Zenit Photo - By Deborah Castellano Lubov
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Tuyên phong Thánh Đức Phaolo VI, đức Oscar Romero & 5 vị thánh khác (TOÀN VĂN)
‘Chúa Giê-su trao tặng tất cả và Người đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý: Người trao tặng một tình yêu tuyệt đối và Người đòi lại một trái tim trọn vẹn. Như hôm nay Người trao tặng thân mình Ngài cho chúng ta dưới hình bánh hằng sống; vậy chúng ta có thể trao lại cho Người những mảnh vụn được không?
14 tháng Mưới, 2018 09:58
Sáng nay trong Quảng trường Thánh Phê-rô, trước đám đông gần 80.000 người, Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế Thánh Lễ tuyên phong Thánh cho bảy vị thánh.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài giảng của Đức Thánh Cha của Vatican:
***
Bài đọc hai hôm nay nói cho chúng ta biết rằng “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi (Dt 4:12). Quả thật là như vậy: Lời Chúa không chỉ đơn thuần là một loạt những sự thật hay một trình thuật giáo huấn tâm hồn; không – đó là lời hằng sống đụng chạm đến đời sống của chúng ta, biến đổi đời sống của chúng ta. Ở đó, Chúa Giê-su bằng con người thật, Lời hằng sống của Thiên Chúa, nói với tâm hồn chúng ta.
Đặc biệt, Tin mừng mời gọi chúng ta đến gặp gỡ với Chúa, sau câu chuyện của “người thanh nhiên”, anh ta “chạy đến với Người” (x. Mc 10:17). Chúng ta có thể nhận thấy mình trong hình ảnh người thanh niên này, văn bản Kinh Thánh không cho biết tên anh ta, dường như muốn nói rằng anh ta có thể đại diện cho mỗi người chúng ta. Anh ta hỏi Chúa Giê-su làm sao “để được sự sống đời đời” (c. 17). Anh ta đang đi tìm kiếm sự sống trường sinh, một sự sống trọn vẹn: có ai trong chúng ta lại không muốn điều này? Tuy nhiên, chúng ta để ý thấy rằng anh ta xin điều này giống như là một sự thừa tự, như một ích lợi có thể đạt được, có thể giành được bằng những nỗ lực riêng của anh ta. Quả thật, để có được điều tốt lành này, anh ta đã tuân giữ các điều răn từ khi còn nhỏ và để có được như vậy anh ta đã làm theo những người khác; và vì thế anh ta mới hỏi: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”
Câu trả lời của Chúa Giê-su làm người thanh niên này ngạc nhiên. Chúa nhìn theo anh ta và đem lòng yêu mến (x. c. 21). Chúa Giê-su thay đổi cách nhìn: từ việc thi hành các điều răn để đạt được một phần thưởng, sang một tình yêu trọn vẹn và hoàn toàn thoát khỏi mọi trở ngại. Người thanh niên đó đang nói theo cách cung và cầu, Chúa Giê-su đề nghị cho anh ta một câu chuyện tình yêu. Anh ta chuyển từ sự thi hành lề luật sang ơn huệ cho bản thân, từ việc làm cho bản thân sang việc được ở bên Chúa. Và Chúa đề nghị cho người thanh niên một đời sống với thái độ rất dứt khoát: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, … rồi hãy đến theo tôi” (c. 21). Cả với anh chị em nữa, Chúa Giê-su nói: “Hãy đến, và theo tôi!” Hãy đến: đừng đứng im tại chỗ, vì nếu theo Chúa Giê-su bằng cách không làm điều xấu là chưa đủ. “Hãy theo tôi”: đừng theo chân Chúa theo cách tùy hứng, nhưng phải tìm kiếm Người mỗi ngày; đừng chỉ thỏa mãn với việc giữ các điều răn, làm một chút bố thí và đọc vài câu kinh: hãy tìm kiếm nơi Người một Thiên Chúa là Đấng mãi mãi yêu thương anh chị em; hãy tìm kiếm nơi Đức Giê-su một Thiên Chúa là Đấng mang đến ý nghĩa cho cuộc đời anh chị em, một Thiên Chúa Đấng ban cho anh chị sức mạnh để cho đi bản thân.
Và Chúa Giê-su nhắc lại: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo.” Chúa không tranh luận các lý thuyết về giàu và nghèo, nhưng đi thẳng vào cuộc sống. Người đòi hỏi anh chị em phải bỏ lại sau lưng những gì đè nặng tâm hồn, trút bỏ khỏi tâm hồn những gánh nặng vật chất để dành chỗ cho Người, là Đấng tốt lành duy nhất. Chúng ta không thể nào thật sự theo Chúa Giê-su khi chúng ta bị đè nặng bởi của cải vật chất. Vì nếu tâm hồn chúng ta đầy những thứ thuộc thế gian, thì sẽ không còn chỗ cho Chúa, Đấng là sự lựa chọn duy nhất giữa mọi điều. Vì lý do này, của cải là mối nguy hiểm và – như Chúa Giê-su nói – thậm chí sẽ gây khó khăn cho ơn cứu độ của chúng ta. Không phải vì Thiên Chúa khắt khe lạnh lùng. Không phải vậy! Vấn đề thuộc về phía chúng ta: chúng ta có quá nhiều, lòng muốn của chúng ta quá lớn bóp nghẹt tâm hồn chúng ta và khiến chúng ta không thể yêu thương. Vì thế, Thánh Phaolo viết rằng “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10). Chúng ta nhìn thấy điều này ở nơi nào tiền bạc được đặt vào trung tâm, không có chỗ cho Chúa cũng chẳng có chỗ con con người.
Chúa Giê-su rất dứt khoát. Người trao tặng tất cả và Người đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý: Người trao tặng một tình yêu tuyệt đối và Người đòi lại một trái tim trọn vẹn. Như hôm nay Người trao tặng thân mình Ngài cho chúng ta dưới hình bánh hằng sống; vậy chúng ta có thể trao lại cho Người những mảnh vụn được không? Người đã biến mình thành người phục vụ chúng ta và thậm chí bước lên thập giá vì chúng ta, thì chúng ta không thể đáp lại cho Người chỉ bằng cách thi hành một vài điều răn. Chúng ta cũng không thể dành cho Ngài, là Đấng đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, một chút thời gian dư thừa nào đó. Chúa Giê-su không hài lòng với một “tình yêu tính theo phần trăm”: chúng ta không thể dành cho Ngài hai mươi hay năm mươi hoặc sáu mươi phần trăm. Hoặc là tất cả hoặc là không gì cả.
Anh chị em thân mến, tâm hồn chúng ta cũng giống một thanh nam châm: bản thân nó bị hút bởi tình yêu, nhưng cùng một lúc nó chỉ có thể bám vào một ông chủ nên nó phải lựa chọn: hoặc là nó sẽ yêu mến Thiên Chúa hoặc là nó sẽ yêu chuộng gia tài của thế gian (x. Mt 6:24); hoặc là nó sẽ sống cho tình yêu hoặc nó sẽ sống cho bản thân (x. Mc 8:35). Chúng ta hãy tự chất vấn xem mình đang ở đâu trong câu chuyện tình yêu với Thiên Chúa. Có phải chúng ta tự thỏa mãn trong cách thi hành một vài điều răn hay chúng ta đi theo Chúa Giê-su như những người yêu say đắm, sẵn sàng bỏ lại mọi thứ để bước theo Ngài? Chúa Giê-su yêu cầu mỗi người chúng ta và tất cả chúng ta là một Giáo hội phải cùng lên đường tiến bước: có phải chúng ta là một Giáo hội chỉ rao giảng những điều răn tốt lành hay là một Giáo hội như một hiền thê, dấn thân tiến bước trong tình yêu với Thiên Chúa? Chúng ta có thật sự theo Ngài hay chúng ta lại quay trở về với những con đường của trần gian, như người thanh niên trong Tin mừng? Nói tóm lại, Chúa Giê-su đã đủ cho chúng ta chưa hay chúng ta còn đi tìm kiếm nhiều sự an toàn khác của trần gian? Chúng ta hãy cầu xin được ơn luôn can đảm dám bỏ lại đằng sau mọi thứ chỉ vì yêu Chúa: bỏ lại đằng sau mọi của cải và khát khao địa vị và quyền lực, hoặc những cơ cấu không thích hợp cho việc loan báo Tin mừng, những gánh nặng làm chậm lại con đường sứ mạng của chúng ta, những sợi dây trói buộc chúng ta với trần gian. Nếu không có một bước tiến mạnh trong tình yêu, thì đời sống của chúng ta và Giáo hội của chúng ta trở nên ốm yếu với “bệnh tự mãn và đam mê trần gian” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 95): chúng ta tìm thấy niềm vui trong những thỏa mãn chóng qua, chúng ta nhốt mình vào trong những lời đồn thổi vô ích, chúng ta yên vị trong một đời sống Ki-tô hữu đơn điệu không có sức bật, một đời sống mà tính tự kỷ ái mộ khỏa lấp sự buồn bã của một đời sống không trọn vẹn.
Đây chính là tình trạng của người thanh niên kia, là người “buồn rầu bỏ đi” (c. 22) – như Tin mừng kể cho chúng ta biết. Anh ta bị bó chặt vào những quy tắc của lề luật và những của cải của anh ta; anh ta không hiến dâng trọn vẹn trái tim mình. Cho dù anh ta đã gặp được Chúa Giê-su và đón nhận được ánh mắt nhìn yêu thương của Ngài, người thanh niên đó vẫn ra đi buồn bã. Sự buồn bã là minh chứng của một tình yêu không trọn vẹn, là dấu hiệu của một trái tim lạnh nhạt. Ngược lại, một tâm hồn không bị đè nặng bởi những của cải, một tâm hồn dành trọn tình yêu cho Thiên Chúa, sẽ luôn rạng ngời niềm vui, một niềm vui mà ngày nay đang rất cần. Thánh Giáo hoàng Phaolo VI viết: “Quả thật giữa bao thống khổ của mình, con người thời đại của chúng ta cần phải biết được niềm vui, phải nghe được bài ca của nó” (Gaudete in Domino, I). Hôm nay Chúa Giê-su mời gọi chúng ta quay trở về với nguồn mạch của niềm vui, đó chính là sự gặp gỡ với Người, một lựa chọn dũng cảm dám bỏ qua tất cả để theo Người, sẵn sàng bỏ lại mọi thứ để ôm lấy con đường của Người. Các thánh đã đi theo con đường này.
Đức Phaolo VI cũng đã làm như vậy, noi theo tấm gương của Thánh Tông đồ mà ngài chọn tên hiệu. Cũng như Thánh Tông đồ, Đức Phaolo VI dành trọn cuộc đời cho Tin mừng của Đức Ki-tô, vượt qua những biên giới và trở nên chứng nhân cho Tin mừng trong công cuộc rao giảng và đối thoại, một ngôn sứ của một Giáo hội hướng ra ngoài, hướng đến những người ở xa xôi và chăm sóc người nghèo. Ngay cả giữa những mỏi mệt và hiểu lầm, Đức Phaolo VI vẫn nhiệt thành làm chứng tá cho vẻ đẹp và niềm vui của việc toàn tâm toàn ý theo chân Chúa Ki-tô. Hôm nay ngài vẫn thúc giục chúng ta sống ơn gọi chung: tức là tiếng gọi mọi người nên thánh, cùng với Công Đồng Chung trong đó ngài là vị lãnh đạo thông thái. Không có sự nửa vời, nhưng là dứt khoát tuyệt đối để nên thánh. Thật tuyệt vời là hôm nay cùng với ngài và những tân thánh nhân khác, có Đức Tổng Giám mục Romero, người đã bỏ qua sự an toàn của trần gian, ngay cả đối với sự an toàn của bản thân, để cho đi sự sống theo Tin mừng, gần gũi với người nghèo và đoàn chiên của ngài, với tâm hồn luôn hướng về Chúa Giê-su và anh chị em của ngài. Chúng ta cũng có thể kể tương tự như vậy về Thánh Francesco Spinelli, Thánh Vincenzo Romano, Thánh Maria Caterina Kasper, Thánh Nazaria Ignazia Teresa of Jesus, và vị Thánh trẻ quê hương ở Naples của chúng ta là Nunzio Sulprizio. Tất cả những vị thánh này, trong các bối cảnh khác nhau, nhưng đã đem Lời Chúa hôm nay ra thực hành trong cuộc sống, không hờ hững, không tính toán, nhưng với lòng say mê dám dấn thân và bỏ lại tất cả.
[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/10/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét