Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Bài giảng hàng ngày: Chúa Giê-su có uy quyền vì Ngài là người phục vụ

Bài giảng hàng ngày: Chúa Giê-su có uy quyền vì Ngài là người phục vụ

Pope Francis preaches at the daily Mass at the Casa Santa Marta. - ANSA
Đức Thánh Cha Phanxico giảng trong Thánh Lễ hàng ngày tại Nhà nguyện Thánh Marta. - ANSA
10/01/2017 12:26
(Vatican Radio) Chúa Giê-su có uy quyền vì Ngài phục vụ mọi người, Ngài gần gũi mọi người và lời nói của Ngài luôn đi đôi với việc làm, đối nghịch lại với các luật sĩ, họ cho mình là những ông hoàng. Ba đặc tính này thuộc uy quyền của Chúa Giê-su được Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh trong bài giảng Lễ sáng tại nhà nguyện Thánh Marta. Về mặt khác, Đức Thánh Cha lưu ý, rằng các luật sĩ giảng dạy theo uy quyền giáo điều: họ rất xa cách với người dân, và họ không sống những gì họ giảng dạy.
Uy quyền của Chúa Giê-su và của người Pha-ri-sêu là hai điểm chính mà bài giảng của Đức Thánh Cha xoáy vào. Một là uy quyền thực sự, còn một chỉ đơn thuần là hình thức. Tin mừng hôm nay nói về sự sửng sốt của mọi người vì Chúa Giê-su giảng dạy “như một người có uy quyền” và không giống như các kinh sư: họ là người có quyền trên người dân, Đức Thánh Cha nói, nhưng những gì họ dạy không đi vào tâm hồn của họ, trong khi Chúa Giê-su có uy quyền thật sự: Ngài không phải là một “người ru ngủ,” Ngài dạy Luật “đến cốt lõi của vấn đề,” Ngài dạy Sự thật, nhưng với uy quyền.

Chúa Giê-su phục vụ mọi người trong khi các luật sĩ cho rằng họ là những ông hoàng
Sau đó Đức Thánh Cha đi vào chi tiết, tập trung vào ba đặc tính  khác biệt về uy quyền của Chúa Giê-su và của các luật sĩ. Chúa Giê-su thì “dạy bằng sự khiêm nhường,” và nói với các môn đệ của Người, “người cao trọng nhất phải là người phục vụ: người đó phải là người nhỏ nhất,” thì người Pha-ri-sêu tự cho mình là những ông hoàng:
Chúa Giê-su phục vụ mọi người, Ngài giải thích mọi điều và người ta hiểu rất rõ. Ngài luôn phục vụ mọi người. Ngài có thái độ của một người phục vụ, và điều này đem lại uy quyền. Ngược lại, những luật sĩ kia mà mọi người dân … vâng, họ nghe đấy, họ tôn trọng, nhưng họ không cảm thấy các luật sĩ có uy quyền đối với họ; những người này mang tâm lý của những ông hoàng: “Chúng tôi là những ông thầy, là những ông hoàng, và chúng tôi dạy các anh. Không phục vụ: chúng tôi ra lệnh, các anh phải vâng lệnh.” Còn Chúa Giê-su không bao giờ thể hiện mình như một ông hoàng: Ngài luôn là người phục vụ của mọi người, và đây là điều làm cho Ngài có uy quyền.

Đặc tính thứ hai của uy quyền của Chúa Giê-su là sự gần gũi
Thực ra, chính sự gần gũi đó đem đến uy quyền. Sự gần gũi là đặc tính thứ hai phân biệt uy quyền của Chúa Giê-su và người Pha-ri-sêu. “Chúa Giê-su không dị ứng với bất kỳ ai: đụng chạm đến người phong hủi, người ốm đau, Ngài không e dè sợ hãi,” Đức Thánh Cha Phanxico giải thích; trong khi những người Pha-ri-sêu khinh miệt “những người nghèo, người hèn mọn,” họ thích bước đi ở những nơi công cộng đông người, trong bộ quần áo xúng xính:
Họ tách riêng ra khỏi người dân, họ không gần gũi người dân; Chúa Giê-su rất gần gũi với mọi người, và điều này làm cho người có uy quyền. Những người xa cách với dân chúng, những luật sĩ, có tâm lý giáo quyền: họ giảng dạy với uy quyền của giáo quyền – đó là chủ nghĩa giáo quyền. Thật vui đối với tôi khi tôi đọc về sự gần gũi với mọi người của Chân phước Phaolo VI: trong số 48 của Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi) người ta có thể tìm thấy tâm hồn của một vị mục tử luôn gần gũi với con chiên: đó cũng là nơi mà anh chị em tìm ra được uy quyền của Giáo hoàng, sự gần gũi. Trước hết, là một người phục vụ, trong sự khiêm nhường: người đứng đầu phải là người phục vụ, người đảo ngược mọi thứ, giống như một tảng băng trôi. Người ta nhìn thấy đỉnh của tảng băng; ngược lại, Chúa Giê-su đảo ngược nó, và người dân thì ở trên đỉnh, ở trên đầu và người lãnh đạo thì ở dưới, và ra lệnh từ bên dưới. Thứ hai, sự gần gũi.

Chúa Giê-su trung tín; thái độ giáo quyền chỉ là đạo đức giả
Nhưng có một điểm thứ ba phân biệt uy quyền của các kinh sư khỏi uy quyền của Chúa Giê-su, cụ thể là ‘lời nói luôn đi đôi với hành động.’ Chúa Giê-su “sống như những gì Ngài nói.” Có cái gì đó giống như sự hiệp nhất, một sự hài hòa giữa những điều Ngài suy nghĩ, cảm nhận, và thực hiện.” Trong khi đó người xem mình là ông hoàng có một “thái độ giáo quyền” – tức là, đạo đức giả – nói một đàng, làm một nẻo:
Ngược lại, dân tộc này không rõ ràng và tính cách của họ bị chia rẽ như những gì Chúa Giê-su khuyên răn các môn đệ của Ngài: ‘Hãy làm theo những gì họ dạy, nhưng đừng theo những gì họ làm’: họ nói một đàng nhưng làm theo một cách khác. Lời nói không đi đôi với việc làm. Họ không làm những gì họ nói. Và thái độ mà Chúa Giê-su thường nói về họ là đạo đức giả. Và như vậy chúng ta hiểu rằng một người tự xem mình là ông hoàng , một người có thái độ giáo quyền, một người đạo đức giả, đều không có uy quyền! Ngược lại, Chúa Giê-su, Ngài khiêm nhường, Ngài phục vụ mọi người, Ngài gần gũi không khinh rẻ một ai, và lời nói và việc làm của Ngài luôn song hành, là Đấng có uy quyền. Và đây là uy quyền mà dân Chúa cảm nhận được.

Sự sửng sốt của người chủ quán trọ trong dụ ngôn người Sa-ma-ri Tốt lành
Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha, để làm cho vấn đề được hiểu rõ hơn, đã nhắc lại dụ ngôn người Sa-ma-ri Tốt lành. Nhìn thấy một người bị bọn cướp để lại ở bên vệ đường nửa sống nửa chết, một tư tế bỏ qua, và tiếp tục đi, có lẽ nhìn thấy máu và thầy tư tế nghĩ rằng nếu ông đụng vào người kia, ông sẽ trở thành người ô uế. Thầy Lê-vi cũng đi ngang qua, Đức Thánh Cha nói, “Tôi tin rằng ông ta nghĩ như vầy, nếu ông ta nhúng tay vào vụ này thì ông ta phải ra tòa và làm chứng, mà ông ta có quá nhiều điều phải làm. Và vì thế ông ta làm ngơ và tiếp tục bỏ đi. Cuối cùng, người Sa-ma-ri đến, một người có tội, ngược lại, ông đã có lòng thương xót. Nhưng có một nhân vật khác trong dụ ngôn, Đức Thánh Cha Phanxico lưu ý: người chủ quán trọ, ông ta sửng sốt, không phải vị vụ tấn công của mấy kẻ cướp, nhưng vì chuyện xảy ra trên con đường đó; không vì thái độ của thầy tư tế và Lê-vi, vì ông đã biết rõ họ; nhưng vì thái độ của người Sa-ma-ri. Sự sửng sốt của người chủ quán trọn trước người Sa-ma-ri: “Nhưng chuyện này thật điên rồ … Anh ta không phải người Do thái, anh ta là một người có tội,” có thể ông chủ quán trọ nghĩ như vậy. Sau đó Đức Thánh Cha Phanxico liên kết sự sửng sốt này với sự sửng sốt của những người trong Tin mừng hôm nay khi chứng kiến uy quyền của Chúa Giê-su: “một uy quyền của sự khiêm nhường, của sự phục vụ … một uy quyền gần gũi với mọi người” và “lời dạy luôn đi đôi với việc làm.”

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/01/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét