Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Lào: “Trụ cột chính của Giáo hội là sự đau khổ của những Giáo hội địa phương”

Lào: “Trụ cột chính của Giáo hội là sự đau khổ của những Giáo hội địa phương”

Đức ông Ling Mangkhanekhoun, Hồng y tiên khởi của đất nước
26 tháng Năm, 2017
Lào: “Trụ cột chính của Giáo hội là sự đau khổ của những Giáo hội địa phương”
Screenshot - Salt And Light Television
“Trụ cột chính của Giáo hội là sự đau khổ của những Giáo hội địa phương,” Đức ông Louis Marie Ling Mangkhanekhoun nói, ngài trích dẫn lời của Đức Thánh Cha. Đức ông Ling là Giám mục ở Pakse và là Giám quản Tông tòa của giáo phận Viêng Chăn, thủ đô của Lào. Ngài sẽ được phong Hồng y ngày 28 tháng Sáu, 2017; tên ngài đã được Đức Thánh Cha công bố, cùng với tên của bốn vị khác ngày 21 tháng Năm vừa rồi, trong buổi đọc Kinh Truyền tin.
Đức Giám mục ở Pakse đồng ý có cuộc phỏng vấn với ZENIT tháng Hai vừa qua, trong chuyến Viếng Thăm ad Limina của các Giám mục Lào và Campuchia đến Roma. Ngài miêu tả tình hình khó khăn của đất nước, đang sống dưới thể chế Cộng sản, cố gắng đối thoại của Giáo hội Lào với chính phủ, những chương trình giảng dạy cho chủng sinh và và sự động viên các Giám mục Châu Á nhận được từ Đức Giáo hoàng tại Roma.
“Sức mạnh của Giáo hội trên toàn thế giới là sự đau khổ của những Giáo hội địa phương,” Đức ông Ling trích dẫn lại lời của Đức Thánh Cha, đã được nói trong bài giảng ngày 30 tháng Một, 2017. “Ngài lặp lại câu nói đó,” Đức ông Linh nhấn mạnh. “Sức mạnh và quyền bính của Giáo hội nằm trong sự đau khổ của những Giáo hội địa phương. Đức Thánh Cha nói điều này trong nhà nguyện Thánh Marta … đây quả thực là một sự động viên cho chúng tôi. Nhờ vào những Giáo hội địa phương, nhờ vào những đau khổ của họ, mà chúng ta sống ở đây trong sự yên bình,” Đức Phanxico nói.
Phong thánh các vị tử đạo của Lào
Đức ông Ling tin rằng “có một tinh thần thần học thực sự” trong thông điệp này của Đức Thánh Cha, ngài đã ám chỉ đến việc Phong Chân phước cho 17 vị tử đạo của Lào — trong đó có 11 vị thừa sai người Pháp –, ngày 11 tháng Mười Hai, 2016, tại Viêng Chăn. Chính phủ Lào chấp nhận Lễ Phong Chân phước này: “Đối với tôi, nó vẫn là một phép lạ,” Đức ông Ling thừa nhận. “Vì đó là một bước tiến đã thực hiện được, một tiến trình chọn từ ngữ, cách trình bày nó cho chính phủ, để chính phủ có thể hiểu và chấp nhận.”
Đức Hồng y Orlando Quevedo người Philippine, OMI, Tổng Giám mục giáo phận Cotabato, đại diện Đức Thánh Cha Phanxico, chủ tế Lễ Phong Chân phước, trước sự hiện diện của 6000 người, trong đó có 15 giám mục người Lào, Campuchia, Thái lan và Việt nam.
“Mọi người mong chờ một Đức Hồng y thay mặt cho Đức Giáo hoàng, nhưng ngài phải là người Châu Á, và trên hết phải thật gần gũi với chúng tôi, ngài hiểu được chúng tôi. Vì vậy tên của Đức Hồng y Orlando Quevedo được đề cử, vì tôi có biết ngài trong một thời gian. Tôi gặp ngài ở Manila, ở Hàn quốc và ở Việt nam, vì trong những cuộc họp của chúng tôi, chúng tôi luôn gần nhau … Ngài hiểu những vấn đề của chúng tôi, ngài cũng có cùng những vấn đề chúng tôi đang gặp phải,” Đức ông Ling giải thích.
“Khi chuẩn bị cho sự kiện này, một danh sách khách mời được đưa ra. Tôi trình lên nhà nước để xin cấp visa đặc biệt. Chính phủ nói: việc này không cần thiết,” Đức ông Ling tiếp tục. Các linh mục đến Lào bằng visa du lịch, một số Hồng y của Châu Á không cần visa, “việc đó làm chúng tôi dễ dàng hơn,” Đức ông Ling nói. “Từ Tây Âu có MEPs (Hội Thừa sai Nước ngoài Paris), các Hiến sĩ, vì trong số những vị tử đạo có sáu Hiến sĩ dòng Mẹ Maria Vô nhiễm (OMI) và năm thành viên của Hội Thừa sai Nước ngoài Paris, tất cả đều người Pháp. Các ngài bị giết, bị hành hình hoặc bị chết vì kiệt sức trong suốt thời du kích Cộng sản giữa những năm 1954 và 1970.
Một đại diện của chính phủ Lào tham dự trong Lễ. “Ông ta được mời. Ông ta nói vài điều rất tích cực. Thực sự, mọi người đều hạnh phúc … Sau đó, tôi cùng đi với Đức Hồng y Quevedo đến cám ơn [chính phủ] vì sự cho phép của họ sự hỗ trợ của họ,” Đức ông Ling giải thích. Vị Giám mục vùng Pakse tin rằng đó là “một hướng mở cho đối thoại” với chính quyền.
Lễ mừng tại Paris: “Cầu nguyện dâng lên các vị tử đạo”
Cũng có một lễ tạ ơn rất lớn cho Lễ Phong Chân phước lần này ngày 5 tháng Hai, 2017 tại Nhà thờ Đức Bà Paris với Đức Hồng y Andre Vingt-Trois. Đức Hồng y Vingt-Trois nói: “Chúng ta phải tạ ơn những vị đã xây dựng Giáo hội bằng máu của họ,” Đức ông Ling nói thêm.
“Đó là một lễ tạ ơn, nghĩa là: tạ ơn từ tận sâu thẳm tâm hồn. Như đã được nói trong Thánh vịnh: Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ. Lời đã thực sự được gieo vào trong tâm hồn để nó lớn lên và trổ sinh hoa trái,” Đức ông Ling tiếp tục.
“Cầu nguyện cùng những vị tử đạo của chúng tôi, vì chúng tôi cần sự hỗ trợ của các ngài cho việc Phong Hiển Thánh. Cần phải cầu nguyện để có một phép lạ, để người ta có thể nói rằng: đó, đó là một phép lạ của các vị tử đạo của Lào,” Đức ông Ling nói. Lễ trong lịch phụng vụ của các vị tử đạo của Lào “sẽ là ngày 16 tháng Mười Hai,” Đức Giám mục vùng Pakse nói rõ.
Lào, một quốc gia đã khác
Lào khác biệt với những quốc gia Châu Á khác. “Lào rất khác. Trước hết, là một quốc gia dưới chính thể Cộng sản. Vì thế sự tự do tôn giáo và những hoạt động mục vụ bị giới hạn,” Đức ông Ling nhấn mạnh.
Không có truyền thông hay phương tiện phát thanh. “Những hoạt động xã hội” khó có thể khởi động. Những người Công giáo ở khu Tông tòa Thakhek-Savannakhet tổ chức một nhà trẻ tại Trung tâm Lào. “Trong Khu Tông tòa này những lớp tiểu học đang được bắt đầu, Đức ông Ling giải thích, “trong khi ở những nơi khác không có gì.”
Trong bốn khu Tông tòa của Lào (Thakhek-Savannakhet tại Trung tâm Lào, Viêng Chăn và Luang Prabang ở miền Bắc và Pakse ở miền Nam) chỉ những người Công giáo Lào có thể hoạt động: không có những nhà thừa sai nước ngoài.
“Ở Campuchia, trên hết là có các nhà thừa sai, đặc biệt là người nước ngoài. Trong khi ở Lào tất cả đều là người Lào,” ngài tiếp tục. Năm 1975 “Tất cả các nhà thừa sai đều được cảm ơn và bị gửi trở lại quốc gia của họ”, khi Lào trở thành một nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, đứng đầu là Đảng Cách mạng Nhân dân, một đảng duy nhất theo hệ Mác-Lê.
“Chúng tôi không được chuẩn bị” vì sự ra đi của khoảng 200 nhà thừa sai,” Đức ông Ling than thở. Lúc đó có “không đến 20 nhà thừa sai người Lào” trên toàn đất nước.”
Lào có khoảng 6 triệu dân, 40-50 ngàn người là người Công giáo, ít hoặc nhiều hơn gì đó. “Chúng tôi không thể có con số thống kê chính xác, vì có rất nhiều vấn đề” liên quan đến việc này.
Liên quan đến các tu sĩ nam nữ, “Cộng đoàn nữ tu đông nhất là Dòng Nữ tử Bác ái - trên dưới 50 người, có lẽ 60. Sau đó có các Nữ tu Yêu mến Thánh giá: đó là Cộng đoàn thứ hai, có khoảng 30 người. Và rồi có các dòng khác. Trong dòng Nữ tử Bác ái, của Philippine, có bốn chị,” ngài tiếp tục giải thích.
“Chính phủ Lào chấp thuận” cho các nữ tu làm việc “trong trung tâm cải huấn cho người khuyết tật.” Chính phủ chấp thuận vì đó là một sự thật. Một trung tâm khác được thành lập ở miền Đông, trong tỉnh Sekong, một trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Các nữ tu xin có một cha tuyên úy.” Chính phủ chấp thuận nhưng nói linh mục “phải là người Lào.”
“Với giới trẻ cũng tương tự như vậy. Có ít nhất hai Cộng đoàn mở được chính phủ chấp thuận.” Dòng Nữ tu Salesian Viêt nam được mời sang Lào để hoạt động với giới trẻ. “Các nữ tu Salesians Việt nam được chấp thuận ở Lào. Hôm nọ tôi có nhìn thấy hai hay ba chị ở Thakhek.”
Đào tạo linh mục tương lai
Việc đào tạo linh mục tương lai là một vấn đề quan trọng cho Lào. Đức ông Ling gửi hai chủng sinh sang Pháp, đến Ars, nhưng sự khác biệt văn hóa quá lớn cho hai người, nó thậm chí “đánh bật” họ ra. “Tuy nhiên họ là những người khá thông minh; ở Chủng viện họ rất được yêu quý, đến mức Bề trên đã đến Lào để gặp gỡ họ sau khi xong các khóa học,” ngài thổ lộ.
Đức ông Ling muốn gửi các chủng sinh sang các nước Châu Á hơn, chẳng hạn Philippine hay Việt nam. “Việc đào tạo ở Philippine được ưu tiên hơn. Không có rào cản ngôn ngữ vì mọi người ở đó nói tiếng Anh. Bài giảng bằng tiếng Anh; việc chuẩn bị cho các chủng sinh được thực hiện vào tiếng Anh.”
Ở Việt nam, Học viện Công giáo chính thức mở cửa ngày 20 tháng Chín, 2016. “Năm 2016 tôi đã bắt đầu đưa ra các khóa học. Tuy nhiên, nếu anh muốn tôi gửi các chủng sinh hay linh mục … việc cần thiết là phải dạy họ trực tiếp bằng tiếng Anh, vì nếu buộc họ phải học tiếng Việt, phải mất nhiều thời gian … Ngay từ đầu, không có các linh mục, nhưng khi tôi nói điều đó, Đức ông Nguyễn (Đức ông Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam, NDLR) rất nhiệt tình.
“Giáo hội Việt nam có ảnh hưởng, vì trong số 90-95 triệu dân có ít nhất 8 triệu người Công giáo. Điều đó có nghĩa là họ chiến 6 đến 7% … điều đó rất quan trọng,” Đức ông Ling giải thích.
“Nếu anh em muốn phê bình tôi, xin cứ nói,” Đức Thánh Cha nói
Đức ông Ling cũng nói đôi lời về cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxico trong chuyến viếng thăm ad Limina của các giám mục Campuchia và Lào. “Lần này rất khác so với chuyến viếng thăm ad Limina khác mà chúng tôi thực hiện năm 2007 với Đức Giáo hoàng Benedict XVI. Lần này tất cả chúng tôi gặp gỡ nhau, chúng tôi dành trọn thời gian với Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha mời gọi chúng tôi lên tiếng. Ngài nói rất thẳng thắn: “Cứ nói bất cứ điều gì anh em muốn nói, nếu anh em muốn phê bình tôi, xin cứ nói. Điều đó khá mạnh mẽ!” Đức ông Ling cười, nói.
Anita Bourdin tổng hợp

[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/05/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét