Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Bí tích rửa tội, Cánh cửa hy vọng

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Bí tích rửa tội, Cánh cửa hy vọng

‘Các vị tử đạo có niềm hy vọng chắc chắn rằng không điều gì và không ai có thể chia cách họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa’’
2 tháng Tám, 2017
Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Bí tích rửa tội, Cánh cửa hy vọng
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 sáng trong Sảnh đường Phao-lô VI, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương từ nước Ý và trên khắp thế giới.
Trong bài diễn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “Bí tích rửa tội: Cánh cửa của hy vọng” (Lấy ý trong Thư của Thánh Tông Đồ Phao-lô gửi tín hữu Ga-lát 3:26-28).
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Có một thời các nhà thờ đều quay về hướng Đông. Người ta đi vào những nơi thánh qua cửa mở ra hướng Tây và, bước đi trong lòng nhà thờ, người ta hướng thắng về phía Đông. Đó là một biểu tượng quan trọng của con người ngày xưa, một sự tượng trưng tàn dần theo dòng lịch sử. Chúng ta là con người của thời hiện đại, rất ít quen với việc tạo ra những dấu chỉ lớn của vũ trụ, và hầu như chẳng bao giờ chú ý đến một dấu chỉ như vậy. Phương Tây là điểm cuối của hoàng hôn, nơi ánh sáng lụi tàn. Nhưng, phương Đông là nơi bóng tối bị phá tan bởi ánh ban mai của bình minh và nhắc chúng ta nhớ đến Đức Ki-tô, là ánh Dương từ trời tỏa xuống chân trời của thế giới (x. Lc 1:78).
Những nghi thức cổ xưa của Bí tích Rửa tội cho những người tân tòng thể hiện phần đầu tiên của việc tuyên xưng đức tin bằng đôi mắt hướng về phía Tây. Và với tư thế như vậy, họ được hỏi: “Anh chị có từ bỏ Satan, sự phục vụ của nó và những công việc của nó không?” Và người Ki-tô hữu tương lai đáp lại: “Tôi từ bỏ!” Rồi họ quay về hướng gian cung thánh, là hướng Đông, nơi bắt đầu của ánh sáng, và các ứng viên của Bí tích Rửa tội được hỏi: “Anh chị có tin Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không?” Và lần này họ trả lời: “Tôi tin!”
Trong thời hiện đại, tính hấp dẫn của nghi thức này đã một phần bị mai một: chúng ta đã đánh mất sự nhạy cảm trước ngôn ngữ của vũ trụ. Việc tuyên xưng đức tin đương nhiên vẫn còn, được thực hiện theo cách chất vấn của Bí tích Rửa tội, nó phù hợp với việc cử hành một số Bí tích. Dù sao đi nữa, nó vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó. Là người Ki-tô hữu có nghĩa là gì? Có nghĩa là nhìn vào ánh sáng, tiếp tục tuyên xưng đức tin trong ánh sáng, ngay cả khi thế gian bị bao phủ bởi màn đêm và bóng tối.
Người Ki-tô hữu không thoát khỏi bóng tối, cả bên ngoài và trong tâm hồn. Họ không sống bên ngoài thế giới, tuy nhiên, nhờ ơn sủng của Đức Ki-tô được đón nhận qua Bí tích Rửa tội, họ trở thành những con người được “định hướng”: họ không tin bóng tối, nhưng tin ánh sáng của ban ngày; họ không đầu hàng đêm đen, nhưng chờ đợi ánh bình minh; họ không bị đánh bại bởi cái chết, nhưng mong chờ được phục sinh; họ không cúi đầu trước cái ác, vì họ luôn vững tin vào khả năng vô biên của sự tốt lành. Và đây là niềm hy vọng của người Ki-tô hữu: ánh sáng của Chúa Giê-su, sự cứu độ Chúa Giê-su đem đến cho chúng ta cùng với ánh sáng của Người, nó cứu chúng ta thoát khỏi bóng đêm.
Chúng ta là những người tin rằng Thiên Chúa là Cha: đây là ánh sáng! Chúng ta không phải là những đứa con mồ côi, chúng ta có một người Cha và Cha của chúng ta là Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Chúa Giê-su đã xuống trần gian giữa chúng ta, cùng sống một cuộc sống như chúng ta, trên hết Người trở nên bầu bạn với những người nghèo nhất và người hèn kém nhất: đây là ánh sáng! Chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần hoạt động không ngừng nghỉ vì sự tốt lành cho nhân loại và cho thế giới, và ngay cả những sự đau khổ lớn nhất của lịch sử rồi cũng qua đi: đây là niềm hy vọng mà mỗi sáng lại đánh thức chúng ta! Chúng ta tin rằng mọi tình cảm, mọi tình bạn, mọi sự khát khao, mọi sự yêu thương, ngay cả điều nhỏ nhặt nhất và bị lãng quên nhất, sẽ đến một ngày tìm được sự hoàn thiện của mình trong Chúa: đây là một động lực thúc đẩy chúng ta nhiệt thành ôm ấp lấy cuộc sống mỗi ngày ! Và đây là niềm hy vọng của chúng ta: sống trong hy vọng và sống trong ánh sáng, trong ánh sáng của Thiên Chúa Cha, trong ánh sáng của Chúa Giê-su Đấng Cứu Độ, trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần thúc giục chúng ta tiếp tục bước đi trong cuộc sống.
Có một dấu chỉ khác rất đẹp trong Nghi thức Rửa tội nhắc chúng ta nhớ đến tầm quan trọng của ánh sáng. Cuối nghi thức, một cây nến được trao cho cha mẹ – nếu đó là một trẻ thơ – hoặc cho người được rửa tội – nếu đó là người lớn – cây nến được thắp sáng bằng ngọn lửa của nến Phục sinh. Nó là một cây nến lớn được rước vào nhà thờ trong đêm Vọng Phục Sinh, một đêm hoàn toàn tối tăm, để thể hiện được mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giê-su. Từ cây nến đó, tất cả đều thắp sáng cây nến của họ và truyền ngọn lửa đó sang cho người bên cạnh: đó là dấu hiệu của sự lan truyền Phục sinh của Chúa Giê-su trong đời sống của tất cả mọi người Ki-tô hữu. Đời sống của Giáo hội — tôi sẽ dùng một cụm từ khá mạnh — là ‘làm lây nhiễm’ (contaminazione) ánh sáng. Người Ki-tô hữu chúng ta càng có nhiều ánh sáng của Chúa Giê-su, thì càng có nhiều ánh sáng trong đời sống của Giáo hội, và Giáo hội càng tràn đầy sức sống. Đời sống của Giáo hội là ‘làm lây nhiễm’ [contamination] ánh sáng.
Một lời cổ vũ đẹp nhất chúng ta có thể gửi đến cho nhau là lời nhắc nhở chúng ta luôn nhớ về Bí tích Rửa tội. Tôi muốn hỏi anh chị em: có bao nhiêu người trong anh chị em nhớ ngày rửa tội của mình? Thôi đừng trả lời vì một số anh chị em có thể bị lúng túng! Hãy suy nghĩ về điều đó và nếu anh chị em không nhớ, anh chị em có việc làm ở nhà hôm nay: hãy đến với mẹ, cha, cô dì, chú bác, ông, bà của anh chị em và hỏi họ: “Ngày rửa tội của con là ngày nào?” Và đừng bao giờ quên nó nữa! Như vậy rõ rồi chứ? Anh chị em sẽ làm điều đó chứ? Sự cam kết của hôm nay là tìm lại hoặc nhớ lại ngày lãnh Bí tích Rửa tội, đó là ngày tái sinh, đó là ngày của ánh sáng, đó là ngày — cho phép tôi sử dụng một cách nói – là ngày chúng ta bị lây nhiễm ánh sáng của Đức Ki-tô. Chúng ta được sinh ra hai lần: lần đầu là sinh của đời sống tự nhiên; lần sinh thứ hai, nhờ sự gặp gỡ với Đức Ki-tô, sinh ra trong giếng Rửa tội. Tại đó chúng ta chết cho tội, rồi sống như những đứa con của Thiên Chúa trên trần gian này. Tại đó chúng ta trở nên một con người đến mức độ chúng ta chưa hề hình dung trước đó. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tỏa hương thơm của Dầu Thánh Hiến mà chúng ta được đánh dấu trong ngày nhận lãnh Bí tích Rửa tội. Thần Khí của Chúa Giê-su sống và hoạt động trong chúng ta, là anh cả của nhiều anh em, của tất cả những người phải chiến đấu chống lại với bóng tối và cái chết.
Thật là một ơn sủng khi một Ki-tô hữu thực sự trở nên một “người mang hình bóng Đức Ki-tô” trong thế giới này! — đặc biệt đối với những người đang phải trải qua những hoàn cảnh tang thương, tuyệt vọng, hoàn cảnh trong bóng đêm đen và lòng thù hận. Và điều này được hiểu theo nhiều chi tiết nhỏ khác nhau: bởi ánh sáng mà người Ki-tô hữu giữ trong đôi mắt của mình, theo tình trạng bình an vẫn không bị xao động trong cả những ngày phức tạp nhất, bởi lòng khao khát được bắt đầu yêu thương trở lại ngay cả khi người đó đã trải qua nhiều thất vọng. Trong tương lai, khi lịch sử của thời đại chúng ta được viết lên, lịch sử sẽ viết gì về chúng ta? Liệu lịch sử sẽ viết rằng chúng ta vẫn đủ khả năng hy vọng hay chúng ta đã đặt ngọn đèn sáng của chúng ta dưới thùng úp lại? Nếu chúng ta trung thành với Bí tích Rửa tội, chúng ta sẽ làm lan rộng ánh sáng của hy vọng, Bí tích Rửa tội là khởi đầu của nguồn hy vọng, hy vọng của Thiên Chúa và chúng ta sẽ có thể truyền tải cho những thế hệ tương lai những lý do để sống.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/08/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét