Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Sự cần thiết của việc chiêm ngắm Thập giá

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Sự cần thiết của việc chiêm ngắm Thập giá

‘Hình ảnh Chúa Giê-su chịu đóng đinh tỏ lộ Mầu nhiệm cái chết của Con Thiên Chúa là hành động tối thượng của tình yêu, là nguồn mạch sự sống và là ơn cứu độ cho nhân loại trong mọi thời đại’

18 tháng Ba, 2018
Huấn từ Kinh Truyền Tin: Sự cần thiết của việc chiêm ngắm Thập giá
Vatican Media Screenshot
THÀNH PHỐ VATICAN, 18 THÁNG BA, 2018 (Zenit.org). - Tin mừng hôm nay (x. Ga 12:20-33) tường thuật lại những việc xảy ra trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Giê-su. Cảnh diễn ra tại Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài chuẩn bị cho Lễ Vượt qua của người Do thái. Một số người Hy lạp cũng đến để tham dự lễ. Họ là những con người được thôi thúc bởi những tình cảm tôn giáo, bị cuốn hút bởi niềm tin của dân tộc Do thái, và vì đã nghe nói về vị ngôn sứ vĩ đại, họ đến với Phi-líp-phê là một trong số mười hai tông đồ, và nói với ông: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su” (c. 21). Thánh Gioan làm nổi bật câu này lên, tập trung vào động từ gặp, một từ mà thánh sử hàm ý vượt xa hơn những gì thuộc hình thức bên ngoài để nắm lấy sự bí mật của một con người. Động từ mà Gioan sử dụng, “gặp gỡ”, là nhắm thẳng vào tâm hồn, đi vào tận sâu thẳm của con người, bên trong con người, với tầm nhìn, với sự hiểu biết.

Phản ứng của Chúa Giê-su thật đáng ngạc nhiên. Người không trả lời bằng câu “có” hoặc “không,” nhưng Người nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (c. 23). Những lời này thoạt nghe qua dường như là bỏ qua câu hỏi của những người Hy lạp, nhưng trong thực tế là câu trả lời thật, vì khi một người mong muốn được biết Chúa Giê-su thì phải nhìn vào thập giá, nơi vinh quang của Người được mạc khải, phải nhìn lên thập giá. Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng ánh mắt nhìn lên thập tự, đó không phải là một đồ vật trang trí hay một phụ kiện của trang phục – đôi khi bị lạm dụng như vậy! – nhưng là một dấu chỉ tôn giáo để chiêm ngắm và để thấu hiểu. Hình ảnh Chúa Giê-su chịu đóng đinh tỏ lộ Mầu nhiệm cái chết của Con Thiên Chúa là hành động tối thượng của tình yêu, là nguồn mạch sự sống và là ơn cứu độ cho nhân loại trong mọi thời đại. Chúng ta được chữa lành trong những vết thương của Người.

Cha đang nghĩ: “Vậy tôi nhìn lên thập tự như thế nào? Có phải như một tác phẩm nghệ thuật, để xem nó có đẹp hay không? Hay tôi nhìn vào bên trong, đi vào những vết thương của Chúa Giê-su để tới trái tim của Người? Tôi có nhìn đến mầu nhiệm Thiên Chúa bị khổ hình đến chết, như một nô lệ, như một tên tội phạm?” Đừng quên điều này: nhìn lên thập giá nhưng hãy nhìn vào bên trong tìm đến ý nghĩa. Có một cách sùng kính rất đẹp là đọc một Kinh Lạy Cha cho mỗi dấu thương: khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha đó, chúng ta tìm cách đi vào bên trong dấu thương của Chúa Giê-su, vào bên trong, thẳng lên trái tim của Người. Và ở đó chúng ta sẽ học được sự khôn ngoan vĩ đại của mầu nhiệm Đức Ki-tô, sự thông thái vĩ đại của thập giá.

Và để giải thích cho ý nghĩa của Cái Chết và sự Phục sinh của Người, Chúa Giê-su sử dụng một hình ảnh và nói rằng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác” (c. 24). Người muốn cho mọi người hiểu rằng biến cố cao trọng nhất của Người – đó là thập giá, cái Chết, và sự Phục sinh – là một hành động tạo sự sung mãn – những vết thương của Người đã chữa lành chúng ta — một sự sung mãn làm trổ sinh nhiều hoa trái cho nhiều người. Vì vậy Người so sánh bản thân Người với hạt lúa mì khi được gieo vào lòng đất phải mục nát đi, trổ sinh sự sống mới. Với sự Nhập thế, Chúa Giê-su đã xuống trần gian, nhưng như vậy chưa đủ. Người còn phải chết đi để chuộc lại cho con người khỏi tình trạng bị nô lệ tội và ban tặng cho họ sự sống mới được hòa giải trong tình yêu. Cha nói: “để chuộc tội con người”, nhưng Người đã trả giá để chuộc tội cho tôi, cho anh chị em, cho tất cả chúng ta, cho từng người chúng ta. Đây là mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Đi vào những vết thương của Người, đi vào, chiêm ngắm, nhìn ngắm Chúa Giê-su, nhưng từ bên trong.

Và hoạt động của hạt lúa mì này, được hoàn toàn tất nơi Đức Giê-su, cũng phải được nhận ra nơi chúng ta là những môn đệ của Người: chúng ta được kêu gọi để tạo ra luật vượt qua của chúng ta biết hy sinh cuộc sống của chúng ta để đón nhận sự sống mới và trường sinh. Và hy sinh cuộc sống của mình là gì? Hay, trở nên hạt lúa mì nghĩa là gì? Nó có nghĩa là bớt đi những suy nghĩ về bản thân, bớt nghĩ đến những lợi ích riêng, và có thể “gặp gỡ” và bước ra để đáp ứng cho những nhu cầu của anh em, đặc biệt những người thua thiệt nhất. Thực hiện những công cuộc bác ái vui mừng hướng đến những người chịu đau khổ về thể xác và tinh thần là cách sống Tin mừng xác thực nhất, đó là nền tảng cần thiết cho các cộng đoàn của chúng ta phát triển trong tình huynh đệ và lòng hiếu khách đối với nhau. Tôi muốn gặp Chúa Giê-su, nhưng phải gặp Người từ trong lòng. Đi vào những vết thương của Người và chiêm ngắm tình yêu đó của trái tim của Người dành cho ông, cho bà, cho bạn, cho tôi, cho tất cả.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh, người luôn có cái nhìn của tâm hồn hướng về Con của Mẹ, từ máng cỏ Bê-lam đến thập giá trên đồi Can-vê, giúp chúng ta gặp gỡ và biết được Người như Người ước mong, để chúng ta có thể sống noi gương bắt chước Người, và mang đến cho thế giới những hoa trái của sự công bằng và bình an

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/3/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét