Sự đe dọa tự do tôn giáo: những thách đốmà nội các của ông Trump đang phải đối mặt
28 tháng Tám, 2017
Alessandra Tarantino | POOL | AFP
Phỏng vấn nhà xã hội học Massimo Introvigne, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu các Tôn giáo mới (Center for Studies on New Religions).
Thống đốc bang Kansas, Sam Brownback, được đề cử để trở thành Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Hoa kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, nếu Thượng viện thông qua đề cử của Tổng thống Donald Trump.
Đâu là những thách đố đang chờ đợi ông? Aleteia nói chuyện với nhà xã hội học Massimo Introvigne, người sáng lập và là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu các Tôn giáo mới (CESNUR). Ông cũng là đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự bài ngoại, và phân biệt đối xử đối với người Ki-tô hữu và tín đồ của các tôn giáo khác.
— Trên tầm mức quốc tế, ông cho rằng đâu là những mối đe dọa lớn nhất đối với sự tự do tôn giáo mà người đại diện cho tương lai của Hoa kỳ về những vấn đề này cần tập trung vào?
— Massimo Introvigne: Câu trả lời rõ ràng là: Bắc Hàn, cùng những lãnh thổ còn bị Nhà nước Hồi giáo (ISIS) kiểm soát, và những quốc gia Hồi giáo còn áp dụng hình phạt tử hình đối với việc bỏ đạo. Tuy nhiên, rất khó cho người đại diện của Hoa kỳ có thể đạt được những kết quả thực tế đối với những vấn đề này. Quá lắm thì ông ta chỉ có thể giữ cho quốc tế ý thức sống động về những vấn đề đó.
Tuy nhiên, tôi thực sự cho rằng Brownback có thể đạt được điều gì đó đối với Nga và Trung quốc, là hai trở ngại lớn nhất cho một chính sách chung toàn cầu về tự do tôn giáo ngày nay — mặc dù ông sẽ vướng vào các vấn đề, thậm chí ngay bên trong nội các của ông Trump.
— Báo cáo thường niên gần đây của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa kỳ (USCIRF) không chỉ tố cáo những đối thủ của Hoa kỳ trên bàn cờ quốc tế, nhưng kể cả những đồng minh như Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ kỳ. Hoa kỳ sẽ xử lý những quốc gia “bạn bè” này như thế nào? Liệu có hợp lý không khi vừa bán vũ khí cho họ và cùng là đồng minh với họ về quân sự, nhưng đồng thời lại chứng kiến họ vi phạm những quyền tôn giáo căn bản?
— Massimo Introvigne: Thực tế là trên bàn cờ Trung Đông, có rất ít “anh chàng tử tế.” Nhưng tôn trọng tự do tôn giáo (và không chỉ là chuyện nói môi miệng) là một điều kiện để có sự hỗ trợ quân sự chắc chắn là điều đáng kể.
— Ông có nghĩ “lệnh cấm nhập cảnh” của ông Trump — trong đó cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các công dân của sáu quốc gia Hồi giáo, xem họ là mối nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố — góp phần cho vấn đề về tự do tôn giáo?
— Massimo Introvigne: Tôi cho rằng lệnh cấm nhập cảnh là một sai lầm, vì theo thống kê, những kẻ khủng bố không đến từ những quốc gia đó. Nếu chúng ta xét kỹ đến những vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Tây phương trong những năm gần đây, có nhiều tên người Saudi và người từ các quốc gia vùng Vịnh khác dính líu vào, cũng có người Algeria và Ma-rốc, và thậm chí một vài tay là công dân Pháp, Bỉ, và Anh, nhưng không có người Iran. Lệnh cấm nhập cảnh khuấy động sự bực bội của người Hồi giáo, và làm cho sự đối thoại về tự do tôn giáo càng khó khăn hơn.
— Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cũng tố cáo Trung quốc và Nga với những vi phạm về tự do tôn giáo. Hoa kỳ có hành động gì cần thiết để đòi hỏi sự tôn trọng tự do tôn giáo cho những tín hữu trong những quốc gia đó?
— Massimo Introvigne: Như tôi đã nói trước, đây là những vấn đề của Brownback. Nhưng chúng khác nhau.
Trung quốc giới hạn tự do tôn giáo để bảo vệ cho Nhà nước và quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản; nó không chống lại riêng một tôn giáo nào. Nga, về phía họ, muốn bảo vệ cho Giáo hội Chính thống không bị mất tín đồ vào tay những tôn giáo có cội nguồn từ những hình thức thể hiện niềm tin sống động hơn, nhiều cách bày tỏ niềm tin đó đến từ Bắc Phi.
Trung quốc có một chính sách, mà Tòa Thánh biết rõ, là bào mòn dần dần thần kinh của bất cứ ai: một chính sách “dừng rồi lại đi tiếp” đưa ra các nhượng bộ rồi sau đó lại bước giật lùi. Ở đây tôi muốn đưa ra sự phân biệt giữa hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất ảnh hưởng đến người Công giáo và Tin lành, là những người không muốn tham gia vào các tổ chức tôn giáo “chính thức” và “yêu nước” (do đảng Cộng sản kiểm soát), là những tổ chức duy nhất được nhà nước công nhận và cấp phép. Ngày nay đã có một mức độ nhẹ tay nào đó trong cách thực hành, đang có sự đối thoại diễn ra với Tòa Thánh. Tất cả điều này, dần dần theo thời gian, lại được đắp vào bằng những hành động cho thấy tình trạng trở lại như cũ, với ngụ ý gửi một thông điệp cho biết rằng nhà nước luôn luôn giữ sợi sợi xích thật chặt đối với bất cứ người nào không chịu phục tùng quyền lực của họ.
Vấn đề thứ hai góp phần tạo nên những tổ chức được gọi là “xie jiao.” Đây là những nhóm tôn giáo đã bị ghi vào sổ đen, và các thành viên đang có nguy cơ bị bỏ tù hay một điều gì đó thậm chí còn tệ hơn. Ở phương Tây, “xie jiao” thường được dịch là “giáo phái,” nhưng dịch như vậy là sai. Cụm từ “xie jiao” có nguồn gốc từ đời nhà Minh, nghĩa là đã có từ rất lâu trước khi nổ ra những tranh cãi về “giáo phái” ở phương Tây. Nghĩa của nó vừa thuộc về thần học (“tôn giáo không chính thống”) và trật tự xã hội (“hoạt động tôn giáo phi pháp”). Trung quốc có khoảng một trăm “giáo phái” trên sách, sử dụng thuật ngữ Tây phương (các nhà xã hội học nói chung thường tránh); trong khi có rất ít nhóm bị phân loại là “xie jiao” và có nguy cơ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn. Chắc chắn, tâm tính của Trung quốc rất khác với Tây phương. Vì sự đàn áp ở Trung quốc có thể rất dữ dội, nên cần phải thuyết phục Trung quốc phân loại những loại tội ác nghiêm trọng thực sự đã phạm là “xie jiao”, cứ không chỉ là những tôn giáo không chính thống, hay những ý tưởng bị nhà nước chỉ trích. Các cơ quan chính phủ đã bắt đầu đối thoại với các chuyên gia quốc tế, mà tôi có được mời tham dự, về chủ đề “xie jiao,” nhưng sự đối thoại diễn ra rất khó khăn.
Theo một ý nghĩa nào đó, tình hình ở Nga thậm chí còn xấu hơn, như bằng chứng gần đây là “việc giải tán” nhóm Chứng nhân Jehovah. Lyudmila Alexeyeva, một sử gia đối lập, định nghĩa sự cố gắng “giải tán” các nhóm này là “không phải một tội ác, nhưng là một sai lầm — trong đó có Giáo phái Scientology — cũng như các luật Yarovaya ngăn cấm các tôn giáo và các hoạt động không được truyền đạo vượt ra khỏi phạm vi những nơi thờ phụng riêng của họ. Tình hình còn xấu hơn, vì hệ thống luật được gợi ý dựa trên nguyên tắc sai lầm của “sự an toàn tinh thần,” trong đó có việc bảo vệ các công dân thoát khỏi những tư tưởng tôn giáo khác với giáo lý Ki-tô của Chính thống giáo. Ngoài ra, người Nga còn cố gắng truyền bá những lý thuyết của họ trên tầm mức quốc tế, với sự trợ giúp của những tổ chức “bạn hữu” và sự tuyên truyền rất tinh vi, thường dựa trên những “tin tức giả mạo,” và đó là điều người Trung quốc không có. Tôi tin rằng ông Brownback sẽ không phạm sai lầm để mình bị rơi vào ác cảm với các nhóm như Chứng nhân Jehovah hay Scientology. Vấn đề chính không phải là cách Nga điều khiển các tổ chức và việc cải đạo (nếu các cá nhân vi phạm luật, Nga có thể truy tố họ), nhưng đó là những quyết định của tòa án ngăn cấm sách và bài trừ các tư tưởng, do tâm lý mà có sự loại trừ tự do tôn giáo như đã được định nghĩa rõ trong các công ước quốc tế mà Nga đã ký. Ông Brownback phải làm việc đặt căn bản trên sự hiểu biết trong chính Giáo hội Chính thống, và có thể là đối với những người cộng tác thân cận của Putin, có những “con diều hâu” và “chim bồ câu” trong các vấn đề liên quan đến sự đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số.
Như tôi đã nói trước, Brownback sẽ phải đối mặt với những chướng ngại từ “các bạn bè của Kremlin” kể cả trong nội các của Trump. Khi nói về Nga, bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ sử dụng những cách diễn đạt có thể biện minh cho việc liệt kê quốc gia đó vào trong danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”; việc liệt kê đó là bước khởi đầu cho những biện pháp chế tài, cho đến khi tình hình tự do tôn giáo được cải thiện. Đó là mục đích của Ủy ban soạn thảo báo cáo, nhưng cuối cùng thì “một ai đó” trong Bộ Ngoại giao đã phủ quyết nó.
— Ông có nghĩ rằng Hoa kỳ xem mình như là một kiểu “cảnh sát” tự do tôn giáo quốc tế không?
— Massimo Introvigne: Thật ra, người Mỹ thường vướng sai lầm khi tin rằng mô hình của quốc gia của họ phải được áp dụng trên toàn thế giới, và rằng chỉ bằng cách này, vấn đề tự do tôn giáo sẽ được giải quyết.
Người ta không thể đề nghị — cũng không thể ép buộc — Chính thống giáo, và người Nga nói chung, theo mô hình của Hiến pháp Mỹ, trong đó xem tất cả các tôn giáo lớn và nhỏ, cổ xưa và mới đây, đều ngang bằng nhau, và Chính phủ bị cấm không được ưu ái một tôn giáo này hơn tôn giáo kia. Mô hình này, rất tuyệt vời đối với Hoa kỳ, đã gắn chặt với lịch sử Mỹ, nhưng nó không phù hợp với lịch sử của Nga. Chắc chắn, các tôn giáo phải được đối xử bình đẳng trước Pháp luật, và phải được hưởng những quyền căn bản. Nhưng nó không nghịch lại với sự tự do tôn giáo — và vấn đề này đã được xây dựng qua nhiều lần khác nhau bởi Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ở đây Tòa án này cũng không phải là một cơ quan của Liên Minh Châu Âu, nhưng của Hội đồng Châu Âu, mà Nga là một thành viên) và bởi Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE, và Nga cũng là thành viên của tổ chức này) — trong đó một Nhà nước phải công nhận vai trò đặc biệt của một hay nhiều tôn giáo trong lịch sử của đất nước, bảo đảm cho các tôn giáo có được một sự công nhận và hợp tác từ phía chính quyền các cấp và không được dành cho các tổ chức tôn giáo khác. Đó là trường hợp của Anh giáo ở nước Anh — hay Giáo hội Công giáo ở Ý, là những nơi có Hiến pháp dành một vai trò đặc biệt cho Concordat (thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Nhà nước), trong khi vẫn có những thỏa thuận với các tôn giáo khác hiện diện trong quốc gia và bảo đảm sự tự do tôn giáo cho tất cả. Đây có thể là trường hợp của Giáo hội Chính thống ở Nga. Mô hình của nước Ý, chứ không phải của Mỹ, có thể giới thiệu cho Nga trong cuộc đối thoại nhắm đến việc đạt được những kết quả tốt.
Cũng như với người Trung quốc, đối thoại với người Nga rất khó. Tôi đã có kinh nghiệm đó năm 2011, khi tôi làm đại diện của OSCE về tự do tôn giáo, và tôi có cuộc gặp gỡ với đức Metropolitan Hilarion, Chủ tịch của Phòng Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ, cũng như với Đức Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga. Về cá nhân, tôi không muốn bỏ cuộc. Tôi biết rằng Giáo hội Chính thống vỗ tay đối với việc “giải tán” nhóm Chứng nhân Jehovah, gây ra một sai lầm lớn (theo ý tôi). Nhưng chúng ta không được lẫn lộn Giáo hội Chính thống chung với những phe phái cấp tiến và cực đoan.
— Có những vi phạm về tự do tôn giáo ở Hoa kỳ không?
— Massimo Introvigne: Câu hỏi này đưa ra hai vấn đề:
Vấn đề thứ nhất rất tế nhị: nó tác động đến sự khác nhau giữa quyền tự do tôn giáo và những quyền khác: đặc biệt, quyền đồng tính luyến ái không bị phân biệt đối xử. Có những vụ việc mọi người đều biết trong đó các nhà nhiếp ảnh, những người bán hoa, và các đầu bếp phản đối hôn nhân đồng tính, họ từ chối không cung cấp dịch vụ cho những buổi tổ chức lễ như vậy, và kết quả họ bị kết án là phân biệt đối xử. Một số người tin rằng vấn đề phải được giải quyết bằng một luật về tự do tôn giáo, trong đó cho phép họ thể hiện thái độ phản đối vì không hợp đạo lý. Sự tranh cãi này là không đúng, vì nó có nguy cơ trộn lẫn vấn đề tự do tôn giáo với “những cuộc chiến văn hóa,” và điều đó không nên xảy ra. Có lẽ có những con đường luật pháp khác để giải quyết — một cách êm thắm theo lương tri — các vấn đề của những người không muốn góp phần vào công việc của một cuộc hôn nhân giữa hai người cùng giới tính, mà không đưa vấn đề này trở thành trung tâm của sự tự do tôn giáo (mà nó có vẻ hơi khiên cưỡng đối với tôi).
Vấn đề thứ hai là, ở Hoa kỳ, vẫn có sự phân biệt đối xử với các nhóm được gọi là “giáo phái,” mà có những lúc dường như không có quyền được đối xử như những nhóm khác. Sự thật là các tòa án đã ngăn chặn những cuộc vận động của điều được gọi là các phong trào chống giáo phái. Nhưng văn hóa bất bao dung vẫn còn tồn tại. Chúng ta hãy nhìn đến hai ví dụ: trước hết có một chương trình truyền hình của nữ diễn viên Lea Remini về giáo phái Scientology, với một lượng khán giả khá lớn — có thể vì người dẫn chương trình là một phụ nữ đẹp — nhưng đối với tôi dường như chương trình chẳng có gì ngoài những lời lăng mạ và chẳng có luận cứ nào để hỗ trợ họ.
Một vụ khác là TED, một diễn đàn giáo dục khổng lồ, xuất bản một video về “những nghi thức tế lễ” lặp lại những khuôn mẫu lôi kéo tâm lý đã bị đa số các chuyên gia chỉ trích. Khi video đạt đến số 800.000 lượt xem, tôi quyết định bắt đầu khởi động một thư gửi cho TED, có chữ ký của 27 chuyên gia từ nhiều đại lục khác nhau; thật sự, nó được ký bởi hầu hết những tên tuổi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu phong trào tôn giáo mới. Đó là một lá thư thân thiện (độc giả có thể đọc lá thư ở đây), nhưng TED không thấy trả lời.
Rõ ràng đây là một trường hợp bất bao dung, mà nó là một hiện tượng văn hóa, không phải phân biệt đối xử, là vấn đề thuộc luật pháp. Nhưng khi tôi còn làm việc cho OSCE, tại một hội nghị ở Roma tôi đã giới thiệu một ý tưởng mà ngày nay nhiều người gọi là “mô hình Roma,” theo đó sự bất bao dung mở cửa cho sự phân biệt đối xử, và đối với vấn đề phân biệt đối xử, như nước Nga ngày nay đang dạy chúng ta, chuẩn bị dọn đường cho sự bắt bớ thật sự.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/08/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét