Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Niềm hy vọng cho thế giới: một phỏng vấn ít được biết với Đức Benedict XVI

Niềm hy vọng cho thế giới: một phỏng vấn ít được biết với Đức Benedict XVI

01 tháng Tư, 2017
Niềm hy vọng cho thế giới: một phỏng vấn ít được biết với Đức Benedict XVI
CPP
“Chân lý không bao giờ già nua,” trong khi các hệ tư tưởng “có tuổi thọ được đếm từng ngày.”
VATICAN CITY — Khi các nhà lãnh đạo Châu Âu đột ngột họp tại Roma tuần trước để đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng đồng Châu Âu, Quỹ Joseph Ratzinger cho đăng một cuộc phỏng vấn với Đức Benedict XVI về mối quan hệ giữa Ki-tô giáo và Tây phương.
Cuộc phỏng vấn, do Cha Germano Marani S.J. thực hiện năm 2012, lần đầu tiên xuất hiện trong bộ phim “Những Tiếng Chuông của Châu Âu” [Campane d’Europa]. Được Trung tâm Truyền hình Vatican sản xuất (với các nghi thức thuộc về hãng Rai Cinema), bộ phim tài liệu nhìn đến mối quan hệ giữa Ki-tô giáo, văn hóa Châu Âu, và tương lai của đại lục này và vượt xa hơn nữa.
Bộ phim thể hiện những phỏng vấn với các nhà lãnh đạo quan trọng khác trong thế giới Ki-tô giáo, gồm Đức Thượng phụ Đại kết Constantinople, Bartholomew I; Đức Đại Thượng phụ Moscow, Kirill; và đức Tổng Giám mục Canterbury, Rowan Williams, cũng như những nhân vật lỗi lạc trong thế giới chính trị và văn hóa.
Trong buổi phỏng vấn ít được biết đến, được tái phát hành dưới đây, Đức Benedict XVI chia sẻ nhiều lý do tại sao ngài vẫn có hy vọng cho Châu Âu và thế giới, ngài nhắc chúng ta nhớ rằng “con người không thể lãng quên Thiên Chúa mãi mãi,” và “Chân lý không bao giờ già nua,” trong khi các hệ tư tưởng “có tuổi thọ được đếm từng ngày.”
Ngài cũng nói đến những “thao thức” đang “thức tỉnh” nơi những người trẻ tuổi hôm nay, cũng như “sự khủng hoảng về giá trị” hiện tại của Châu Âu, điều mà ngài nói xuất phát từ sự thật rằng “trong Châu Âu ngày nay chúng ta nhìn thấy hai linh hồn.”

Thưa Đức Thánh Cha, các Thông điệp của người trình bày một quan điểm rất thuyết phục về con người: con người sống nhờ vào lòng quảng đại của Thiên Chúa, con người với lý trí được mở rộng nhờ trải nghiệm đức tin, con người gánh vác được trách nhiệm xã hội nhờ động lực bác ái được đón nhận và trao tặng trong chân lý. Thưa Đức Thánh Cha, chính từ quan điểm nhân học này — trong đó thông điệp Tin mừng đề cao tất cả những khía cạnh đáng tán dương của nhân loại, thanh tẩy những bùn nhơ che phủ lấy hình ảnh đích thực của con người được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa — mà người đã liên tục nhắc đi nhắc lại rằng sự tái khám phá này về hình ảnh của con người, của những giá trị Tin mừng, của những cội rễ sâu thẳm nhất của Châu Âu, là lý do cho niềm hy vọng lớn cho Châu Âu đại lục và vượt xa hơn nữa. Xin người giải thích cho chúng con những lý do cho sự hy vọng của người?
Lý do thứ nhất cho niềm hy vọng của tôi là sự thật của lòng khát khao Thiên Chúa, việc đi tìm Thiên Chúa, đã được khắc sâu trong tâm hồn của mỗi con người và không thể biến mất được. Chắc chắn chúng ta có thể lãng quên Thiên Chúa một lúc nào đó, gạt Ngài sang một bên và lo lắng về bản thân chúng ta với những điều khác, nhưng Thiên Chúa không bao giờ biến mất. Những lời của Thánh Au-gút-tinh là chân lý: con người chúng ta luôn thao thức cho đến khi tìm được Thiên Chúa. Sự thao thức này cũng tồn tại hôm nay, và là một cách bày tỏ niềm hy vọng rằng con người có thể, liên tục và lại một lần nữa, thậm chí hôm nay, bắt đầu hành trình tìm về Thiên Chúa.
Lý do thứ hai cho niềm hy vọng của tôi nằm ở sự thật rằng Tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô, niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, đơn giản là chân lý; và chân lý không bao giờ già nua. Nó cũng có thể có lúc bị lãng quên, nó có thể bị gạt sang một bên và sự chú ý có thể chuyển hướng sang những điều khác, nhưng chân lý không bao giờ biến mất. Những hệ tư tưởng có tuổi thọ được đếm từng ngày. Chúng xuất hiện mạnh mẽ và không thể cưỡng lại được, sau một khoảng thời gian nào đó, chúng hao mòn và mất dần năng lượng vì chúng thiếu sự thật thẳm sâu. Chúng là những mảnh vụn của sự thật, nhưng cuối cùng chúng mất đi. Ngược lại, Tin mừng là sự thật và vì thế không bao giờ bị hao mòn. Trong mỗi giai đoạn của lịch sử, nó tỏ lộ những chiều kích mới, nó xuất hiện trong mọi sự mới lạ và nó phù hợp với nhu cầu của tâm hồn và trí óc của con người, họ có thể bước đi trong sự thật này và khám phá ra chính mình. Vì thế, vì lý do này, tôi tin rằng sẽ có lại một mùa xuân mới cho Ki-tô giáo.
Một lý do thứ ba, một lý do dựa trên kinh nghiệm, là bằng chứng của sự thật rằng ý thức về những thao thức này đang tồn tại giữa những người trẻ tuổi hôm nay. Giới trẻ đã chứng kiến nhiều — những đề nghị của các hệ tư tưởng và của chủ nghĩa tiêu dùng — và họ đã ý thức được sự trống rỗng và thiếu thốn của những thứ đó. Con người được tạo dựng cho sự vô cùng; sự hữu hạn quá nhỏ bé. Vì thế, ngay trong các thế hệ trẻ chúng ta đang nhìn thấy sự thức tỉnh của thao thức này, và cả họ nữa bắt đầu hành trình tìm ra những khám phá mới của sự tuyệt mỹ của Ki-tô giáo, không phải là một phiên bản giảm giá hay lược bớt giá trị, nhưng là Ki-tô giáo trong mọi giá trị và tính sâu thẳm của nó. Vì vậy tôi tin rằng về nhân học đang cho chúng ta thấy sẽ luôn có một sự thức tỉnh mới của Ki-tô giáo. Những sự thật khẳng định điều này trong một cụm từ duy nhất: nền tảng sâu thẳm. Đó là Ki-tô giáo; nó là sự thật và sự thật luôn luôn có một tương lai.

Thưa Đức Thánh Cha, người luôn lặp đi lặp lại rằng Châu Âu đã có, và tiếp tục có, một sức ảnh hưởng văn hóa đến toàn nhân loại, và nó không thể làm gì hơn ngoài cảm nhận một ý thức đặc biệt về trách nhiệm, không phải cho tương lai của riêng đại lục, nhưng còn cho chung cả nhân loại. Nhìn về tương lai, có cách nào để nhận thức rõ những tình trạng của chứng nhân hữu hình Công giáo, Chính Thống giáo và Tin lành ở Châu Âu từ Đại Tây dương đến rặng Utals phải thể hiện sự chào đón hơn và hiệp nhất hơn, sống những giá trị Tin mừng mà họ tin, họ đóng góp vào việc xây dựng một Châu Âu trung thành với Đức Ki-tô, không chỉ đơn thuần là bảo vệ cho di sản văn hóa và tinh thần của họ, nhưng còn cam kết tìm ra những con đường mới để đối mặt với những thách đố lớn là nét đặc trưng của thời đại hậu hiện đại và đa văn hóa?

Đây là một câu hỏi quan trọng. Rõ ràng Châu Âu có một trọng lượng lớn đối với thế giới ngày nay, nói riêng về tầm quan trọng kinh tế, văn hóa và tri thức. Nó có một trách nhiệm lớn như là kết quả tiếp nối của điều này. Nhưng Châu Âu, như anh nói, vẫn phải tìm ra giá trị thực sự của nó để có thể nói và hành động theo đúng trách nhiệm của nó. Theo ý tôi, vấn đề hôm nay không có trong những sự khác biệt dân tộc, tạ ơn Chúa, nó là những khác biệt chứ không phải những chia rẽ. Trong những sự khác biệt về văn hóa, con người và bản chất, các dân tộc là một tài sản giàu có hợp chung với nhau để tạo nên một bản giao hưởng phong phú của các nền văn hóa.
Về căn bản, chúng là một nền văn hóa chung. Tôi tin rằng vấn đề mà Châu Âu gặp phải khi tìm ra giá trị riêng của mình nằm trong sự thật rằng trong Châu Âu hôm nay chúng ta đang nhìn thấy hai linh hồn: một là lý trí chống lại lịch sử phi thực tế, nó tìm cách thống trị tất cả vì nó cho bản thân nó vượt trên mọi văn hóa; nó giống như một kiểu lý trí cuối cùng tự tìm ra chính mình và có khuynh hướng giải thoát mình khỏi tất cả các truyền thống và giá trị văn hóa vì ích lợi của tính hợp lý trừu tượng. Quả quyết đầu tiên của Strasburg về thánh giá là một ví dụ cho kiểu lý trí trừu tượng như vậy, nó tìm kiếm sự giải phóng khỏi tất cả mọi truyền thống, thậm chí thoát khỏi chính cả lịch sử của bản thân nó. Tuy nhiên chúng ta không thể sống như vậy, hơn nữa, ngay cả “duy lý trí” vẫn phải phụ thuộc vào một bối cảnh lịch sử nào đó, và chỉ trong bối cảnh đó nó mới tồn tại. Chúng ta có thể gọi linh hồn khác của Châu Âu là linh hồn Ki-tô giáo. Nó là một linh hồn mở mở ra cho tất cả những gì hợp lý, một linh hồn mà chính nó đã xây dựng tính táo bạo của lý trí và sự tự do của tư duy phản biện, nhưng nó vẫn bám chặt vào những gốc rễ mà qua đó Châu Âu này được sinh ra, những gốc rễ đã tạo ra những giá trị nền tảng và các thể chế lớn của châu lục này, trong tầm nhìn của đức tin Ki-tô giáo. Như anh nói, linh hồn này phải tìm ra một cách biểu đạt chung trong sự đối thoại đại kết giữa các Giáo hội Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành. Rồi nó phải gặp gỡ được lý trí trừu tượng này; nói một cách khác, nó phải chấp nhận và duy trì sự tự do của lý trí để phê bình mọi việc nó có thể làm và đã làm, nhưng để thực hành điều này và cho nó hình thức cụ thể dựa trên những nền tảng và trong bối cảnh của những giá trị lớn mà Ki-tô giáo đã để lại cho chúng ta. Chỉ bằng cách pha trộn những yếu tố này thì Châu Âu mới có thể có trọng lượng trong cuộc đối thoại liên văn hóa của con người hôm nay và ngày mai. Chỉ khi lý trí có một giá trị lịch sử và luân lý thì nó mới có thể nói chuyện với người khác, tìm kiếm một “tính đa văn hóa” qua đó mọi người có thể bước vào và tìm được một sự thống nhất căn bản trong những giá trị mở ra con đường cho tương lai, cho một chủ nghĩa nhân văn mới. Đây phải là mục tiêu của chúng ta. Với chúng ta chủ nghĩa nhân văn này nổi lên trực tiếp từ cái nhìn về con người được tạo dựng trong hình ảnh giống Thiên Chúa.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/04/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét