Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha Phanxico từ Colombia trở về

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha Phanxico từ Colombia trở về

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha Phanxico từ Colombia trở về
Đức Thánh Cha Phanxico nói chuyện với các nhà báo trên chuyến bay từ Roma đến Bogota, 6 tháng Chín, 2017. Credit: L'Osservatore Romano.

Trên chuyến bay giáo hoàng, 11 tháng Chín, 2017 / 10:10 sáng (CNA/EWTN News). - Trong buổi nói chuyện với các nhà báo trên chuyến bay từ Cartagena trở về Rome hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxico đụng chạm đến nhiều vấn đề, đáng chú ý là quyết định của chính phủ Hoa kỳ chấm dứt DACA và cuộc khủng hoảng ở Venezuela.
Ngài cũng nói đến tiến trình hòa bình ở Colombia, Siêu bão Irma, biến đổi khí hậu, và di cư trên chuyến bay ngày 11 tháng Chín.
Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha Phanxico từ Colombia trở về
Dưới đây là toàn văn bản dịch (tiếng Anh) buổi họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha.
Phần 2:
Enzo Romeo (TG2): Chào Đức Thánh Cha. Con cũng có chung câu hỏi mà đồng nghiệp của con đã hỏi trước vì cha thường đề cập đến trong các bài diễn từ ở Colombia, kêu gọi lại một lần nữa hãy xây dựng hòa bình với tạo vật, bằng cách này hay cách khác. Tôn trọng môi trường là một điều kiện cần thiết để có thể tạo ra một xã hội hòa bình ổn định. Những hậu quả của biến đổi khí hậu, ở đây trong nước Ý - con không biết cha đã được thông tin chưa - nhưng nó đã gây ra nhiều cái chết ở Livorno...
ĐTC Phanxico: Sau ba tháng rưỡi hạn hán.
Romeo: … nhiều thiệt hại ở Roma. Tất cả chúng ta đều lo lắng về tình hình này. Tại sao lại có sự trì trệ trong việc nâng cao ý thức, đặc biệt từ phía các chính phủ, tuy nhiên lại có vẻ rất quan tâm và lo lắng trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn thương mại vũ trang? Chúng ta đang chứng kiến cuộc khủng hoảng ở Triều tiên, cũng về vấn đề này con muốn xin ý kiến của cha
ĐTC Phanxico: Tại sao? Một câu trong Cựu ước chợt hiện lên trong đầu tôi, tôi tin là trong sách Thánh vịnh: Con người rất khờ dại. Nó là kẻ cứng đầu không nhìn thấy được điều gì, loài sinh vật duy nhất của tạo vật dẫm chân vào cùng một cái hố là con người … con ngựa, không, chúng không làm vậy … Có sự kiêu ngạo, sự tự mãn trong câu “nó không phải như vậy,” và rồi có Chúa tể “cái túi”, không phải chỉ có trong tạo vật, quá nhiều quyết định, quá nhiều sự mâu thuẫn (...) tùy thuộc vào đồng tiền. Hôm nay ở Cartagena, tôi khởi hành đến một phần của Cartagena, chúng ta cứ gọi đó là khu nghèo. Phần bên kia, phía bên địa điểm du lịch, xa xỉ, xa xỉ và không có giới hạn đạo đức nào cả … nhưng những người đến đó đều không nhận ra điều này, hoặc là những nhà phân tích chính trị xã hội không nhận ra … điều Kinh Thánh nói ‘con người là khờ dại.’ Nó là như vậy đấy: khi anh không muốn nhìn thấy, anh sẽ không nhìn thấy. Anh chỉ nhìn sang hướng khác. Và về Bắc Triều tiên, tôi nói thật tôi không hiểu. Thật sự tôi không hiểu cái thế giới địa chính trị đó. Nó rất khó đối với tôi. Nhưng tôi tin rằng những gì tôi nhìn thấy, có một cuộc tranh giành những lợi ích không thoát ra khỏi con người, tôi thực sự không thể giải thích … nhưng một điều quan trọng khác là chúng ta không có ý thức. Hãy nghĩ đến Cartagena hôm nay. Chúng ta có ý thức không? Đây là những gì chợt đến với tôi. Cảm ơn anh.
Valentina Alazraki, Noticieros Televisa: Con xin lỗi. Thưa Đức Thánh Cha, mỗi lần cha gặp gỡ giới trẻ ở bất cứ nơi nào trên thế giới cha đều nói với họ: ‘Đừng để các bạn bị cướp mất niềm hy vọng, đừng để bản thân các bạn bị cướp mất tương lai.’ Thật không may, ở Mỹ người ta đã bãi bỏ luật “những ước mơ.” Họ nói về 800.000 người trẻ: người Mexico, người Columbia, từ nhiều quốc gia. Cha có nghĩ là việc bãi bỏ luật này sẽ làm giới trẻ mất niềm vui, mất hy vọng và mất tương lai của họ? Và, lợi dụng lòng tốt của cha, xin cha có thể viết một lời nguyện nhỏ, một ý tưởng nhỏ, cho tất cả những nạn nhân của trận động đất ở Mexico và Siêu bão Irma không? Cảm ơn cha.
ĐTC Phanxico: Tôi có nghe nói đến luật này. Tôi vẫn chưa đọc kỹ các điều khoản, không biết là quyết định được đưa ra như thế nào. Tôi không biết rõ về nó lắm. Giữ giới trẻ thoát ly khỏi gia đình không phải là điều mang lại kết quả tốt. Mỗi người trẻ đều phải có gia đình của họ, luật mà tôi nghĩ là xuất phát từ quốc hội [sic], nếu nó xuất phát từ giới lãnh đạo, nếu đây là nguyên nhân, nhưng tôi không chắc, tôi hy vọng vấn đề sẽ được suy nghĩ lại một chút, vì tôi có nghe nói Tổng thống Hoa kỳ phát biểu như một người bảo vệ sự sống. Nếu ông ấy là một người bảo vệ sự sống thực thụ, ông hiểu rằng gia đình là cái nôi của sự sống, và sự đoàn tụ phải được bảo vệ. Đây là điều chợt đến với tôi. Đó là lý do tại sao tôi rất thích nghiên cứu kỹ luật.
Thật sự, khi giới trẻ nói chung cảm thấy trong trường hợp này hay trường hợp khác họ bị bóc lột, cuối cùng họ cảm thấy rằng họ không có hy vọng gì. Vậy ai là người đánh cắp nó khỏi họ? Ma túy, những thứ nghiện ngập khác, tự tử … tỷ lệ tự tử của giới trẻ rất lớn và xảy ra khi họ bị tách ra khỏi nguồn cội của họ. Những người trẻ bị tách ra khỏi cội nguồn ngày nay đang cầu xin giúp đỡ, và đây là lý do tại sao tôi luôn khăng khăng nhấn mạnh đến sự đối thoại giữa người già và trẻ. Kêu gọi họ nói chuyện với cha mẹ, và cả những người lớn tuổi. Vì cội nguồn nằm ở đó … [đức Thánh Cha nói nghe không rõ] để tránh những xung khắc có thể xảy ra với những nguồn cội gần nhất, với cha mẹ. Nhưng giới trẻ hôm nay cần phải tái khám phá lại cội nguồn của họ. Bất cứ điều gì đi ngược lại với nguồn cội đều cướp mất niềm hy vọng khỏi họ. Tôi không biết tôi đã trả lời đúng câu hỏi chưa, ít nhiều gì đó.
Alazraki: Họ có thể bị trục xuất khỏi Hoa kỳ …
ĐTC Phanxico: À, vâng, mất nguồn gốc. Nhưng thật lòng, về luật này tôi không muốn bày tỏ ý kiến, vì tôi chưa đọc nó, và tôi không muốn nói về một vấn đề nào đó mà tôi không hiểu.
Và rồi, Valentina là của Mexico, và Mexico đã chịu đau khổ nhiều. Tôi kêu gọi mọi người hiệp thông với vị “chủ tọa” [dean] (Ghi chú của biên tập viên: cụm từ chỉ về một phóng viên kỳ cựu và là một cách gọi thân mật của Đức Thánh Cha) và dâng lời cầu nguyện cho đất nước. Cảm ơn anh.
Greg Burke: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Bây giờ là Fausto Gasparroni từ ANSA.
Fausto Gasparroni: Thưa Đức Thánh Cha, đại diện cho nhóm Ý, con muốn hỏi người một câu hỏi về vấn đề di dân, đặc biệt về những gì Giáo hội Ý gần đây đã bày tỏ, đó là một loạt tổng hợp về chính sách mới của chính phủ giới hạn đường vượt biển từ Lybia bằng thuyền. Nó cũng cho biết rằng về vấn đề này cha đã có một buổi gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội, Gentiloni. Chúng con muốn biết chủ đề được thảo luận trong buổi họp này đạt kết quả như thế nào và đặc biệt là cha nghĩ thế nào về chính sách đóng cửa vượt biển này, cũng phải nói đến sự thật rằng sau khi những di dân còn ở lại Libya, theo những cuộc điều tra ghi lại, phải sống trong những điều kiện vô nhân đạo, trong những điều kiện rất, rất bất ổn. Xin cảm ơn cha.
ĐTC Phanxico: Buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Gentiloni là buổi gặp gỡ riêng tư và không phải về chủ đề đó. Nó đến trước vấn đề này, và rồi vài tuần sau vấn đề này được đưa ra. Gần một tháng trước khi có vấn đề này. Thứ hai, tôi cảm  nhận được bổn phận và lòng tri ân đối với nước Ý và Hy lạp vì họ đã mở rộng tâm hồn ra với những người di cư, nhưng việc mở tấm lòng vẫn chưa đủ. Vấn đề của di dân là: trước hết là một tâm hồn rộng mở liên tục, nó cũng là một lệnh truyền của Thiên Chúa, đúng không? “Hãy đón nhận họ, vì ngươi có một nô lệ ở Ai-cập.” Nhưng một chính phủ phải điều hành vấn đề đó bằng một thái độ phù hợp của một nhà lãnh đạo: sự cẩn trọng. Điều đó có nghĩa là gì? Trước hết: Tôi có bao nhiêu chỗ trống? Thứ hai: không chỉ là tiếp nhận … nhưng còn hội nhập, hội nhập. Tôi đã nhìn thấy những mẫu gương về những sự hội nhập vô cùng quý báu ở nước Ý. Tôi đến trường Đại học Roma Tre và ba sinh viên đặt cho tôi các câu hỏi. Một em là người cuối cùng, tôi nhìn mặt em và nói, “tôi nhận ra khuôn mặt đó.” Đó là em gái đã đi cùng với tôi trên chuyến bay trở về từ Lesbos gần một năm trước. Cô gái ấy đã học được ngôn ngữ, bây giờ đang theo ngành sinh học. Họ phê chuẩn trình độ của cô ấy và cô được tiếp tục. Cô ấy đã học được ngôn ngữ. Đây được gọi là hội nhập. Trên một chuyến bay khác, tôi nghĩ lúc chúng tôi từ Thụy điển trở về, tôi nói chuyện về chính sách hội nhập của Thụy điển như là một mô hình. Nhưng cả Thụy điển cũng có thái độ rất cẩn trọng: với con số này tôi không làm được. Vì ở đó đang tồn tại nguy cơ không có sự hội nhập. Thứ ba: nó là vấn đề nhân đạo. Nhân đạo phải ý thức được những trại tập trung, những điều kiện, sự bỏ hoang … tôi đã nhìn thấy những hình ảnh. Những kẻ bóc lột đầu tiên. Chính phủ Ý cho tôi ấn tượng rằng họ đang làm tất cả mọi việc trong công cuộc nhân đạo để giải quyết vấn đề mà họ không thể đảm đương được. Tâm hồn luôn rộng mở, thận trọng, hội nhập, sự gần gũi nhân đạo.
Và còn một điều cuối cùng tôi muốn nói, trên hết là cho Châu Phi. Có một phương châm, một nguyên tắc trong suy nghĩ chung của chúng ta: Châu Phi phải bị bóc lột. Hôm nay ở Cartagena chúng ta đã thấy một ví dụ về sự bóc lột con người. Một người đứng đầu trong chính phủ nói lên một sự thật về vấn đề này: những người chạy trốn khỏi chiến tranh là một vấn đề khác, nhưng có rất nhiều người chạy trốn khỏi cái đói. Chúng ta hãy đầu tư vào đó để nó có thể phát triển, nhưng trong suy nghĩ chung có vấn đề là khi những quốc gia phát triển đến Châu Phi chỉ là để bóc lột nó.
Châu Phi là một người bạn và phải được trợ giúp để phát triển. Ngày nay, các vấn đề về chiến tranh đi theo một hướng khác. Tôi không biết tôi đã làm rõ được vấn đề chưa.
Xavier Le Normand (iMedia): Thưa Đức Thánh Cha, hôm nay cha nói trong buổi Đọc Kinh Truyền tin, cha kêu gọi rằng mọi hình thức bạo lực trong đời sống chính trị phải bị loại bỏ. Hôm thứ Năm, sau Thánh Lễ ở Bogota, cha đã chào năm đức Giám mục từ Venezuela. Chúng con biết rằng Tòa Thánh cam kết có đối thoại với đất nước này. Trong rất nhiều tháng cha đã kêu gọi chấm dứt mọi bạo lực. Nhưng Tổng thống Maduro, về một mặt, có rất nhiều lời nói bạo lực chống lại các giám mục, về mặt khác lại nói rằng ông ta theo Đức Giáo hoàng Phanxico. Liệu cần phải có những lời nói mạnh hơn và rõ ràng hơn không? Xin cảm ơn cha.
ĐTC Phanxico: Tôi nghĩ là Tòa Thánh đã nói mạnh và rõ ràng. Những gì Tổng thống Maduro nói thì ông ta có thể giải thích. Tôi không biết ông ta nghĩ gì trong đầu, nhưng Tòa Thánh đã làm rất nhiều, Tòa Thánh đã gửi đến đó - với nhóm làm việc của bốn cựu tổng thống ở đó - Tòa Thánh đã gửi đến đó một vị sứ thần cấp cao. Sau khi nói chuyện với người dân, Tòa Thánh đã nói công khai. Rất nhiều lần trong giờ đọc Kinh Truyền Tin tôi đã nói về tình hình, luôn luôn tìm kiếm một lối thoát, giúp đỡ, giúp để thoát ra. Có vẻ như đó là vấn đề khó, và đau khổ nhất là vấn đề nhân đạo, rất nhiều người phải trốn chạy hoặc chịu đau khổ … dù sao chúng tôi phải giúp để giải quyết nó (nếu có thể). Tôi nghĩ Liên Hợp Quốc cũng phải lên tiếng để giúp.
Greg Burke: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Con nghĩ chúng ta phải về chỗ.
ĐTC Phanxico: Qua vùng không khí loãng phải không? Họ thông báo có vài chỗ không khí loãng và chúng ta phải về chỗ. Cám ơn anh chị em rất nhiều về công việc. Và một lần nữa tôi xin cảm ơn tấm gương của người dân Columbia. Tôi muốn đúc kết bằng một hình ảnh. Điều làm tôi xúc động nhất về người Columbia trong bốn thành phố là người dân trên các đường phố, đứng chào tôi. Điều làm tôi cảm động đó là người cha, người mẹ, nâng những đứa con của họ lên cao để chúng nhìn thấy Đức Giáo hoàng và để Đức Giáo hoàng có thể chúc lành cho các bé, dường như họ muốn nói, “Đây là gia tài của tôi, đây là niềm hy vọng của tôi. Đây là tương lai của tôi.’ Tôi tin bạn. Điều này làm tôi rất xúc động. Sự dịu dàng. Ánh mắt của những người cha, những người mẹ đó. Thật quý giá, thật quý giá. Đây là một biểu tượng, một biểu tượng của hy vọng, của tương lai. Một dân tộc có khả năng sinh con cái và rồi đưa chúng ta cho anh xem, để chúng cũng nhìn thấy, như muốn nói rằng, “Đây là gia tài của tôi,” là một dân tộc có hy vọng và có tương lai. Xin cảm ơn anh chị em rất nhiều.

[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/09/2017]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét