Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

Video Đức Thánh Cha kêu gọi hành động chống lại tình trạng nô lệ

Video Đức Thánh Cha kêu gọi hành động chống lại tình trạng nô lệ
Vatican Media Screenshot

Video Đức Thánh Cha kêu gọi hành động chống lại tình trạng nô lệ

‘Tình trạng nô lệ không phải là vấn đề của quá khứ.’

07 tháng Năm, 2018 16:07

Ngày 7 tháng Năm, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi hành động toàn cầu chống lại tình trạng nô lệ, ngài nhắc các nhà lãnh đạo thế giới rằng “Tình trạng nô lệ không phải là vấn đề của quá khứ.”

Lời kêu gọi đưa ra trong một thông điệp video Đức Thánh Cha gửi đến các tham dự viên của Diễn đàn Quốc tế lần II về tình trạng nô lệ hiện đại, với chủ đề “Những vấn đề cũ trong thế giới mới”. Diễn đàn được tổ chức bởi Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew, Đức Tổng giám mục Constantinople, cùng hợp tác với Tổng Giáo phận Buenos Aires và với Học viện Chính thống Đại kết Athenagoras ở Berkeley, California, diễn ra từ ngày 5 đến 8 tháng Năm, tại Tòa Thượng phụ Đại kết ở Buenos Aires, Argentina.

Văn bản Thông điệp Video của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến:

Tôi hân hạnh được gửi lời chào anh chị em, những người tham dự Diễn đàn về những hình thức nô lệ hiện đại, “Những vấn đề cũ trong thế giới mới,” được tổ chức bởi Tổng Giáo phận Chính thống Buenos Aires, được dẫn dắt bởi Đức Tổng Giám mục Chính tòa thân yêu Tarasios , và Học viện Chính thống Đại kết Berkeley ở California với sự bảo trợ của Tòa thượng phụ Đại kết. Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng chân thành tri ân đến Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I, và Đức Tổng Giám mục Canterbury, là Đức Justin Welby, ngài đã khai mạc Diễn đàn này năm trước. Thật là một điều an ủi cho tôi khi biết rằng chúng ta cùng chia sẻ sự quan tâm chung đối với các nạn nhân của tình trạng nô lệ hiện đại.

Tình trạng nô lệ không phải là vấn đề của quá khứ. Trong thực tế nó đã cắm rễ sâu và tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức của ngày nay: buôn bán người, bóc lột lao động qua hình thức vay nợ, bóc lột trẻ em, bóc lột tình dục và giúp việc nhà cưỡng bức và còn nhiều hình thức khác. Mỗi hình thức đều nghiêm trọng và bất nhân như nhau. Dù chúng ta còn thiếu thông tin của một số vùng trên thế giới, nhưng những con số thể hiện vô cùng lớn, và có lẽ vẫn chưa được chú ý đúng mức. Theo một vài thống kê gần đây, có trên 40 triệu người nam, và đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, chịu đau khổ do hậu quả của tình trạng nô lệ. Chúng ta thử hình dung, nếu họ sống chung trong một thành phố, nó chắc chắn là thành phố lớn nhất trên hành tinh này, và nó sẽ có dân số gấp bốn lần toàn bộ vùng đô thị Buenos Aires.

Đối mặt với thực tế bi thảm này, không một ai có thể phủi tay giũ bỏ trách nhiệm mà không, một phần nào đó, liên quan đến tội ác chống lại nhân loại này. Trách nhiệm đầu tiên phải thực hiện là đưa ra một chiến dịch nâng cao ý thức về nó, xé toang tấm màn thờ ơ dường như đang che phủ lên số phận của phần nhân loại đang chịu đau khổ kia, đó là sự thống khổ. Có những người trực tiếp nhúng tay vào trong các tổ chức tội phạm không muốn vấn đề bị đưa ra, đơn giản vì họ kiến được món lợi nhuận rất cao từ những hình thức nô lệ mới này. Cũng có những người, mặc dù có biết vấn đề này, vẫn không muốn nói về nó vì họ đứng ở đầu cuối của “mạng lưới tiêu dùng,” họ là người tiêu thụ cho những “dịch vụ” của những người đàn ông, những phụ nữ, và những trẻ em đã bị biến thành nô lệ. Chúng ta không được lơ đãng: tất cả chúng ta được kêu gọi phải bỏ đi thói đạo đức giả, mà đương đầu với thực tế mà chúng ta đang là một phần của vấn đề. Vấn đề không nằm ở bên kia đường: nó ở giữa chúng ta. Chúng ta không được nhìn quay đi hướng khác và tuyên bố rằng chúng ta không biết hoặc chúng ta vô tội.

Một trách nhiệm thứ hai là phải hành động vì những người đã bị biến thành nô lệ: bảo vệ quyền của họ, ngăn chặn những kẻ hủ hóa và tội phạm thoát khỏi công lý và đưa ra lời nói sau cùng cho những người bị bóc lột. Nếu chỉ một số chính phủ và các Tổ chức Quốc tế đưa ra những chính sách khắt khe để trừng phạt việc bóc lột con người là không đủ, nếu như vậy thì không thể giải quyết được các gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề. Khi các quốc gia gánh chịu nạn đói khổ cùng cực, điều đó chẳng riêng do bạo lực và tham nhũng, cũng chẳng phải nền kinh tế hay khung luật pháp, và cũng chẳng phải những cơ sở hạ tầng căn bản không có hiệu quả; nhưng vì họ không bảo đảm được vấn đề an ninh và tài sản, hoặc những quyền căn bản. Từ đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những kẻ thủ phạm của những tội ác này tiếp tục hoạt động mà hoàn toàn không bị trừng phạt. Ngoài ra còn có một yếu tố thuộc xã hội: tội phạm có tổ chức và buôn bán người chọn nạn nhân là những người ít có điều kiện về sinh kế và thậm chí ít có hy vọng cho tương lai ngày nay. Nói rõ hơn: đó là những người nghèo nhất, những người bị gạt bỏ, những người bị loại trừ. Câu trả lời nền tảng nằm trong việc tạo ra những cơ hội cho sự phát triển con người toàn diện, bắt đầu từ một nền giáo dục có chất lượng: đây là điểm then chốt, giáo dục có chất lượng ngay từ tuổi thơ, tiếp tục tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển qua việc làm. Giáo dục và việc làm.

Trọng trách rất lớn này, đòi hỏi sự can đảm, kiên nhẫn và bền chí, cần có sự liên kết và nỗ lực toàn cầu của mọi thành phần khác nhau tạo nên xã hội. Các Giáo hội cũng phải đóng một vai trò lớn trong vấn đề này. Trong khi có những cá nhân và nhóm còn cân nhắc một cách đáng xấu hổ về tình trạng nô lệ, thì người Ki-tô hữu chúng ta, tất cả đều được kêu gọi hợp tác với nhau nhiều hơn nữa, để vượt qua mọi hình thức bất bình đẳng, mọi hình thức phân biệt đối xử, đó chính là những điều làm cho con người có thể biến người khác thành nô lệ. Một cam kết chung đương đầu với thách đố này sẽ là một sự hỗ trợ giá trị cho công cuộc xây dựng một xã hội canh tân hướng đến tự do, công bằng và hòa bình.

Tôi xin chúc Diễn đàn thành công, và tôi khẩn xin Thiên Chúa ban phúc lành cho anh chị em và công việc của anh chị em. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.



© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/5/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét