Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG (TOÀN VĂN): Những nghi thức bắt đầu Thánh Lễ

TIẾP KIẾN CHUNG (TOÀN VĂN): Những nghi thức bắt đầu Thánh Lễ

‘Tôi đề nghị: xin hãy dạy cho trẻ em biết làm Dấu Thánh Giá đúng cách!”


20 tháng Mười Hai, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG (TOÀN VĂN): Những nghi thức bắt đầu Thánh Lễ
General Audience - CTV Screenshot
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:35 trong Đại sảnh Phao-lô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục chủ đề giáo lý mới, trong bài giảng huấn bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích của ngài vào những Nghi thức bắt đầu của Thánh lễ.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha


Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn đi vào trung tâm của việc Cử hành Thánh Thể. Thánh Lễ gồm hai phần, đó là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, từ đó kết hợp chặt chẽ giữa hai phần này để tạo nên một hành động tôn thờ (x. Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 56; Ordinamento Generale del Messale Romano, 28). Được bắt đầu với một số nghi thức mở đầu và kết thúc bằng một số nghi thức khác, vì thế, Thánh Lễ là một khối và không thể chia tách nhau; tuy nhiên, để dễ hiểu hơn, tôi sẽ giải thích những thời điểm khác nhau của Thánh Lễ, mỗi giây phút trong đó có thể chạm đến và mang một chiều kích của nhân loại chúng ta. Chúng ta cần phải biết những dấu chỉ thánh này để sống Thánh Lễ trọn vẹn và tận hưởng được tất cả vẻ đẹp của nó.

Khi mọi người đã tập trung, Thánh lễ mở ra bằng những nghi thức khởi đầu, trong đó có việc tiến vào cung thánh của chủ tế, và lời chào – “Chúa ở cùng anh chị em,” “Bình an ở cùng anh chị em,” — , nghi thức sám hối – “Tôi thú nhận,” ở đây chúng ta cầu xin sự tha thứ những tội lỗi của chúng ta –, Kyrie eleison (Kinh Thương xót), kinh Vinh danh và Kinh Tin kính: kinh này được gọi là Kinh “Collect Prayer” (“Kinh Lắc Ống”), không phải vì việc đưa ống quyên tiền lễ: nhưng đó là hợp nhất sự tập trung của mọi người, và việc hợp nhất sự tập trung của mọi người đó dâng lên Trời cao như là lời cầu nguyện. Mục đích của những nghi thức nhập lễ này là để “mọi tín hữu, tập trung lại với nhau, tạo thành một cộng đoàn, sẵn sàng lắng nghe lời Chúa trong niềm tin và để dâng Lễ một cách xứng đáng” (Ordinamento Generale del Messale Romano, 46). Đây là một thói quen không tốt khi một người nhìn vào đồng hồ và nói: “Mình vẫn kịp giờ, mình sẽ đến sau bài giảng và như vậy là mình đã làm tròn bổn phận.” Thánh Lễ bắt đầu từ Dấu Thánh Giá, từ những nghi thức nhập lễ này, vì từ đó chúng ta hợp nhất thành một cộng đoàn để tôn thờ Thiên Chúa. Và vì vậy, việc quan trọng là đừng mang ý định đi Lễ trễ, nhưng hơn thế phải đến sớm để chuẩn bị tâm hồn cho những nghi thức này, cho việc dâng Lễ của toàn thể cộng đoàn.

Khi bài ca nhập lễ đang được hát thì linh mục và những thừa tác viên khác theo hàng lối tiến vào gian cung thánh, và đến đây linh mục bái chào bàn thờ, và trong thái độ tôn kính, linh mục hôn bàn thờ, và khi có hương thì linh mục sẽ xông hương bàn thờ. Tại sao? Vì bàn thờ là Đức Ki-tô: đó là hình ảnh của Đức Ki-tô. Khi chúng ta nhìn lên bàn thờ, thật ra là chúng ta đang nhìn vào nơi Chúa Ki-tô đang ngự. Bàn thờ là Đức Ki-tô. Những cử chỉ này, đang có nguy cơ trôi qua mà không ai chú ý, là vô cùng quan trọng, vì ngay từ khởi đầu chúng diễn tả rằng Thánh Lễ là một sự gặp gỡ của tình yêu với Đức Ki-tô, Đấng “đã hiến dâng thân mình trên cây thập giá [. . . ] trở thành bàn thờ, thành hy tế và tư tế” (Kinh Tiền tụng Phục sinh V). Quả thật, tới mức độ bàn thờ trở thành dấu chỉ của Đức Ki-tô, “là trung tâm điểm của sự tạ ơn được hoàn tất với Phép Thánh Thể” (Ordinamento Generale del Messale Romano, 296), và toàn thể cộng đoàn quây quần quanh bàn thờ là Đức Ki-tô: không phải là để nhìn mặt nhau nhưng là nhìn vào Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô là trung tâm của cộng đoàn. Người không xa rời nó.

Rồi có dấu thánh giá. Linh mục làm dấu thánh giá trên mình ngài và toàn thể mọi người trong cộng đoàn đều làm như vậy, với ý thức rằng phụng vụ được thực hiện “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Và đến đây tôi lại phải chuyển qua một điều gây tranh cãi nho nhỏ. Anh chị em có bao giời nhìn thấy các thiếu nhi làm dấu thánh giá chưa? Chúng không biết chúng đang làm gì: có khi chúng tạo ra một hình thù gì đó, không phải là dấu thánh giá. Xin làm ơn: các cha mẹ, ông bà, hãy dạy cho con cháu ngay từ đầu – ngay từ khi còn rất nhỏ – biết làm dấu thánh giá đúng cách. Và giải thích cho chúng biết rằng có dấu thánh giá của Chúa Giê-su như là một sự bảo vệ. Và Thánh Lễ bắt đầu bằng dấu thánh giá. Nói theo một cách nói là toàn bộ lời nguyện cầu dâng lên trong vương quốc của Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh – “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần” –, đó là vương quốc của sự hiệp nhất muôn đời; nó có khởi đầu và tận cùng là tình yêu của Một Thiên Chúa Ba Ngôi Đồng Bản Tính, được tỏ lộ và được tặng ban cho chúng ta trong Dấu Thánh Giá của Đức Ki-tô. Quả thật, Mầu nhiệm Phục sinh của Người là một quà tặng của Chúa Ba Ngôi, và Thánh Lễ luôn luôn tuôn chảy từ Trái tim bị đâu thâu của Người. Vì vậy, làm dấu thánh giá trên mình chúng ta không những giúp chúng ta nhớ lại Phép Rửa tội, nhưng để chúng ta khẳng định rằng lời nguyện cầu phụng vụ là sự gặp gỡ với Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã nhập thế cho chúng ta, chịu chết trên thập giá và sống lại vinh quang.

Vì thế, linh mục bắt đầu lời chào phụng vụ bằng câu: “Chúa ở cùng anh chị em” hay một câu tương tự như vậy – có vài ba cách chào –; và cộng đoàn đáp lại: “Và ở cùng cha.” Chúng ta đang trong cuộc đối thoại; vào đầu thánh lễ chúng ta phải suy nghĩ về ý nghĩa của tất cả những cử chỉ và lời thưa này. Chúng ta đang đi vào một “bản giao hưởng,” trong đó nhiều tông giọng khác nhau vang lên, kể cả có những lúc thinh lặng, nói lên “sự đồng lòng” của tất cả mọi người tham dự, cụ thể là cùng nhau tỏ lòng biết ơn vì được ban sức sống bởi một Thần Khí và bởi cùng một nguồn. Quả thật “lời chào của linh mục và lời thưa của cộng đoàn tỏ lộ mầu nhiệm của Giáo hội hiệp nhất” (Ordinamento Generale del Messale Romano,50). Vì thế chúng ta bày tỏ niềm tin chung và khát khao cùng nhau được ở cùng Thiên Chúa để sống trong sự hiệp nhất với toàn thể cộng đoàn.

Và đây là một bản giao hưởng cầu nguyện, được tạo ra và thể hiện ngay lập tức một thời khắc đầy xúc động, vì vị chủ tế mời gọi tất cả mọi người nhìn nhận tội lỗi của họ. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tôi không biết nữa, có thể một ai đó trong anh chị em không phải là tội nhân … Nếu có ai đó không phải là tội nhân, xin giơ tay lên, để tất cả chúng ta có thể nhìn thấy. Nhưng không có cánh tay nào giơ lên; được rồi, vậy là đức tin của anh chị em rất tốt! Tất cả chúng ta đều là những tội nhân, và vì thế chúng ta phải xin sự tha thứ ngay từ đầu lễ. Đó là nghi thức sám hối. Nó không chỉ là nghĩ về những tội mình đã phạm, nhưng còn hơn thế nữa: đó là một lời mời gọi chúng ta biết nhận ra mình là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa và trước cộng đoàn, trước anh chị em của mình, với lòng khiêm nhường và chân thành, như người thu thuế trong Đền thờ. Khi Thánh Lễ diễn tả thật sự sống động Mầu nhiệm Vượt qua, cụ thể đó là sự vượt qua của Đức Ki-tô từ cõi chết sang sự sống, thì điều đầu tiên chúng ta phải làm là nhận ra rằng tình trạng trong cõi chết của chúng ta nay có thể sống lại cùng với Người trong một đời sống mới. Điều này cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng rất lớn của hành động sám hối. Và chúng ta sẽ tiếp tục bàn về vấn đề này trong bài giáo lý tiếp theo. Chúng ta đi từng bước khi giải thích về Thánh Lễ. Tuy nhiên, tôi đề nghị: xin hãy dạy cho trẻ em biết làm Dấu Thánh Giá đúng cách!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[Nguồn: zenit]


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/12/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét