Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Các Điều Răn & Giữ Ngày của Chúa

TIẾP KIẾN CHUNG: Các Điều Răn & Giữ Ngày của Chúa
© Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Các Điều Răn & Giữ Ngày của Chúa

‘Đó là thời gian để chiêm ngưỡng thực tại và nói: cuộc sống thật đẹp biết bao!…’

05 tháng Chín, 2018 10:11

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Các Điều Răn, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về ngày nghỉ ngơi (trích đoạn Kinh Thánh trong Sách Xuất hành 20:8-11).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hành trình qua Mười Điều Răn hôm nay đưa chúng ta đến với Điều Răn về ngày nghỉ ngơi. Nó có vẻ là một mệnh lệnh dễ thực hiện, tuy nhiên, đó là một cảm giác không đúng. Nghỉ ngơi thật sự không đơn giản, vì có sự nghỉ ngơi giả tạo và có sự nghỉ ngơi thật sự. Làm sao để phân biệt được?

Xã hội hôm nay đang khát những sự giải trí và các kỳ nghỉ hè. Ngành công nghiệp giải trí đang nở rộ và quảng cáo rầm rộ những mô hình biến thế giới thành như một công viên giải trí khổng lồ trong đó tất cả chúng ta đều được thỏa mãn nhu cầu vui chơi. Khái niệm về cuộc sống đang thống trị ngày nay không đặt nặng trọng tâm vào hoạt động và sự cam kết nhưng đặt nặng vào sự lẩn tránh. Kiếm tiền để rồi có thời gian thoải mái, để được thỏa mãn. Một hình ảnh mẫu đưa ra đó là một con người thành đạt cho phép mình được hưởng những không gian khoái lạc mênh mông và đa dạng. Tuy nhiên, một trạng thái tâm lý như vậy sẽ làm cho con người rơi vào tình trạng bất mãn với chính lối sống bị làm tê liệt, vì những lạc thú không bao giờ cho con người được nghỉ ngơi, nhưng làm họ xa lánh và bay biến ra khỏi thực tại. Con người chưa bao giờ nghỉ nhiều như ngày nay, tuy nhiên con người cũng chưa bao giờ trải nghiệm quá nhiều sự trống rỗng như ngày nay! Cơ hội có thời gian vui thú, đi chơi, du ngoạn trên biển, du lịch, rất nhiều điều chẳng bao giờ lấp đầy được tâm hồn. Và còn gì nữa, chúng không cho người ta sự nghỉ ngơi.

Những lời trong Mười Điều Răn tìm kiếm ra trung tâm của vấn đề, đưa ra một ánh sáng khác về ý nghĩa của sự nghỉ ngơi. Điều Răn này có một yếu tố khác thường: nó đưa ra một động lực. Nghỉ ngơi nhân danh Chúa có một động cơ vô cùng đặc biệt: “Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh” (Xh 20:11).

Điều này nói về ngày cuối của Công trình Tạo dựng, khi Thiên Chúa phán: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1:31). Và rồi ngày nghỉ ngơi bắt đầu, đó chính là niềm vui của Thiên Chúa vì tất cả những gì Người đã tạo dựng nên. Đó là ngày chiêm ngắm và chúc phúc.

Vậy theo Điều răn này nghỉ ngơi là gì? Đó là khoảng thời gian chiêm ngắm; đó là khoảng thời gian ngợi khen, không phải thời gian để lẩn tránh. Đó là thời gian để chiêm ngưỡng thực tại và nói: cuộc sống thật đẹp biết bao! Điều Răn phản đối lại cách nghỉ ngơi như là cách thoát khỏi thực tại, vì nó là sự chúc phúc của thực tại. Đối với người Ki-tô hữu chúng ta, trung tâm ngày của Chúa, Chúa nhật, đó là Thánh Lễ, có nghĩa là “tạ ơn.” Đó là ngày chúng ta thưa với Chúa: cảm tạ Chúa vì cuộc sống, vì lòng thương xót của Người, vì tất cả những ân ban của Người. Chúa nhật không phải là ngày quên đi tất cả những ngày khác trong tuần nhưng là để nhớ lại chúng, chúc phúc cho chúng và tạo bình an cho cuộc sống. Có không biết bao nhiêu người có quá nhiều cơ hội để hưởng thụ giải trí, nhưng lại không sống bình an với cuộc sống! Chúa nhật là ngày để tạo sự bình an với cuộc sống, bằng cách nói rằng: cuộc sống thật quý giá; điều đó không hề dễ dàng, đôi khi nó đau nhói, nhưng nó rất quý giá.

Để hiểu được sự nghỉ ngơi đích thực đó là công việc của Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta, nhưng nó đòi buộc chúng ta phải giũ bỏ khỏi mình sự nguyền rủa và sự mê hoặc của nó (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 83). Quả thật, để tâm hồn gục ngã trước những sự bất hạnh, những nguyên do căng thẳng tạo bất mãn, là rất dễ dàng. Chúc phúc và vui mừng có nghĩa là mở lòng trước những điều tốt lành, đó là hành động trưởng thành của tâm hồn. Sự tốt lành đó là yêu thương và không bao giờ áp đặt đối với chính nó. Nó là một sự lựa chọn. Bình an là một sự lựa chọn; không thể áp đặt nó và không thể tìm thấy nó một cách ngẫu nhiên. Thoát ly bản thân khỏi những vết rạn nứt cay đắng của tâm hồn, con người cần phải tạo sự bình an với chính điều mà họ chạy trốn. Rất cần phải hòa giải con người với lịch sử của chính mình, với những sự thật không được chấp nhận, với những thời gian khó khăn trong cuộc sống của con người. Cha muốn hỏi anh chị em: có ai trong anh chị em đã hòa giải với chính lịch sử của mình không? Đây là một câu hỏi để anh chị em suy nghĩ: tôi đã hòa giải bản thân tôi với lịch sử của tôi chưa? Quả thật, sự bình an đích thực không phải là thay đổi lịch sử của một con người nhưng là chấp nhận nó và đánh giá đúng nó, đúng như nó diễn ra.

Đã không biết bao nhiêu lần chúng ta gặp được những bệnh nhân Ki-tô hữu an ủi chúng ta bằng một sự bình an sâu thẳm không thể tìm thấy nơi những người luôn đi tìm thú vui hoặc nơi những người theo chủ nghĩa hưởng lạc! Và chúng ta chứng kiến những con người khiêm nhường và nghèo nàn hân hoan đón nhận những ơn sủng bằng một niềm hạnh phúc vì hiểu được sự bất diệt.

Chúa nói trong Sách Đệ Nhị Luật: “Tôi đã đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống” (30:19). Sự lựa chọn này có trong lời “xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria, nó mở lòng ra để đón nhận Chúa Thánh Thần, Đấng đặt chúng ta vào những bước chân của Đức Ki-tô, là Đấng đã phó thác tuyệt đối cho Chúa Cha ngay cả trong thời khắc nguy nan nhất và từ đó bước vào con đường dẫn đến sự phục sinh.

Khi nào cuộc sống trở nên đẹp đẽ? Đó là khi con người bắt đầu nghĩ tốt về nó, cho dù lịch sử của chúng ta có thế nào đi nữa. Khi món quà của sự hoài nghi lại mở ra con đường trọn vẹn cho ơn sủng,[1] và khi tư tưởng thánh thiện đập tan bức tường bất mãn bên trong để bắt đầu sự nghỉ ngơi đích thực. Cuộc sống trở nên đẹp đẽ khi tâm hồn rộng mở trước Đấng Quan Phòng và con người thật sự khám phá được ý nghĩa câu Thánh vịnh nói: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (62:1). Câu này của Thánh vịnh đẹp vô cùng: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[1] As Saint Therese of the Child Jesus reminds us, taken up by G. Bernanos, Diary of a Country Priest, Milan, 1965.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/9/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét