Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Phỏng vấn Đức Hồng y Phê-rô Parolin, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican: Moscow và Bắc kinh là những nhà đối thoại mới, đang chờ đợi Châu Âu

Phỏng vấn Đức Hồng y Phê-rô Parolin, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican: Moscow và Bắc kinh là những nhà đối thoại mới, đang chờ đợi Châu Âu

27 tháng Bảy 2017


Phỏng vấn Đức Hồng y Phê-rô Parolin, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican: Moscow và Bắc kinh là những nhà đối thoại mới, đang chờ đợi Châu Âu





Sau khi đến thăm Belarus (2015) và Ukraine (2016), ngài Phê-rô Parolin, Quốc vụ khanh của Vatican, sẽ đến thăm Moscow vào cuối tháng Tám. Như vậy Tòa Thánh khẳng định những quan tâm chung đối với Đông Âu và những cán cân mới đã nổi lên sau sự sụp đổ của khối Liên bang Xô viết và đặc biệt hướng đến Nga. Chúng ta đã nhìn thấy điều đó trong những thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiều dịp khác nhau, theo nhiều mức độ nhưng không giảm bớt tính đại kết, trong cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Phanxico và vị đứng đầu của Giáo hội Chính thống Nga, Đức Patriarch Kirill, ở Havana năm 2016.
Thưa Hồng y, chuyến đi của người trùng khớp với hướng đi này như thế  nào?
“Sự quan tâm của Tòa Thánh đối với Đông Âu không phải là vấn đề của hôm nay, nó đã có từ lâu rồi, và nó không bao giờ bị mất, ngay cả trong những năm đen tối nhất. Tòa Thánh vẫn luôn xem những mối quan hệ với Đông Âu và Nga là quan trọng trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Có hai sự kiện quan trọng không được mọi người biết nhiều nhưng rất đáng nhớ. Trong chuyến thăm đến Roma năm 1845, Nga hoàng Nicholas I, Hoàng đế của Nga, đã có hai cuộc gặp gỡ với Đức Giáo hoàng Grê-gô-ri XVI. Hai năm sau ông đã tiến gần đến thỏa thuận với Đức Giáo hoàng Pi-ô IX. Các Giáo hội địa phương cùng đứng bên cạnh tín hữu của mình, cả trong những thời gian đen tối nhất của những cuộc bách hại. Không phải vì vị trí của nó nằm ở các biên giới của Châu Âu mà làm cho Đông Âu trở thành quan trọng, nhưng còn vì vai trò lịch sử của nó liên quan đến văn minh, văn hóa và đức tin Ki-tô giáo. Có những người đưa ra bình luận rằng khi Đức Gio-an Phao-lô II hình dung ra một Châu Âu trải dài từ Đại Tây Dương đến rặng Urals, không phải ngài đang nghĩ đến “chủ nghĩa bành trướng tây phương” nhưng là một nhóm hợp nhất của toàn đại lục.”
Một tình hình mất an ninh, bị phân mảnh, đầy mâu thuẫn
Sau những năm khó khăn theo sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, ngày nay chúng ta đang chứng kiến một sự trở lại của Moscow, một sự trở lại với sân khấu quốc tế. Đó là một sự trở lại nhiều gây hấn. Ngài chỉ cần nghĩ đến Ukraine à Syria …
“Rõ ràng là có một thời gian với tình trạng mập mờ về vị trí của Nga trong nhiều vấn đề, nhưng tôi không nghĩ như anh nói rằng đất nước đó, ngay cả trong những khoảng thời gian khó khăn nhất, bị bỏ gạt ra khỏi sân khấu quốc tế. Hàng ngày những khác biệt giữa Nga và các quốc gia Tây phương thường được nhấn mạnh, dường như chúng là những thế giới khác nhau, mỗi thế giới có những giá trị riêng, lợi ích riêng của họ, một niềm kiêu hãnh quốc gia hoặc liên quốc gia, và thậm chí với khái niệm riêng về luật pháp quốc tế để chống lại người khác. Trong một bối cảnh như vậy, thách đố đặt ra là phải góp phần vào cho sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn giữa những người có nguy cơ đặt họ vào những cực đối lập.
Nỗ lực hiểu biết lẫn nhau không có nghĩa là chịu thua về vị trí của bên này đối với bên kia, nhưng đó là một sự đối thoại kiên trì, xây dựng, thẳng thắn, đồng thời tôn trọng. Điều này thậm chí còn quan trọng hơn nữa đối với những câu hỏi về gốc rễ của những xung đột hiện tại và về những bên có nguy cơ kích động lên sự gia tăng căng thẳng lớn hơn.
Theo chiều hướng đó, câu hỏi về hòa bình và tìm kiếm một giải pháp cho những khủng hoảng khác nhau đang diễn ra phải được đặt lên trên bất kỳ lợi ích quốc gia hoặc lợi ích phe phái trong bất cứ trường hợp nào đi nữa. Ở đây không có người thắng và kẻ thua. Thỏa mãn những lợi ích của riêng mình, đây là một trong những nét đặc trưng của thời đại ngày nay đang quay trở lại với chủ nghĩa dân tộc, làm cho anh bị sao lãng không nhìn thấy được khả năng về một kết cục tai họa mà tự nó không thể ngăn chặn. Tôi tin rằng đây là phần sứ mạng của Toà Thánh phải kiên trì trên khía cạnh này.”
Sự khẳng định chắc chắc của Đức Thánh Cha Phanxico về một “Chiến tranh Thế giới Thứ Ba theo từng vùng” đang diễn ra trên thế giới, hồng y thực sự nghĩ đến nó khi nào?
“Hệ thống quốc tế, sau khi chấm dứt tình trạng bế tắc giữa Hoa kỳ và Liên Bang Xô viết, đã đi vào một giai đoạn bấp bênh rất lớn. Một tình hình có khuynh hướng đi vào chủ nghĩa multipolarism (tạm dịch: chủ nghĩa đa cực) đã được hình thành, do sự hiện hữu đồng thời của những vai diễn lớn, trung bình và nhỏ, với những ích lợi khác nhau và xung đột với nhau theo nhiều cách. Lần đầu tiên sau một thời gian dài việc này dẫn đến một tình hình xung đột chung. Chúng ta phải đối mặt với tình hình bất an ngày càng gia tăng về mọi mối liên kết, trên tất cả là văn hóa, và một sự phân mảnh rất lớn. Trong bối cảnh địa chính trị này, mọi sự điều chỉnh lại là rất khó.
Khi Đức Thánh Cha Phanxico đặt tên cho những cuộc xung đột hiện này là một “Chiến tranh Thế giới thứ ba theo từng khu vực,” ngài không chỉ miêu tả một viễn cảnh bạo lực, nhưng ngài còn nhận dạng ra những hình thức bạo lực khác nhau: chiến tranh trực tiếp (direct war), chiến tranh gián tiếp (proxy war), nội chiến, những cuộc chiến vừa tạm đình lại và tạm ngừng. Chúng ta đang nói về những cuộc xung đột chẳng mấy lúc sẽ trở thành liên quốc gia. Không có gì ngoài dòng chảy của tiền và vũ trang ủng hộ và nuôi dưỡng chúng.
Và trên tất cả là những hậu quả thảm kịch: hãy nghĩ đến vấn đề bi thảm của hàng triệu người di tản và tị nạn. Theo dữ liệu từ UNHCR từ năm 2016, 86% những người đi tìm nơi nương thân (hơn 65 triệu) đang đi tìm nơi tị nạn trong những quốc gia Thế giới Thứ Ba: tính chung, ở đây gồm cả những người di tản trong nước đi tìm nơi ẩn náu ở một nơi khác trong nước hoặc ở những quốc gia nằm sát biên giới với đất nước của họ. Dưới 10% tìm cách đến Châu Âu.
Trong số những nguyên nhân đó, đức giáo hoàng cũng đặt những câu hỏi về vấn đề địa chính trị và quyền lực, lòng thù hận sắc tộc, và trên hết là những câu hỏi về kinh tế và tài chính, những hoạt động hợp pháp và phi pháp nảy sinh ra do chiến tranh. Tất cả những điều này thường được gói gọn lại với những lý do về lịch sử, văn hóa và thậm chí tôn giáo. Về mặt khác, ngọn lửa bạo lực và xung đột chỉ có thể được dập tắt theo bối cảnh trật tự toàn cầu, trong công bằng và phát triển con người.
Nếu trong vùng Châu Phi Hạ Sahara, trong 30 năm qua, con số những người sống trong cảnh hoàn toàn cùng khổ đã chuyển từ 200 triệu lên 400 triệu, như vậy chẳng có thể có trật tự, cũng không có phát triển, hay cũng không có hòa bình trong những khu vực này và trong những khu vực lân cận. Sự đối thoại trong trường hợp này là một công cuộc đoàn kết và phát triển được chia sẻ chung giữa những nước giàu và những nước nghèo.”
Trách nhiệm của Hoa kỳ và quốc tế
Về những cuộc xung đột đang xảy ra, Đức Thánh Cha Phanxico, trước Quốc hội Hoa kỳ (24.09.2015) cũng đã lên án việc cố tình sử dụng tôn giáo …
“Đúng, ngài nói rằng thế giới của chúng ta đang ngày càng trở thành nơi của xung đột bạo lực, thù hận và những sự hung ác tàn bạo, thậm chí dùng danh của Chúa và của tôn giáo và rồi ngài tiếp tục:
“Chúng ta biết rằng không có tôn giáo nào tránh khỏi những hình thức ảo tưởng cá nhân hoặc chủ nghĩa cực đoan theo ý thức hệ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải hết sức chú ý đến mọi hình thức của trào lưu chính thống, bất kể thuộc tôn giáo hay hình thức khác. Cần có một cán cân tinh tế để chống lại với bạo lực được thực hiện nhân danh một tôn giáo, một hệ tư tưởng hay một hệ thống kinh tế, đồng thời phải bảo đảm sự tự do tôn giáo, sự tự do về trí tuệ và những quyền tự do cá nhân.” (Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước Quốc hội Hoa kỳ 24 tháng Chín, 2015)
“Đó là một cán cân khó khăn phải được đưa vào để bảo vệ cho các cộng đồng Ki-tô hữu và mọi cộng đồng khác có nguy cơ bị nghiền nát bởi lòng thù hận.”
Có phải đối với hồng y dường như là chuyến thăm Hoa kỳ và những phát biểu của Đức Phanxico trước quốc hội có vẻ như xa xôi với một nội các mới đang nắm quyền nếu như được nhắc lại?
“Cần phải có thời gian để xét đoán. Anh không thể quá gấp gáp. Một nội các mới quá khác biệt và duy nhất so với những nội các trước đây, và không chỉ với những lý do chính trị, sẽ cần có thời gian để tìm được cán cân riêng cho mình. Bất kỳ xét đoán nào bây giờ cũng vội vàng, cho dù đôi khi bản thân tính bấp bênh cũng có thể tạo ra sự ngạc nhiên.
Chúng tôi hy vọng rằng Hoa kỳ – và những vai diễn khác trên sân khấu quốc tế – không sao lãng trách nhiệm quốc tế của họ về nhiều vấn đề mà cho đến bây giờ đã đòi hỏi những nỗ lực mang tính lịch sử. Chúng tôi đặc biệt đang nghĩ đến những thách đố mới về khí hậu: giảm bớt nhiệt độ nóng lên toàn cầu có nghĩa là giải thoát cho ngôi nhà chung mà tất cả chúng ta đang sống trong đó, và giảm bớt những sự bất bình đẳng và cùng khổ do sự nóng lên của hành tinh tiếp tục sản sinh ra. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến những cuộc xung đột đang diễn ra.”
Hồng y có lo lắng việc Giáo hội quan tâm đến nền hòa bình đang được mong đợi, dường như chỉ là lối nói hoa mỹ trong con mắt và đôi tai của nhiều người, khi đứng trước câu hỏi về tính hiệu quả của nó?
“Đường lối ngoại giao của Giáo hội Công giáo là một đường lối ngoại giao hòa bình. Nó không có những quan tâm về quyền lực: không thuộc chính trị, kinh tế, cũng chẳng thuộc về hệ tư tưởng. Vì lý do này, nó có sự tự do lớn hơn khi trình bày những luận điểm của phía bên này cho phía phía bên kia, và làm cho cả hai bên cùng ý thức được những mối nguy hiểm mà một tầm nhìn mang tính thiên về một phía có thể gây hậu quả cho tất cả.
Chuyến thăm đến Belarus được thực hiện trong lúc phương tây đang có những biện pháp trừng phạt và chuyến thăm đến Ukraine khi đang có chiến tranh. Cuộc viếng thăm đó là cơ hội mang đến sự đoàn kết của Giáo hội và của Đức Giáo hoàng cho tất cả mọi người đang dính líu trong cuộc xung đột. Và để cho điều này được mọi người nhìn thấy, chúng tôi đã đến gần Donbass, đầy người di tản, dùng con đường đoàn kết đối với những nạn nhân của bạo lực, mà không hỏi đến nguồn gốc địa lý và chính trị của họ.
Đức Thánh Cha Phanxico đã mở ra con đường bằng cách thúc đẩy một sự đóng góp cứu trợ thật lớn của các Giáo hội Châu Âu và cùng với sự đóng góp rất lớn của các cá nhân. Nếu anh bảo vệ nhân phẩm của mọi người và của mỗi người mà không chống lại một ai đó, thì một con đường khác là điều có thể xảy ra.
Tòa Thánh không tìm kiếm bất kỳ một điều gì cho bản thân. Tòa Thánh không có mặt ở đây hay ở đó để không bị vuột khỏi tay một phía nào. Nỗ lực của Tòa Thánh là một nỗ lực khó khăn về phía con người nhưng việc loan truyền tin mừng là sự tất yếu, để những thế giới lân cận quay trở lại đối thoại với nhau và không bị xé tan vì hận thù, thậm chí trước khi bị xé tan vì bom đạn.”
Kohl, một biểu tượng của Châu Âu
Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục theo truyền thống đã được thiết lập trong thế kỷ 20 và được khôi phục lại dưới triều của Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII: đường lối ngoại giao của những dấu chỉ, của những dấu hiệu, và của việc gần gũi, một đường lối đặt trên tất cả là phẩm giá của người đối thoại.
“Chúng tôi không chỉ dùng lời nói, nhưng cũng bằng những cử chỉ của chúng tôi, những hành động cụ thể của chúng tôi, đặc biệt khi lời nói dường như không có hiệu quả, vì chúng bị lạm dụng hoặc không được lắng nghe. Có một ngôn ngữ phổ quát (universalist language) được hàm ý trong những chỉ: Giáo hội đều học được từng ngày từ việc loan truyền Tin mừng rằng nó có thể trợ giúp ngăn chặn, trong những thời điểm khó khăn, và thoát khỏi hướng đi sai lầm.
Quan điểm của chúng tôi được khơi gợi bởi ngôn sứ I-sai-a và được rút ra trong các Tin mừng: Trong việc “giải thoát khỏi mọi áp bức” và phá tan “mọi ách nặng nề,” trong việc chia sẻ “lương thực cho người đói” và cung cấp cho “người nghèo lang thang có nơi trú ngụ” và không “quay lánh mặt đi khỏi thịt và máu của chính mình.” (Is. 58: 6,7)
Điều đáng phải tính đến đó là sự chữa lành, giải phóng, tái kiến thiết con người, luôn luôn bắt đầu từ những tình hình cụ thể. Vì lý do này chúng tôi phải đưa ra những cử chỉ cụ thể, những dấu chỉ cho thấy khả năng sống chung với nhau. Đưa ra trước những cử chỉ và xin những cử chỉ.”
Nếu Hồng y nhìn vào những biểu tượng, có những lúc, thậm chí từ một quan điểm chính trị, có những biểu tượng nổi lên quá nhiều ý nghĩa đến mức chúng đưa ra cả một không gian hy vọng, ngay cả từ những biến cố buồn. Ví dụ, đối với hồng y, có thể đám tang của Helmut Kohl được xem là đám tang Châu Âu đầu tiên của một nhà lãnh đạo Châu Âu?
“Ông Kohl có giá trị lịch sử khi tin vào lý tưởng Châu Âu như là một lý tưởng chính trị cụ thể. Sự sụp đổ của bức tường Berlin và sự thống nhất nước Đức không chỉ là một vấn đề thuộc quốc nội của Đức và lịch sử bi kịch của nó, nhưng là dấu chỉ của sự phát triển của Châu Âu mà trong đó một đất nước lớn như Đức có thể hoạt động một cách hợp pháp và hiệu quả. Không phải là một Châu Âu Đức hóa, nhưng là một nước Đức Châu Âu hóa.
Ông Kohl hiểu rằng sự hội nhập Châu Âu tới một mức độ nào đó là con đẻ của nền chính trị Tây phương và các khối Tây phương. Và khi các khối đó bị thất bại, Châu Âu đã phải tồn tại như là một chủ thể chính trị, không đơn thuần là một chủ thể kinh tế. Ngày nay anh thường có ấn tượng rằng ngay cả khi ý tưởng của Châu Âu quay trở lại, dường như nó đang trải qua một hình thức phục hồi, sau một giai đoạn dài với phản ứng chống Châu Âu từ công luận, và chiến thắng của nhiều quốc gia có những nhà lãnh đạo theo đường lối Châu Âu, sẽ nhanh chóng đến một điểm dừng, nó mang tính công cụ hơn là lý tưởng.
Sự nguy hiểm đó là chúng ta dừng lại ở cách sử dụng Châu Âu theo bối cảnh quốc gia: sau ví dụ về Brexit, tốt hơn là chúng ta nên ở trong ngôi nhà chung Châu Âu, hy vọng mọi người đều có suy nghĩ thấu đáo. Chủ nghĩa dân tộc (một hình thức đang quay trở lại theo một diện mạo mới) có gốc rễ từ trong những khủng hoảng văn hóa và tôn giáo và đưa đến kết quả là làm Châu Âu mất hết những giá trị và lý trí của mình. Châu Âu có một trách nhiệm không thể thay thế. Và khi anh thể hiện mình với sự thờ ơ, như trong trường hợp di cư, anh từ bỏ sự tốt lành có thể có được.
Nỗi đau cho Venezuela, hy vọng cho Trung quốc
Thưa Hồng y, trước đây người là đại diện ngoại giao ở Venezuela. Người có cảm giác và suy nghĩ thế nào về những gì đang xảy ra?
“Đứng trước thảm cảnh mà chúng ta biết, với một con số thiệt hại rất lớn về nhân mạng – hiện đã trên 90, trên hết là người trẻ và thậm chí thiếu nhi, và sự đau khổ của con người, thiếu những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, chẳng hạn lương thực và thuốc trị bệnh, tôi cảm thấy nỗi đau rất lớn. Và tôi đang lo lắng về việc thiếu những triển vọng cho một giải pháp hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng.
Thật không may, cuộc khủng hoảng có nguy cơ tăng mạnh hơn trong những tuần sắp tới do quyết định của tổng thống Maduro tổ chức một hội đồng lập hiến, để lôi kéo về một Magna Carta mới, một điều đối nghịch lại với sự chống đối mạnh mẽ của phần lớn dân chúng. Liên quan đến việc này, ngày 10 tháng Bảy, hội đồng giám mục đã gửi một lá thư đến nhà lãnh đạo quốc gia, yêu cầu ông rút lại lựa chọn của ông. Nhiều quốc gia và cơ quan quốc tế cũng đã bày tỏ ý kiến của họ như vậy.
Tôi tin rằng đó là một quan điểm có thể chia sẻ chung, vì nếu không nguy cơ sẽ làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng đang xảy ra và khuấy động lên một cuộc xung đột. Tôi khẩn xin Thiên Chúa rằng, trước những dự liệu về thảm kịch đó, Người khơi gợi cho những giới chức chính trị của Caracas, và cho tất cả những nhân vật chủ chốt – nhiều sự khôn ngoan, khả năng biết lắng nghe tiếng nói của những người chỉ muốn những gì tốt đẹp nhất cho người Venezuela, trên tất cả là những người nghèo nhất, và can đảm tiến đến với hòa bình và hòa giải dân tộc.
Đức Thánh Cha Phanxico đã nhiều lần can thiệp vào và bằng nhiều con đường khác nhau khẩn thiết kêu gọi các phe phái tiến đến với bàn đàm phán công bằng, nghiêm túc và xây dựng đặt nền tảng trên những điều kiện rõ ràng và trước đây đã đạt được một số kết quả, và Tòa Thánh luôn sẵn sàng trợ giúp. Tôi vô cùng hy vọng rằng tiếng nói của đức Giáo hoàng để lại một ấn tượng trong tâm hồn và tâm trí và thực sự tránh cho đất nước thân yêu này không rơi vào vực thẳm.”
Chúng ta quay sang phương Đông: từ Việt nam sang Trung quốc. Liệu miền Viễn Đông này có con đường đối thoại với Giáo hội Công giáo không?
“Viễn Đông là một vùng mênh mông của thế giới, phức tạp và đa dạng. Trong nhiều thế kỷ phần khổng lồ đó của nhân loại đã tiếp xúc với Ki-tô giáo, và do vậy, với Giáo hội Công giáo, nhờ vào những lối đi và những hình thức khác nhau từ quốc gia này sang quốc gia khác. Những tiếp xúc về văn hóa và tôn giáo xa xưa với thế giới Châu Á (anh chỉ cần nghĩ đến những gì đã diễn ra ở Ấn độ trong những thời kỳ đầu của Ki-tô giáo, hoặc với Trung quốc qua Con đường Tơ Lụa hay xa hơn nữa, với những cuộc thám hiểm về địa lý trong các thế kỷ 15 và 16 sang tới Nhật và Philippine) kể cả hôm nay cũng đưa ra những dấu chỉ quan trọng cho những sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa.
Chắc chắn, so với các thời kỳ trong quá khứ, bây giờ những thách đố mới đã làm nổi lên lời kêu gọi phải có những câu trả lời hoàn toàn khác với trước đây và rất sáng tạo, nhưng cho đến cuối cùng thì mục tiêu của Giáo hội vẫn là một, và về bản chất đó là mục vụ: đem Chúa đến với con người và đưa con người đến với Chúa. Đặc biệt Giáo hội Công giáo yêu cầu rằng phải bảo đảm được quyền tự do bày tỏ niềm tin của con người và vì lợi ích của mọi người và vì sự hài hòa trong xã hội. Người Công giáo mong muốn được sống đức tin của họ một cách yên bình trong đất nước của họ như những người công dân tốt, hoạt động hướng đến sự phát triển tích cực của cộng đồng dân tộc.
Trong khuôn khổ này, tôi nghĩ rằng con đường đối thoại được chọn bởi chính phủ của một số quốc gia trong vùng rất được hoan nghênh, kể cả Trung quốc. Đối thoại về bản chất của nó là một hành động tích cực, nó hướng đến sự gặp gỡ và giúp phát triển sự tin tưởng. Chúng tôi đối mặt với nó trên tinh thần của quan điểm hiện thực tốt đẹp, biết rõ rằng vận mệnh của nhân loại cuối cùng ở trong tay của Thiên Chúa.”
© Riproduzione riservata
[Nguồn: ilsole24ore]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/07/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét