Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha ngày Lễ Hiển Linh

Bài giảng của Đức Thánh Cha ngày Lễ Hiển Linh

‘Ba Nhà Thông Thái đã có thể tôn thờ, vì họ có can đảm lên đường. Và khi họ quỳ xuống trước một Trẻ thơ nhỏ bé, nghèo hèn và mong manh, một Trẻ thơ không được mong chờ và không ai biết đến ở Bê-lem, họ tìm ra vinh quang của Thiên Chúa.’
6 tháng 1, 2017
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài giảng của Vatican cung cấp sáng nay tại Lễ Trọng Lễ Hiển Linh trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô:
***
Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. (Mt 2:2).
Bằng những lời này, Ba Nhà Thông Thái, đến từ rất xa, kể cho chúng ta biết lý do chuyến đi của họ: họ đến để thờ lạy Vị Vua mới sinh. Chiêm ngắm và thờ lạy: hai hành động này nổi bật lên trong trình thuật Tin mừng. Chúng tôi nhìn thấy một ngôi sao và chúng tôi muốn đến tôn thờ.
Những người này nhìn thấy một ngôi sao khiến họ phải lên đường. Sự khám phá ra một điều khác thường trên trời làm sáng tỏ lên toàn bộ sự kiện. Ngôi sao không chỉ tỏa sáng ra với họ, và họ cũng chẳng có DNA đặc biệt nào để có thể nhìn thấy được ngôi sao. Một trong các Giáo Phụ đã rất đúng khi nói rằng Ba Nhà Thông Thái không lên đường vì họ đã nhìn thấy ngôi sao, nhưng họ nhìn thấy ngôi sao khi họ đã lên đường (Thánh Gioan Chrysostom). Tâm hồn của họ mở ra về phía chân trời và họ có thể nhìn thấy những gì thiên đàng thể hiện cho họ, vì họ được hướng dẫn bởi một thao thức bên trong. Họ mở lòng ra tìm đến những điều mới lạ.
Ba Nhà Thông Thái đại diện cho tất cả những người tin theo, những người khát khao tìm Thiên Chúa, những người mong mỏi quê hương của họ, quê hương nước trời của họ. Họ phản ánh hình ảnh của tất cả những người trong suốt cuộc đời luôn để cho tâm hồn của mình được đê mê ngây ngất.
Một khát khao thánh thiện tìm kiếm Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn của những tín hữu vì họ biết rằng Tin mừng không phải là một sự kiện trong quá khứ nhưng là của hiện tại. Một khát khao thánh thiện tìm kiếm Thiên Chúa giúp chúng ta cảnh tỉnh trước mọi cám dỗ làm hao mòn và nghèo nàn cuộc sống của chúng ta. Một khát khao thánh thiện tìm kiếm Thiên Chúa là sự ghi nhớ đức tin, đứng lên chống lại tất cả những tiên tri của bóng tối. Sự khát khao đó giữ lòng cậy trông sống động trong cộng đoàn tín hữu, từ tuần này sang tuần khác lòng cậy trông đó liên tục khẩn cầu: “Lạy Chúa Giê-su, xin Người hãy đến.”
Cùng một lòng khát khao đó đã dẫn đưa ông già Simeon hàng ngày bước lên Đền Thờ, xác tín rằng sự sống của ông sẽ không kết thúc trước khi ông được ẵm Đấng Cứu Độ trên tay. Cùng một lòng khát khao này đã dẫn đưa Người Con Hoang Đàng từ bỏ lối sống tự hủy hoại bản thân để tìm về với cái ôm của người cha. Đây là lòng khát khao của người chăn chiên bỏ chín mươi chín con để đi tìm một con bị lạc. Maria Ma-đa-le-na cũng có cùng một lòng khát khao như vậy vào buổi sáng Chúa nhật hôm đó khi bà chạy ra ngoài mộ và gặp Thầy đã sống lại. Khát khao được Thiên Chúa kéo chúng ta ra khỏi sự cô lập bị bao bọc bởi tấm màn sắt, nó làm chúng ta nghĩ rằng không gì có thể thay đổi được. Khát khao được Thiên Chúa phá tan những thói quen tệ hại của chúng ta và thúc đẩy chúng ta đưa ra những thay đổi chúng ta muốn và cần thiết. Khát khao được Thiên Chúa có nguồn cội từ quá khứ nhưng nó không dừng lại trong quá khứ: nó tiến tới về tương lai. Những tín hữu cảm nhận được lòng khát khao này được dẫn dắt bởi đức tin để đi tìm Thiên Chúa, như Ba Vị Thông Thái đã làm, từ trong những góc xa xôi nhất của lịch sử, vì họ biết rằng ở nơi đó Thiên Chúa đang chờ họ. Họ đi đến vùng ven xa xôi hẻo lánh, đến vùng tuyến đầu, tới những nơi chưa được loan báo tin mừng, để gặp gỡ Thiên Chúa. Họ cũng không làm điều này với ý nghĩ kẻ cả, nhưng là như những người ăn mày, những người không thể làm ngơ trước những ánh mắt của những người mà Tin mừng vẫn còn là một lãnh địa chưa có tên tuổi.
Một thái độ hoàn toàn khác thống trị trong cung điện của Hê-rô-đê, cách Bê-lem một quãng đường ngắn, nơi không một người nào nhận biết điều gì đang diễn ra. Khi ba Nhà Thông Thái đang trên hành trình thì Giê-ru-sa-lem ngủ. Nó ngủ theo sự thông đồng với Hê-rô-đê, một con người đáng ra phải đi tìm thì cũng ngủ. Ông ta ngủ, bị mê man bởi một lương tâm chai lì. Ông ta bị hoang mang, lo sợ. Đó là sự hoang mang mà khi đối mặt với tính mới mẻ cách mạng hóa lịch sử, tự khóa mình lại vào trong những thành tựu của mình, trong mớ kiến thức của mình, trong những thành công của mình. Sự hoang mang của một người ngồi trên đống gia sản của mình và không nhìn vượt ra ngoài được. Sự hoang mang ngụ cư trong tâm hồn của những người muốn điều khiển mọi người và mọi vật. Sự hoang mang của những người ngụp lặn trong văn hóa chiến thắng bằng bất cứ giá nào, trong cái văn hóa đó chỉ có duy nhất chỗ cho “kẻ chiến thắng,” bằng bất cứ giá nào. Một sự hoang mang sinh ra bởi nỗi lo sợ và linh tính về bất cứ điều gì thử thách chúng ta, lo lắng về những sự vững chắc và sự thật của chúng ta, con đường đeo bám vào trần gian và cuộc sống đời này của chúng ta. Hê-rô-đê đã rất sợ, và sự lo sợ đó đã dẫn ông ta tìm đến sự an toàn nơi tộc ác: “Ngươi giết những con người bé nhỏ trong thân xác của chúng, vì nỗi lo sợ đang giết ngươi trong tâm hồn” (Thánh QUODVULTDEUS, Sermon 2 on the Creed: PL 40, 655). Sự thôi thúc đã dẫn họ đến đó, vì điều hợp lý là một vị vua chắc chắn phải sinh ra trong một cung điện, giữa mọi quần thần và tất cả thần dân. Vì đó mới là dấu hiệu của quyền lực, của sự thành công, của một cuộc sống thành đạt. Cũng thế người ta mong chờ một vị vua phải được sùng bái, được sợ hãi và xu nịnh. Đúng như vậy, nhưng không cần phải được yêu mến. Với những điều thuần túy thuộc thế gian này, những ngẫu thần tầm thường mà chúng ta có thể sùng bái: sự sùng bái quyền lực, dáng vẻ kẻ cả và hình thức thể hiện bên ngoài. Những ngẫu thần chỉ hứa hẹn sự thất vọng và sự nô lệ.
Chính tại đó, tại nơi đó, mà những con người đến từ nơi rất xa, đã dấn thân vào cuộc hành trình dài nhất. Nơi đó họ đã xuất hành một cách liều lĩnh trên một chuyến đi đầy gian khổ và phức tạp. Họ đã tìm ra rằng điều họ tìm kiếm không phải trong một cung điện, nhưng ở một nơi khác, cả về thực tại hiện hữu và địa lý. Tại đó, trong cung điện, họ không nhìn thấy ngôi sao soi sáng để họ tìm được một Thiên Chúa muốn được yêu thương. Vì chỉ dưới nguyên tắc tự do, không phải sự áp chế, mới có thể nhận ra được cái nhìn của vị vua không được ai biết đến nhưng lại được chờ đợi, không hạ thấp, không nô dịch hóa, và không cầm tù chúng ta. Chúng ta mới nhận ra được cái nhìn của Thiên Chúa nâng chúng ta lên, tha thứ và chữa lành. Chúng ta mới nhận ra được rằng Thiên Chúa muốn được sinh ra ở những nơi chúng ta ít mong chờ nhất, hay có thể ít mơ ước nhất, ở một nơi chúng ta thường xuyên từ chối Ngài. Chúng ta mới nhận ra rằng trong mắt của Thiên Chúa luôn luôn có chỗ cho những người bị thương tổn, rã rời kiệt sức, bị ngược đãi và bị bỏ rơi. Chúng ta mới biết rằng sức mạnh và quyền bính của Ngài được gọi là lòng thương xót. Với một số người chúng ta, Giê-ru-sa-lem cách Bê-lem quá xa!
Hê-rô-đê không thể thờ lạy vì ông ta không thể hoặc không muốn thay đổi cách nhìn nhận sự việc của ông ta. Ông ta không muốn bỏ thói tôn sùng chính bản thân, tin rằng mọi việc đều phải xoay vòng quanh ông ta. Ông ta không thể thờ lạy, vì mục tiêu của ông ta là bắt mọi người thờ lạy ông ta. Và cả các thầy tư tế cũng không thể thờ lạy, vì cho dù họ có kiến thức rộng, và họ biết những lời tiên tri, họ vẫn không sẵn sàng bước vào hành trình hoặc thay đổi con đường của họ.
Các Nhà Thông Thái đã trải nghiệm được lòng khát khao; họ đã quá chán ngán với lối sống bình thường. Tất cả họ đều quá quen với, và mệt mỏi với, những Hê-rô-đê của thời đại của họ. Nhưng tại đó, ở Bê-lem, và một lời hứa của sự mới lạ, của sự cho đi nhưng không. Tại đó, một sự lạ đang xảy ra. Những nhà thông thái có thể tôn thờ, vì họ có can đảm lên đường. Và khi họ quỳ xuống trước một Trẻ thơ nhỏ bé, nghèo hèn và mong manh, một Trẻ thơ không được mong chờ và không ai biết đến ở Bê-lem, họ tìm ra vinh quang của Thiên Chúa.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/01/2017]
Bài giảng của Đức Thánh Cha ngày Lễ Hiển Linh
Bài giảng của Đức Thánh Cha ngày Lễ Hiển Linh
Bài giảng của Đức Thánh Cha ngày Lễ Hiển Linh
Bài giảng của Đức Thánh Cha ngày Lễ Hiển Linh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét