ cho vùng Assisi, nó không phải cho riêng nước Ý, nó cũng chẳng phải cho riêng thế giới Ki-tô giáo. Vị thánh vĩ đại nhất của nhân loại, một trong những vị thánh vĩ đại nhất, Thánh Phanxico quê ở Assisi và chúng tôi ở Ấn độ rất kính trọng Thánh Phanxico và hội nghị liên tôn được tổ chức lần đầu tiên cách đây 30 năm. Nó là một bước ngoặt trong sự hòa hợp liên tôn trên khắp thế giới và chúng tôi lại họp nhau ở đây sau 30 năm, vì thế nó rất quan trong cho chúng tôi ở Ấn độ.”
Kulkarni nói rằng mặc dù ông không có trong thành phần tham dự tại Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình năm 1986, ông có nghe nói về sự kiện đó. Ông nói rằng “thông điệp thậm chí còn phù hợp hơn cho thế giới ngày nay.”
Suy tư về sự tiến bộ đã đạt được kể từ Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình lần thứ nhất năm 1986, Kulkarni nói, “Điều đạt được là từ năm 1986 có một ý thức ngày một lan tỏa hơn trên khắp thế giới rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa của chúng ta, tất cả mọi quốc gia, mọi nền văn hóa, và mọi cộng đồng tôn giáo phải chung sống với nhau. Ý thức này hôm nay đã trở nên mạnh mẽ hơn năm 1986 vì như chúng ta biết năm 1986 vẫn còn nằm trong kỷ nguyên của hai khối quyền lực đối chọi. Kỷ nguyên chiến tranh lạnh: Chiến tranh lạnh đã đi qua nhưng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này tất cả các tôn giáo phải đối thoại với nhau và học cách sống hòa bình và hòa hợp với nhau.”
Mặc dù đã có một số tiến bộ đáng kể kể từ sự kiện đầu tiên, ông Kulkarni nhận xét rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Có rất nhiều vấn đề và một số vấn đề mới và chúng ta phải học từ nhau. Chúng ta phải học cách sống với nhau bằng cách tôn trọng sự khác biệt của nhau,” ông nói.
Kulkarni nói thêm về Chiến Tranh lạnh và sự cố gắng thúc đẩy dỡ bỏ tôn giáo ra khỏi nhân loại: “Tôi nghĩ rằng sức thúc đẩy này ngày nay yếu hơn rất nhiều vì ý thức hệ vô thần, ý thức hệ cố gắng tách con người ra khỏi tôn giáo và ra khỏi Thượng đế đã bị thất bại, nó đã bị sụp đổ. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là toàn thế giới bây giờ đã quay về với giá trị tôn giáo đích thực, điều đó không đúng. Chúng ta vẫn còn một con đường dài để đi, nhưng nếu chúng ta hiểu tôn giáo theo nhận thức đúng của từ ngữ và thông điệp cốt lõi của tất cả các tôn giáo là giống nhau, tôi đại diện cho Ấn giáo, tôi từ Ấn độ đến, chúng tôi tôn trọng và chúng tôi thừa nhận mọi tôn giáo là thật và bình đẳng như nhau. Bây giờ sự hiểu biết này mà chúng ta phải học cùng với nhau trong một thế giới đã trở nên nhỏ bé hơn, nó đã trở thành một ngôi làng, một ngôi làng trái đất mà chúng ta phải chung sống với nhau. Không có con đường nào khác. Sự ý thức này, theo ý tôi, ngày nay trở nên mạnh mẽ hơn 30 năm trước.”
Kulkarni nói về những kinh nghiệm của ông với Đức Thánh Cha Phanxico và những mong chờ của ông đối với Giáo hoàng tại Assisi: “Ở một tầm mức Đức Giáo hoàng Phanxico là nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo thế giới, nhưng ở một tầm mức khác ngài là người giữ lương tâm đạo đức cho thế giới. Thông điệp của ngài dành cho toàn nhân loại. Ngày nay ngài là một trong những tiếng nói hiếm hoi trên thế giới, tiếng nói luôn nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta phải thay đổi thế giới này. Chúng ta phải thay đổi thế giới này theo cách người nghèo được tôn trọng, người nghèo có công bằng, người nghèo có thể sống trong một thế giới an toàn. Thứ hai, ngài là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại của thế giới, ngài luôn nói một cách rất tâm huyết về việc bảo vệ môi sinh. Thực ra ngài được người ta gọi là Giáo hoàng xanh và chúng tôi ở Ấn độ kính trọng ngài vì điều này, và sẽ rất hạnh phúc được nhìn thấy Đức Giáo hoàng Phanxico đến thăm Ấn độ.”

[Nguồn:  en.radiovaticana]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/09/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét