Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước phái đoàn của Giải thưởng Báo chí Quốc tế “Biagio Agnes”

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước phái đoàn của Giải thưởng Báo chí Quốc tế “Biagio Agnes”
Pope © Vatican Media

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước phái đoàn của Giải thưởng Báo chí Quốc tế “Biagio Agnes”

‘Điều hết sức khẩn thiết là phải có sự nghiên cứu chuyên sâu, so sánh, và nếu cần thiết thà giữ im lặng còn hơn là làm hại một người hay một nhóm người hoặc làm mất đi tính hợp pháp của một sự kiện’

04 tháng Sáu, 2018 14:20

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxico tiếp kiến một phái đoàn của Giải thưởng Báo chí Quốc tế “Biagio Agnes”. Dưới đây là bản dịch của Vatican diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện.

* * *

Các bạn thân mến,

Xin chào mừng! Tôi xin chào và cảm ơn Tiến sĩ Simona Agnes, cùng các thành viên của Đoàn và tất cả quý vị hiện diện ở đây, với những khả năng khác nhau đang giữ những vai trò quan trong truyền thông. Tổ chức xây dựng Giải thưởng này mang tên Biagio Agnes, là một trong những nhà báo nổi tiếng nhất của Ý, là người bảo vệ cho sự phục vụ công chúng, người lặp đi lặp lại vai trò của nhà báo như là người bảo đảm cho nguồn thông tin chính xác, đáng tin, đích thực và đúng lúc.

Qua cách khắc ghi lời dạy của ông, tất cả quý vị cam kết, trước hết với chính bản thân, cho một nền truyền thông đặt sự thật lên trên những lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Ngoài ra, qua sự theo dõi những sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa, bằng giải thưởng này quý vị cho xã hội biết đến những nhà báo xuất chúng trong trách nhiệm thực thi công việc của họ. Quả thật, một nhà báo cũng có liên quan đến việc đào tạo con người, tầm nhìn về thế giới của họ và thái độ của họ khi đứng trước những biến cố. Nó là một công việc đòi hỏi khắt khe, và hiện tại đang trải qua một thời kỳ mang tính đặc thù, về một mặt đó là sự hội tụ kỹ thuật số, về mặt khác là sự biến đổi của truyền thông.

Tôi thường chứng kiến qua các chuyến tông du hoặc các cuộc họp một sự khác biệt trong những cách truyền thông: từ những nhóm làm bản tin truyền hình truyền thống đến những cô, những cậu sử dụng điện thoại di động, biết cách thu thập tin tức cho một cổng thông tin nào đó. Hay thậm chí từ những đài phát thanh truyền thống đến những cuộc phỏng vấn dài được thực hiện bằng một điện thoại di động. Tất cả những điều này cho thấy rằng chúng ta đang trải qua một sự biến đổi quá nhanh về những hình thức và ngôn ngữ thông tin. Thật khó để đi vào được tiến trình biến đổi này, nhưng nó đang ngày càng trở nên cần thiết hơn nếu chúng ta muốn tiếp tục là những nhà giáo dục các thế hệ trẻ. Tôi nói nó khó, và tôi muốn thêm yếu tố thận trọng khôn ngoan vào. Quả thật, “khi truyền thông và thế giới số có mặt ở khắp nơi, sự ảnh hưởng của chúng có thể khiến người ta không còn học cách sống khôn ngoan, suy nghĩ sâu xa và quảng đại yêu thương. Trong bối cảnh này, những hiền nhân vĩ đại trong quá khứ có nguy cơ không còn được lắng nghe giữa những ồn ào và những sự phân tán do lượng thông tin dày đặc” (Tông thư Laudato si’, 47).

Không có công thức nào, nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến ba từ sau: những vùng ngoại biên, sự thật và hy vọng.

Những vùng ngoại biên. Hầu như các trung tâm đầu não truyền thông đều đặt trong các khu trung tâm lớn. Nhưng điều này không bao giờ khiến chúng ta quên đi câu truyện của những người sống rất xa trong các vùng ngoại biên. Có những lúc đó là những câu truyện của sự đau khổ và suy thoái; có những lúc là những câu truyện của tình đoàn kết cao giúp mọi người nhìn vào thực tại theo một cách mới.

Sự thật. Tất cả chúng ta đều biết rằng một nhà báo có trách nhiệm phải viết ra những gì anh ta suy nghĩ, những gì phù hợp với sự hiểu biết theo đúng thông tin và đầy trách nhiệm của một sự kiện. Điều vô cùng cần thiết là phải tự bắt buộc bản thân không rơi vào bẫy của những luận lý lợi ích và hệ tư tưởng nghịch lại. Ngày nay, trong một thế giới nơi mọi sự đi qua rất nhanh, điều hết sức khẩn thiết là phải có sự nghiên cứu chuyên sâu, so sánh, và nếu cần thiết thà giữ im lặng còn hơn là làm hại một người hay một nhóm người hoặc làm mất đi tính hợp pháp của một sự kiện. Tôi biết điều này rất khó, nhưng câu truyện của một cuộc đời sẽ được hiểu vào phút cuối, và điều này giúp chúng ta trở nên can đảm và mang tính tiên tri.

Hy vọng. Đó không phải là kể về một thế giới không có những vấn đề: như vậy là ảo tưởng. Đó là việc mở ra những không gian hy vọng đồng thời tố cáo những hoàn cảnh suy thoái và tuyệt vọng. Một ký giả không được hài lòng với sự việc đơn thuần của một biến cố được tường thuật. Tùy theo trách nhiệm tự do và ý thức của mình, người ký giả có trách nhiệm phải giữ một lối thoát, tức là sự hy vọng.

Tôi xin kết luận bằng việc nhắc lại một trong những sáng kiến mà Tổ chức Biagio Agnes đang thực hiện, nhờ sự kiên trì của vị chủ tịch: Diễn đàn Giáo dục Khoa học, “Check-Up for Italy”, một dự án xuất phát từ ý tưởng của ngài Biagio Agnes, với mục tiêu phát triển các vấn đề khoa học và y khoa qua những thông tin chính xác để phản bác lại sự phát tán mạnh những thông tin “DIY” (do-it-yourself = tự làm) và những thông tin mơ hồ mà chúng ta ngày càng tìm thấy nhan nhản trên web và nó thu hút sự chú ý của công chúng nhiều hơn cả khoa học. Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa đã kết thúc một hội nghị quốc tế về các vấn đề này tuần trước. Liên quan đến vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng “cần phải có một sự tranh luận mang tính xã hội và khoa học có trách nhiệm ở diện rộng, một cuộc tranh luận đủ khả năng suy xét kỹ tất cả mọi thông tin đang có và có khả năng gọi tên mọi thứ. Đôi khi thông tin trọn vẹn lại không được đưa lên bàn thảo luận; người ta đưa ra những chọn lọc trên nền tảng của những lợi ích cụ thể, hoặc thuộc kinh tế chính trị hoặc ý thức hệ” (Tông thư Encyclical Letter Laudati si’, 135).

Một lần nữa tôi cảm ơn quý vị và xin chúc mừng những vị đã đạt được giải thưởng. Và xin cầu nguyện cho tôi.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/6/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét